Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1326/KH-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN DỰ ÁN "NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TỈNH KON TUM" GIAI ĐOẠN 2017-2020

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của và Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013 - 2016, định hướng đến năm 2020” được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 398/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 (sau đây gọi tắt là Dự án năng suất chất lượng); trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (UBND tỉnh) xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án năng suất chất lượng giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung cụ thể sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

- Tiếp tục xây dựng phong trào năng suất và chất lượng thông qua việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng kết hợp với áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; nâng cao nhận thức, năng lực cải tiến, phát triển nguồn lực cho các doanh nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực tại địa phương.

- Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chủ lực tại tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Hoạt động thông tin, tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

1.1. Tổ chức 01 hội nghị thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và vận động doanh nghiệp tham gia dự án.

1.2. Tổ chức 03 khóa đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về nội dung và phương pháp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng; hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật; về tiêu chuẩn hóa; về xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu...); về đăng ký, sử dụng mã số mã vạch.

2. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

2.1. Hỗ trợ 30 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gồm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...).

2.2. Hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp tiêu chuẩn, công bố hợp quy cho 45 sản phẩm, hàng hóa.

2.3. Hỗ trợ 20 doanh nghiệp triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

2.4. Hỗ trợ 45 doanh nghiệp đăng ký, sử dụng mã số mã vạch.

III. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh, bao gồm các ngành sản xuất: cà phê; các sản phẩm chế biến từ mủ cây cao su; các sản phẩm chế biến từ sắn, mía đường; gạch ngói; bột giấy và giấy; rau hoa xứ lạnh; sâm Ngọc Linh; sản xuất và chế biến cá nước lạnh; các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước thay thế hàng nhập khẩu, sản phẩm có giá trị xuất khẩu hoặc thị trường xuất khẩu lớn.

IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

4.1 Nhiệm vụ 1: Thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng.

Nội dung cụ thể:

- Tổ chức 01 hội nghị thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng; phổ biến các văn bản có liên quan; giới thiệu nội dung, cách thức tham gia dự án, chính sách hỗ trợ và vận động doanh nghiệp tham gia dự án. Đối tượng tham dự là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các sở, ban, ngành có liên quan và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (khoảng 60 người tham dự).

- Tổ chức 01 khóa đào tạo nhận thức chung về các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên môn của các doanh nghiệp (khoảng 50 người tham dự).

- Tổ chức 01 khóa đào tạo về công tác tiêu chuẩn hóa; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đăng ký sử dụng mã số mã vạch cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên môn các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn tỉnh (khoảng 60 người tham dự)

- Tổ chức 01 khóa đào tạo kiến thức về khai thác, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên môn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (mỗi hội nghị khoảng 50 người tham dự).

4.1 Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

Nội dung cụ thể:

Lựa chọn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc đối tượng của dự án để hướng dẫn đăng ký tham gia dự án, cụ thể:

- Hỗ trợ 30 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gồm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...).

- Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho 45 sản phẩm, hàng hóa.

- Hỗ trợ 20 doanh nghiệp triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

- Hỗ trợ từ 45 doanh nghiệp đăng ký, sử dụng mã số mã vạch.

V. KINH PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

5.1 Kinh phí và tiến độ thực hiện:

Đơn vị tính: triệu đồng

Nội dung, nhiệm vụ

Kinh phí

Tiến độ thực hiện

Tổng

Nhà nước hỗ trợ

Doanh nghiệp tham gia

Nhiệm vụ 1: Thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng.

210

210

 

 

Tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng; phổ biến các văn bản có liên quan; giới thiệu nội dung, cách thức tham gia dự án, chính sách hỗ trợ và vận động doanh nghiệp tham gia dự án.

15

15

 

Quý III/2017

Tổ chức khóa đào tạo nhận thức chung về các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

65

65

 

Quý IV/2017

Tổ chức khóa đào tạo về công tác tiêu chuẩn hóa; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đăng ký sử dụng mã số mã vạch

65

65

 

Quý I/2018

Tổ chức khóa đào tạo kiến thức về khai thác, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ

65

65

 

Quý III/2018

Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

3.900

2.325

1.575

 

Hỗ trợ 30 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

300

300

 

Từ quý III/2017 đến hết năm 2020

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho 45 sản phẩm, hàng hóa

1.350

675

675

Từ quý III/2017 đến hết năm 2020

Hỗ trợ 20 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng  các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

1.800

900

900

Từ quý III/2017 đến hết năm 2020

Hỗ trợ 45 doanh nghiệp đăng ký, sử dụng mã số mã vạch

450

450

 

Từ quý  III/2017 đến hết năm 2020

Tổng cộng:

4.110

2.535

1.575

 

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 là: 4.110.000.000 đồng (Bốn tỷ một trăm mười triệu đồng chẵn).

- Cơ cấu nguồn vốn:

+ Nguồn ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ): 2.535 triệu đồng;

+ Nguồn vốn doanh nghiệp tham gia: 1.575 triệu đồng.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.

5.2. Phân kỳ đầu tư cho từng năm, từng nhiệm vụ:

Nội dung, nhiệm vụ

Kinh phí (triệu đồng)

Tổng

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Nhà nước hỗ trợ

DN tham gia

Nhà nước hỗ trợ

DN tham gia

Nhà nước hỗ trợ

DN tham gia

Nhà nước hỗ trợ

DN tham gia

Nhiệm vụ 1

80

 

130

 

 

 

 

 

210

Nhiệm vụ 2

235

165

745

495

745

495

600

420

3.900

Tổng cộng

315

165

875

495

745

495

600

420

4.110

5.3. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch thực hiện Dự án Năng suất chất lượng và yêu cầu thực tiễn, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm lập dự toán kinh phí, tổng hợp vào dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình phê duyệt theo quy định; đồng thời quản lý, sử dụng kinh phí theo chế độ tài chính quy định hiện hành.

5.4. Về chính sách hỗ trợ

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động sau:

- Hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; hội nghị, hội thảo; biên soạn phát hành tài liệu.

- Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế...), tối đa không quá 10 triệu đồng/sản phẩm hoặc dịch vụ.

- Đăng ký, sử dụng mã số mã vạch, tối đa không quá 10 triệu đồng/sản phẩm.

b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí cho các hoạt động sau:

- Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa, tối đa không quá 30 triệu đồng/sản phẩm, hàng hóa.

- Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tối đa không quá 45 triệu đồng/hệ thống.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

6.1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ, nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp tham gia Dự án.

- Phổ biến nội dung Dự án; hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp tham gia Dự án; tham mưu, tổng hợp, lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện hàng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ.

6.2. Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm hỗ trợ cho Dự án trên cơ sở khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương.

- Các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thành phố; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung và chính sách hỗ trợ của Dự án; cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của đơn vị cho cơ quan chủ trì xem xét và giải quyết.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Kon Tum;
- Hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Xuân Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1326/KH-UBND năm 2017 về "nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 1326/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Lại Xuân Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản