Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 128/KH-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 26 tháng 8 năm 2021 |
CUNG ỨNG, ĐIỀU TIẾT CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU TRONG TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Thực hiện Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Công văn số 1389-CV/TU ngày 31/7/2021 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về việc khẩn trương thực hiện nghiêm ngặt hơn, mạnh mẽ hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại văn bản số 2099/SCT-QLTM ngày 20/8/2021 về Kế hoạch cung ứng, điều tiết các mặt hàng thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tối thiểu cho người dân trong mọi tình huống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động dự trữ nguồn hàng, đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả ổn định, tổ chức cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng và phòng chống dịch tại địa phương.
- Đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng nông thủy sản của tỉnh.
2. Yêu cầu
- Bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh về cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
- Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương) từ tỉnh đến cơ sở.
- Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành để đề ra các biện pháp, giải pháp xử lý tình huống có thể xảy ra; kịp thời năm bắt tình hình, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của cấp có thẩm quyền nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu chung.
- Có phương án kiểm tra, giám sát việc triển khai đảm bảo đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
1. Trường hợp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7/2021 đến nay, nhìn chung nguồn hàng cung ứng trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không bị khan hiếm hay đứt gãy nguồn hàng.
Trong trường hợp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu của Sở, ngành, địa phương.
2. Trường hợp nâng mức phòng chống dịch Covid-19 lên mức độ cao hơn (hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh phía Nam tạm dừng, người dân không được di chuyển khỏi nơi cư trú “ai ở đâu ở đây”)
2.1. Nhận định tình hình:
- Các tỉnh khu vực phía Nam tạm dừng hoạt động lưu thông hàng hóa; chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy ở một số nơi; hoạt động cung ứng bị ách tắc do các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tạm dừng hoạt động; hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa tạm dừng dẫn đến công tác bổ sung hàng hóa không kịp thời.
- Tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu như sau:
STT | Hàng hóa | Đơn vị tính | Khả năng cung ứng/tháng | Nhu cầu tiêu dùng/ tháng | ||
Trong tỉnh | Ngoài tỉnh | Tổng | ||||
1 | Lương thực (quy gạo) | tấn | 9.045 | 370,25 | 9.415,25 | 11.580,20 |
2 | Thịt các loại | tấn | 8.460 | 50 | 9.093 | 5.695,70 |
3 | Rau, củ | tấn | 4.500 | 111 | 4.611 | 12.270,40 |
4 | Dầu ăn | 1000 lít | - | 105,2 | 105,20 | 561,15 |
5 | Đường | tấn | - | 58 | 58 | 599,42 |
6 | Gia vị khác (muối, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm...) | tấn | 4.816,67 | 56 | 4.872,67 | 350,73 |
7 | Trứng gia cầm | 1000 quả | 22.000 | 44,8 | 22.044,80 | 13.565,69 |
8 | Thực phẩm chế biến | tấn | 8.585 | 44 | 8.629 | 6.487,44 |
9 | LPG | tấn | 3.700 | - | 3.700 | 3.679,80 |
- Các mặt hàng thiếu hụt:
Lương thực (gạo) hiện nay, phần thiếu hụt này do các đơn vị như siêu thị, TTTM, chuỗi cửa hàng bán lẻ nhập về từ các tỉnh miền Tây. Đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ tăng lượng dự trữ hàng hóa ở mức cao nhất tại tất cả các điểm bán hàng, kho thuộc hệ thống.
Rau, củ: nguồn cung trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; các chợ, siêu thị, TTTM, Chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh lấy rau từ tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây. Do mặt hàng rau là mặt hàng không trữ lâu dài được, do đó cần có giải pháp phân phối mặt hàng này ở mức tiêu dùng tối thiểu cho mỗi người dân, đồng thời cần huy động tăng thêm thời vụ gieo trồng.
Dầu ăn: Trên địa bàn tỉnh có các nhà máy sản xuất dầu ăn, nhưng các nhà máy này không bán trực tiếp trên địa bàn tỉnh mà thông qua công ty từ TP.HCM phân phối đến các đơn vị cung ứng như các chợ, siêu thị, TTTM, Chuỗi cửa hàng bán lẻ. Đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ tăng lượng dự trữ hàng hóa ở mức cao nhất tại tất cả các điểm bán hàng, kho thuộc hệ thống. Đồng thời đàm phán với công ty ở TP.HCM để cung ứng hàng trực tiếp đáp ứng đủ nhu cầu cho tỉnh từ nhà máy sản xuất đặt tại tỉnh.
Đường: trên địa bàn tỉnh không có đơn vị sản xuất đường lớn. Lượng hàng về hàng ngày thông qua các đơn vị cung ứng nhập từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương. Đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ tăng lượng dự trữ hàng hóa ở mức cao nhất tại tất cả các điểm bán hàng, kho thuộc hệ thống.
- Các mặt hàng dư thừa:
Thịt các loại: nguồn cung trên địa bàn tỉnh từ các trang trại chăn nuôi. Sản lượng thịt trên địa bàn tỉnh sẽ dư so với nhu cầu tiêu thụ nếu không cung ứng cho các tỉnh lân cận. Do đó, cần áp dụng biện pháp trữ đông, đồng thời ưu tiên sử dụng nguồn cung tại tỉnh, giảm lượng trữ hàng từ ngoài tỉnh ở hệ thống phân phối.
Gia vị khác: trên địa bàn tỉnh không có sản xuất hạt nêm nhưng có sản xuất muối và nước mắm, đủ cung ứng cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh và có dư cung ứng đến các tỉnh bạn. Mặt hàng này chủ yếu dư sản lượng muối và nước mắm sản xuất tại tỉnh, tuy nhiên đây là mặt hàng có thể trữ lâu dài.
Trứng gia cầm: trên địa bàn tỉnh hiện mặt hàng trứng gà nói riêng không đủ cung ứng cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh, nhưng tổng mặt hàng trứng gia cầm (bao gồm thêm trứng vịt, trứng cút) sẽ dư so với nhu cầu của tỉnh. Do đó, cần giảm lượng trữ hàng từ ngoài tỉnh ở hệ thống phân phối để ưu tiên sử dụng sản lượng sản xuất tại tỉnh.
Thực phẩm chế biến: Trên địa bàn tỉnh có các cơ sở sản xuất khô, thủy sản đông lạnh, một nắng, sản phẩm chế biến từ thịt gia súc gia cầm (giò chả, xúc xích, chà bông...), nguồn cung ứng dư so với nhu cầu trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên các mặt hàng đồ hộp trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất, hàng nhập về tỉnh thông qua các đơn vị cung ứng như các chợ, siêu thị, TTTM, Chuỗi cửa hàng bán lẻ. Do đó cần đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ tăng lượng dự trữ hàng hóa ở mức cao nhất tại tất cả các điểm bán hàng, kho thuộc hệ thống.
LPG: trên địa bàn tỉnh hiện có 10 đơn vị chiết nạp LPG chai, 4 đơn vị kho LPG lớn tại KCN Cái Mép, TX Phú Mỹ. Đủ sức cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và cung ứng cho các tỉnh lân cận.
Các loại trái cây: gồm nhãn, bưởi, thanh long đỏ vào vụ thu hoạch, thu hoạch. Cần tăng cường tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, tăng cường truyền thông ra ngoài tỉnh để người dân trong cả nước biết, tạo thêm nhu cầu tiêu thụ đối với các mặt hàng này.
2.2. Giải pháp:
a) UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ (cụ thể về số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa...), không để bị động khi phát sinh tình huống diễn biến dịch ở mức độ cao hơn. Báo cáo cập nhật tình hình trước 16 giờ 00 hàng ngày về Sở Công Thương để tổng hợp chung.
- Trong trường hợp thiếu hụt hàng hóa cục bộ (tại xã, phường, thị trấn); chủ động đánh giá, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người dân, liên hệ, trao đổi với các hệ thống cung ứng chủ lực trên địa bàn để điều phối, cung ứng hàng hóa kịp thời, phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Nếu vẫn không đủ nguồn cung thì kịp thời báo cáo Sở Công Thương để phối hợp điều tiết hàng hóa.
- Chủ động bố trí các xe vận chuyển hàng thiết yếu (ít nhất 10 chiếc) của huyện để phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các chuyến hàng lưu động, vận chuyển, cung cấp hàng thiết yếu cho người dân, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Đề nghị cung cấp danh sách (bao gồm người phụ trách, biển số xe, họ tên lái xe, loại xe, trọng tải...) về Sở Công Thương trước ngày 25/8/2021.
- Khảo sát, bố trí địa điểm làm kho dự trữ hàng hóa tạm thời (phải đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm này) để tập kết, dự trữ hàng hóa thiết yếu tại địa phương.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ dân để nắm thông tin đầy đủ, chính xác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh; Tăng cường thời lượng tuyên truyền về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, tránh tâm lý hoang mang, tích trữ hàng hóa trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong cộng đồng.
- Rà soát danh sách số hộ, số nhân khâu (số người trong hộ) của từng tổ dân phố, thống kê nhu cầu hàng hóa thiết yếu theo từng tổ dân phố. Tiếp tục lập danh sách các đơn vị, nhà phân phối, tiểu thương trên địa bàn kinh doanh theo hình thức trực tuyến hoặc bán hàng qua điện thoại để tuyên tuyền, phổ biến đến người dân được biết, tăng cường mua sắm trực tuyến trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
- Huy động lực lượng từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các đoàn thể, tổ dân cư để thành lập các tổ hỗ trợ cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân (Tổ hỗ trợ); lập danh sách các Tổ hỗ trợ (tại các khu phố, thôn, ấp, ...) bao gồm đầu mối liên hệ, số điện thoại, địa chỉ, kết nối zalo với Tổ Hậu cần của tỉnh (thông qua Sở Công Thương) để kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong việc phân phối, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
b) Sở Công Thương:
- Thông tin đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ khẩn trương tìm nguồn hàng, dự trữ tối đa sức chứa của các kho và điểm bán hàng thuộc hệ thống, không để bị cắt nguồn cung đột ngột; chuẩn bị nguồn dự phòng sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống, không để xảy ra thiếu hàng cung ứng.
- Đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ tăng lượng dự trữ hàng hóa ở mức cao nhất tại tất cả các điểm bán hàng, kho thuộc hệ thống. Mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán tại các địa phương và trong trường hợp cần thiết sẽ lập thêm các kho dã chiến, đảm bảo dự trữ hàng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Theo dõi tình hình sản xuất, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm tại chỗ cho thị trường; thực hiện các giải pháp điều tiết kế hoạch sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản, thời gian thu hoạch; hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp phương pháp bảo quản sau thu hoạch.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tại địa phương được phép ra đồng sản xuất, nhất là các sản phẩm trồng trọt đã đến thời kỳ thu hoạch hoặc phải thường xuyên thăm đồng, chăm sóc tránh bị địch hại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm; Cho các phương tiện chở nông sản, thủy sản, vật nuôi được nhập hàng tại địa phương đề đảm bảo nguồn hàng không bị đút chuỗi cung ứng khi các phương tiện này đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19;
- Rà soát, giới thiệu các đơn vị chăn nuôi, trồng trọt sản phẩm nông nghiệp an toàn và có nguồn hàng ổn định tham gia phân phối hoặc cung ứng hàng hóa cho thị trường.
- Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch của các địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, đảm bảo cung ứng cho thị trường như: thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, rau, củ quả đảm bảo an toàn thực phẩm.
d) Sở Tài chính: Có kế hoạch dự trữ nguồn ngân sách tỉnh khi có tình trạng khan hiếm hàng hóa và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình:
- Đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đen người dân biết và không tích trữ hàng hóa, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, an toàn thực phẩm; thông tin các điểm bán hàng trực tuyến của các siêu thị, TTTM, chuỗi cửa hàng bán lẻ, 53 điểm bán hàng dịch vụ phân phối hàng tiêu dùng của Bưu điện tỉnh qua các kênh như điện thoại, zalo, app, website... để người dân biết và mua sắm. Đồng thời chấn chỉnh, xử lý những thông tin không chính xác, sai lệch làm bất ổn thị trường.
- Tổ chức tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt thông điệp 5K trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
e) Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Công an tỉnh:
- Triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và sản xuất của người dân được lưu thông thông suốt; tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch trong vận chuyển hàng hóa.
- Triển khai phương án huy động các phương tiện vận chuyển công cộng tham gia vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn khẩn cấp.
g) Cục Quản lý thị trường tỉnh:
- Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá để trục lợi, đặc biệt là đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân; kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết.
- Hàng ngày báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) về tình hình kiểm tra, kiểm soát thị trường trong tình hình dịch Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời.
h) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tham gia, hỗ trợ các địa phương trong công tác phân phối cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
i) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Hỗ trợ, bố trí lực lượng tham gia vào công tác cung ứng, vận chuyển và phân phối hàng hóa trong trường hợp cấp bách.
k) Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bà Rịa - Vũng Tàu:
- Chủ động tổ chức vận chuyển, cung ứng hàng hóa với nhiều phương thức phù hợp tình hình thực tế tại điểm bán.
- Tổ chức nhiều chuyến bổ sung hàng hóa trong ngày cho các điểm bán hàng. Mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán tại các địa phương và trong trường hợp cần thiết lập thêm các kho dã chiến.
- Triển khai phương án tổ chức bán hàng lưu động để tạo thêm diêm mua hàng cho người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
- Hỗ trợ nhân lực (sắp xếp hàng hóa, shipper) cho các địa phương cung ứng, giao nhận hàng hóa thiết yếu đến người dân, phối hợp với các địa phương xây dựng phương án bán hàng lưu động phục vụ kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
2.3. Trường hợp thực hiện cách ly cộng đồng tại một khu vực cụ thể
a) UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chủ động xây dựng kế hoạch điều phối hàng hóa cho khu vực bị phong tỏa, cách ly (xác định cụ thể số lượng người, số lượng hàng hóa cung ứng, phương thức vận chuyển, cung ứng hàng hóa đến người dân, quy cách đóng gói để dễ phân chia hàng). Làm việc với đơn vị cung ứng trên địa bàn, ký bản ghi nhớ về việc cung ứng hàng cho khu vực cách ly, thống nhất phương án vận chuyển, phân phối, rà soát năng lực của nhà cung cấp bảo đảm không nhận lượng đơn hàng nhiều hơn khả năng cung ứng.
- Thành lập tổ cung ứng hàng hóa; phân công 01 đầu mối trong khu vực cách ly để tiếp nhận và cung cấp thông tin hai chiều (trong khu cách ly với khu bên ngoài không bị cách ly), lập danh sách gồm họ và tên, địa chỉ, số điện thoại để cung cấp cho nhân dân trong vùng cách ly biết, liên hệ khi có nhu cầu.
- Tổng hợp danh sách chuyển cho đơn vị cung ứng để thu mua cung cấp.
- Huy động các nguồn lực trên địa bàn tiếp nhận, phân chia các mặt hàng thiết yếu theo định mức hộ gia đình và tổ chức vận chuyển, cung cấp cho người dân trong khu vực cách ly. Đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh khi thực hiện nhiệm vụ.
b) Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ: Thực hiện phân phối hàng hóa cho các khu vực cách ly theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bản ghi nhớ đã ký với UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc cung ứng hàng cho khu vực cách ly, theo nguyên tắc chủ động cân đối, điều động, bố trí hàng hóa cho từng địa phương.
Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp được nêu tại Kế hoạch. Thường xuyên báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) các vấn đề phát sinh để cập nhật, điều chỉnh kế hoạch kịp thời phù hợp với tình hình thực tế./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 628/QĐ-UBND năm 2020 về Phương án bình ổn giá thị trường mặt hàng thiết yếu để ứng phó dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 2Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2021 về đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg
- 3Quyết định 2415/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án cung ứng, phân phối mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 1Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 628/QĐ-UBND năm 2020 về Phương án bình ổn giá thị trường mặt hàng thiết yếu để ứng phó dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3Công điện 1063/CĐ-TTg năm 2021 về phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 do Chính phủ ban hành
- 5Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2021 về đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg
- 6Quyết định 2415/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án cung ứng, phân phối mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2021 về cung ứng, điều tiết các mặt hàng thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- Số hiệu: 128/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 26/08/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Lê Ngọc Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra