Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

Thực hiện Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với người khuyết tật giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Căn cứ nhu cầu sử dụng số liệu, thông tin liên quan cho việc xây dựng chương trình, đề án, dự án, kế hoạch của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để trợ giúp người khuyết tật (trong đó có người khuyết tật là nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh) theo Luật Người khuyết tật; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch điều tra, rà soát về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2021 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH -YÊU CẦU

1. Mục đích: Điều tra, rà soát thống kê, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để hình thành dữ liệu, cập nhập thường xuyên và quản lý về người khuyết tật; làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người khuyết tật theo quy định.

2. Yêu cầu điều tra, rà soát:

a) Việc điều tra, rà soát người khuyết tật phải thực hiện đúng quy trình, bảo đảm đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định;

b) Điều tra viên là người nắm rõ, thông thạo tình hình dân cư tại địa bàn, trực tiếp đến từng hộ gia đình để quan sát, phỏng vấn, thu thập thông tin của người khuyết tật;

c) Công tác điều tra, rà soát phải được tiến hành từ thôn, tổ dân phố do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp chỉ đạo triển khai và thực hiện; Đảm bảo tính khách quan, chính xác, không bỏ sót đối tượng điều tra và đúng tiến độ thời gian quy định;

d) Kết quả điều tra, rà soát người khuyết tật được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt, phải có độ tin cậy cao, được sử dụng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, cập nhập hàng năm, can thiệp trợ giúp và thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật năm 2021 và các năm tiếp theo.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHÍ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA RÀ SOÁT

1. Phạm vi: Việc Điều tra, rà soát được tiến hành tại 145 xã, phường, thị trấn và các cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề và hướng nghiệp cho người khuyết tật.

2. Đối tượng điều tra, rà soát: Là người khuyết tật đang sinh sống tại cộng đồng và tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.

3. Tiêu chí liên quan đến người khuyết tật: Căn cứ Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật cụ thể:

a) Về Người khuyết tật: Là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

b) Về dạng khuyết tật bao gồm: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác.

c) Về mức độ khuyết tật

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn;

- Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc;

- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc 02 trường hợp quy định trên.

4. Phương pháp:

a) Sử dụng phương pháp phỏng vấn kết hợp với quan sát trực tiếp để thu thập các số liệu liên quan, đồng thời dựa trên dữ liệu người khuyết tật đang quản lý tại địa phương để đối chiếu, bổ sung thông tin; thông tin thu thập phải được ghi chép đầy đủ vào phiếu điều tra, rà soát;

b) Thống kê danh sách, tổng hợp kết quả điều tra theo hệ thống biếu mẫu của từng cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn/tổ dân phố) theo các biểu mẫu đính kèm;

Sau đó phiếu được được chuyển về bộ phận kiểm tra cập nhật dữ liệu. Nếu kết quả kiểm tra dữ liệu phiếu đầy đủ, hợp lệ sẽ được cập nhật vào ứng dụng quản lý hồ sơ người khuyết tật trên môi trường web.

c) Dữ liệu, danh sách người khuyết tật và các thông tin liên quan được tạo lập từ cấp xã, chuyển cho cấp huyện tổng hợp và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cập nhập lưu trữ kho dữ liệu chung toàn tỉnh.

III. QUY TRÌNH ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT

1. Công tác chuẩn bị Điều tra, rà soát

a) Tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát người khuyết tật trên các phương tiện truyền thông;

b) Xây dựng đề cương, kế hoạch điều tra, rà soát người khuyết tật; thiết kế phiếu điều tra, rà soát và các biểu mẫu tổng hợp thông tin điều tra;

c) Hội nghị triển khai Kế hoạch điều tra, rà soát; in ấn tài liệu, phiếu điều tra;

d) Tập huấn cho đội ngũ điều tra viên (tỉnh tập huấn cho cấp huyện; huyện tập huấn cho điều tra viên cấp xã và các thôn, tổ); Bố trí lực lượng (điều tra viên) tham gia điều tra, rà soát người khuyết tật trên địa bàn.

2. Tổ chức điều tra, rà soát

a) Xác định, lập danh sách sơ bộ những người có biểu hiện hoặc nghi ngờ có khuyết tật đưa vào danh sách nhận diện sơ bộ (danh sách lập theo thôn, tổ dân phố);

b) Điều tra theo danh sách nhận diện sơ bộ đã thống nhất;

c) Kết thúc điều tra, căn cứ thông tin thu thập trên phiếu, điều tra viên phải lập danh sách người khuyết tật và các thông tin liên quan theo mẫu báo cáo để tổng hợp gửi các cấp liên quan, cụ thể:

- Căn cứ vào phiếu điều tra, thôn/tổ trưởng tiến hành tổng hợp, thống kê lập danh sách người khuyết tật (theo biểu mẫu cấp thôn) gửi UBND cấp xã;

- Trên cơ sở kết quả tổng hợp của cấp thôn, cấp xã tiến hành tổng hợp kết quả điều tra và thống kê, báo cáo số liệu liên quan quan đến người khuyết tật (theo biểu mẫu cấp xã) gửi phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, rà soát cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (theo biểu mẫu cấp huyện và gửi kèm toàn bộ phiếu điều tra người khuyết tật) để khai thác và xây dựng kho dữ liệu về người khuyết tật.

IV. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN 

STT

Thời gian

Nội dung hoạt động

1

Tháng 4/2021

* Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:
- Chuẩn bị các điều kiện cho việc điều tra, rà soát: thống nhất phiếu điều tra và các mẫu, biểu, in ấn tài liệu...; Tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát người khuyết tật cho cấp huyện.
* Thành phố Huế, các thị xã và các huyện:
- Ban hành Kế hoạch chi tiết về điều tra, rà soát người khuyết tật trên địa bàn;
- Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, rà soát người khuyết tật cho cấp xã và điều tra viên.

2

Từ ngày 25/4/2021 đến ngày 25/6/2021

* Các xã, phường, thị trấn:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến; triển khai kế hoạch điều tra, rà soát;
- Tiến hành điều tra, rà soát người khuyết tật;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, rà soát cho UBND cấp huyện (kèm phiếu điều tra qua phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp) trước ngày 20/6/2021
* Các huyện, thị xã, thành phố:
- Thẩm định kết quả điều tra, rà soát cấp xã gửi lên;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, rà soát cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (kèm phiếu điều tra) trước ngày 10/7/2021.

3

Từ ngày 20/7/2021 đến ngày 20/8/2021

* Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả điều tra, rà soát người khuyết tật trước ngày 20/8/2021

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Từ nguồn Ngân sách Nhà nước được bố trí trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến người khuyết tật của các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Nguồn đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tổ chức hướng dẫn các địa phương triển khai hoạch điều tra, rà soát người khuyết tật; thiết kế phiếu điều tra, biểu mẫu tổng hợp; in ấn tài liệu hướng dẫn, phiếu điều tra, biểu mẫu tổng hợp, cập nhật vào ứng dụng quản lý hồ sơ người khuyết tật trên môi trường web;

b) Tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát cho cấp huyện; Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả điều tra, rà soát;

c) Chịu trách nhiệm nghiệm thu, tổng hợp kết quả điều tra của các huyện, thị xã và thành phố Huế; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả điều tra, rà soát;

d) Cập nhật kết quả điều tra, rà soát người khuyết tật vào các file dữ liệu và phần mềm quản lý người khuyết tật toàn tỉnh.

2. Sở y tế: Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương trong quá trình tập huấn cho điều tra viên về các dấu hiệu để nhận biết người khuyết tật, dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật theo quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính: Hướng dẫn, bố trí, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan vận động, thu hút các nguồn viện trợ hợp pháp khác cho việc thực hiện Kế hoạch này.

5. Hội người khuyết tật; Hội người mù tỉnh và các Hội, đoàn thể có liên quan: Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

6. UBND dân thành phố Huế, thị xã và các huyện: Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã thực hiện một số nội dung:

a) Xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát người khuyết tật trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc điều tra, rà soát người khuyết tật;

b) Tổ chức tập huấn cho những người trực tiếp tham gia điều tra, rà soát; triển khai điều tra, rà soát người khuyết tật trên địa bàn;

c) Tổ chức, bố trí lực lượng điều tra, rà soát người khuyết tật gồm: cán bộ Lao động - TB&XH, các ban, ngành, thôn trưởng, tổ trưởng và huy động những người có kinh nghiệm khác; Chỉ đạo lực lượng điều tra viên xác định, lập danh sách và điều tra những đối tượng thuộc diện điều tra, rà soát;

d) Kiểm tra, giám sát; tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả điều tra, rà soát người khuyết tật theo đúng tiến độ, quy định; Cập nhật thông tin về người khuyết tật vào phần mềm (nếu có) hoặc hồ sơ lưu trữ để làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch này, chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương trước ngày 20/4/2021; chậm nhất trước ngày 10/7/2021 báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung).

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát tình hình triển khai “Điều tra, rà soát về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2021” tại các đơn vị, địa phương; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả trước ngày 20/8/2021.

3. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH (b/c);
- CT, PCT Nguyễn Thanh Bình;
- Các đơn vị nêu tại mục VI;
- VP : CVP, PCVP Phan Lê Hiến;
- Lưu: VT, TC, XH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 136/KH-UBND điều tra, rà soát về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021

  • Số hiệu: 136/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản