Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1277/KH-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 5 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Triển khai thực hiện Báo cáo số 216/BC-BCĐ ngày 09/01/2025 của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 (sau đây viết tắt là KTTT, HTX), Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai như sau:

Phần thứ Nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2024

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2024

1. Đánh giá chung

a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của Hợp tác xã, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác (sau đây viết tắt là HTX, LH HTX, THT):

- Về HTX: Trên địa bàn tỉnh có 471 HTX[1], trong đó có 391 HTX đang hoạt động, 11 HTX được giải thể; doanh thu bình quân của một HTX khoảng 2.948 triệu đồng/năm; lãi bình quân một HTX đạt 118 triệu đồng/năm.

- Về Liên hiệp HTX: Có 02 LH HTX, doanh thu bình quân của một LH HTX là 450 triệu đồng/năm.

- Về THT: Có 487 THT, đa số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

b) Về thành viên, lao động của HTX, LH HTX, THT:

- Tổng số thành viên của HTX là 19.316 người (trong đó thành viên mới là 539 người). Tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 6.936 người.

- Về LH HTX: Có 02 LH HTX với 09 HTX thành viên.

- Về THT: Tổng số có 4.409 thành viên.

c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX, LH HTX: Tổng số cán bộ quản lý HTX, LH HTX có 1.405 người, trong đó số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ sơ cấp, trung cấp có 520 người, chiếm 37% tổng số cán bộ quản lý; cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học có 415 người chiếm 29,53% tổng số cán bộ quản lý.

2. Đánh giá theo lĩnh vực

- Lĩnh vực nông nghiệp: Có 378 HTX, chiếm 81% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh với sự tham gia khoảng 10.900 thành viên. 47 HTX nông nghiệp đăng ký tham gia Chương trình và sở hữu 133 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Phần lớn các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, nhiều HTX đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư, xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Số HTX nông nghiệp thành lập mới đa dạng hơn về mô hình sản xuất kinh doanh, nhạy bén trong việc áp dụng các quy trình công nghệ vào sản xuất, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhiều HTX NN kinh doanh có lãi. Nhiều HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt chức năng xã hội thông qua việc tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả, vẫn tồn tại các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, thiếu tính ổn định, năng lực cạnh tranh yếu. Đa số các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, chưa thu hút được nhiều thành viên và người lao động tham gia. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều HTX nông nghiệp còn hạn chế, máy móc thiết bị cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công là phổ biến nên gặp khó khăn về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa. Một số HTX nông nghiệp không có trụ sở làm việc phải mượn tạm phòng làm việc trong trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa thôn để làm trụ sở.

- Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Có 13 HTX với sự tham gia của 105 thành viên. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu, lao động thủ công là chính, hiệu quả kinh doanh thấp. Một số HTX đã chủ động tìm hướng đi thích hợp, như đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

- Lĩnh vực vận tải: Có 40 HTX với sự tham gia của 447 thành viên. Nhìn chung các HTX vận tải hoạt động hiệu quả, kinh doanh có lãi, có chiều hướng phát triển tích cực; nhiều thành viên HTX đã đầu tư vốn mua sắm phương tiện mới, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Tuy nhiên một số thành viên, hội viên hội đồng quản trị và cán bộ điều hành hoạt động HTX có trình độ hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu nên việc tiếp cận nền kinh tế thị trường còn chậm, mô hình HTX dịch vụ hỗ trợ khi áp dụng vào quản lý hoạt động kinh doanh vận tải còn chưa phù hợp nên chưa quản lý chặt chẽ được lái xe và hoạt động của phương tiện. Thành viên của HTX chưa quan tâm đến lợi ích tập thể khi tham gia HTX, gia nhập mang tính hình thức, hoạt động còn tự do. Vì vậy, một số HTX vẫn hoạt động với quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh doanh chưa cao.

- Lĩnh vực xây dựng: Toàn tỉnh có 11 HTX với 80 thành viên. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là buôn bán vật liệu xây dựng, nhận thi công công trình vừa và nhỏ...

Các HTX xây dựng đã thể hiện được vai trò tích cực, quan trọng trong việc hỗ trợ kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số HTX, ngoài việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho thành viên, các HTX đã quan tâm đến phúc lợi xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại chỗ, tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên một số HTX xây dựng gặp nhiều khó khăn do các HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, chưa đủ năng lực để tham gia đấu thầu các công trình lớn mà chủ yếu chỉ nhận những công trình vừa và nhỏ trên địa bàn.

- Lĩnh vực thương mại: Có 23 HTX với 177 thành viên. Phần lớn các HTX hoạt động ổn định; các HTX chú trọng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên các HTX vẫn gặp khó khăn do quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện mở rộng nguồn hàng và địa bàn kinh doanh.

- Lĩnh vực quỹ tín dụng nhân dân (QTD): Có 06 QTD nhân dân đang hoạt động với 7.635 thành viên. Các QTD nhân dân hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, do đó hệ thống QTD nhân dân được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo tính liên kết hệ thống và là lĩnh vực hoạt động ổn định, có hiệu quả nhất hiện nay (100% quỹ hoạt động có lãi). QTD nhân dân thực sự trở thành kênh huy động vốn và cho vay rất hiệu quả ở khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và tạo cho người dân làm quen với dịch vụ tài chính ngân hàng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 02 LH HTX nông nghiệp với 09 HTX thành viên. Các LH HTX có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cơ bản ổn định và có khả năng mở rộng quy mô các sản phẩm nông nghiệp, bước đầu áp dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đáp ứng được các dịch vụ cho các thành viên HTX.

3. Đánh giá tác động của HTX, LH HTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên

Tình hình phát triển HTX trên địa bàn đã có bước tiến triển mạnh về số lượng, một số HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân. Trong năm 2024 khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ổn định, các HTX đã từng bước củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp, từng bước khẳng định vai trò, vị trí và không ngừng nâng cao thu nhập, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, góp phần cung ứng dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề. Một số HTX nông nghiệp đã hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm. Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đồng thời đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Bên cạnh những tác động tích cực của HTX, LH HTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên cũng tồn tại những hạn chế như: Việc bảo vệ quyền lợi của các hộ thành viên chưa tốt liên quan đến các vấn đề về quyền tài sản, nhất là đối với đất đai chưa được xác định rõ và có các giải pháp xử lý căn cơ, bài bản; điều kiện hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ còn hạn chế, mức hỗ trợ còn hạn chế nên số HTX thụ hưởng chính sách chưa nhiều, việc tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn nên còn lúng túng trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

4.1 Một số HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Việc liên kết giữa HTX với các hộ nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản) đã có sự chuyển biến tích cực. Phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngày càng hoạt động có hiệu quả và được chú trọng, tạo điều kiện phát triển. Đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung và có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo nên mối liên kết bền chặt giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 240.871 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gồm 17 chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng; 07 chuỗi liên kết chăn nuôi với tổng số trại liên kết 178 trại chăn nuôi gà vịt và 30 nhà yến); đối tượng tham gia liên kết gồm 101 HTX, 72 THT, trên 23.902 hộ nông dân và trên 81 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng.

Một số mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: (1) Mô hình HTX sản xuất, liên kết và kinh doanh sầu riêng (HTX nông sản xuất khẩu Bắc Tây Nguyên); (2) Mô hình liên kết, sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà phê (HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành - Ia Grai); (3) Mô hình ứng dụng cơ giới hóa, thiết bị máy móc công nghệ cao trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực (HTX nông nghiệp Tân Tiến - Ia Pa); (4) Mô hình HTX nông nghiệp vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai); (5) Mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động (LH HTX tinh dầu Bạc hà Tây - Bắc Gia Lai).

4.2 HTX ứng dụng công nghệ cao

Toàn tỉnh có 54 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Áp dụng tưới tiết kiệm, tưới tự động và nhỏ giọt, công nghệ nhà lưới, nhà màng, bảo quản nông sản lạnh nhanh, cấp đông sản phẩm, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng dây chuyền chế biến, đóng gói, sử dụng phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán,... Một số HTX hoạt động gắn sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình sản xuất VietGap, Global Gap như: Sản phẩm Tiêu của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tại huyện Đak Đoa, Chanh dây của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai tại huyện Mang Yang, Mật ong của HTX mật ong Phương Di, Gạo của HTX Nông nghiệp Chư A Thai - huyện Phú Thiện, sản phẩm sầu riêng của HTX hữu cơ Đại Ngàn tại huyện Chư Pưh, HTX dịch vụ Linh Nham tại huyện Mang Yang... Ngoài ra, có một số HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sản phẩm, quy trình khép kín sử dụng máy móc thiết bị, được cấp giấy chứng nhận về chất lượng và bước đầu đã tiếp cận được thị trường.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KTTT

1. Kết quả triển khai luật và các văn bản hướng dẫn

- Triển khai tuyên truyền Luật HTX năm 2023; các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật HTX năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023[2].

- Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan ban hành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh như: Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đẩy mạnh phát triển HTX trên địa bàn tỉnh; Chương trình số 46-CTr/TU ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022; Nghị quyết số 174/NQ-HĐND ngày ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển KTTT, HTX tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 655/KH-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ và Chương trình số 46-CTr/TU ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

- Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, tham mưu ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh[3], tổ chức các hội nghị gặp mặt HTX để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm giúp các HTX hoạt động ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

2. Công tác quản lý nhà nước về KTTT

- Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 14/6/2024 về Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Gia Lai; đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm và tổng kết năm 2024; theo đó, chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Gia Lai, Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 18/11/2021 của Trưởng Bah Chỉ đạo về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Gia Lai và các quy định của pháp luật có liên quan[4].

- Công tác tổ chức và hướng dẫn đăng ký HTX thực hiện theo đúng quy định, các cơ quan đăng ký thành lập đã niêm yết công khai tại Bộ phận Một cửa, cập nhật, đăng tải trên trang thông tin điện tử, từ đó đã giúp các cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập được thuận lợi, nhanh chóng. Tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường xử lý các HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật HTX.

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX

Triển khai Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/NQ-HĐND về quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên tham gia khóa đào tạo để nâng cao năng lực và mức chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 174/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về phát triển KTTT, HTX tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 27/4/2022 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kế hoạch số 1551/KH-UBND ngày 22/6/2023 về hỗ trợ đua lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025. Năm 2024, các sở, ban, ngành liên quan, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã bám sát các chỉ đạo để triển khai và thực hiện các nhiệm vụ về hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX và đạt được những kết quả như sau:

- Về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

+ Triển khai thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, HTX kinh doanh mặt hàng nông sản về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản bằng hoạt động thực tiễn. Đồng thời, phối hợp sở, ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản; kết nối tham gia các sự kiện và hội nghị do Bộ Công Thương và các tỉnh tổ chức. Tổ chức Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Phú Thiện, Krông Pa; hỗ trợ đại biểu HTX tham dự Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên; tham dự chuỗi sự kiện Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên; trưng bày sản phẩm tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Ban Korea Desk tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư thực tế tại Gia Lai. Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng tỉnh Gia Lai tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya.

+ Hỗ trợ các HTX tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện: Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên; Hội chợ ẩm thực “Món ngon từ biển” và sản phẩm OCOP, Làng nghề tỉnh Bình Định; Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành; Chương trình tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Phát triển thương mại điện tử, các kênh bán hàng hiện đại như website; mạng xã hội như Tik Tok, Facebook, Zalo, Messenger; ứng dụng, phần mềm; dịch vụ đặt hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, thanh toán trực tuyến được doanh nghiệp, HTX triển khai ứng dụng mạnh mẽ. Phối hợp với Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số, Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối sàn thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng website, phần mềm, ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh năm 2024.

+ Liên minh HTX tỉnh chủ trì phối hợp thực hiện lựa chọn 10 loại sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu của 05 HTX trên địa bàn tỉnh, trưng bày, giới thiệu tham gia Diễn đàn HTX quốc gia lần thứ Nhất năm 2024 với chủ đề “HTX với ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”; đăng ký 04 HTX tham gia dự án “Thanh niên trong HTX là chủ thể của chuyển đổi số tại địa phương” gửi Liên minh HTX Việt Nam; đăng ký 02 HTX tham dự chuỗi sự kiện Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên tại tỉnh Đăk Lăk; tổ chức và hướng dẫn 12 lượt HTX (02 đợt) tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại năm 2024 do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Bình Định và tại Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh, Công ty TNHH thương mại Sài Gòn - Gia Lai, Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có các HTX nông nghiệp) tham gia trưng bày giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại siêu thị Co.opMart Pleiku, các điểm trưng bày hàng OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài nước.

- Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

+ Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1551/KH-UBND ngày 22/6/2023 về việc hỗ trợ đưa lao động trẻ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức KTTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025 cho 26 HTX. Kết quả đến hết năm 2024 đã hỗ trợ với kinh phí là 1.506,375 triệu đồng, trong đó năm 2023 hỗ trợ 282,750 triệu đồng; năm 2024 hỗ trợ 1.223,625 triệu đồng. Ngoài ra Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức 05 lớp lớp tập huấn bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho gần cán bộ quản lý, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho gần 250 lượt người tham gia.

+ Liên minh HTX tỉnh phối hợp với với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên mở 08 lớp tập huấn, trong đó: 02 lớp thuộc nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao, 02 lớp thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới và 04 lớp thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi với 525 lượt thành viên của HTX tham dự.

+ Sở Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực thương mại, cụ thể: “Hội nghị tập huấn phổ biến pháp luật và bồi dưỡng nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”; Hội nghị đào tạo, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, kiến thức an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho đại biểu; Hội nghị nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng trên địa bàn tỉnh; Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam thuộc danh mục của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

- Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; quản lý, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa

+ Đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia các chương trình, đề tài, dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh quản lý. Nội dung hỗ trợ tập trung vào việc chuyển giao các quy trình công nghệ tiên tiến phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương; triển khai các mô hình (hỗ trợ về giống, vật tư, thiết bị máy móc...); tập huấn kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật viên...

+ Đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích cho sản phẩm/dịch vụ cho HTX Nông nghiệp Chư A Thai - huyện Phú Thiện; HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp Ia Mơ Nông - huyện Chư Păh; HTX Tú An 1 - thị xã An Khê.

- Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX

+ Trong thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tích cực triển khai cho các HTX nông nghiệp vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Hầu hết các khoản vay của các HTX nông nghiệp tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đều được thế chấp bằng tài sản. Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đã tiếp cận được vốn vay ngân hàng đều có hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định và hiệu quả (hiện không có nợ xấu).

+ Về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương: Tính đến nay Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đã hỗ trợ vay cho 04 HTX với 05 lượt vay với số tiền là 15,720 tỷ đồng. Liên minh HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX tỉnh Gia Lai quản lý và sử dụng nguồn vốn cho các HTX thành viên vay luân phiên bằng hình thức tín chấp thông qua ủy thác tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, tổng kinh phí 360 triệu đồng, đã giải ngân cho 03 HTX vay.

+ Vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Gia Lai: Liên minh HTX tỉnh đã hướng dẫn thủ tục, thẩm định hồ sơ vay vốn cho 02 thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai huyện Phú Thiện và Hợp tác xã Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại Phượng Hoàng huyện Đức Cơ. Đến nay đã giải ngân cho 02 thành viên HTX số tiền 1,8 tỷ đồng.

- Hỗ trợ lồng ghép thông qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ

Ngân sách trung ương đã phân bổ cho tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 là 20 tỷ đồng, đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ vốn hỗ trợ cho UBND thành phố Pleiku và UBND huyện Phú Thiện để hỗ trợ cho các HTX đủ điều kiện với kinh phí là 9 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

- Về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chế biến sản phẩm

+ Đã thực hiện hỗ trợ Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất lúa gạo cho HTX Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương với kinh phí là 152 triệu đồng.

+ Thực hiện hỗ trợ 01 Đề án hỗ trợ về ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê cho HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 với kinh phí là 300 triệu đồng.

+ Đã triển khai công trình hạ tầng giao thông nông thôn nâng cấp 12,32 km đường và công trình nhà trưng bày sản phẩm cà phê 149 m² cho 05 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí 26,33 tỷ đồng, do Ban Quản lý các dự án nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

4. Kết quả, tình hình thực hiện các Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 (Đề án 167)

Trên cơ sở Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã phê duyệt danh sách 05 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai tại Quyết định số 943/QĐ-UBND ngày 30/12/2021.

- Về hỗ trợ vốn vay: Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho HTX có nhu cầu, đề xuất vay nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, cụ thể: Năm 2022, HTX Dịch vụ vận tải Đak Pơ đã được hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số vốn vay là 09 tỷ đồng.

- Về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm: Đã thực hiện hỗ trợ Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất lúa gạo cho HTX Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022 với kinh phí là 152 triệu đồng và hỗ trợ theo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí là 1.770 triệu đồng.

- Về hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích cho sản phẩm/dịch vụ: Trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ cho các HTX tham gia đề án có đề xuất hỗ trợ như:

+ HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã được cấp văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu.

+ HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp Ia Mơ Nông đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn hiệu.

+ HTX Tú An 1 có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn hiệu (Dược liệu An Khê và Trà đinh lăng P'Nang).

III. DỰ KIẾN KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Triển khai Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1167/KH-UBND ngày 20/8/2021 về việc thực hiện Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào tình hình phát triển KTTT, HTX, dự kiến khả năng hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch số 1167/KH-UBND ngày 20/8/2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến hết năm 2025 như sau:

- Số lượng HTX đến năm 2025 là 475 HTX, trong đó số HTX hoạt động ước đạt 417 HTX hoạt động, đạt kế hoạch đề ra; có 19.475 thành viên (đạt 38,2% kế hoạch), 500 THT (đạt gần 50% kế hoạch) với 4.250 thành viên (đạt 141% kế hoạch).

- Số Liên hiệp HTX đến năm 2025 ước đạt 03 Liên hiệp HTX với 13 HTX thành viên, vượt kế hoạch đề ra.

- Số HTX hoạt động loại tốt, khá ước đến năm 2025 đạt 25% trên tổng số HTX cả tỉnh, không đạt theo kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 60%).

- Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học ước đến năm 2025 đạt 35% đạt kế hoạch đề ra, 50% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc đạt kế hoạch đề ra.

- Tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản ước đến năm 2025 đạt 14,38%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 9%).

- Tỷ lệ HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ước đến năm 2025 đạt 35%, đạt kế hoạch đề ra.

- Phấn đấu đến năm 2025 xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

Nhìn chung các chỉ tiêu về phát triển KTTT, HTX dự kiến giai đoạn 2021-2025 có một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như số lượng HTX, LH HTX, tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên một số chỉ tiêu về chất lượng phát triển chưa đạt theo kế hoạch như số HTX hoạt động loại tốt, khá; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Nhìn chung trong năm 2024 khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ổn định, các HTX đã từng bước củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình và không ngừng nâng cao thu nhập cho các thành viên, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, góp phần trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX. Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, vừa cải thiện đời sống vật chất, góp phần thay đổi nhận thức cho người dân về hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả và theo nhu cầu của thị trường, đồng thời đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX ngày càng được được quan tâm nhiều, công tác tham mưu, phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục được cải thiện; việc ban hành và phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về HTX được cơ quan đơn vị quan tâm, chủ động tích cực chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện, công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, Liên minh HTX tỉnh được chú trọng, đã thể hiện được vai trò của mình đối với khu vực KTTT, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò KTTT trong nền kinh tế.

2. Các tồn tại hạn chế

- Công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt được kết quả như mong muốn; cách thức tổ chức, nhận thức về HTX kiểu mới có lúc, có nơi chưa đầy đủ và thông suốt; số lượng HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và ổn định còn ít, chưa có sức lan tỏa...

- Một số văn bản hướng dẫn triển khai chưa cụ thể, một số chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng chưa đồng bộ, chưa quy định định mức cụ thể, quy trình giải quyết và thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện. Các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX được ban hành nhiều; tuy nhiên, nguồn lực để triển khai còn hạn chế, nguồn ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ yếu là nguồn kinh phí lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí sự nghiệp và các nguồn kinh phí vận động khác...

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi, có lúc chưa thường xuyên, liên tục; chưa kịp thời nắm bắt được khó khăn của các HTX để kịp thời xử lý, kiến nghị.

- HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động còn nhiều hạn chế. Một số HTX hoạt động yếu kém, chưa đúng bản chất HTX kiểu mới; quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành còn thiếu và yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp và thiếu bền vững; lợi ích đem lại cho các thành viên chưa cao. Vai trò của HTX đối với nông nghiệp, nông thôn còn mờ nhạt, phần lớn các HTX chưa tạo được sự liên kết vững chắc, chưa góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Nhiều HTX còn thiếu cơ sở vật chất, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, không có tài sản thế chấp để vay vốn, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để vay vốn tín dụng, huy động vốn của thành viên; phương thức hoạt động kinh doanh của HTX không phù hợp và chưa theo kịp với sự phát triển chung của thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Một số HTX hoạt động kém hiệu quả, một số HTX tồn tại mang tính hình thức.

- Chưa giải quyết dứt điểm công tác giải thể đối với các HTX ngưng hoạt động, chưa chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX.

3. Nguyên nhân

- Công tác tuyên truyền về HTX kiểu mới chưa đi vào chiều sâu; chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển của HTX. Bản thân những thành viên tham gia HTX cũng chưa nhận thức hết trách nhiệm xây dựng và phát triển tổ chức kinh tế của mình.

- Nhận thức về bản chất, nguyên tắc và giá trị của mô hình HTX kiểu mới và tính tất yếu khách quan của phát triển KTTT của một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa đúng tầm, quan tâm chưa đúng mức và thiếu sự thống nhất. Nhận thức vai trò của phát triển KTTT trong nông nghiệp của người dân còn nhiều hạn chế.

- Các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX của Nhà nước ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực; một số chính sách quy định bố trí nguồn ngân sách địa phương thực hiện, chưa phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

- Cán bộ phụ trách HTX của các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu, đa phần là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; do đó, việc kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của các HTX chưa sâu sát, chưa kịp thời nắm bắt được khó khăn của các HTX để kiến nghị với cơ quan cấp trên.

- Quy định về giải thể HTX tại Luật HTX và nghị định hướng dẫn có liên quan chưa giải quyết được những tồn tại, hạn chế kéo dài trong công tác giải thể, nhiều HTX, thành viên HTX không hợp tác với chính quyền trong việc giải thể HTX. Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, vận động các HTX đối với công tác giải thể có lúc, có nơi còn chưa cao.

- Thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; giá cả hàng hóa nông sản không ổn định. Một số HTX thiếu vốn để sản xuất, hỗ trợ người lao động và thành viên, trong khi đó nguồn lực phân bổ còn hạn chế, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn khó khăn. Việc tiếp cận các chính sách của Nhà nước về thuế, các loại phí, lãi suất, hỗ trợ người lao động, giảm giá tiền điện... gặp nhiều khó khăn.

- Đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX đa phần đã lớn tuổi, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý hạn chế, dẫn đến hiệu quả của công tác quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh không cao, còn lúng túng trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.

- Một số HTX mới thành lập có số lượng thành viên và vốn thực góp của các thành viên còn thấp. Nhiều HTX còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Phần thứ Hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2025

I. MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2025

1. Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 phải đặt trong Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của địa phương; phù hợp với Chiến lược Phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021), Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021) và các chương trình, kế hoạch triển khai của bộ, ngành, địa phương để triển khai Kế hoạch nêu trên.

Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường; cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro đan xen, tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTTT, HTX.

2. Phát triển KTTT, HTX phải xuất phát từ nhu cầu chung thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trên mọi vùng lãnh thổ; phải theo đúng các giá trị và các nguyên tắc cơ bản của HTX.

3. Các chỉ tiêu kế hoạch phải khả thi, phù hợp với kết quả, tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2025 và phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch dài hạn của địa phương. Ngoài các chỉ tiêu số lượng, cần chú trọng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2025

1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn

- Thuận lợi

+ Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết mở rộng thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các Hiệp định mậu dịch tự do song phương, khu vực. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo những Hiệp định mậu dịch tự do, Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang mở ra cho nước ta nhiều cơ hội như: Các HTX có nhiều cơ hội được học hỏi, nâng cao kinh nghiệm, năng lực; tiếp nhận công nghệ sản xuất và quản lý mới; thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác; mở rộng thị trường tiêu thụ. Hội nhập cũng tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

+ Nhận thức về KTTT và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên. Nhiều nơi đã chú trọng và có biện pháp đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX, tạo điều kiện cho KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển; nền kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá qua nhiều năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng khả năng cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh của từng ngành, trong đó cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng hiệu quả kinh tế, chú trọng cả trồng trọt và chăn nuôi; cơ cấu trong nội bộ từng ngành từng bước chuyển dịch gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu là lợi thế cho việc phát triển KTTT.

+ Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế hợp tác được tổ chức thường xuyên, nội dung và hình thức tuyên truyền được đổi mới.

- Khó khăn:

+ Tỉnh Gia Lai cơ bản vẫn là một tỉnh nghèo, quy mô kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng chưa cao, mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, kinh tế hàng hóa phát triển chậm dẫn, đến hạn chế khả năng phát triển HTX; xuất phát điểm của các HTX thấp, lực lượng sản xuất chưa phát triển, tích lũy nội bộ ít nên hạn chế trong đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, khả năng hợp tác, cạnh tranh còn yếu.

+ KTTT trên địa bàn tỉnh chậm có sự thay đổi về chất, quy mô HTX còn nhỏ, phạm vi hoạt động chưa được mở rộng. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý của các HTX còn nhiều hạn chế, không đáp ứng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu chung của thành viên trong điều kiện hiện nay.

+ Cạnh tranh hàng hóa diễn ra ngày càng gay gắt, sản phẩm hàng hóa đòi hỏi phải thẩm mỹ hơn, chất lượng hơn và an toàn hơn, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó quá trình đô thị hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày một phát triển, khí hậu, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp là thách thức lớn đối với người lao động, sản xuất, đặc biệt là lao động thủ công và sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, đòi hỏi các tổ chức kinh tế, người dân phải năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt và chia sẻ thông tin, tiếp cận khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

2. Định hướng chung về phát triển KTTT, HTX

Khuyến khích phát triển KTTT trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến từ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, liên kết các HTX và các thành phần kinh tế khác, chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới,... Hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, nhiều thành viên, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng.

3. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh củng cố, nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh; phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

4. Một số chỉ tiêu cụ thể năm 2025

- Tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các HTX hiện có. Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 475 HTX với 19.475 thành viên, trong đó có 417 HTX hoạt động, 50 HTX thành lập mới, giải thể 46 HTX; có 03 LH HTX với 13 HTX thành viên; có 500 THT với 4.250 thành viên THT.

- Cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 35% trên tổng số cán bộ quản lý HTX; khoảng 50% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề.

- Số HTX hoạt động loại tốt, khá đạt 25% trên tổng số HTX đang hoạt động.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2025 cả tỉnh đạt 60 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.

- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 120 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

- Giải thể dứt điểm các HTX ngưng hoạt động chờ giải thể, kể cả các HTX chưa chuyển đổi.

5. Các giải pháp phát triển KTTT, HTX năm 2025

5.1 Nâng cao nhận thức về KTTT, HTX

- Các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền Luật HTX số 17/2023/QH15 ngày 20 tháng 6 năm 2023; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa XIII và Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác của Trung ương và của tỉnh về phát triển KTTT, HTX, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đối với phát triển KTTT.

- Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức vận động một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Tập trung đầu tư cho công tác đào tạo, đổi mới hoạt động đào tạo chuyển từ lý thuyết sang thực tế tại các mô hình hoạt động có hiệu quả trên cả nước để trực tiếp học tập kinh nghiệm, cách làm.

5.2 Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT

- Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX theo đúng quy định, phù hợp thực tế. Đồng thời phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, tự vươn lên của HTX, tránh sự ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Tiếp tục huy động, tranh thủ mọi nguồn lực từ lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước tham gia thúc đẩy phát triển KTTT; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, xã hội.

- Phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, tranh thủ vốn từ hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương nhằm huy động, hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển.

- Triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho HTX thuê đất ổn định, lâu dài, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích HTX nông nghiệp tập trung, tích tụ đất đai; hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô đủ lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

- Bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất vào mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trụ sở hoạt động của các HTX. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng cơ sở hạ tầng (kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm...) gắn với điều kiện thực tiễn và phương án sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp.

5.3 Hoàn thiện và nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến KTTT

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX. Củng cố và tăng cường vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTT trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ cả về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu sát cơ sở và nhiệt tình với phong trào KTTT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

5.4 Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT

- Tiếp tục tổ chức, củng cố hoạt động của các HTX theo đúng bản chất HTX kiểu mới. Phát huy vai trò làm chủ của thành viên. Giải quyết dứt điểm những HTX tồn tại hình thức, ngưng hoạt động thời gian dài, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, hạn chế phát sinh nợ mới.

- Tăng cường hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, quảng bá sản phẩm, từ đó tăng cơ hội liên kết, hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả. Thực hiện tốt công tác đánh giá và tôn vinh, khen thưởng các HTX vươn lên.

5.5 Tư vấn, hỗ trợ các tổ chức KTTT ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT

- Thông qua các chương trình, mô hình, dự án của các cấp để tạo điều kiện cho các HTX đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý, điều hành, kỹ năng tiếp cận và nghiên cứu phát triển thị trường cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trong các tổ chức KTTT. Thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên về làm việc có thời hạn tại các tổ chức KTTT.

- Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, thành viên HTX; khuyến khích doanh nghiệp liên kết hỗ trợ đào tạo nhân lực quản trị sản xuất, kinh doanh cho HTX.

- Quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý HTX để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu theo mô hình kiểu mới.

5.6 Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác, nông dân

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường, tư vấn cho các HTX để có thể sản xuất theo đúng nhu cầu người tiêu dùng.

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ thông qua hỗ trợ thiết kế logo, bao bì và các ấn phẩm quảng bá khác giúp các HTX có được nhãn hiệu hàng hóa uy tín, có vị thế vững chắc trên thị trường để mở rộng thị trường.

- Từng bước hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, giảm chi phí marketing truyền thống, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng một cách nhanh chóng và từ đó tăng cường cơ hội liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ đưa HTX, tổ hợp tác tham gia các hội chợ, hội thi, triển lãm để quảng bá và đưa sản phẩm đến nhiều đối tượng tiêu dùng.

5.7 Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp

- Đẩy mạnh liên kết, đặc biệt là liên kết chuỗi giữa HTX với doanh nghiệp và nông dân, trong đó HTX làm nòng cốt để tổ chức thực hiện liên kết.

- Khuyến khích HTX nông nghiệp phát triển liên kết, trong đó tập trung phát triển các ngành hàng, sản phẩm và ưu tiên thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

- Lựa chọn một số giống cây trồng chủ lực có quy mô lớn, gắn với thị trường tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao để xây dựng các chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên sản phẩm theo Chương trình "mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

5.8 Phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT, HTX

- Tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; thống nhất về tổ chức và hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT, HTX hội, hiệp hội khác tăng cường vai trò trong việc vận động quần chúng, thành viên tự nguyện tham gia phát triển KTTT, HTX và thực hiện các quy định pháp luật về KTTT; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc phát triển.

5.9 Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển KTTT

- Tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KTTT tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước; tham gia các phiên chợ hàng Việt, chương trình kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm giới thiệu, hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

- Tranh thủ và phối hợp với các bộ, ngành để huy động các nguồn lực đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cho khu vực KTTT, HTX; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin trên các trang thông tin điện tử của các đơn vị; hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường trong nước, ngoài nước, tìm đối tác, thúc đẩy đầu tư, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ, tăng cường công tác xúc tiến thương mại...

- Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT, HTX, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, các tỉnh trong nước có phong trào HTX mạnh. Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX. Thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức HTX.

Trên đây là kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các cấp cơ sở và các tổ chức, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài chính (b/c);
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các Hội, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NL, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Anh

 

PHỤ LỤC I

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2024 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2023

Năm 2024

Kế hoạch năm 2025

Kế hoạch

Thực hiện cả năm

I

Hợp tác xã

 

 

 

 

 

1

Tổng số hợp tác xã

HTX

439

475

471

475

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số hợp tác xã đang hoạt động

HTX

372

408

391

417

 

Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

67

77

43

50

 

Số hợp tác xã giải thể

HTX

16

41

11

46

 

Số hợp tác xã đạt loại tốt, khá (*)

HTX

67

70

70

105

 

Số HTX ứng dụng công nghệ cao

HTX

32

37

54

60

 

Số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị

HTX

80

100

101

120

2

Tổng số thành viên hợp tác xã

Người

18.778

19.317

19.316

19.475

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới

Thành viên

469

539

530

626

 

Số thành viên ra khỏi hợp tác xã

Thành viên

112

287

287

 

3

Tổng số lao động thường xuyên trong HTX

Người

6.790

6.936

6.936

7.089

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số lao động thường xuyên mới

Người

508

519

519

520

 

Số lao động thường xuyên là thành viên HTX

Người

4.135

4.223

4.223

4.379

4

Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã

Người

1.369

1.405

1.405

1.434

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp

Người

510

520

520

530

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên

Người

350

415

415

502

5

Doanh thu bình quân một hợp tác xã

Tr đồng/năm

2.946

2.948

2.948

3.000

 

Trong đó: Doanh thu của hợp tác xã với thành viên

Tr đồng/năm

1.957

1.958

1.958

2000

6

Lãi bình quân một hợp tác xã

Triệu đồng/năm

104

118

118

120

7

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Triệu đồng/năm

39

40

40

42

II

Liên hiệp hợp tác xã

 

 

 

 

 

1

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

LH HTX

2

3

2

3

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động

LH HTX

2

3

2

3

 

Số liên hiệp HTX thành lập mới

LH HTX

-

1

 

1

 

Số liên hiệp HTX giải thể

LH HTX

-

-

 

 

2

Tổng số hợp tác xã thành viên

HTX

9

13

9

13

3

Tổng số lao động trong liên hiệp HTX

Người

 

 

 

 

4

Doanh thu bình quân của một liên hiệp HTX

Tr đồng/năm

430

450

450

480

5

Lãi bình quân của một liên hiệp HTX

Tr đồng/năm

17

20

20

25

III

Tổ hợp tác

 

 

 

 

 

1

Tổng số tổ hợp tác

THT

502

510

487

500

2

Tổng số thành viên tổ hợp tác

Thành viên

4.385

4.409

4.102

4.250

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới thu hút

Thành viên

 

 

 

 

3

Doanh thu bình quân một tổ hợp tác

Triệu đồng/năm

34,69

35,24

35,24

35,5

4

Lãi bình quân một tổ hợp tác

Triệu đồng/năm

6,94

7,02

7,02

7,05

 



[1] Trong đó có 378 HTX nông nghiệp, 13 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 11 HTX xây dựng, 40 HTX vận tải, 23 HTX thương mại, 06 Quỹ tín dụng.

[2] Công văn số 1933/SKHĐT-DN ngày 15/7/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

[3] Văn bản số 2278/VP-KTTH ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kết luận của Thủ trướng Chính phủ tại Diễn đàn KTHT, HTX 2024, Văn bản số 2487/VP-KTTH ngày 19/7/2024 về việc báo cáo kết quả Hội thảo giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với KTTT.

[4] Thông báo kết luận số 119/TB-VP ngày 01/7/2024 của VP UBND tỉnh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1277/KH-UBND phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn tỉnh​ Gia Lai

  • Số hiệu: 1277/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/05/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/05/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản