Hệ thống pháp luật

UBND THÀNH PHỐ
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC VỀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 138/CP tại Kế hoạch số 142/KH-BCĐ ngày 20/05/2016 về việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nội dung Hiệp định giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc phối hợp với Trung Quốc về phòng, chống mua bán người.

2. Các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào nội dung Hiệp định, xác định rõ trách nhiệm, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai một cách quyết liệt, thiết thực có hiệu quả Hiệp định tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

3. Quá trình thực hiện phải đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ trong hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ và hồi hương các nạn nhân bị mua bán, kiềm chế và làm giảm tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tội phạm mua bán người có liên quan đến 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, triển khai, phổ biến nội dung Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người, gắn với thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân nội dung các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực (trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở, pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp...) nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác tham gia đấu tranh chống mua bán người.

3. Triển khai các kế hoạch hợp tác về phòng ngừa, đấu tranh chống mua bán người, tập trung đồng bộ các biện pháp để triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người sang Trung Quốc.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

5. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước; với các nước trên thế giới (nhất là các nước láng giềng và các nước trong khu vực trong đó có Trung Quốc) trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, khám phá các vụ án, bóc gỡ các đường dây phạm tội mua bán người, giải cứu và hồi hương các nạn nhân.

6. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an thành phố Hà Nội (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/TP)

- Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân tích cực tự giác tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người, không để tội phạm lợi dụng hoạt động; xây dựng các mô hình, CLB phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người.

- Tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, lên danh sách số đối tượng phạm tội, số có dấu hiệu phạm tội, số người vắng mặt ở địa phương nghi bị mua bán (nhất là sang Trung Quốc), xác định các tuyến địa bàn trọng điểm, các tụ điểm mà bọn tội phạm thường lợi dụng để tổ chức hoạt động phạm tội mua bán người, đặc biệt là các tuyến giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh biên giới, phân tích các nguyên nhân, điều kiện phát sinh phạm tội, những khó khăn vướng mắc. Trên cơ sở đó đề xuất áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh.

- Tiếp nhận, xử lý kịp thời các nguồn tin báo, tố giác tội phạm. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành xác minh, điều tra khám phá các vụ án, đường dây phạm tội, truy bắt đối tượng, tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

- Hàng năm, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn thành phố, để tập trung sự chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

- Phối hợp với phía Công an các tỉnh biên giới, Công an Trung Quốc để trao đổi thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xác minh, giải cứu nạn nhân, truy bắt tội phạm mua bán người đạt hiệu quả.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

- Chỉ đạo các cơ quan, báo, đài tăng thời lượng phát sóng, tin, bài, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương điều tra, thống kê, khảo sát tình hình nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán (kể cả con của nạn nhân) trở về và thực hiện công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan liên quan (Công an, Biên phòng...) thực hiện có hiệu quả hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tư pháp

- Chỉ đạo các phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã thống kê số người kết hôn, trẻ em cho nhận con nuôi với Trung Quốc, số người trở về sinh sống tại địa phương.

- Tổ chức tập huấn để bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người lồng ghép với việc phổ biến nội dung Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Trung Quốc cho lực lượng báo cáo viên pháp luật Thành phố và các quận, huyện, thị xã.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán người cũng như nội dung bản Hiệp định để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt tập thể...

6. Sở Y tế: Phối hợp với các cơ quan có liên quan quan tâm, khám chữa bệnh cho các nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng ổn định, bền vững.

7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai, quán triệt việc thực hiện Hiệp định đến cấp cơ sở.

- Chỉ đạo các Phòng, Ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Chỉ đạo với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường chuyên tải thông tin thông qua nhiều loại hình truyền thông như: panô, áp phích, tài liệu truyền thông... về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

8. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, phát hành pa nô, áp phích, tờ rơi... để người dân nâng cao cảnh giác, tự ứng phó khi có nguy cơ bị mua bán. Soạn thảo tài liệu truyền thông phù hợp với từng loại đối tượng, địa bàn.

- Chỉ đạo các cấp Hội mở chiến dịch truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người, lồng ghép với phòng, chống di cư tự do, tổ chức cho người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ.

- Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình chuyên sâu hoặc lồng ghép về phòng chống mua bán người.

9. Đề nghị Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân thành phố: tiếp tục phối hợp các Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Tiến hành xét xử công khai, lưu động các vụ phạm tội mua bán người, đặc biệt là các vụ án có liên quan đến phía Trung Quốc để tuyên truyền, giáo dục, răn đe tội phạm.

10. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền nội dung Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Đưa nội dung của bản Hiệp định vào chương trình tập huấn kiến thức về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người cho các đồng chí cấp ủy, Trưởng, Phó Ban tuyên giáo, cán bộ phụ trách công tác khoa giáo của quận, huyện ủy, các sở, ngành Thành phố, các Đảng bộ khối trực thuộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên báo, đài của TW và Hà Nội để nâng cao nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân: đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống mua bán người với xây dựng nông thôn mới, gắn công tác tuyên truyền với cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sng văn hóa khu dân cư”.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện (Kế hoạch gửi về Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/TP (qua Phòng Tham mưu - Công an Thành phố Hà Nội) trước ngày 25/6/2016).

Thực hiện nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo: định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm, trong báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 130/CP có nội dung kiểm điểm thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người theo nội dung kế hoạch này về Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/TP (qua Phòng Tham mưu - Công an Thành phố Hà Nội).

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có văn bản gửi về Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/TP để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ban chỉ đạo 138/CP.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ 138/CP;
- Bộ Công an: C42;
- TTTU, TTHĐND TP;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; (thành viên BCĐ 138/TP)
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBNDTP: CVP, các PCVP; các phòng: NC, TKBT, KG, VX, TH;
- CATP (PV11-Đ3);
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2016 tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 119/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/06/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản