Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/KH-BCĐ

Hoà Bình, ngày 14 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TỈNH HÒA BÌNH NĂM 2021

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát hiện và xử lý kịp thời ca bệnh đầu tiên, giảm số người mắc và tử vong do một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, khống chế kịp thời không để dịch bùng phát.

- Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến.

- Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi và bệnh sốt rét.

- Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.

- Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.

- Đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị cần thiết, tại chỗ; sẵn sàng ứng phó một cách có hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

3. Các chỉ tiêu chính

- 100% Uỷ ban nhân dân các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

- 100% ca bệnh, vụ dịch mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt là bệnh nhóm A.

- 100% cán bộ làm công tác phòng, chống dịch được cập nhật kiến thức mới về giám sát và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua nhiều kênh thông tin: tập huấn, văn bản, internet,...

- 100% các huyện, thành phố đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin 8 bệnh (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%.

- 100% các huyện, thành phố thực hiện công tác truyền thông về bệnh Dại. Đảm bảo cung ứng nguồn vắc xin Dại không để xảy ra trường tử vong do Dại.

- Không để dịch lớn xảy ra, giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi và bệnh sốt rét.

- 100% các huyện, thành phố đảm bảo kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.

- 100% Trạm y tế xã thực hiện công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.

- 100% các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm trực tuyến theo quy định của Bộ Y tế; 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch

- Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở (khi có thay đổi nhân sự).

- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2021. Kế hoạch phòng chống dịch phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn tình hình dịch bệnh của địa phương, đơn vị; đề ra được các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp.

2. Công tác tuyên truyền

- Khuyến cáo người dân, khách du lịch tiếp tục thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền cho người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, ở những nơi tập trung đông người, tại nơi công cộng như: Cơ sở y tế, Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, bến xe, bến cảng và trên các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt…, các sự kiện, lễ hội được tổ chức trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng để nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh.

- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông: qua Đài truyền hình, báo đài của tỉnh Hoà Bình; qua hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, cụ thể, súc tích, hấp dẫn để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những bệnh pháp phòng chống dịch.

- Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh cũng như các hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng.

- Thực hiện truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các đối tượng lãnh đạo, quản lý, người tham gia trực tiếp phòng chống dịch và toàn thể người dân trong cộng đồng.

3. Công tác truy vết, giám sát, xử lý dịch

- Tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng. Đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch.

- Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, đặc biệt mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.

- Tăng cường chỉ đạo việc thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

4. Công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân

- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm và phòng chống dịch trong bệnh viện cũng như khu vực xung quanh bệnh viện.

- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh dịch tại cộng đồng cũng như tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh dịch.

5. Công tác đào tạo, tập huấn

- Tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch về giám sát, phát hiện ca bệnh; công tác khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và trang bị kỹ năng truyền thông phòng chống dịch cho cộng đồng.

- Tập huấn thường xuyên về phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc.

- Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập và triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế.

6. Công tác tiêm chủng vắc xin

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng: đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Tổ chức tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn thường xuyên, đảm bảo tất cả cán bộ làm công tác tiêm chủng có đầy đủ kỹ năng theo quy định.

- Ứng dụng quản lý đối tượng, lịch sử tiêm chủng của người dân và thống kê báo cáo tiêm chủng mở rộng bằng phần mềm. Thường xuyên rà soát, nắm bắt đối tượng và tiền sử tiêm chủng để không bỏ sót mũi tiêm.

- Sẵn sàng công tác tiêm vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2.

7. Công tác đảm bảo hậu cần cho phòng chống dịch

- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men cho công tác phòng chống dịch.

- Bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc men sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất tử vong do dịch.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo quản vận chuyển vắc xin để đảm bảo chất lượng vắc xin, hiệu quả sử dụng.

8. Công tác kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra định kỳ: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp có kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch của các huyện, thành phố; các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn; các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn thường xuyên, liên tục (tuỳ theo điều kiện của từng đơn vị để xây dựng thời gian phù hợp).

- Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp tổ chức kiểm tra đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

- Các Sở, ngành đoàn thể tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch của các đơn vị trực thuộc và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh chủ động trên địa bàn tỉnh.

- Ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh của ngành và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng, tại các cơ sở điều trị. Chỉ đạo các cơ sở điều trị tăng cường phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, tổ chức thu dung, điều trị, cách ly kịp thời theo quy định, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”.

- Thực hiện chế độ thường trực chống dịch và chế độ báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giám sát chặt chẽ bệnh trên đàn gia cầm, tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, mua bán, ấp nở gia cầm, nơi có ổ dịch cũ.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm, đặc biệt là các loại gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Chủ trì, phối hợp với ngành y tế xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

3. Sở Công thương

Phối hợp với các ngành quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và chống tư thương lợi dụng dịch, bệnh để tăng giá các mặt hàng liên quan.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với ngành y tế tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho học sinh và cán bộ giáo viên nhà trường.

- Khi có dịch bệnh xảy ra tại nhà trường cần phối hợp với lực lượng y tế thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý tại chỗ theo quy định của chuyên môn để hạn chế tối đa sự lây lan.

- Cung cấp thông tin kịp thời về trường hợp dịch bệnh trong trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.

5. Các sở, ban ngành, đoàn thể

Theo chức năng nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của ngành, đơn vị mình và phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý; sẵn sàng hỗ trợ địa phương bạn khi cần thiết.

- Đảm bảo các nguồn lực sẵn sàng ứng phó và chủ động phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

IV. ĐẢM BẢO HẬU CẦN

- Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế tổng hợp dự toán chi tiết nhu cầu kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh gửi Sở Tài chính.

- Sở Tài chính căn cứ khả năng ngân sách, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành để thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

- Khuyến khích thực hiện xã hội hóa các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh) để tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Bệnh viện đa khoa tỉnh;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật;
- Chánh, Phó Chánh VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.(Vu.35b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 13/KH-BCĐ về phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hòa Bình năm 2021

  • Số hiệu: 13/KH-BCĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản