Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 29 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2023

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (viết tắt là Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước); Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (viết tắt là Nghị định số 68/2018/NĐ-CP); Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (viết tắt là Thông tư số 08/2019/TT-BTP); thực hiện Văn bản số 5178/BTP- BTNN ngày 23/12/2022 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước năm 2023.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của người thi hành công vụ về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, giảm thiểu phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường Nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác bồi thường nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mối quan hệ phối hợp trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

2. Yêu cầu

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố xác định cụ thể nội dung công việc, chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm kịp thời, thống nhất và hiệu quả; có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

1.1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Nghị định số 68/2018/NĐ-CP; Thông tư số 08/2019/TT-BTP và Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án; UBND huyện, thành phố.

1.2. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, Website, Fanpage… thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

1.3. Khuyến khích lồng ghép tuyên truyền pháp luật về bồi thường nhà nước với việc triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” ban hành kèm theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp; các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

2. Ban hành và triển khai thực hiện Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

2.1. Ban hành Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan có liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Trước 31/10/2023.

2.2. Triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Sau khi Quyết định được ban hành.

3. Theo dõi công tác bồi thường của nhà nước

Nắm bắt thông tin, tài liệu, tình hình thực tế đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường nhà nước và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 08/2019/TT-BTP (nếu phát sinh).

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

4. Hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi

thường nhà nước

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp; cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước.

- Cơ quan phối hợp thực hiện:

Trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án dân sự: Sở, ban, ngành, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Trong hoạt động tố tụng, thi hành án hình sự: Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Khi có yêu cầu.

5. Thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước (nếu có)

5.1. Thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước khi có phát sinh. Không để tình trạng vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bị thiệt hại, uy tín của Đảng, Nhà nước.

- Cơ quan thực hiện: Cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước.

- Thời gian thực hiện: Khi phát sinh vụ việc.

5.2. Xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường khi có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây thiệt hại theo quy định.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Khi phát sinh vụ việc.

6. Rà soát, lập danh mục, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước

6.1. Giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước đã thụ lý theo quy định. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm gửi văn bản trong quá trình giải quyết vụ việc và xem xét trách nhiệm hoàn trả theo đúng quy định của pháp luật.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Tư pháp.

6.2. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết bồi thường nhà nước, chi trả bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả; lập Danh mục vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trụ sở chính tại địa phương là cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước hoặc là bị đơn, bị đơn dân sự, người bị kiện trong vụ án dân sự, vụ án hình sự hoặc vụ án hành chính có nội dung giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Khi phát sinh vụ việc.

6.3. Tiếp tục đôn đốc thực hiện trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định, đối với 02 vụ việc đang thực hiện trách nhiệm hoàn trả.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện Sơn Dương.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Bảo hiểm xã hội tỉnh; các cơ quan, đơn vị có liên quan.

7. Kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương

Trên cơ sở kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác bồi thường nhà nước; kết quả hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc; hỗ trợ hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; kết quả thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2023 và theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, thực hiện kiểm tra định kỳ bằng hình thức phù hợp (tự kiểm tra; kiểm tra lồng ghép trong kế hoạch kiểm tra chuyên ngành khác), kiểm tra đột xuất và thanh tra công tác bồi thường nhà nước khi có căn cứ theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan, đơn vị có liên quan.

8. Đánh giá việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương

Các cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; việc tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường khi có phát sinh thông qua việc khảo sát, đánh giá cuối năm đối với Sở Tư pháp - cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Cùng với thời điểm Báo cáo kết quả công tác bồi thường nhà nước năm 2023 (quy định tại điểm a, tiết 10.1, mục 10, phần II của Kế hoạch).

9. Sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước, tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước bằng hình thức phù hợp, báo cáo UBND tỉnh qua Sở Tư pháp.

- Cơ quan thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành, báo cáo trước ngày 05/7/2023.

10. Thực hiện chế độ thống kê, thông tin, báo cáo kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước

10.1. Báo cáo thống kê định kỳ gửi Sở Tư pháp theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 08/2019/TT-BTP, cụ thể:

a) Báo cáo năm (số liệu thực tế lấy từ 01/01/2023 đến hết 31/10/20 23, ước thực hiện đến hết 31/12/2023).

- Cơ quan thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

- Thời gian báo cáo: Trước ngày 10/11/2023

b) Báo cáo năm chính thức (gồm toàn bộ số liệu thực tế được thực hiện trong kỳ báo cáo: từ 01/01/2023 đến hết 31/12/2023)

- Cơ quan thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

- Thời gian báo cáo: Trước ngày 15/12/2023.

10.2. Báo cáo đột xuất.

a) Cơ quan thực hiện: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố.

b) Thời gian thực hiện: Theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và yêu cầu của UBND tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước theo quy định.

b) Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

c) Theo dõi, nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước tại cơ quan, đơn vị bảo đảm đúng các nội dung được giao tại Kế hoạch.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Ban hành kế hoạch triển khai công tác bồi thường nhà nước năm 2023 thuộc phạm vi quản lý, gửi Sở Tư pháp theo dõi, tổng hợp trước ngày 10/02/2023.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Báo cáo);
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND huyện, TP;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NC. (Loan)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Việt Phương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 14/KH-UBND thực hiện công tác trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023

  • Số hiệu: 14/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 29/01/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Hoàng Việt Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản