Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VÀ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÃN HIỆU TẬP THỂ LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2021

Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề trên địa bàn Thành phố năm 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Hướng dẫn, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định, đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc truyền thống và danh tiếng vốn có của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tạo điều kiện để các làng nghề của Hà Nội bảo tồn và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

- Hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Các làng nghề đang làm thủ tục đề nghị công nhận và các làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống (chưa được hỗ trợ đủ 05 nội dung quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố) có nhu cầu hỗ trợ và được UBND cấp huyện có văn bản đề nghị hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp Thành phố.

2. Nội dung, mức hỗ trợ

Nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

3. Thứ tự ưu tiên

Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

- Ưu tiên các làng nghề truyền thống, làng nghề đã đăng ký các năm trước nhưng chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề; Làng nghề đăng ký thực hiện đủ 05 nội dung hỗ trợ, có: Kế hoạch và dự toán kinh phí, có phương án duy trì, phát triển thương hiệu sau khi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể năm 2021.

- Làng nghề có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố; Sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố.

- Làng nghề đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề từ năm 2019 trở về trước nhưng chưa đủ 05 nội dung quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

4. Trình tự thực hiện

4.1. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký của các quận, huyện, thị xã (cấp huyện), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì: Kiểm tra, rà soát đối tượng, nội dung, tổng hợp danh sách, hồ sơ đề nghị theo thứ tự ưu tiên; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương lựa chọn danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp (Có ý kiến của các Sở bằng văn bản).

4.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND Thành phố phê duyệt danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định.

4.3. Sau khi có Quyết định phê duyệt danh sách các làng nghề được hỗ trợ của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) thực hiện: Thông báo bằng văn bản cho các làng nghề đã được phê duyệt hỗ trợ; tổ chức ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đại diện làng nghề, đảm bảo rõ việc, rõ trách nhiệm.

- Sau khi hoàn thành các nội dung hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), UBND cấp huyện, UBND cấp xã và đại diện làng nghề có trách nhiệm thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng (hoàn thành trước ngày 30/12/2021) và thực hiện thủ tục thanh, quyết toán theo quy định.

5. Nội dung chính và tiến độ thực hiện (có Phụ lục kèm theo)

6. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn kinh phí nghiệp vụ đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng, nội dung, tiến độ thực hiện, đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp; tổng hợp tình hình, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, tổ chức ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với UBND cấp huyện, cấp xã và đại diện làng nghề theo các nội dung hỗ trợ đã được phê duyệt.

- Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng. Quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên quan; tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị liên quan xem xét, cấp sử dụng địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 18 làng nghề trong danh sách hỗ trợ 2020.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, lựa chọn danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp; kiểm tra, giám sát tiến tiến độ, nội dung triển khai thực hiện hỗ trợ theo quy định.

- Hướng dẫn UBND cấp huyện, đại diện làng nghề trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị được sử dụng địa danh theo quy định.

- Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cho phép sử dụng địa danh, thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định.

3. Sở Công Thương:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp; kiểm tra, giám sát tiến tiến độ, nội dung triển khai thực hiện hỗ trợ theo quy định.

4. Sở Tài chính:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan trong công tác triển khai thực hiện Kế hoạch.

5. UBND cấp huyện:

- Chủ động đề xuất các làng nghề tham gia Kế hoạch Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cấp Thành phố.

- Ký hợp đồng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) và đại diện làng nghề ngay sau khi được UBND Thành phố phê duyệt; thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật và Thành phố.

- Tổ chức tuyên truyền Kế hoạch tới các làng nghề; phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương kiểm tra, giám sát tiến tiến độ, nội dung triển khai thực hiện hỗ trợ theo quy định đối với các làng nghề được hỗ trợ trên địa bàn.

- Chỉ đạo thực hiện quản lý, duy trì và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể của làng nghề sau khi được Thành phố hỗ trợ.

6. UBND cấp xã:

- Đề xuất làng nghề tham gia Kế hoạch Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề cấp Thành phố.

- Ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), UBND cấp huyện (Phòng kinh tế) và đại diện làng nghề; nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật và Thành phố.

- Tổ chức tuyên truyền Kế hoạch tới các làng nghề; phối hợp với các Sở, phòng Kinh tế cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch đối với làng nghề được hỗ trợ trên địa bàn.

7. Đại diện của làng nghề:

- Triển khai thực hiện xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể theo đúng hợp đồng được ký kết với các bên liên quan theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, nội dung hỗ trợ trong Kế hoạch.

- Chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định, thực hiện việc thanh, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật và Thành phố; quản lý, duy trì và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu làng nghề sau khi đã được Thành phố hỗ trợ theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề năm 2021 trên địa bàn Thành phố. Yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- PCT Nguyễn Mạnh Quyền;
- Các Sở: NN&PTNT, KH&CN,
CT, TC, KH&ĐT;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP V.T.Anh, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KT.Vân

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
(Kèm theo Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2021)

TT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

Nhận hồ sơ đăng ký hỗ trợ; kiểm tra đối tượng, nội dung, tổng hợp danh sách, hồ sơ đề nghị hỗ trợ

01/4-15/5

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục PTNT)

UBND cấp huyện

2

Thống nhất danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung và mức kinh phí hỗ trợ

15/5 - 25/5

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ

3

Trình UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt danh sách làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung và mức kinh phí hỗ trợ cho từng làng nghề

25/5 - 10/6

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ

4

Thông báo bằng văn bản cho các làng nghề đã được phê duyệt hỗ trợ;

10/6

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các đơn vị liên quan

5

Dự thảo, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ theo các nội dung hỗ trợ đã được phê duyệt

11/6 - 15/6

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục PTNT)

UBND cấp huyện; UBND cấp xã; đại diện làng nghề.

6

Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề; Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, maketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề.

01/7-30/11

Đại diện làng nghề

UBND cấp huyện; UBND cấp xã; Sở Nông nghiệp và PTNT

7

Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thành phố.

01/7-15/12

Đại diện làng nghề

UBND cấp huyện; UBND cấp xã; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ

8

Tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai thực hiện hỗ trợ thương hiệu làng nghề

01/7-15/12

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục PTNT)

Các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; đại diện làng nghề

9

Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng sau khi hoàn thành các nội dung hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề

Hoàn thành trước ngày 30/12/2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục PTNT)

UBND cấp huyện; UBND cấp xã; đại diện làng nghề

10

Thanh quyết toán các nội dung hỗ trợ

Tháng 12 năm 2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục PTNT)

UBND cấp huyện; UBND cấp xã; đại diện làng nghề

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 126/KH-UBND về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021

  • Số hiệu: 126/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/05/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản