Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1185/KH-UBND

Kon Tum, ngày 04 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2017

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2017, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Từng bước kiểm soát điều kiện ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể

- Kiểm soát kinh doanh thức ăn đường phố tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải đạt từ 6 tiêu chí trở lên trong 12 tiêu chí đánh giá bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Riêng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum và thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi phải đạt từ 9 tiêu chí trở lên trong 12 tiêu chí đánh giá bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (Phụ lục kèm theo).

- Xây dựng 02 tuyến đường văn minh, sạch, đẹp, không có thức ăn đường phố: Đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum và đường Hùng Vương, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi.

II. THỜI GIAN TRIỂN KHAI: Từ giữa tháng 5/2017 đến tháng 12/2017.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Triển khai các hoạt động truyền thông bảo đảm ATTP

- Xây dựng nội dung thông điệp truyền thông cho đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP1 cho đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố và người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng thời lượng phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện, thành phố, loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; chú trọng nêu gương các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chấp hành tốt các quy định của pháp luật và công khai các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề ATTP, tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các Hội: Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân các cấp... trong việc tuyên truyền, giám sát ATTP đối với thức ăn đường phố.

- Tài liệu truyền thông gồm: Tờ rơi, tờ gấp, áp phích; băng cassettes, đĩa CD, VCD; pa nô tuyên truyền về thức ăn đường phố; sổ tay hỏi đáp về thức ăn đường phố...

2. Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến huyện, tuyến xã

- Tuyến tỉnh tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác truyền thông, thông tin; công tác kiểm tra, giám sát; điều tra xử lý NĐTP; cấp giấy xác nhận kiến thức; thống kê báo cáo... đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến huyện.

- Tuyến huyện tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác truyền thông, thông tin; công tác kiểm tra, giám sát; điều tra xử lý NĐTP; cấp giấy xác nhận kiến thức; thống kê báo cáo... đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến xã.

3. Tổ chức cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố

- Rà soát, điều tra, thống kê các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.

- Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đăng ký xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định. Nội dung xác nhận kiến thức theo Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về ATTP cho đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố quy định tại Quyết định số 37/QĐ-ATTP ngày 02/02/2015 của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

4. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người kinh doanh thức ăn đường phố và ký cam kết bảo đảm ATTP

4.1. Khám sức khỏe định kỳ cho người kinh doanh thức ăn đường phố

- Hướng dẫn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đăng ký khám sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe thực hiện khám sức khỏe theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT ngày 12/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định về điều kiện sức khoẻ đối với những người tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm bao gói sẵn và kinh doanh thực phẩm ăn ngay.

4.2. Tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP đối với thức ăn đường phố

Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết với UBND cấp xã các nội dung theo Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

5. Kiểm tra việc thực hiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố

Thành lập Đoàn kiểm tra (định kỳ và đột xuất) để kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT. Đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố dựa trên 12 tiêu chí, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP và công khai các cơ sở vi phạm để người tiêu dùng biết.

6. Tổng kết đánh giá công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố

Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết tình hình triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đưa tin, bài về công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Tổ chức tập huấn và hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố cho tuyến huyện. Giám sát, lấy mẫu làm test nhanh tại một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để đánh giá mức độ ô nhiễm. Cung cấp tài liệu truyền thông về bảo đảm ATTP đối với thức ăn đường phố.

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe tổ chức khám sức khỏe và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố theo quy định.

- Định kỳ có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố ở các địa phương; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm không bảo đảm ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Sở Công Thương: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn ngừa kịp thời việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh Kon Tum: Phối hợp với các đơn vị quản lý ATTP tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần ngăn ngừa NĐTP, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

5. Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc kinh doanh thức ăn đường phố lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mất ATTP.

6. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc kinh doanh thức ăn đường phố lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè; thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn không để tình trạng bán hàng rong không bảo đảm ATTP trước cổng trường và xung quanh trường học gây ảnh đến sức khỏe học sinh, sinh viên.

8. Các sở, ngành, đoàn thể khác: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố; không để tình trạng kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP xung quanh trụ sở cơ quan.

9. Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi

- Quy hoạch khu vực kinh doanh thức ăn đường phố phù hợp, không ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị, nhất là tại các trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện, trường học, công sở...

- Chỉ đạo UBND phường Quyết Thắng, UBND thị trấn Plei Kần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai kiểm soát kinh doanh thức ăn đường phố, do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại địa phương. Kiên quyết không để tình trạng kinh doanh thức ăn đường phố trên tuyến đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum và đường Hùng Vương, thị trấn Plei Kần.

- Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm ATTP thức ăn đường phố, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để giúp đỡ người kinh doanh thức ăn đường phố có hoàn cảnh khó khăn mua sắm dụng cụ chế biến, bàn ghế, phương tiện bảo hộ lao động...

- Triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát thức ăn đường phố gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng thôn, làng, tổ dân phố, khối phố văn hóa. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến xã; xác nhận kiến thức về ATTP, cấp Giấy chứng nhận sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố. Tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại cộng đồng; duy trì tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; xây dựng các mô hình truyền thông tại cộng đồng nhằm thay đổi phong tục, tập quán ăn uống không bảo đảm vệ sinh, phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm gắn với Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

10. Ủy ban nhân dân các huyện

- Quy hoạch, lựa chọn những tuyến đường, khu phố để sắp xếp, bố trí cho người kinh doanh thức ăn đường phố được hoặc không được buôn bán nhằm bảo đảm ATTP, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị...

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP cho chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thức ăn đường phố và người tiêu dùng. Hướng dẫn người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện các điều kiện ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố (điều kiện về trang thiết bị, điều kiện về dụng cụ, nguồn nước, điều kiện con người, điều kiện về môi trường...).

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo triển khai kiểm soát kinh doanh thức ăn đường phố do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại địa phương.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể: Tham gia giám sát công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố; tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP.

Căn cứ nhiệm vụ theo Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2017, báo cáo kết quả về Sở Y tế (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Cục An toàn thực phẩm (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP UBND tỉnh, PVP phụ trách;
- Lưu: VT, KGVX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 

PHỤ LỤC

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI KINH DOANH THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ
(Theo Kế hoạch số 1185/KH-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

STT

Tiêu chí đánh giá

So sánh tỷ lệ cơ sở đạt được qua điều tra ban đầu so với kết quả triển khai thực hiện cuối năm

Điều tra ban đầu tỷ lệ đạt (%)

Điều tra cuối năm tỷ lệ đạt (%)

1

Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm..).

 

 

2

Bày bán thức ăn trên bàn, giá cao cách mặt đất ít nhất 60 cm.

 

 

3

Có tủ đựng thức ăn có lắp kính che đậy, bảo quản thức ăn hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và các loài côn trùng, động vật khác gây hại khác.

 

 

4

Có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; có tạp dề, khẩu trang, mũ bao tóc.

 

 

5

Bảo đảm có đủ nước sạch để rửa bát, đĩa; có khăn sạch để lau và nước đá sạch để uống.

 

 

6

Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín.

 

 

7

Người kinh doanh thức ăn đường phố được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 01 lần/năm.

 

 

8

Người kinh doanh TĂĐP được tập huấn kiến thức về ATTP và được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP.

 

 

9

Có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm.

 

 

10

Có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải đựng trong thùng có nắp đậy và hợp vệ sinh.

 

 

11

Chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có ký cam kết với UBND phường, thị trấn về thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của cơ sở.

 

 

12

Xét nghiệm và làm test nhanh để đánh giá mức độ an toàn của người trực tiếp chế biến và dụng cụ phục vụ ăn, uống tại cơ sở.

 

 

 



1 Các văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP như Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1185/KH-UBND về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2017

  • Số hiệu: 1185/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Trần Thị Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản