Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1272/KH-UBND

Kon Tum, ngày 10 tháng 06 năm 2016

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH HAI NĂM 2016 - 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch hành động với nội dung cụ thể sau:

I. Đánh giá tình hình

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng các Kế hoạch hành động số 1221/KH-UBND ngày 23/5/2014 và 1324/KH-UBND ngày 26/6/2015 chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Sau hai năm triển khai thực hiện, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: Doanh nghiệp và nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận và hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai dự án đầu tư trên địa bàn; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng đầu tư, kinh doanh gặp nhiều khó khăn mặc dù quỹ đất lớn; chi phí thời gian để giải quyết một số thủ tục đầu tư kéo dài, gây lãng phí và mất cơ hội đầu tư; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các sở, ban ngành chưa cao, còn thụ động trong giải quyết công việc. Một số sở, ban ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của ngành, địa phương.

Theo số liệu và kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2015 tăng 4 bậc so với năm 2014, đứng thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước (với 56,55 điểm), nằm trong nhóm xếp hạng Trung bình cả nước (năm 2014 xếp vào nhóm Tương đối thấp); đứng thứ 4, trên tỉnh Đăk Nông (với 48,96 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành) trong 5 tỉnh Tây Nguyên. So sánh với tỉnh trung vị, năm 2015 tỉnh Kon Tum có 04 chỉ số thành phần có điểm số tốt hơn(1) và 06 chỉ số thành phần có điểm số thấp hơn và sát với điểm trung vị(2). Trong các chỉ số cấu thành chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2015, nhiều chỉ số được đánh giá rất thấp, thuộc nhóm cuối trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành cả nước, bao gồm: Chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo (xếp thứ 61/63 tỉnh, thành); Chi phí thời gian (xếp thứ 60/63 tỉnh, thành); Tính minh bạch tiếp cận thông tin (xếp thứ 56/63 tỉnh, thành); Chi phí không chính thức (xếp thứ 49/63 tỉnh, thành); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (40/63 tỉnh, thành); Đào tạo lao động (xếp thứ 34/63 tỉnh, thành).

II. Mục tiêu tổng quát

1. Quán triệt tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ sâu rộng đến các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện. Tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và cải tiến lề lối làm việc, phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; góp phần xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thân thiện, minh bạch, hấp dẫn.

2. Nỗ lực tối đa trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận trong xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính tại các sở, ban ngành, chính quyền các cấp. Tập trung cải thiện điểm số các chỉ số thành phần còn thấp, phấn đấu nâng mức xếp hạng PCI của tỉnh qua từng năm.

III. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

1. Các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh

- Đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ hoặc chỉ đạo các đơn vị có liên quan đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trái quy định của pháp luật. Đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quốc gia về cải cách hành chính thuế trên 03 nhóm chỉ tiêu: Hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.

- Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục cấp phép quy hoạch, cấp phép xây dựng, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công,...); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; nâng cao điểm chỉ số tiếp cận tín dụng; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống còn tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 5 năm xuống còn 24 tháng. Phối hợp với các đơn vị liên quan rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% đến hết năm 2016.

- Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tập trung vào khâu hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo không trùng lắp, hạn chế việc doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm, hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, không kiểm tra khi không có lý do chính đáng.

- Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

2. Đến năm 2017, hoàn thành các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả

- Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quốc gia về nâng cao chỉ số hiệu lực chính sách cạnh tranh; hạn chế rào cản phi thuế quan, hiệu quả thị trường hàng hóa và cạnh tranh công bằng; bảo đảm mức lương linh hoạt; năng suất, khả năng giữ chân và thu hút nhân tài; mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính.

- Phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

3. Đến năm 2020, hoàn thành các chỉ tiêu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới 70 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới 10 ngày; tăng cường bảo vệ nhà đầu tư; thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 20 tháng. Phối hợp các đơn vị có liên quan rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

IV. Trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Trên cơ sở các mục tiêu, chỉ tiêu trên: Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính và ý nghĩa của các chỉ tiêu xếp hạng.

- Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất nhũng giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.

- Căn cứ chức năng quản lý của ngành, địa phương mình, tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc áp dụng, vận dụng các quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, không còn hiệu lực.

- Niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết trên cổng thông tin điện tử và tại trụ sở cơ quan, đơn vị trước ngày 30/6/2016.

- Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư, đất đai. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.

- Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia phản biện, góp ý và mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành về khởi sự kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Kon Tum đến năm 2020.

- Tổ chức thu thập ý kiến phản biện chính sách, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng quy trình thống nhất các bước thực hiện một dự án đầu tư từ khâu quyết định chủ trương đầu tư đến khi khởi công thực hiện dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu giúp nhà đầu tư và các cấp, ngành nắm vững để thực hiện. Trong đó phải tính đến việc lồng ghép, thực hiện song song nhiều thủ tục cùng lúc, cắt giảm thời gian chờ đợi.

- Triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng...) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.

- Rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 03 ngày theo quy định của pháp luật; các thủ tục còn lại đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh thực hiện không quá 01 ngày làm việc; đồng thời, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục bằng văn bản điện tử (tiếp nhận qua email), tổ chức giải quyết thủ tục theo hình thức trực tuyến tương đương cấp độ 3 (cá nhân, tổ chức có nhu cầu chỉ đến nơi giải quyết TTHC 01 lần để cung cấp hồ sơ theo quy định, hoàn tất quy trình và nhận kết quả).

3. Cục Thuế tỉnh

- Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong việc nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế.

- Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng.

- Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu từ phí, lệ phí.

4. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Xây dựng quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với doanh nghiệp để thống nhất thực hiện.

- Thực hiện nghiêm các quy định, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình và thực hiện giao dịch điện tử kê khai, thu và chi và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai thu và chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp.

5. Sở Công Thương

- Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có liên quan công khai hóa quy trình, thủ tục tiếp cận điện năng, thời gian xác nhận phù hợp quy hoạch, bổ sung quy hoạch.

- Hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025, có tính đến năm 2035 - Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110KV.

- Rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực như: Quy hoạch ngành công thương giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Quy hoạch xăng dầu; Quy hoạch thủy điện; Quy hoạch khoáng sản...để kịp thời tham mưu UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ liên kết theo Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trước hết là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các dự án tham gia các chương trình quỹ KHCN của Quốc gia và quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để được hỗ trợ, cho vay, tài trợ thực hiện đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, có sức cạnh tranh.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát, đánh giá quy hoạch ba loại rừng để xác định những diện tích đất lâm nghiệp không có rừng hoặc rừng nghèo để đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó chuyển đổi thành đất nông nghiệp và đất khác để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, nhất là phục vụ phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Măng Đen, phát triển vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Tông, Đăk Glei và phát triển chăn nuôi gia súc tập trung tại huyện Ia H'Drai.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Đề xuất giải pháp công khai hóa quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, quỹ đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ chế tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn sau khi có quy định, hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

9. Sở Tư pháp: Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Xây dựng

- Khẩn trương chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí các thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng.

- Giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

- Chủ trì, triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Quy định cụ thể về hồ sơ hoàn công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tài sản hình thành từ quá trình xây dựng.

11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Kon Tum: Thực hiện các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cung ứng; dịch vụ giáo dục đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra.

13. Sở Nội vụ: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

14. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xây dựng kế hoạch và phát triển nâng cao chất lượng, mở rộng việc đào tạo lao động; khuyến khích xã hội hóa phát triển hệ thống đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Chú trọng hình thức hợp tác với doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu sử dụng. Rà soát lại công tác dự báo, quản lý lao động gắn với củng cố lại hệ thống trung tâm, trường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; có giải pháp cụ thể thúc đẩy thị trường lao động tỉnh phát triển.

15. Sở Thông tin và Truyền thông

- Xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, đảm bảo kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Ủy ban nhân dân tỉnh đến các sở, ban ngành, đơn vị cấp huyện, xã. Tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp.

- Căn cứ danh mục các nhóm các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến đã được ban hành, phối hợp với các đơn vị rà soát danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2016 - 2017 và giải pháp thực hiện.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Các Sở, ban, ngành, địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh:

- Khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đơn vị mình; báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/6/2015 để tổng hợp, theo dõi, đồng thời báo cáo cấp ủy Đảng để kiểm tra, giám sát thực hiện (trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì và dự kiến các bước thực hiện để cải thiện các lĩnh vực).

- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các nhiệm vụ được giao theo chức năng, thẩm quyền. Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả.

- Định kỳ hàng quý (trước ngày 05 của tháng cuối quý) và hàng năm (trước ngày 05/12), các đơn vị báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hàng quý (trước ngày 10 của tháng cuối quý) và hàng năm (trước ngày 10 tháng 12); tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ theo thời gian quy định tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ (trước ngày 15 của tháng cuối quý và báo cáo năm trước ngày 15 tháng 12).

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung Kế hoạch hành động, Thủ trưởng các đơn vị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Ban quản lý KKT tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- Các DNNN đóng chân trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, KT7, KTN, TH, NNTNMT, VX, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Đào Xuân Quí

 



(1): Chi phí gia nhập thị trường; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý.

(2): Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Đào tạo lao động.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1272/KH-UBND năm 2016 tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

  • Số hiệu: 1272/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Đào Xuân Quí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản