Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

XÁC ĐỊNH VÀ BẢO VỆ PHÁT TRIỂN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xác định vùng đủ điều kiện yêu cầu về canh tác hữu cơ trong sản xuất trồng trọt tại các vùng sinh thái khác nhau nhằm ban hành quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Cần Thơ.

- Bảo vệ và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở những nơi có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ và TCVN 11041- 1:2017, TCVN 11041-2:2017.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ trên một số cây trồng như: cây lúa, cây ăn trái và rau màu nhằm ban hành quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Cần Thơ.

- Kiểm tra, giám sát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hàng năm theo quy định vùng canh tác hữu cơ.

- Xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên 03 loại cây trồng là lúa, cây ăn trái và rau màu.

- Phấn đấu đến năm 2025, đạt và duy trì 250 ha lúa, 50 ha cây ăn trái và 10 ha rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH

1. Xác định vùng canh tác hữu cơ

a) Điều tra, khảo sát và xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm lựa chọn, xác định được vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ.

- Nội dung thực hiện: Tổ chức điều tra khảo sát nông dân tại vùng sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái.

- Phương pháp thực hiện:

+ Điều tra số liệu sơ cấp: Tham vấn cộng đồng, điều tra, phỏng vấn nông dân tại vùng sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái.

+ Số liệu thứ cấp: Tổng hợp, thu thập số liệu từ báo cáo, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn của quận, huyện và thành phố Cần Thơ; số liệu báo cáo khoa học từ các đề tài, dự án, chương trình, ...

- Địa điểm thực hiện:

+ Vùng sản xuất lúa: Điều tra, khảo sát tại 06 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền (1 cuộc điều tra/năm; 270 phiếu/cuộc).

+ Vùng sản xuất cây ăn trái: Điều tra, khảo sát tại 07 quận, huyện: các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy và huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ (01 cuộc điều tra/năm; 210 phiếu/cuộc).

+ Vùng sản xuất rau màu: Điều tra, khảo sát tại 05 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai (01 cuộc điều tra/năm; 150 phiếu/cuộc).

- Phương pháp điều tra: Điều tra bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp và trả lời bảng câu hỏi phỏng vấn bằng phiếu điều tra soạn sẵn.

- Thời gian thực hiện: Điều tra, khảo sát trong 03 năm đầu thực hiện kế hoạch.

b) Khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất nước và sản phẩm: Nhằm xác định được vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ.

- Nội dung thực hiện

+ Thuê đơn vị tư vấn để khảo sát địa hình, xác định vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ. Thực hiện vẽ bản đồ vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

+ Phân tích mẫu đất, nước trước và sau khi thực hiện mô hình trên 3 loại cây trồng (lúa, cây ăn trái, rau màu) theo quy định hiện hành để có cơ sở đưa ra các giải pháp thực hiện mô hình.

+ Phân tích mẫu sản phẩm theo quy định hiện hành để đánh giá chất lượng sản phẩm, đánh giá hiệu quả của mô hình.

- Địa điểm thực hiện:

+ Vùng sản xuất lúa: tại 06 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền.

+ Vùng sản xuất cây ăn trái: tại 07 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Cờ Đỏ và Thới Lai.

+ Vùng sản xuất rau màu: tại 05 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai.

c) Sản phẩm: Báo cáo kết quả khảo sát vùng canh tác hữu cơ đạt theo quy định làm cơ sở hưởng chính sách theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ.

2. Phát triển vùng canh tác hữu cơ

a) Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật cấp thành phố, huyện, xã về sản xuất hữu cơ: Tổ chức đào tạo, phổ biến, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn hiện hành về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố trong thời gian tới.

Nội dung thực hiện: Tổ chức đào tạo hàng năm trên 3 loại cây trồng (lúa, cây ăn trái và rau màu); quy mô: 45 lớp/5 năm; 20 người/lớp; 02 ngày/lớp.

Địa điểm thực hiện: quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm (2021 - 2025).

b) Xây dựng và phát triển vùng canh tác hữu cơ: Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật, phổ biến, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn hiện hành về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm giúp nông dân từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần gia tăng thu nhập cho người sản xuất.

Nội dung thực hiện: Tổ chức tập huấn nông dân và thực hiện mô hình trình diễn trong vùng sản xuất định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ trên 3 loại cây trồng: lúa, cây ăn trái, rau màu. Thuê đơn vị tư vấn để thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo quy định hiện hành, dự kiến mỗi năm chứng nhận cho 50 ha lúa, 10 ha cây ăn trái và 02 ha rau màu. Trên cơ sở đó, xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên 03 loại cây trồng trên.

Địa điểm thực hiện: Các quận, huyện thực hiện kế hoạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm (2021 - 2025).

3. Thông tin tuyên truyền

Mục tiêu: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, phổ biến các thông tin về quy trình sản xuất và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố.

- Nội dung thực hiện:

+ Hội nghị triển khai kế hoạch và tổng kết: Tổ chức hàng năm nhằm triển khai kế hoạch thực hiện trong năm và tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp thực hiện trong năm tiếp theo. Quy mô: 10 cuộc/5 năm; 50 người/cuộc, 01 ngày/cuộc.

+ Hội nghị tuyên truyền: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về Kế hoạch xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ và kết quả đạt được nhằm mở rộng diện tích, quy mô thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ. Quy mô: 5 cuộc/5 năm; 50 người/cuộc; 01 ngày/cuộc.

+ Hội thảo khoa học: Tổ chức 05 cuộc hội thảo khoa học trong 5 năm thực hiện kế hoạch (01 cuộc/năm), nhằm lấy ý kiến xác định vùng canh tác hữu cơ và công bố vùng canh tác hữu cơ để điều chỉnh và bổ sung vào kế hoạch thực hiện hàng năm.

+ Hội thảo liên kết doanh nghiệp: Tổ chức 10 cuộc hội thảo liên kết doanh nghiệp trong 5 năm thực hiện kế hoạch (02 cuộc/năm), nhằm mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Quy mô: 10 cuộc/5 năm; 50 người/cuộc, 01 ngày/cuộc.

+ In poster, leaflet, sổ nhật ký, prochure giới thiệu các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ: In 2.500 poster, 25.000 leaflet, 25.000 sổ nhật ký, 2.500 prochure trong 05 năm thực hiện kế hoạch.

+ Hỗ trợ bao bì sản phẩm hữu cơ: Mỗi năm in 15.000 bao bì nhằm hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm hữu cơ.

+ Báo: Thực hiện 60 kỳ đăng báo (01 kỳ/tháng, 12 kỳ/năm) trong 05 năm thực hiện kế hoạch nhằm thông tin tuyên truyền về kết quả thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng.

+ Phóng sự, tọa đàm: Nhằm tuyên truyền kết quả thực hiện Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến Ban ngành, đoàn thể và nông dân sản xuất trong và ngoài thành phố.

- Thời gian thực hiện: 05 năm (2021 - 2025).

4. Tham quan học tập

Mục tiêu: Giúp nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất để thực hiện tốt các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ trên các loại cây trồng.

- Nội dung thực hiện: Tổ chức 10 cuộc tham quan học tập trong và ngoài thành phố trong 05 năm thực hiện kế hoạch.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Thời gian thực hiện kế hoạch là 05 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Kế hoạch xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 là 23.037.195.000 đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách thành phố: 18.874.155.000 đồng.

- Vốn đối ứng của nông dân: 4.163.040 đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng quy định.

- Phối hợp với địa phương thành lập Ban vận động sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ; thực hiện vẽ bản đồ vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ.

- Phối hợp với Sở Công Thương trong công tác lựa chọn, mời doanh nghiệp tham gia liên kết cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng canh tác hữu cơ; triển khai các nội dung thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ của thành phố.

- Hàng năm, căn cứ văn bản đề nghị và kết quả đánh giá nội bộ của các cơ sở (doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất) trên địa bàn thành phố, lựa chọn tổ chức chứng nhận theo quy định, làm căn cứ tổng hợp kinh phí hỗ trợ chi phí chứng nhận.

- Hàng năm, căn cứ nhu cầu của các cơ sở (doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình) trên địa bàn thành phố về hỗ trợ kinh phí xác định vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn hiện hành; thực hiện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ kinh phí theo quy định.

- Hàng năm, căn cứ kế hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp thẩm quyền bố trí thực hiện.

- Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự toán kinh phí, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí triển khai thực hiện theo quy định.

3. Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn thành phố, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác lựa chọn, mời doanh nghiệp tham gia liên kết cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại các mô hình.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Tăng cường triển khai Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thành phố Cần Thơ đối với các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, khuyến khích người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn.

6. Hội Nông dân thành phố, Liên minh Hợp tác xã thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của nông dân trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết. Đồng thời, hỗ trợ tuyên truyền, vận động hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng.

7. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn cơ sở tham gia mô hình.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, xác định vùng đủ điều kiện canh tác hữu cơ; triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan liên quan chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- TT. Thành ủy;
- CT, PCT UBND thành phố (1AD);
- UBMTTQ Việt Nam thành phố và các Đoàn thể;
- Sở, ban ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- VP. UBND thành phố (2B,3B);
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT.HN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2020 về xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 144/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/11/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản