Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH UỐNG, TIÊM BỔ SUNG VẮC XIN BẠI LIỆT (BOPV), VẮC XIN SỞI-RUBELLA (MR) VÙNG NGUY CƠ CAO, NĂM 2022

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh bại liệt, Sởi-Rubella trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến và xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 2124/TTr-SYT ngày 23/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch uống, tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV), vắc xin Sởi-Rubella vùng nguy cơ cao, năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Trẻ từ 01-5 tuổi vùng nguy cơ cao được uống bổ sung vắc xin bOPV, tiêm vắc xin MR góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bại liệt, sởi, rubella trong cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đạt tỷ lệ 95% trẻ từ 1-5 tuổi được uống bổ sung 02 liều vắc xin bOPV tại các vùng nguy cơ cao.

- Đạt tỷ lệ 95% trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm bổ sung 01 liều vắc xin MR tại các vùng nguy cơ cao.

- Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

II. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Thời gian: Quý III-IV/2022.

2. Đối tượng:

Tại các vùng nguy cơ cao về bại liệt: Tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được uống 2 liều vắc xin bOPV không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin bOPV, hoặc vắc xin IPV hoặc vắc xin phối hợp chứa thành phần IPV trước đó. Ngoại trừ trẻ đã uống vắc xin bOPV trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung. Dự kiến số đối tượng là 7.445 trẻ.

Tại các vùng nguy cơ cao về sởi: Tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin MR không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin sởi, hoặc vắc xin sởi - rubella (MR) hoặc vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR) trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin sởi, MR, MMR trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung. Dự kiến số đối tượng 62.960 trẻ. Những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi và thuộc đối tượng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin MR các năm 2018, 2019 thì không thuộc diện tiêm bổ sung lần này (Huyện Ba Tơ triển khai chiến dịch sởi năm 2019).

3. Phạm vi:

a) Lựa chọn huyện nguy cơ cao về bại liệt, có ít nhất một trong các tiêu chí:

- Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi vắc xin bại liệt <90% một trong các năm 2019, 2020, 2021.

- Vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng giáp ranh, tình trạng di biến dân cư động lớn, khó quản lý đối tượng...

b) Lựa chọn huyện nguy cơ cao về sởi, có ít nhất một trong các tiêu chí:

- Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 1 <90% một trong các năm 2019, 2020, 2021.

- Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng <90% một trong các năm 2019, 2020, 2021.

- Vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng giáp ranh, tình trạng di biến dân cư động lớn, khó quản lý đối tượng ...

c) Căn cứ kết quả tiêm chủng năm 2019, 2020, 2021 của các huyện, thị xã, thành phố, lựa chọn các đơn vị sau triển khai chiến địch tiêm/uống bổ sung:

- Uống bổ sung 02 liều vắc xin bOPV cho trẻ từ 1-5 tuổi tại 15 xã của thị xã Đức Phổ.

- Tiêm bổ sung 01 liều vắc xin MR cho trẻ từ 1-5 tuổi tại 114 xã của các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.

Phạm vi và đối tượng của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin bOPV, MR năm 2022:

TT

Uống bổ sung vắc xin bOPV

Tiêm bổ sung vắc xin MR

Khu vực triển khai

Số xã triển khai

Dự kiến số đối tượng từ 1-5 tuổi

Khu vực triển khai

Số xã triển khai

Dự kiến số đối tượng từ 1-5 tuổi

1

 

 

 

Thành phố

23

21.570

2

 

 

 

Tư Nghĩa

14

9.485

3

 

 

 

Mộ Đức

13

7.990

4

Đức Phổ

15

7.445

Đức Phổ

15

7.445

5

 

 

 

Trà Bồng

16

5.430

6

 

 

 

Sơn Hà

14

6.590

7

 

 

 

Ba Tơ

19

4.450

 

Cộng

15

7.445

 

114

62.960

4. Hình thức: Triển khai chiến dịch.

III. NỘI DUNG

1. Thống kê, lập danh sách:

- Đối tượng uống bổ sung vắc xin bOPV, tiêm bổ sung vắc xin MR là tất cả trẻ từ 1-5 tuổi đang có mặt tại địa phương. Những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi và thuộc đối tượng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin MR các năm 2018, 2019 thì không thuộc diện tiêm bổ sung lần này.

- Trước khi triển khai kế hoạch, thống kê, lập danh sách các trẻ từ 1-5 tuổi tại các huyện nguy cơ cao thuộc phạm vi Kế hoạch.

+ Điều tra trong trường học: Lập danh sách theo lớp đối với trẻ từ 1-5 tuổi học mẫu giáo, nhà trẻ. Giao Ban giám hiệu các trường về kế hoạch phối hợp triển khai với trạm y tế, đề nghị nhà trường bố trí giáo viên, cán bộ y tế học đường (nếu có) thống kê, đăng ký đầy đủ học sinh trong độ tuổi theo lớp.

+ Điều tra tại cộng đồng: Nhóm trẻ từ 1-5 tuổi tại cộng đồng không đi học theo tổ/thôn với sự hỗ trợ của Y tế thôn, cộng tác viên dân số, trưởng thôn trên địa bàn. Danh sách bao gồm cả đối tượng vãng lai, lưu ý những trẻ chưa được quản lý tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư.

- Thời gian hoàn thành: Trước khi thực hiện chiến dịch 1 tháng.

Lưu ý: KHÔNG tiêm vắc xin MR cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin sởi hoặc MR hoặc sởi-quai bị-rubella trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm. KHÔNG cho uống vắc xin bOPV cho những đối tượng đã được uống vắc xin bOPV trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm. Tuy nhiên, có thể cho uống vắc xin bOPV với trường hợp tiêm vắc xin IPV trong vòng 1 tháng.

2. Cung ứng vắc xin:

- Dựa trên số đối tượng cần uống vắc xin, Sở Y tế chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng nhu cầu, liên hệ để tiếp nhận vắc xin từ Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ.

- Thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và cấp phát vắc xin cho các điểm tiêm chủng theo đúng quy định.

3. Tổ chức tiêm chủng: Tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung, có thể triển khai tiêm chủng vắc xin bOPV, MR đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế... trong một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã tùy vào điều kiện của từng địa phương. Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.

4. Truyền thông:

- Nội dung truyền thông: Mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng và đối tượng, mục tiêu của chiến dịch; tác dụng, lợi ích của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải sau khi uống vắc xin.

- Đối tượng: Các thành viên liên quan trong tổ chức thực hiện chiến dịch, người dân.

- Hình thức tuyên truyền: Đa dạng hóa và phối hợp nhiều hình thức tuyên truyền để mọi người dân tiếp cận được thông tin về chiến dịch.

5. Theo dõi, giám sát và báo cáo:

- Tuyến tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch. Người được phân công có trách nhiệm theo dõi giám sát và hỗ trợ cơ sở thực hiện chiến dịch đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng;

- Trong thời gian triển khai chiến dịch phải đảm bảo công tác thông tin liên lạc giữa các tuyến tỉnh, huyện, xã và tại các điểm tiêm chủng để cung cấp thông tin và chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống. Thực hiện chế độ báo cáo tiêm chủng chiến dịch theo quy định và hướng dẫn của Sở Y tế.

6. Về kinh phí:

a) Nguồn kinh phí Trung ương: Hỗ trợ vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn.

b) Nguồn kinh phí địa phương: Hỗ trợ các khoản chi khác theo đúng quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng nhu cầu, liên hệ để tiếp nhận vắc xin từ Trung ương hỗ trợ.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố có liên quan chuẩn bị, xây dựng kế hoạch để thực hiện Kế hoạch đạt mục tiêu đề ra.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị trước chiến dịch, trong chiến dịch. Theo dõi chặt chẽ diễn biến chiến dịch, tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

2. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế, thẩm tra và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chiến dịch theo đúng quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi:

- Phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan tuyên truyền đến người dân về lợi ích của chiến dịch tiêm chủng.

- Hướng dẫn Đài truyền thanh cấp huyện tăng thời lượng thông tin tuyên truyền về chiến dịch.

4. Chủ tịch UBND các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.

- Tổ chức tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc triển khai chiến dịch, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo phối hợp Trung tâm Y tế cấp huyện trong công tác lập, chốt danh sách tiêm chủng, tổ chức chiến dịch tại trường.

- Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch đạt mục tiêu đề ra.

- Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động triển khai, thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

- Tổng hợp, báo cáo Sở Y tế kết quả thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để hướng dẫn hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Viện Pasteur Nha Trang;
- Các Sở: Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi;
- UBND các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXcường564.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Phiên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 135/KH-UBND triển khai chiến dịch uống, tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV), vắc xin Sởi-Rubella (MR) vùng nguy cơ cao, năm 2022 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 135/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Võ Phiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản