Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1371/KH-UBND

Lai Châu, ngày 16 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 12/CT-TTg NGÀY 25/4/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN “TÍN DỤNG ĐEN”

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

- Phát hiện, đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với điều kiện thực tế; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.

2. Yêu cầu

- Gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan với chính quyền địa phương các cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” của cán bộ, công chức, đảng viên, và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, không để tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoạt động gây bức xúc trong Nhân dân.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, như: Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới…, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc, nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, biêu, phường thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng có liên quan “tín dụng đen”. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn. Siết chặt công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ. Tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác và giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường trấn áp tội phạm liên quan, triệt phá các tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

4. Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ...vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

5. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu và các tổ chức đoàn thể xã hội các cấp trong công tác vận động Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đẩy mạnh hơn nữa vai trò giám sát xã hội đối với các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh

Chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo 138 các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

2. Công an tỉnh

- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 285/KH-BCNĐA ngày 14/12/2018 của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở các địa bàn, đặc biệt là hoạt động dịch vụ cầm đồ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ nhân khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện khác về an ninh trật tự dễ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

- Tăng cường công tác nắm tình hình tại cơ sở, tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng có liên quan, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để các đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức các cuộc kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan; kiên quyết đấu tranh, xử lý tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án điểm để răn đe, giáo dục chung (nếu có).

- Thông qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ban hành kèm theo Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các chương trình, chính sách tín dụng, các gói vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để Nhân dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay.

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn: Đẩy mạnh huy động vốn tại địa phương; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp...; cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn; mở rộng mạng lưới, đặc biệt là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”...

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.

- Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; trả lời các yêu cầu của Cơ quan điều tra về giám định tài chính; cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

4. Sở Tư pháp

- Phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với pháp luật hiện hành.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của Công chứng viên để phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng hoạt động công chứng để hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện công tác truyền thông về vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, các vụ việc liên quan “tín dụng đen” bị phát hiện, xử lý; đưa tin, bài về kết quả phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn; kịp thời cung cấp thông tin về hoạt động “tín dụng đen” cho cơ quan Công an và phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

- Tập trung chỉ đạo đưa tin về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong phong trào “Bảo vệ An ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... nhằm huy động sức mạnh của Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương ngăn chặn, bóc gỡ, tháo dỡ hoặc xóa bỏ quảng cáo, tờ rơi có nội dung liên quan đến “tín dụng đen” và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chỉ đạo các cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, cho thuê tài chính, tư vấn hỗ trợ tài chính...

- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong việc xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ, đòi nợ; cung cấp thông tin của doanh nghiệp phục vụ công tác điều tra các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; định hướng, hướng dẫn học sinh, sinh viên vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hợp pháp khi có nhu cầu chính đáng; không cầm cố, thế chấp tài sản trái pháp luật, vay tiền của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, không tham gia hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng.

- Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm.

9. Các sở, ban, ngành tỉnh

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đảm bảo an ninh trật tự của đơn vị hàng năm; chú trọng thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trong cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức.

- Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước cấp Ủy đảng và lãnh đạo cấp trên về việc để cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” gây bức xúc trong Nhân dân; chủ động có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên có liên quan đến “tín dụng đen”, báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho người lao động góp phần phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện các đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; vận động các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân trên địa bàn chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng nghi vấn đòi nợ với các hành vi đổ chất bẩn, chất thải, gây mất an ninh, trật tự.

- Chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong Nhân dân.

11. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh

- Đẩy nhanh tiến độ truy tố, xét xử; tổ chức xét xử công khai các vụ án và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng một số vụ án có liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là vụ án gây bức xúc trong dư luận Nhân dân nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến các quy định, thủ tục để giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến vay mượn dân sự, tạo điều kiện cho người dân giải quyết tốt các tranh chấp dân sự liên quan đến vay mượn, đòi nợ thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn thanh niên

- Phối hợp các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đẩy mạnh các giải pháp phối hợp trong thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Tích cực phối hợp tuyên truyền các chính sách tài chính, hỗ trợ thành viên vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, kịp thời tuyên truyền nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn và hậu quả do “tín dụng đen” gây ra; tuyên truyền các vụ việc vỡ hụi, vỡ họ, lừa đảo thông qua huy động vốn, vận động Nhân dân không tham gia trực tiếp, gián tiếp các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Phối hợp giám sát, ngăn ngừa các hoạt động của đoàn viên, hội viên, cán bộ, công nhân, viên chức tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ có liên quan đến “tín dụng đen”.

- Hướng dẫn các Quỹ xã hội, các chương trình, dự án tài chính vi mô đăng ký hoạt động với Ngân hàng Nhà nước theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ và các quy định về tổ chức tài chính vi mô; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án tài chính vi mô, hoạt động của các Quỹ xã hội nhầm cung cấp sản phẩm tín dụng, sản phẩm bảo hiểm cho đối tượng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn nông thôn, miền núi.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị, địa phương phù hợp với yêu cầu thực tế, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Định kỳ 6 tháng (trước 15/6), 01 năm (trước 15/12) báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi về Công an tỉnh (qua phòng Cảnh sát hình sự) để tổng hợp, báo cáo.

2. Giao Công an tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch; tham mưu sơ kết, tổng kết, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (B/c)
- Bộ Công an; (B/c)
- NHNN Việt Nam; (B/c)
- TT. Tỉnh ủy; (B/c)
- TT. HĐND tỉnh; (B/c)
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1371/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen do tỉnh Lai Châu ban hành

  • Số hiệu: 1371/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản