Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU TRẺ EM LAO ĐỘNG TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRONG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG

Thực hiện Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; văn bản số 2177/LĐTBXH-TE ngày 17/3/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong công nhân, viên chức, lao động (sau đây viết tắt là CNVCLĐ) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn, của đoàn viên, CNVCLĐ trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (sau đây viết tắt là phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em) hiện nay.

- Đổi mới hoạt động của các cấp công đoàn nhằm tham gia thực hiện quyền trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sinh sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tăng cường các hoạt động chăm lo cho trẻ em là con CNVCLĐ trong thời gian tới theo hướng thiết thực, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

- Phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 90% và đến năm 2030 đạt trên 95% cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp và cán bộ nữ công công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

- Phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 80% và đến năm 2030 đạt trên 90% công đoàn các cấp tổ chức được các buổi tuyên truyền có lồng ghép nội dung về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho đoàn viên, CNVCLĐ.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

2. Tăng cường công tác truyền thông nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thông qua việc tổ chức các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn về và truyền thông trên các kênh thông tin, website của công đoàn các cấp.

3. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng của công đoàn các cấp, đặc biệt ban nữ công quần chúng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Tập trung nghiên cứu phát triển các mô hình hiệu quả trong chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em, phát hiện sớm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em, lao động chưa thành niên trái quy định của pháp luật và kịp thời kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn và xử lý.

5. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, phòng chống lao động trẻ em thông qua các chương trình phối hợp cụ thể hàng năm hoặc các chương trình đột xuất.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

1.1. Cụ thể hóa việc chỉ đạo triển khai Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ gắn với triển khai thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động công tác nữ công hàng năm.

1.2. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, các cơ quan liên quan hướng dẫn các cấp công đoàn trong việc tổ chức truyền thông, giáo dục, tư vấn pháp luật, chính sách về lao động trẻ em cho cán bộ, đoàn viên, người chưa thành niên, trẻ em tham gia lao động.

1.3. Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống công đoàn, trang thông tin điện tử, bản tin công đoàn các cấp phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về công tác trẻ em.

1.4. Giao cho Ban Nữ công Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với các Ban, đơn vị để tham mưu Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn triển khai thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

2. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương

2.1. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, ngành, các đơn vị triển khai cụ thể hóa các mục tiêu của Kế hoạch này trong chỉ đạo công tác nữ công hằng năm. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép trong báo cáo 6 tháng, báo cáo năm về công tác nữ công.

2.2. Phối hợp với chính quyền đồng cấp, Sở Lao động TB&XH giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng lao động trẻ em, lao động là người chưa thành niên.

2.3. Tùy theo điều kiện thực tế lựa chọn hình thức tuyên truyền như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, truyền thông trên các kênh thông tin của cấp mình về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống lao động trẻ em. Hướng dẫn công đoàn cơ sở tuyên truyền vận động đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em.

 


Nơi nhận:
- Thường trực ĐCT (B/cáo);
- Bộ Lao động TB&XH (P/hợp);
- Các LĐLĐ tỉnh, TP;
- Các CĐ ngành TW và tương đương,
CĐ TCT trực thuộc TLĐ (T/hiện);
- Lưu: VT, NC.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Thuật

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 124/KH-TLĐ năm 2021 về thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 trong công nhân, viên chức, lao động do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 124/KH-TLĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/08/2021
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Trần Văn Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản