Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1389/KH-UBND

Kon Tum, ngày 23 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG ỨNG VẮC XIN CHO TIÊM CHỦNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030; Quyết định số 1728/QĐ-BYT ngày 06 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện

Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 theo Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ (Chương trình); kết quả đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh[1]; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Đáp ứng đủ nhu cầu vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), vắc xin dùng cho tiêm chủng dịch vụ và vắc xin dùng trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% cơ sở tiêm chủng trong Chương trình TCMR được cung cấp đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc triển khai trong Chương trình TCMR theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không xảy ra tình trạng thiếu vắc xin cục bộ trên địa bàn tỉnh.

- Bảo quản, phân bổ, sử dụng vắc xin và vật tư TCMR đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả, an toàn.

- Không có tình trạng đầu cơ, tăng giá vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo điều hành

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền trong công tác tiêm chủng, đặc biệt là hoạt động TCMR và tiêm chủng phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong việc phân bổ vắc xin, tổ chức tiêm chủng, không để xảy ra tình trạng thiếu cục bộ vắc xin cho tiêm chủng, đảm bảo sử dụng vắc xin đúng đối tượng, đúng quy định, đạt hiệu quả và an toàn tiêm chủng. Định kỳ hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch.

3. Công tác đầu tư, phát triển nguồn nhân lực

- Duy trì, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có về nhân lực và cơ sở vật chất của Chương trình TCMR.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho Chương trình TCMR trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng về: (1) Tủ lạnh bảo quản vắc xin, các trang thiết bị theo dõi nhiệt độ, kiểm chuẩn, sữa chữa hệ thống dây chuyền lạnh; (2) Vật tư tiêm chủng gồm bơm kim tiêm, hộp an toàn, bông, cồn, các biểu mẫu, sổ sách); (3) Đào tạo và đào tạo lại nhân lực thực hiện hoạt động TCMR tại các tuyến.

4. Về công tác dự trù, phân bổ vắc xin

- Định kỳ rà soát nhu cầu vắc xin trong Chương trình TCMR trên địa bàn tỉnh, tổng hợp báo cáo đề nghị Bộ Y tế cung ứng.

- Kịp thời phân bổ, điều tiết vắc xin theo tiến độ cung ứng vắc xin từ tuyến trên cho các địa phương để triển khai tiêm chủng, không để xảy ra tình trạng tồn đọng vắc xin tại kho của tuyến tỉnh, huyện hoặc tình trạng thiếu, thừa vắc xin tại các địa phương.

5. Truyền thông, tuyên truyền

- Tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động về truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác dụng, lợi ích, đối tượng, lịch tiêm chủng, những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm chủng và cách theo dõi, chăm sóc người được tiêm chủng, khuyến cáo người dân tích cực tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

- Xây dựng và phát triển mô hình truyền thông có hiệu quả tại cộng đồng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 sử dụng ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) theo quy định; nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ tiêm chủng ngoài TCMR theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn kinh phí lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án, dự án có liên quan của các Sở, ban ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan

- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch để bảo đảm nhu cầu vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo gửi Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời tham mưu công tác đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định.

- Thực hiện phân bổ, điều tiết vắc xin kịp thời, theo đúng quy định; đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất cho các hoạt động của Chương trình TCMR.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc phân bổ vắc xin, tổ chức tiêm chủng không để tình trạng đầu cơ, tăng giá, thiếu cục bộ vắc xin cho tiêm chủng. Thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác quản lý tiêm chủng, quản lý vắc xin tại các cơ sở tiêm chủng nhằm thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng, an toàn và đúng tiến độ.

- Rà soát, thống kê, tổng hợp nhu cầu vắc xin trong TCMR trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhu cầu trước ngày 10 tháng 6 hằng năm theo quy định tại Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Phối hợp với Sở Tài chính kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đối với các nội dung thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư: Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương tiếp nhận, triển khai các dự án có sử dụng vốn viện trợ nước ngoài, vốn ODA để thực hiện Chương trình TCMR trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định.

4. Sở Thông tin truyền thông, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh: phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động về truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác dụng, lợi ích, đối tượng, lịch tiêm chủng, những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm chủng và cách theo dõi, chăm sóc người được tiêm chủng, khuyến cáo người dân tích cực tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, tổ chức triển khai hoạt động tiêm chủng trên địa bàn quản lý theo đúng quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả hoạt động tiêm chủng trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các đơn vị có liên quan, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và huy động cộng đồng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai thực hiện tốt các hoạt động tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc phân bổ vắc xin, tổ chức tiêm chủng…trong TCMR và tiêm chủng dịch vụ thuộc phạm vi quản lý, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, thiếu cục bộ vắc xin cho tiêm chủng thuộc phạm vi quản lý.

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tiêm chủng, xây dựng và phát triển các mô hình truyền thông phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trong Chương trình TCMR trên địa bàn quản lý lập dự kiến nhu cầu vắc xin cả năm theo quy định, tổng hợp gửi về Sở Y tế trước ngày 30 tháng 5 hằng năm để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Y tế.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu khó khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, gửi Sở Y tế để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum, Đài PTTH tỉnh;
- VP UBND tỉnh:
+ CVP, PCVPTrà Thanh Trí;
+ CTTĐT;
- Lưu: VT, KGVX.PTP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Y Ngọc

 

PHỤ LỤC

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG
(Kèm theo Kế hoạch số 1389/KH-UBND ngày23 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

1. Thông tin chung

Toàn tỉnh có tổng số 326 điểm tiêm chủng; trong đó 113 điểm tiêm chủng tại cơ sở y tế (102 điểm tiêm chủng thường xuyên, 11 cơ sở tiêm dịch vụ) và 213 điểm tiêm chủng ngoại trạm.

2. Kết quả triển khai các vắc xin trong TCMR

Công tác TCMR trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 102/102 xã, phường, thị trấn; tổ chức tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi và Hib cho trẻ em dưới 1 tuổi; tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin sởi-rubella cho trẻ trên 1 tuổi và vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai. Chương trình TCMR ở tỉnh Kon Tum đã thu được những kết quả to lớn, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật của trẻ em trên cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được thanh toán, loại trừ và giảm đáng kể, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em và phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên trong năm 2022 và năm 2023, do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 và sự thiếu hụt trầm trọng các vắc xin trong Chương trình TCMR, vắc xin bị thiếu trên quy mô toàn quốc, do vậy, không có vắc xin để triển khai các hoạt động tiêm chủng thường xuyên nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin đạt thấp, không đạt mục tiêu đề ra.

3. Cung ứng vắc xin, vật tư, kinh phí trong TCMR

- Về cung ứng vắc xin trong TCMR: Các vắc xin đang sử dụng trong TCMR và vắc xin chống dịch trên địa bàn tỉnh đều do Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị chuyên môn đầu mối) tổ chức mua sắm, cấp phát về cho địa phương thông qua Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Định kỳ 2 tháng 1 lần, tỉnh Kon Tum tổng hợp dự trù nhu cầu vắc xin trong TCMR, báo cáo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để được cung ứng. Tổ chức cấp phát theo số lượng đối tượng, tỷ lệ tiêm cho các huyện thành phố, tổ chức tiêm chủng đảm bảo đạt chỉ tiêu tiến độ theo hướng dẫn của tuyến trên.

- Về cung ứng vật tư tiêm chủng (bơm kim tiêm, hộp an toàn, vật tư khác): Việc cung ứng vật tư tiêm chủng được Trung ương duy trì cho đến năm 2020; từ năm 2021, theo chỉ đạo của Bộ Y tế các địa phương đã chủ động bố trí kinh phí hàng năm đảm bảo cho hoạt động này.

- Về kinh phí hoạt động: Các hoạt động TCMR tại địa phương hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chung trong hoạt động của ngành Y tế.

4. Thuận lợi, khó khăn

a) Thuận lợi

- Chương trình TCMR tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Sự ủng hộ tích cực của các cơ quan truyền thông cho công tác TCMR, nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng bệnh nói chung, trong đó có các vắc xin thuộc Chương trình TCMR ngày càng tốt hơn.

- Chương trình TCMR tiếp tục được đầu tư kinh phí để cung ứng vắc xin trong năm 2024 cho các địa phương trong công tác tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chống dịch.

- Chương trình TCMR trên địa bàn tỉnh nhận được sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF…) về kỹ thuật và một phần kinh phí triển khai hoạt động như trong công tác TCMR như: Hỗ trợ kinh phí trong việc tổ chức các hoạt động tiêm chủng ngoại trạm các vắc xin trong TCMR, vắc xin phòng bệnh COVID-19 tại các địa phương khó khăn, hỗ trợ đầu tư hệ thống dây chuyền lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin tại tất cả các tuyến gồm tuyến tỉnh, huyện, xã.

b) Khó khăn, thách thức

- Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến kết quả TCMR trong các năm gần đây. Các tuyến tập trung toàn bộ nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Một số bậc cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng thường xuyên trong thời gian dịch do lo ngại lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 khiến trẻ tiêm chủng muộn, tiêm thiếu mũi vắc xin.

- Năm 2023, việc cung ứng vắc xin cho TCMR bị gián đoạn, thiếu vắc xin trên địa bàn tỉnh cũng như toàn quốc là nguyên nhân chính kết quả tiêm chủng các vắc xin trong TCMR đạt rất thấp.

- Hoạt động tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau sinh chủ yếu thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện có phòng sinh. Triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh vẫn còn là thách thức tại địa phương, với đặc thù là tỉnh miền núi, tỷ lệ sinh tại nhà vẫn còn cao của một số bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Định hướng trong thời gian tới

Năm 2024, để triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1286/QĐ-TTg; đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh Kon Tum tiếp tục nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, cố gắng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng, đặc biệt là các hoạt động tiêm bù/tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi do tình trạng thiếu vắc xin của năm 2023, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và độ bao phủ vắc xin cho địa phương, cụ thể:

- Đẩy mạnh công tác phối hợp của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo, tham gia của các cấp chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống ngành Y tế từ tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã.

- Ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo đối với việc điều tra, rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo và quản lý tốt các đối tượng tiêm chủng. Duy trì công tác tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế. Xem xét tình hình thực tế và số lượng đối tượng tiêm chủng hàng năm, số đối tượng cần tiêm bù, tiêm vét để tăng số buổi tiêm chủng thường xuyên, tăng điểm tiêm chủng và thời gian tổ chức tiêm chủng.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường rà soát những trẻ còn thiếu mũi tiêm để tổ chức tiêm bù, tiêm vét nhằm đạt mục tiêu về tiêm chủng của tỉnh; rà soát trẻ đã được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để báo cáo, thống kê tính tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ. Chủ động sẵn sàng các phương án, xây dựng Kế hoạch triển khai các vắc xin mới trong Chương trình TCMR theo lộ trình của Chính phủ tại Nghị quyết số 104/NQ-CP.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ, đánh giá chỉ tiêu tiêm chủng của từng đơn vị nhằm khắc phục ngay những vấn đề tồn tại và đôn đốc thực hiện đạt chỉ tiêu tiêm chủng được giao. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiêm chủng, đặc biệt là duy trì tốt và nâng cao chất lượng số liệu trên Hệ thống quản lý thông tin Quốc gia (NIIS) trong quản lý tiêm chủng. Tăng cường công tác quản lý, bảo quản vắc xin tại các tuyến đảm bảo chất lượng vắc xin, sử dụng hiệu quả và triển khai tiêm chủng an toàn.



[1] Có phụ lục kèm theo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1389/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 1389/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 23/04/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Y Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản