Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 10 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC KÊ KHAI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Luật Chăn nuôi; Luật Thú y; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi và Luật Thú y.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 -NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 458/QĐ-BTTTT ngày 07/4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP ngày 31/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan mình và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân về việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 26/12/2023 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2023. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC CHĂN NUÔI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CHĂN NUÔI

1. Tình hình triển khai thi hành Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 19/11/2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Để triển khai thi hành Luật Chăn nuôi, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Luật như: Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số 46/2022/NĐ- CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Thông tư số 20/2019/BNNPTNT ngày 22/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi; Thông tư số 22/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

Triển khai thi hành Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm theo quy định của Luật Chăn nuôi. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi (trừ loại vật nuôi làm cảnh, loại vật nuôi trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường; cơ sở nuôi chim yến) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi (bao gồm: Khu vực thuộc Tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu dân cư ở trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh) bắt buộc phải di dời cơ sở chăn nuôi đến khu vực được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

2. Công tác kê khai hoạt động chăn nuôi tại các địa phương

Kê khai hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chăn nuôi và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Công tác kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi của tỉnh, tiến tới chuyển đổi số, cấp mã định danh cho cơ sở chăn nuôi. Qua đó, giúp cơ quan quản lý các cấp, các ngành đánh giá toàn diện, đầy đủ, chính xác hiện trạng chăn nuôi. Từ đó, định hướng, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác kê khai hoạt động chăn nuôi đến từng hộ dân có chăn nuôi trên địa bàn. Trên cơ sở kê khai hoạt động chăn nuôi của các hộ dân, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định cho UBND tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo kết quả kê khai hoạt động chăn nuôi quý I năm 2023, trên toàn tỉnh có 125.956 cơ sở kê khai hoạt hoạt động chăn nuôi, trong đó: 51 cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 608 cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô vừa; 2.878 cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ; 112.460 cơ sở chăn nuôi nông hộ và 9.959 cơ sở chăn nuôi khác. Số lượng đàn vật nuôi chính được kê khai gồm: 634.874 con lợn; 228.480 con bò; 23.806 con trâu; 113.764 con dê; 8.893.418 con gia cầm; 1.268 nhà yến; 154.874 con chó; 37.077 con mèo.

Qua thời gian triển khai thực hiện công tác kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật và báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay công tác kê khai chăn nuôi từ cơ sở chủ yếu thực hiện theo dạng phiếu kê khai, nhiều chủ cơ sở chăn nuôi chưa chủ động thực hiện việc kê khai trong khi nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác kê khai của các địa phương còn hạn chế, dẫn đến các địa phương gặp khó khăn và tốn nhiều thời gian trong việc tổng hợp, báo cáo số liệu kê khai chăn nuôi; số lượng cơ sở chăn nuôi và số lượng đàn vật nuôi còn nhiều sai khác so với thực tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi thông tin kê khai hoạt động chăn nuôi vào phần mềm Excel để số hóa thông tin còn có nhiều sai sót nên việc xử lý và tổng hợp báo cáo còn nhiều sai số, nhầm lẫn không sát với thực tế, dẫn tới việc đưa dữ liệu kê khai vào khai thác phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo, quản lý, nghiên cứu; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh; kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh còn bị hạn chế. Ngoài ra, tại nhiều địa phương việc bố trí nhân lực, kinh phí để phục vụ công tác kê khai chăn nuôi (in phiếu kê khai, triển khai phát cho người chăn nuôi, tổng hợp, báo cáo và lưu trữ sau khi tổng hợp) còn hạn chế, thiếu hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai đầy đủ, đồng bộ kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu quả công tác kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/20217 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch triển khai công tác kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Thú y nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi và thú y, công tác phát triển chăn nuôi gắn liền với bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

- Tiếp tục tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các quy định hiện hành liên quan đến công tác kê khai hoạt động chăn nuôi đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để nâng cao ý thức, hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của cơ sở chăn nuôi theo quy định, chấp hành tốt việc thực hiện công tác kê khai hoạt động chăn nuôi.

- Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện công tác kê khai chăn nuôi theo quy định, quan tâm bố trí nguồn lực cho quá trình thực hiện công tác kê khai hoạt động chăn nuôi tại địa phương theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác kê khai, tổng hợp, báo cáo kết quả, xây dựng cơ sở dữ liệu về chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh; khai thác, sử dụng dữ liệu kê khai hoạt động chăn nuôi phục vụ công tác quản lý, góp phần thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác kê khai chăn nuôi từ cơ sở, chuyển đổi thông tin kê khai hoạt động chăn nuôi vào phần mềm Excel để chuẩn hóa thông tin.

- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng phần mềm Quản lý chăn nuôi, tích hợp số liệu kê khai chăn nuôi đã được chuẩn hóa để đưa vào khai thác phục vụ cho công tác thống kê; báo cáo; quản lý; nghiên cứu; thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh; kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác kê khai chăn nuôi tại cơ sở. Phấn đấu 100% cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chấp hành việc thực hiện kê khai hoạt đông chăn nuôi hàng quý theo quy định; 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện tổng hợp, báo cáo đầy đủ kết quả kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn định kỳ hàng quý theo quy định.

2. Tiếp tục tổ chức thực hiện việc đồng bộ dữ liệu kê khai hoạt động chăn nuôi tại các địa phương thông qua phần mềm Excel, biểu mẫu được thực hiện thống nhất tại tất cả các xã, phường, thị trấn làm cơ sở cho việc chuẩn hóa dữ liệu kê khai chăn nuôi trên toàn tỉnh. Nghiên cứu, triển khai việc xác định vị trí địa lý (hệ tọa độ UTM) của từng cơ sở chăn nuôi, phục vụ cho công tác quản lý (khoảng cách an toàn trong chăn nuôi, bản đồ dịch tễ…), việc thực hiện, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y như: hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi…

3. Xây dựng hệ thống phần mềm Quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (bao gồm ứng dụng di động kê khai chăn nuôi và phần mềm Quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh).

4. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về kê khai chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác thống kê; báo cáo; quản lý; nghiên cứu; thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh; kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh.

(Nội dung chi tiết và phân công tại Phụ lục kèm theo)

IV. NGUỒN KINH PHÍ

1. Bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Kinh phí từ các chương trình, đề án, nghị quyết được lồng ghép để thực hiện nội dung kế hoạch.

3. Kinh phí từ các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Đắk Lắk; các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác kê khai chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.

- Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác kê khai hoạt động chăn nuôi, tổng hợp kết quả kê khai chăn nuôi định kỳ theo quy định, bảo đảm đầy đủ, chính xác. Tổng hợp báo cáo kê khai hoạt động chăn nuôi định kỳ từ UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chuẩn hóa số liệu kê khai chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh định kỳ hàng quý để báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng hệ thống phần mềm Quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (bao gồm ứng dụng di động kê khai chăn nuôi và phần mềm Quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh).

- Tổ chức tập huấn phần mềm Quản lý chăn nuôi cho cán bộ huyện, xã, phường, thị trấn để biết thực hiện.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi để chủ cơ sở chăn nuôi hiểu rõ, chấp hành tốt theo quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng phần mềm quản lý chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn tại tỉnh, đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí nguồn lực, nghiêm túc thực hiện công tác kê khai chăn nuôi tại cơ sở. Phấn đấu 100% cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chấp hành việc thực hiện kê khai hoạt đông chăn nuôi hàng quý theo quy định; 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện tổng hợp, báo cáo đầy đủ kết quả kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn định kỳ hàng quý theo quy định.

- Chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác kê khai hoạt động chăn nuôi tại cơ sở, tổng hợp số liệu, đồng bộ số liệu và chuẩn hóa số liệu kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Báo cáo định kỳ kết quả kê khai hoạt động chăn nuôi tại địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên đây là Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc, phát sinh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thông tin, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Các Cục: Chăn nuôi, Thú y (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành: NN&PTNT, KH&CN, KH&ĐT, TN&MT, TT&TT, Cục Thống kê;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm CN và CTTĐT tỉnh;
- Các Phòng: KGVX, NNMT;
- Lưu: VT, NNMT (Q-07b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tuấn Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2023 ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 116/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 10/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản