Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 19 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÉT NGHIỆM SARS-COV-2 ĐỂ GIÁM SÁT CHỦ ĐỘNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp; nhiều trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến nhiều chuỗi lây nhiễm tại cộng đồng, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở y tế,... Trong bối cảnh đó, tại thành phố Đà Nẵng, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và lây lan, bùng phát luôn thường trực, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện quyết liệt các chiến lược kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc xét nghiệm để giám sát chủ động, phát hiện sớm, từ đó triển khai thần tốc các biện pháp khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Căn cứ Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 30/5/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” ngày 29/5/2021; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021; Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/9/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19; Kế hoạch 6716/KH-UBND ngày 12/10/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về xét nghiệm SARS-CoV-2 phát hiện người nhiễm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn dịch COVID-19;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2588/TTr-SYT ngày 17/6/2021, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát chủ động COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay (sau đây viết tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Giám sát chủ động bằng xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19 trong nhóm cộng đồng, khu vực có nguy cơ cao, nhóm yếu thế, tiềm ẩn khả năng trở thành ổ dịch như trong cơ sở y tế, cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp... nhằm triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.

b) Đánh giá đúng nguy cơ dịch COVID-19 trong cộng đồng, đánh giá mức độ các vùng an toàn để thực hiện mục tiêu “kép” vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

2. Yêu cầu

a) Việc tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19.

b) Đảm bảo năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 và nhu cầu về vật tư, sinh phẩm, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm.

c) Đảm bảo thời gian trả kết quả xét nghiệm theo quy định.

d) Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện kịp thời, đúng kế hoạch đề ra.

II. NỘI DUNG

1. Nguyên tắc thực hiện

a) Các đối tượng thuộc diện phải lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu điều tra dịch tễ ca bệnh, truy vết, cách ly, điều trị và kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và theo các văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng.

b) Kế hoạch này quy định việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhằm giám sát chủ động dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng. Do đó, việc xác định đối tượng, quy mô, tần suất, cách thức lấy mẫu xét nghiệm phải đáp ứng được yêu cầu giám sát chủ động, phát hiện sớm ca bệnh và phù hợp theo tình hình dịch bệnh; ưu tiên khu vực, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như khu vực tập trung nhiều người, các nhóm đối tượng tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều...

c) Căn cứ Kế hoạch xét nghiệm của UBND thành phố phê duyệt, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách các đối tượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý trên địa bàn hoặc theo lĩnh vực, bố trí địa điểm, các nguồn lực tại điểm lấy mẫu phục vụ việc tổ chức, quản lý buổi lấy mẫu; phối hợp với Sở Y tế tổ chức công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ.

d) Công tác tổ chức lấy mẫu, vận chuyển, xử lý, xét nghiệm được tổ chức khoa học, an toàn phòng, chống dịch; tối ưu hóa công tác nhập và xử lý số liệu, trả kết quả xét nghiệm đảm bảo tính kịp thời.

2. Nhóm đối tượng xét nghiệm và tần suất xét nghiệm

a) Các đối tượng không có hoặc không khai thác được yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng được đưa vào các cơ sở, đơn vị tập trung dài ngày như trại giam, tạm giam, cơ sở xã hội Bầu Bàng, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm điều dưỡng tâm thần ...: Xét nghiệm trong vòng 24 - 72 giờ trước khi đưa vào các cơ sở, đơn vị tập trung.

Trường hợp các cơ quan yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi đến làm việc (ví dụ: cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan làm với cán bộ, chiến sĩ, can phạm nhân tại trại tạm giam, trại giam,...), thì cơ quan quản lý người làm việc liên hệ với Sở Y tế, cơ quan thực hiện xét nghiệm để thống nhất kế hoạch tổ chức thực hiện.

b) Xét nghiệm định kỳ 07 ngày/lần theo hướng dẫn tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế đối với:

- 20% người lao động tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, nhà máy, phân xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp.. .(cơ sở sản xuất kinh doanh), kể cả tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng...

- Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh như: cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia, NLĐ, ngân hàng, điện lực, thu gom và xử lý rác thải, hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng cấp thoát nước....

c) Để phục vụ mục đích xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát chủ động COVID-19 trong tình hình hiện nay, thực hiện xét nghiệm định kỳ 01 tháng/lần, với tỷ lệ 10-20% và đại diện trên từng nhóm đối tượng trực tiếp cung ứng dịch vụ, tiếp xúc khách hàng đối với các lĩnh vực sau:

- Cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch: Ban quản lý, lễ tân, nhân viên phục vụ, chủ cơ sở.

- Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Người quản lý, nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, bảo vệ, giữ xe.

- Các chợ đầu mối, chợ dân sinh: Người quản lý, tiểu thương, bảo vệ, giữ xe, bốc vác.

- Các cơ sở nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống: Chủ cơ sở, người quản lý, người lao động, người chế biến, nhân viên, người phục vụ.

- Các đơn vị vận tải: Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe của đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô (xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe tải hàng hóa); dịch vụ vận chuyển bằng ô tô, xe máy qua ứng dụng công nghệ, shipper; Ban quản lý, nhân viên, bán vé, bảo vệ, xe ôm tại bến xe, ga tàu, bến cảng, sân bay.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, bar, pub, spa, dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, thẩm mỹ...: Chủ cơ sở, người quản lý, người lao động, nhân viên, người phục vụ

- Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại; các lĩnh vực có tính chất tiếp xúc nhiều: tài chính, ngân hàng, điện tử, điện máy, văn phòng phẩm, tạp hóa ...: Chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên

- Một số câu lạc bộ thể dục, thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao: Bảo vệ, giữ xe, huấn luyện viên, vận động viên, người phục vụ.

- Các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ: Người quản lý, nhân viên phục vụ, người nuôi dạy trẻ, người cung cấp dịch vụ (vận chuyển, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư,...) cho cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ.

- Phóng viên các cơ quan thông tin, báo chí, đài truyền hình.

- Công nhân, người lao động thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý ... có tiếp xúc với rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

- Ngư dân, thương nhân, người lao động tại cảng cá, chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở giết mổ.

d) Các cơ sở y tế, nhà thuốc

- Các bệnh viện, trạm y tế: Xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ 01 tháng/lần, với tỷ lệ 10-30% đối với người đến khám bệnh ngoại trú; bệnh nhân và người chăm sóc bệnh điều trị nội trú, người cung ứng dịch vụ tại bệnh viện như giữ xe, căng tin, vệ sinh...

- Các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở xét nghiệm tư nhân: Xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% phòng khám, cơ sở trên địa bàn, định kỳ 01 tháng/lần, tỷ lệ ít nhất 20%-30% người làm việc tại các cơ sở (chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên).

- Các cơ sở bán lẻ thuốc: Xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, định kỳ 01 tháng/lần, tỷ lệ 20- 30% người làm việc tại cơ sở bán lẻ thuốc (chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên).

đ) Công chức, viên chức, người lao động đi công tác ngoại tỉnh tại các tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng nhưng không thuộc khu vực phải áp dụng cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo Công văn số 3244/UBND-SYT ngày 27/5/2021, Công văn số 3371/UBND-SYT ngày 03/6/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng: Xét nghiệm ngẫu nhiên 10 - 20% trong vòng 3-7 ngày sau khi về rời địa phương công tác về thành phố.

e) Các đơn vị, địa điểm tập trung nhiều người, thông khí kém, có nguy cơ lây nhiễm cao nếu xuất hiện ca bệnh như Trung tâm Hành chính, bộ phận tiếp dân, bộ phận một cửa của các quận, huyện, xã, phường, viên chức, công chức, cán bộ, người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệm thuộc các sở, ban, ngành...: Xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ 01 tháng/lần với tỷ lệ 10 - 20% đại diện người làm việc thường xuyên.

g) Trước mắt, tháng 6/2021 (tháng đầu tiên thực hiện Kế hoạch), thực hiện xét nghiệm ít nhất 20% đối với từng nhóm đối tượng. Thời gian tiếp theo (các tháng tiếp theo), căn cứ diễn biến dịch bệnh tại thành phố Đà Nẵng và trên cả nước, có thể điều chỉnh tỷ lệ xét nghiệm của các nhóm đối tượng cho phù hợp với tình hình thực tế.

2.3. Đối với các đối tượng khác: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố làm đầu mối tiếp nhận và tham mưu về chuyên môn và cơ sở pháp lý để có cơ sở trình UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố xem xét, quyết định.

Việc lựa chọn đối tượng cần xét nghiệm, phương pháp, kỹ thuật và sinh phẩm xét nghiệm căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng; cần xem xét đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có ưu tiên thấp hơn.

3. Thời gian thực hiện

Từ tháng 6 năm 2021 cho đến khi có kế hoạch hoặc thông báo mới.

4. Kỹ thuật xét nghiệm

a) Xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, trộn mẫu để xét nghiệm phù hợp đối với các nhóm đối tượng. Tùy điều kiện có thể xem xét xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể để điều tra, đánh giá, theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện, đánh giá tình hình dịch tễ, miễn dịch cộng đồng.

b) Sinh phẩm xét nghiệm: Sử dụng sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép hoặc Tổ chức Y tế thế giới hoặc CDC Hoa Kỳ thẩm định và khuyến cáo.

5. Đơn vị thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện, trong đó:

- Đơn vị thực hiện lấy mẫu: các Trung tâm y tế quận, huyện phối hợp lấy mẫu xét nghiêm cho các nhóm đối tượng thuộc địa bàn quản lý; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lấy mẫu cho một số cơ quan, đơn vị, tổ chức theo phân công. Trong trường hợp vượt quá năng lực, đề nghị báo cáo Sở Y tế để giải quyết.

- Đơn vị thực hiện xét nghiệm: các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép đủ năng lực thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Căn cứ tình huống, diễn biến của dịch bệnh và năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối tiếp nhận, thông báo điều phối nhận mẫu và làm xét nghiệm cũng như cung ứng vật tư liên quan lấy mẫu cho các đơn vị tham gia xét nghiệm.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn thu của các đối tượng và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.

2. Đối với các đối tượng không được miễn phí xét nghiệm theo quy định sẽ tự chi trả chi phí xét nghiệm cho các cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ xét nghiệm quy định hiện hành (hiện nay theo quy định tại Công văn số 3534/UBND-STC ngày 09/6/2021 của UBND thành phố). Trường hợp có chủ trương miễn hoặc hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở y tế thực hiện hoàn trả kinh phí đã thu cho các đối tượng đối với phần kinh phí được hỗ trợ theo quy định.

3. Các quy định về kinh phí tại Kế hoạch này được áp dụng kể từ ngày ban hành Kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện

a) Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị lấy mẫu:

- Thống nhất phương án, kế hoạch lấy mẫu và tham gia tổ chức, giám sát thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm.

- Tổng hợp và thu hộ chi phí xét nghiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý và gửi về cho đơn vị y tế thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm.

- Tổng hợp kết quả thực hiện công tác xét nghiệm của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Kế hoạch này gửi về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo thành phố.

b) Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nội dung:

- Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm, rà soát, chọn ngẫu nhiên, đại diện theo tỷ lệ quy định, lập danh sách đối tượng xét nghiệm, chủ động liên hệ với đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 theo công bố của Bộ Y tế để tổ chức xét nghiệm theo tiến độ, tần suất quy định tại Kế hoạch này. Lưu ý phải thực hiện xét nghiệm cho các nhóm đối tượng tại cơ sở sản xuất kinh doanh bằng kỹ thuật RT-PCR.

- Báo cáo định kỳ kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi Sở Y tế.

2. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này bảo đảm hiệu quả và tiến độ đề ra. Tùy theo tình hình dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm tại các đơn vị, bộ phận y tế để có biện pháp chỉ đạo cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với việc việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các cơ sở y tế theo điểm d, khoản 2, mục II Kế hoạch này.

b) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tăng công suất, đảm bảo chất lượng lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức xét nghiệm.

c) Căn cứ tình hình dịch bệnh để chủ động đề xuất, mua sắm vật tư, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố đảm bảo hiệu quả, kịp thời, tránh lãng phí.

d) Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

- Lập dự trù sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang phục bảo hộ để thực hiện xét nghiệm theo Kế hoạch này. Tiếp nhận, phân bổ kịp thời hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, trang phục bảo hộ để xét nghiệm SARS-CoV-2 từ các nguồn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện.

- Phối hợp với các đơn vị lấy mẫu, đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm để tiếp nhận mẫu, điều phối mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, thực hiện xét nghiệm và trả lời kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

- Làm đầu mối tổng hợp kế hoạch, tiến độ, kết quả xét nghiệm, kinh phí thực hiện xét nghiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đối với các đơn vị trong phạm vi quản lý sau mỗi đợt thực hiện xét nghiệm để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố theo định kỳ (báo cáo ngày, báo cáo tuần, báo cáo tháng hoặc theo đợt xét nghiệm).

đ) Trên cơ sở rà soát đối tượng xét nghiệm, phương án tổ chức lấy mẫu của các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý đối tượng, lĩnh vực theo phân cấp quản lý chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện gửi kế hoạch lấy mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế 03 ngày trước khi triển khai lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị các điều kiện và tổ chức triển khai đạt kết quả; đồng thời, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố những trường hợp không thuộc đối tượng xét nghiệm quy định tại Kế hoạch này.

e) Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan để xác định cụ thể đối tượng được sử dụng miễn phí xét nghiệm và đối tượng không được miễn phí xét nghiệm theo quy định báo cáo UBND thành phố.

g) Hướng dẫn các cơ sở y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật,...) thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm theo mức giá quy định tại Công văn số 3534/UBND-STC ngày 09/6/2021 của UBND thành phố. Trường hợp Sở Y tế đã sử dụng dự toán ngân sách năm 2021 của đơn vị phân bổ cho cơ sở y tế trực thuộc để triển khai công tác xét nghiệm theo chủ trương, kế hoạch của UBND thành phố thì chỉ đạo cơ sở y tế thực hiện thu và hoàn trả kinh phí cho Sở Y tế.

h) Tổng hợp kinh phí thực hiện Kế hoạch này trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau mỗi đợt thực hiện xét nghiệm, gửi Sở Tài chính kiểm tra, báo cáo UBND thành phố quyết định theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn có liên quan; đồng thời chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp

a) Tổng hợp, lập danh sách các doanh nghiệp, số lượng lao động của từng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao để sắp xếp thời gian và số lượng mẫu phù hợp với năng lực lấy mẫu và công suất xét nghiệm của các đơn vị xét nghiệm, thứ tự ưu tiên theo đúng chỉ đạo của thành phố.

b) Chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố lập danh sách, tổ chức thực hiện sắp xếp công nhân, người lao động thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách, đúng thứ tự lấy mẫu xét nghiệm (tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng chống dịch).

c) Phối hợp với Sở Y tế giám sát quá hình tổ chức lấy mẫu tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

4. Sở Tài chính

a) Trên cơ sở thông tin tổng hợp của Sở Y tế kinh phí thực hiện sau mỗi đợt xét nghiệm, Sở Tài chính kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND thành phố quyết định theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định về hỗ trợ chi phí xét nghiệm từ nguồn ngân sách thành phố đối với các đối tượng không được miễn phí xét nghiệm theo quy định (nếu có).

5. UBND các quận, huyện

a) Căn cứ Kế hoạch này, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện tại địa phương: Dựa vào đánh giá dịch tễ của cơ quan chuyên môn, chủ động đề xuất số lượng mẫu cần xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch và tiết kiệm nguồn lực; rà soát lập danh sách các đối tượng lấy mẫu xét nghiệm theo từng nhóm đối tượng gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố và Sở Y tế.

b) Chỉ đạo các hội, đoàn thể, đơn vị liên quan, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai chi tiết Kế hoạch này tại địa phương.

c) Trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phải có kế hoạch phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị liên quan; lập danh sách đối tượng cần lấy mẫu đúng, đầy đủ thông tin, sắp xếp lấy mẫu theo khoảng thời gian để đảm bảo việc giãn cách phòng chống dịch.

d) Bố trí địa điểm lấy mẫu tập trung phù hợp với số lượng mẫu cần lấy và cử các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch.

đ) Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tổ chức xét nghiệm cho công nhân và người lao động.

e) Chỉ đạo UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã, phường chủ động phối hợp, lập danh sách chi tiết những người cần lấy mẫu (cả trong doanh nghiệp và khu dân cư trên địa bàn quản lý), cử cán bộ tham gia trực tiếp điều hành, sắp xếp, hướng dẫn các đối tượng lấy mẫu theo đúng trình tự. Nơi nào để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn phòng chống dịch lãnh đạo địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm.

g) Chủ động huy động các giáo viên tin học, hoặc người tình nguyện có khả năng về công nghệ thông tin trên địa bàn để phục vụ công tác nhập liệu, số hóa thông tin lấy mẫu và xét nghiệm. Bố trí theo nguyên tắc: mỗi bàn lấy mẫu phải có 1 người, 1 máy tính xách tay để nhập liệu. UBND các quận, huyện có trách nhiệm cung cấp các trang thiết bị và điều kiện cần thiết để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ và an toàn cho các tình nguyện viên này trong quá trình tham gia trợ giúp phòng, chống dịch COVID-19.

h) Chủ động cân đối từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch Xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát chủ động dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Kế hoạch có thể được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để b/cáo);
- TT HĐND (để b/cáo);
- CT và các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành (để thực hiện);
- Các cơ quan thành viên BCĐ (để thực hiện);
- UBND các quận, huyện (để thực hiện);
- CVP và PCVP UBND Tp;
- Lưu: VT, SYT, P.KGVX.

CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2021 về xét nghiệm SARS-COV-2 để giám sát chủ động Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay

  • Số hiệu: 119/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/06/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Lê Trung Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản