Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1255/KH-UBND

Gia Lai, ngày 27 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 84-CTR/TU NGÀY 19/4/2024 CỦA TỈNH ỦY GIA LAI VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 46-NQ/TW NGÀY 20/12/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 46-NQ/TW); Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 69/NQ-CP).

Thực hiện Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 19/4/2024 của Tỉnh ủy Gia Lai về thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 84-CTr/TU với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm quán triệt và triển khai kịp thời, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Chương trình hành động số 84-CTr/TU, Nghị quyết số 69/NQ-CP.

- Góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế.

- Hỗ trợ hoạt động hội và các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên nông dân được phát động sâu rộng, khơi dậy động lực, tinh thần đoàn kết, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 69/NQ-CP, Chương trình hành động số 84-CTr/TU.

- Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình hành động số 84-CTr/TU đạt hiệu quả.

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết số 46-NQ/TW, Chương trình hành động số 84-CTr/TU nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nông dân.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân

1.1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 46-NQ/TW và Chương trình hành động số 84-CTr/TU nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW và Chương trình hành động số 84-CTr/TU gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong cán bộ, hội viên nông dân, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

1.2. Khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường truyền thông về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, mô hình hay, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Cơ quan lực hiện: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

- Thời gian thực hiện:

+ Nội dung tại mục 1.1: Hoàn thành trong quý III, IV/2024.

+ Nội dung tại 1.2: Thực hiện thường xuyên.

2. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

2.1. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để nông dân có đủ năng lực tham gia sản xuất, kinh doanh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân của thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân”; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân. Định kỳ điều tra, đánh giá và dự báo nhu cầu lao động ở nông thôn để điều chỉnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Hội Nông dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

2.2. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác khi đủ điều kiện. Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững; mô hình hợp tác xã làm hình mẫu để cán bộ, hội viên nông dân thăm quan, học tập và nhân rộng mô hình.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

2.3. Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

2.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Cơ quan thực hiện: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai và các tổ chức tín dụng khác.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

2.5. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, đa dạng hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản, hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chuyển đổi số.

- Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

3. Động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Trung ương và của tỉnh; trọng tâm là các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội, nhất là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

4. Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân

4.1. Phát huy vai trò của nông dân trong hoạt động đối ngoại nhân dân, hội nhập quốc tế, hợp tác, giao thương, trao đổi, giới thiệu hàng hóa nông sản giữa nông dân với nông dân các nước. Thường xuyên thông tin, hỗ trợ cho nông dân tham gia thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan.

- Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

4.2. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Cơ quan phối hợp: Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

4.3. Phối hợp với các tổ chức, đối tác quốc tế tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân.

- Cơ quan thực hiện: Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với Hội Nông dân các cấp

- Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết giữa chính quyền với Hội Nông dân các cấp và phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với hội viên nông dân, nhằm giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của hội viên nông dân.

- Đơn vị, địa phương thực hiện: Các sở, ban, ngành tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Thực hiện lồng ghép, đa dạng hoá các nguồn vốn để triển khai thực hiện kế hoạch. Cụ thể:

1. Vốn ngân sách Nhà nước

2. Vốn đối ứng của của các tổ chức, cá nhân (Vốn tự có của các tổ chức, cá nhân; vốn vay từ các tổ chức tín dụng).

3. Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đề ra tại Chương trình hành động số 84-CTr/TU và Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở kế hoạch của mình cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm. Định kỳ trước ngày 15/11 hàng năm, hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo theo quy định.

2. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong thực hiện Kế hoạch này; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với an sinh xã hội bền vững; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân để phản ánh, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ trước ngày 20/11 hàng năm, hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), gửi báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh báo cáo theo quy định.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có nội dung cần điều chỉnh, bổ sung hoặc phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Ngân hàng nhà nước CN tỉnh Gia Lai;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh VP, các Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTTH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Quế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1255/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình hành động 84-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới do tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 1255/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Nguyễn Hữu Quế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản