Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/KH-UBND | Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08-CT/TU NGÀY 26/5/2016 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ VÀ VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THỦ ĐÔ
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Tạo sự chuyển biến thật sự rõ nét về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô trên cơ sở phát huy, kế thừa những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.
- Cụ thể hóa những nội dung triển khai thực hiện của Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.
2. Yêu cầu:
- Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU và Kế hoạch này phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVI và các chủ trương, chính sách của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố.
- Tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô; Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan, địa phương, đơn vị và nhân dân trong việc thực hiện nội dung Kế hoạch bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân đối với công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.
II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM
Việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Thủ đô tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị:
- Đề nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước và của Thành phố về quản lý đô thị, gắn với triển khai tốt các phong trào như: xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người tốt, việc tốt”; duy trì nề nếp công tác vệ sinh tại các tuyến đường, tuyến phố; xây dựng các mô hình tuyến phố tự quản “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; “Văn hóa giao thông”. Phát huy vai trò giám sát cộng đồng, đối với các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và của Thành phố.
- Các báo, đài Trung ương và Thành phố: Tập trung tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tăng chuyên trang, chuyên mục, tin bài tuyên truyền về trật tự và văn minh đô thị; phổ biến, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố.
- Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan: Tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác hạ ngầm, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi theo phương thức xã hội hóa (Thực hiện quản lý, khai thác và bảo dưỡng vận hành).
- Sở Giao thông vận tải phối hợp với các báo, đài Trung ương và Thành phố: Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là giao thông đường bộ. Lên án những hành vi vi phạm về giao thông gây bức xúc trong dư luận.
- Các Sở, ngành, chính quyền các cấp căn cứ nội dung Kế hoạch này xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị.
2. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự đô thị; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường:
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các cấp rà soát, cập nhật các nội dung quy hoạch theo Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; Điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với thực tế; Tiếp tục hoàn thành và tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc...) và các quy hoạch chuyên ngành còn thiếu. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch. Phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, ban hành các mẫu biển quảng cáo, mẫu mái che mái vẩy để các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
- Sở Xây dựng: Hoàn chỉnh các quy định về cấp phép xây dựng, tiến tới tất cả các công trình trong đô thị phải được cấp phép xây dựng 100%; các khu vực nông thôn nơi đã có quy hoạch phân khu được cấp phép 100%; các khu vực đất nông nghiệp, đất rừng và đất công không để xảy ra tình trạng xây dựng vi phạm pháp luật
Phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả trong việc kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch; Giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch. Không để phát sinh những công trình xây dựng “siêu mỏng, siêu méo” gây mất mỹ quan đô thị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân.
- Các Sở Văn hóa và Thể thao, Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND các cấp: Rà soát, sắp xếp lại hệ thống biển quảng cáo, quảng cáo rao vặt, quản lý vỉa hè, lòng đường, nhất là ở các tuyến phố mới...
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hiệu quả; Hoàn thành dự án Xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố; Xây dựng hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai điện tử; Tăng cường quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm luật đất đai.
Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường; Đầu tư hệ thống quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải, không khí, tiếng ồn trên địa bàn Thành phố. Từng bước hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, khói, bụi, môi trường nước tự động tại các khu vực ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, nâng cao năng lực dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phục vụ hiệu quả công tác quản lý; Xây dựng chương trình bảo vệ môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích …; Tiếp tục lập kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở không phù hợp quy hoạch đô thị;
3. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố, tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội:
- Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trước hết là áp dụng quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy trình bình xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Làng văn hóa, Cơ quan văn hóa đảm bảo thực chất, không hình thức.
- Các Sở, ngành, UBND các cấp: Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của nếp sống công nghiệp, hiện đại; xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa nơi công sở, nơi công cộng, trong cộng đồng, trên đường phố và các hoạt động tổ chức lễ hội.
4. Tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng quy chuẩn, hiện đại:
- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Thực hiện rà soát, hiệu chỉnh Quy hoạch cấp nước Thành phố với mục đích tăng cường sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm, phân vùng cấp nước.
- Nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển; tổng hợp, đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các bộ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng nguồn sáng LED lắp đặt trên địa bàn Thành phố, báo cáo UBND Thành phố. Rà soát, nghiên cứu tổng thể và khẩn trương hoàn thiện đề xuất Dự án thay thế hệ thống đèn chiếu sáng đô thị bằng hệ thống đèn LED tiết kiệm điện, theo hướng xã hội hóa; báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8 năm 2016.
- Lựa chọn các đơn vị có năng lực để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, hạ ngầm, bó gọn đường dây, cáp điện.
- Đầu tư xây dựng hệ thống vườn ươm, đảm bảo cung cấp, phục vụ kịp thời các dự án đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa và thực hiện Kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh của Thành phố; xây dựng Đề án phát triển cây xanh (tăng tầng cây xanh kết hợp tầng cây hoa tạo cảnh quan, điểm nhấn đô thị từng tuyến đường, khu vực, khu vui chơi).
- Sở Thông tin và Truyền thông: Từng bước xây dựng đồng bộ, hiện đại và ứng dụng công nghệ tiên tiến; Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ đô thị thông minh; Đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại và chia sẻ, sử dụng chung cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội của Thành phố.
- Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị Điện lực: Thực hiện đầu tư xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật phân điện (bao gồm các dự án cấp 220 kV, 500 kV và lưới điện 110 kV) đủ mạnh để định hình cho những năm tiếp theo khi Thành phố phát triển; Khắc phục được tình trạng quá tải lưới điện cao áp 500kV, 220kV, 110kV; Đáp ứng ổn định nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố trong những năm tới.
- UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương hoàn thiện đề án chỉnh trang các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm; lựa chọn một số tuyến phố trên địa bàn Quận làm điểm để nhân rộng việc xây dựng tuyến phố kiểu mẫu thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị.
- Sở Giao thông vận tải: Tăng cường phương tiện giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân. Tăng các điểm để xe tại các không gian ngầm. Sắp xếp, tổ chức lại các điểm trông giữ xe, không để tình trạng thu phí không đúng quy định. Xử phạt nghiêm minh, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần.
- Thường xuyên rà soát việc phân luồng, bố trí hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông hợp lý và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
- Đề xuất đầu tư xây dựng các dự án theo lộ trình để từng bước hoàn thành hệ thống hạ tầng khung. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm (nút giao, công trình cầu vượt) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù.
- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp: Chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác ra đường, tập kết rác đúng giờ, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vứt, đổ rác ra hè, lòng đường.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu gom, vận chuyển kịp thời rác thải theo hướng sử dụng phương tiện cơ giới hóa trong việc thu gom, quét, hút, không để rác tồn đọng trong ngày trên các tuyến đường, tuyến phố, vỉa hè, khu dân cư. Đẩy mạnh phong trào tổng vệ sinh hàng tuần tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình duy trì vệ sinh môi trường đảm bảo lòng đường, vỉa hè luôn sạch sẽ, không có nước đọng, rác thải; các xe chở rác phải đảm bảo sạch, kín, không để phát sinh mùi, chảy nước thải ra đường. Thực hiện đúng quy định về thời gian thu gom, vận chuyển rác thải. Rà soát, nghiên cứu xây dựng các điểm trung chuyển rác, loại bỏ các bốt chứa rác, các điểm trung chuyển rác mất mỹ quan đô thị trên các hè phố.
- Tăng cường thực hiện các giải pháp chống bụi trên các tuyến phố, đặc biệt là các trục đường có công trình xây dựng, có xe vận chuyển vật liệu, phế thải, đất thải hoạt động; có chế tài xử lý nghiêm đối với các xe chở vật liệu, đất thải, phế thải gây bụi bẩn, không che chắn, làm rơi vãi vật liệu, đất thải, phế thải trên đường. Kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các nhà thầu không có biện pháp che chắn công trình gây bụi, bẩn, xả nước thải mất vệ sinh môi trường. Chỉnh trang hè phố, giải quyết các điểm úng ngập cục bộ.
- Quy hoạch, bố trí đủ các thùng rác nơi công cộng. Nghiên cứu bổ sung chế tài và xử lý nghiêm việc vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng, việc tập kết vật liệu, đổ phế liệu, phế thải không đúng quy định. Khẩn trương triển khai thêm các điểm vệ sinh công cộng và đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư đối với nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố.
- Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật; hiểu rõ mục đích, yêu cầu của công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô theo chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016;
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, trường học tổ chức các hội nghị tuyên truyền tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô;
- Các báo, đài Trung ương và Thành phố tập trung tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tăng chuyên trang, chuyên mục, tin bài tuyên truyền về trật tự và văn minh đô thị; phổ biến, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố.
2. Ưu tiên bố trí đủ nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện:
- Các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí đủ các nguồn kinh phí để thực hiện, đặc biệt trong việc thực hiện thu hút nguồn xã hội hóa cho công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô; nhất là trong các lĩnh vực: cây xanh đô thị, vệ sinh và xử lý môi trường, trang trí chiếu sáng, thoát nước, các công trình công cộng,...
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối bố trí đủ kinh phí để tổ chức thực hiện Kế hoạch này;
- Các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn lực địa phương để tập trung thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của đơn vị mình.
3. Rà soát, xây dựng quy chế, quy định quản lý chuyên ngành:
Các sở, ngành Thành phố tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định quản lý đối với từng lĩnh vực cụ thể để thực hiện có hiệu quả và duy trì kết quả thực hiện; có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về việc chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện:
Các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị đối với cá nhân, tổ chức trong phạm vi được phân công nhiệm vụ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, UBND Thành phố giao nhiệm vụ:
- Sở Xây dựng: Tham mưu, đề xuất kiện toàn Ban chỉ đạo Năm trật tự và văn minh đô thị của Thành phố để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ; định kỳ sơ kết 6 tháng, tổng kết năm và báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Thành ủy.
- Sở Nội vụ: Chủ trì, thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ ở cấp cao hơn.
- Yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: căn cứ các nhiệm vụ trọng tâm được giao, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ để xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08-CT/TU, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn có Kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện; Phân công một đồng chí Phó Chủ tịch, Phó Giám đốc Sở chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện Kế hoạch; hàng tháng có giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện, chủ động giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền. Kịp thời kiến nghị, đề xuất báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Ban Thi đua khen thưởng Thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: Làm tốt công tác khen thưởng, kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn.
Trên đây là nội dung của Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2016 nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 2Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2016 về chống lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 3Quyết định 24/2016/QĐ-UBND Quy định "Tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 4Kế hoạch 437/KH-UBND xây dựng thí điểm Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị năm 2023, lộ trình đến năm 2030 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 1Luật đất đai 2013
- 2Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2016 nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 3Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2016 về chống lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 4Quyết định 24/2016/QĐ-UBND Quy định "Tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 5Kế hoạch 437/KH-UBND xây dựng thí điểm Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị năm 2023, lộ trình đến năm 2030 do tỉnh Quảng Bình ban hành
Kế hoạch 143/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô
- Số hiệu: 143/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/07/2016
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Đức Chung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra