Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1207/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2019/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 6 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Công văn số 2817/BTP-PLDSKT ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ Tư pháp về việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

- Nhằm triển khai hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

- Xác định cụ thể các nội dung triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

- Xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan đến việc triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Yêu cầu:

- Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bám sát quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

- Nội dung thực hiện có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp.

- Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mà doanh nghiệp quan tâm như vấn đề khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ ưu đãi, thuế, hòa giải, giải quyết tranh chấp...

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận-huyện.

- Đơn vị phối hợp: Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật thành phố (cơ quan thường trực Sở Tư pháp); Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hô Chí Minh.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

2. Tiếp tục quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận-huyện; Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của địa phương liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đê bảo đảm thi hành hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận-huyện.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

4. Tiếp tục quản lý, duy trì hoạt động Hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố nhằm trả lời đối với vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng chung về pháp luật theo hai hình thức:

Đối thoại qua mạng (www.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn): Điều hành tốt hoạt động Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố, đảm bảo Hệ thống hoạt động liên tục, trả lời đúng hạn các câu hỏi của doanh nghiệp theo quy định.

Đối thoại trực tiếp: Tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp để phổ biến các chính sách mới của Nhà nước và giải thích, giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, tăng cường hoạt động phối hợp với các quận-huyện tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp tại địa phương.

- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận-huyện.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

5. Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các chính sách về lao động, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lưu ý đến việc thường xuyên rà soát lao động khuyết tật đang lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận-huyện; Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

6. Xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn năm 2020 - 2025:

a) Căn cứ nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố và thực tiễn quản lý ngành, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện đề xuất nội dung thực hiện cụ thể trong Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn năm 2020 - 2025, đảm bảo phù hợp quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ (hình thức: Đề án, Kế hoạch, Chương trình,...; nội dung đề xuất cần nêu rõ tính cần thiết thực hiện, các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, dự kiến nguồn kinh phí thực hiện,...). Văn bản đề xuất gửi về Sở Tư pháp tổng hợp.

- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận-huyện.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2020

b) Căn cứ nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố có thể đề xuất nội dung Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn năm 2020 - 2025 do mình chủ trì thực hiện, đảm bảo phù hợp quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ (hình thức: Đề án, Kế hoạch, Chương trình,...; nội dung đề xuất cần nêu rõ tính cần thiết thực hiện, các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, dự kiến nguồn kinh phí thực hiện, ...). Văn bản đề xuất gửi về Sở Tư pháp tổng hợp.

- Đơn vị thực hiện: Hiệp hội doanh nghiệp thành phố.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2020

c) Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, Sở Tư pháp chủ trì, nghiên cứu xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn năm 2020 - 2025.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2020

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã bố trí dự toán trong năm tại các cơ quan, đơn vị để thực hiện hoặc nguồn hỗ trợ khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch; chủ trì thực hiện các nội dung được phân công; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các nội dung tại Kế hoạch này, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm theo quy định hoặc theo yêu cầu đột xuất.

b) Xây dựng dự toán và bổ sung nội dung kinh phí về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vào dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên (dự toán chi thường xuyên) của đơn vị; gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt dự toán kinh phí hoạt động của mỗi đơn vị (trong đó có bao gồm hoạt động về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

c) Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, chủ động phối hợp Sở Tư pháp tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

2. Sở Tư pháp:

a) Làm đầu mối tham mưu, triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố; có trách nhiệm đôn đốc các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình thực hiện Kế hoạch; kịp thời tham mưu, đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

b) Xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn năm 2020 - 2025.

c) Tổng hợp kết quả triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm theo quy định hoặc theo yêu cầu đột xuất.

3. Sở Tài chính:

a) Có ý kiến hướng dẫn cụ thể về việc lập, dự toán kinh phí triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Kế hoạch theo quy định hiện hành.

b) Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị và ý kiến của Sở Tư pháp, Sở Tài chính tong họp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí dự toán kinh phí hàng năm cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

4. Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh:

a) Phổ biến, quán triệt Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên của Hiệp hội, tổ chức để thụ hưởng khi có nhu cầu; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp bằng nhiều hình thức (tọa đàm, hội nghị, câu lạc bộ,...).

b) Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về pháp luật theo đề nghị của các Sở, ban, ngành.

c) Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành viên.

d) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá cơ sở dữ liệu về pháp luật và chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia phối hợp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của địa phương liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để bảo đảm thi hành hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

e) Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị kịp thời tổng hợp gửi về Sở Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở, ban ngành;
- Hiệp hội doanh nghiệp thành phố;
- Tr.tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP;
- Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện;
- VPUB: CPCVP;
- Phòng KT, PCNC;
- Lưu: VT; (KT/VT) MH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1207/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 1207/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 01/04/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản