Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/KH-UBND | Bình Thuận, ngày 03 tháng 01 năm 2024 |
KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ BỀN VỮNG DỊCH COVID-19 GIAI ĐOẠN 2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế về việc ban hanh kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
1. Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Tính đến nay, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 nghìn trường hợp tử vong; 99,9% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022.
Tại nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; nhờ đó, dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Dịch COVID-19 hiện đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số mắc, tử vong giảm sâu[1];.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc chuyển phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023. Cùng ngày 19/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.
Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại với các biến chủng nguy hiểm hoặc với các đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025.
2. Tại tỉnh Bình Thuận
Trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại thành phố Phan Thiết ngày 10/3/2020. Tính đến nay, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch trong nước, cả tỉnh ghi nhận 54.340 ca mắc COVID-19, với 484 ca tử vong (29 ca tử vong ngoài tỉnh); 99,9% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2021-2022.
Công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là tỉnh thần trách nhiệm, nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu. Các biện pháp phòng chống dịch được triển khai kịp thời, hiệu quả, đặc biệt đã kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và đạt kết quả tích cực.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đang chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.
- Giảm ca nặng và tử vong do COVID-19.
- Đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
- Chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 của các địa phương.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng; lồng ghép tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên.
- Hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B.
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết những ảnh hưởng do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: Công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu hiện hậu COVID-19…
2.1. Công tác giám sát
- Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh.
- Lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.
- Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.
- Cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 của Bộ Y tế, áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.
2.2. Công tác điều trị
- Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...).
- Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19.
- Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, cập nhật các hướng dẫn mới, áp dụng phù hợp với tình hình của địa phương.
- Rà soát, thống kê, điều chỉnh nhu cầu trang thiết bị y tế, hồi sức, bao gồm: Máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, ô xy y tế… phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới.
2.3. Tiêm vắc xin
- Xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.
- Lồng ghép tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
2.4. Dự phòng cá nhân
- Khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
- Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi.
- Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc.
- Khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh/mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.
- Thường xuyên cập nhật để thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh cho người dân biết, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là.
- Truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; những hậu quả, khó khăn do COVID-19 để lại giúp người dân hiểu và biết cách tự phòng bệnh.
- Truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Định hướng cơ quan thông tin, báo chí trong các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế.
- Tập huấn về Hướng dẫn giám sát phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quyết định của Bộ Y tế.
- Triển khai các nhóm chuyên gia hỗ trợ các địa phương trong việc hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật.
- Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo, thống kê ca bệnh, xét nghiệm, tiêm vắc xin; tư vấn, điều trị, đào tạo từ xa và chia sẻ thông tin về giám sát dịch bệnh, tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị… phục vụ phòng, chống dịch.
- Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, tài khoản định danh điện tử trong công tác quản lý ca bệnh.
Tiếp tục các hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình dịch, các biến thể mới, vắc xin, thuốc điều trị, các biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế theo đúng quy định.
Phối hợp, huy động các nguồn lực của các tổ chức trong tỉnh, trong nước, ngoài nước (nếu có): Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học; nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 và các vấn đề do hậu COVID-19 gây ra; khảo sát năng lực ứng phó dịch COVID-19 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trường học…
- Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch.
- Có phương án đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị COVID-19 tại các tuyến huyện và tỉnh.
- Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chính sách về xã hội hóa trong phòng, chống dịch.
- Xây dựng, đề xuất các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
Trong trường hợp dịch COVID-19 có biến thể mới nguy hiểm, bùng phát trên diện rộng thì thực hiện theo Phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế (giao Sở Y tế có Phương án cụ thể).
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN: Từ nay đến năm 2025.
Nguồn kinh phí đia phương cấp để phục vụ hoạt động phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025; nguồn kinh phí xã hội hóa từ các tổ chức chính trị xã hội trong nước và các tổ chức quốc tế tham gia trong chương trình quốc gia phòng chống COVID-19.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên cập nhật, rà soát các quy định mới về phòng, chống dịch để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời và phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch trong nước và quốc tế; tổ chức đánh giá, xác định nguy cơ dịch, tham mưu triển khai các đáp ứng trong phòng, chống dịch phù hợp.
- Tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế cả dự phòng và điều trị, bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm và vận động người dân tham gia. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cơ động để kịp thời tăng cường trong tình huống vượt quá khả năng kiểm soát dịch COVID-19 của địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh giám sát trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng và tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh. Triển khai tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn, khoa học và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn chuyên môn về điều trị và dự phòng của Bộ Y tế trong tình hình mới.
2. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán của Sở Y tế và các địa phương, đơn vị liên quan tại thời điểm lập dự toán hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán để thực hiện phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở... cho người dân, cộng đồng ủng hộ và tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Phối hợp với ngành Y tế, các cơ quan liên quan xây dựng các tài liệu truyền thông, đăng, phát các tin bài về tình hình dịch COVID-19, tiêm chủng vắc xin và các hoạt động, biện pháp, thông điệp về và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân không hoang mang và tham gia phòng, chống dịch hiệu quả.
- Xây dựng định hướng cho các nghiên cứu cấp tỉnh thuộc lĩnh vực y tế dự phòng để làm cơ sở khoa học cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, đánh giá dự báo, khoa học xét nghiệm, thuốc, vắc xin, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin, sau nhiễm bệnh, các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nghiên cứu, điều tra các vấn đề liên quan đến công tác truyền thông, giám sát, dự phòng, điều trị nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; các vấn đề sức khỏe, tâm lý xã hội liên quan đến dịch COVID-19, các vấn đề sức khỏe do hội chứng COVID-19 kéo dài và các vấn đề khác liên quan đến dịch COVID-19.
- Tăng cường quản lý, giám sát các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các thuốc mới trong điều trị COVID-19 tại Bình Thuận đảm bảo chất lượng nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu quả điều trị theo đúng quy định.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tham mưu thực hiện các biện pháp hỗ trợ, các chế độ, chính sách an sinh xã hội đảm bảo cuộc sống người dân.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình dịch COVID-19, chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các đơn vị liên quan, trong quá trình tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
- Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các nhà trường theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động thường xuyên thực hiện vệ sinh trường học, bố trí đủ xà phòng, nước sạch rửa tay thường quy. Phối hợp với cơ quan y tế địa phương phát hiện sớm các trường hợp bệnh/nghi bệnh COVID-19 để tổ chức cách ly điều trị, phối hợp tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định.
- Sẵn sàng các phương án đảm bảo thực hiện công tác giảng dạy phù hợp với tình hình dịch và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khác khi được huy động.
- Phối hợp với cơ quan truyền thông và ngành y tế tổ chức triển khai tuyên truyền phòng chống dịch, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho phụ huynh và học sinh các cấp học.
8. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi mắc COVID-19 đơn giản, thuận tiện.
9. Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tăng cường thời lượng phát sóng, số lượng tin bài về các nội dung tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế để người dân hiểu và thực hiện.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng huy động lực lượng phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh tại cảng biển. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng huy động lực lượng phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
- Chủ trì đảm bảo công tác an ninh trật tự xã hội nhất là ở các vùng nguy cơ, các khu vực trọng yếu của tỉnh; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng, các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch và an ninh trật tự xã hội.
- Phối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát người bệnh COVID-19 tại các cơ sở điều trị.
- Sẵn sàng phương án huy động lực lượng tham gia các hoạt động khác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh và các địa phương.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ kế hoạch này, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương.
- Căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch tại địa phương, xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ đạo củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp tại địa phương.
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai mạnh mẽ việc thực hiện kế hoạch và kiểm tra, giám sát hoạt động trên địa bàn để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
- Chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực cho việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương đảm bảo tỷ lệ bao phủ các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm cung cấp đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế và chính quyền các cấp phổ biến, thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của Nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng.
Trên đây là Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
| KT. CHỦ TỊCH |
[1] Hơn 1,7 triệu ca mắc, 32.168 tử vong (tỷ lệ 1,86%) tính đến hết năm 2021 và hơn 11,5 triệu ca mắc, 43.186 tử vong (tỷ lệ 0,37%) tính đến hết năm 2022; đến nay đã có 11,6 triệu ca mắc, 43.206 tử vong (tỷ lệ 0,37%).
- 1Kế hoạch 288/KH-UBND năm 2023 về kiểm soát, quản lý bền vững dịch, bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2025
- 2Kế hoạch 292/KH-UBND năm 2023 về kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội giai đoạn 2023-2025
- 3Kế hoạch 556/KH-UBND năm 2023 kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Quyết định 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm kèm theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 3896/QĐ-BYT năm 2023 về điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiêm năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Quyết định 3984/QĐ-BYT năm 2023 về Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Kế hoạch 288/KH-UBND năm 2023 về kiểm soát, quản lý bền vững dịch, bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2025
- 6Kế hoạch 292/KH-UBND năm 2023 về kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội giai đoạn 2023-2025
- 7Kế hoạch 556/KH-UBND năm 2023 kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2024 kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 13/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 03/01/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra