Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1159/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 03 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2104/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ĐẾN NĂM 2020”

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2012 và nhằm góp phần thực hiện các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân tỉnh Lâm Đồng, chủ động đáp ứng các yêu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

2. Yêu cầu

- Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở tất cả các huyện, thành phố, đáp ứng được nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân, tăng cường tính an toàn pháp lý, bảo đảm các hợp đồng, giao dịch liên quan hoặc có khả năng liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản được công chứng. Việc phát triển các tổ chức công chứng đảm bảo đúng lộ trình và quy hoạch.

- Tăng cường xã hội hóa hoạt động công chứng theo yêu cầu cải cách tư pháp, đi đôi với tăng cường quản lý nhà nuớc đối với hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh để bảo đảm hoạt động công chứng đúng pháp luật, công chứng viên thực hiện việc xác nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng giao dịch tạo ra những bảo đảm pháp lý, pháp luật, ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1. Giai đoạn 2013-2015

1.1. Về công tác tuyên truyền

Tiếp tục quán triệt các nội dung của Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò, ý nghĩa của hoạt động công chứng đối với cải cách tư pháp, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về hoạt động công chứng.

Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức phổ biến Luật Công chứng và các quy định của pháp luật có liên quan đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: 2013- 2015.

1.2. Xây dựng thể chế về quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn

- Giao Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy định về việc công chứng, chứng thực và chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND xã, phường, thị trấn sang các tổ chức hành nghề công chứng.

- Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn chuyển giao hoạt động chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND xã, phường, thị trấn sang công chứng tại các địa bàn đã có tổ chức hành nghề công chứng được phép thành lập đảm bảo được yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân.

- Thời gian thực hiện: 2013 - 2015

1.3. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng

- Mỗi năm phát triển từ 2 đến 3 tổ chức hành nghề công chứng, cho đến năm 2015 có thêm 08 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động trên địa bàn các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đơn Dương, Lạc Dương, Đạ Huoai.

- Thời gian thực hiện: 2013-2015

1.4. Thành lập Hiệp hội Công chứng viên

- Tham mưu trình UBND tỉnh Quyết định thành lập Hiệp hội Công chứng viên, tạo điều kiện để tổ chức này có đủ năng lực tự quản giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các hoạt động công chứng trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao địch của tổ chức, cá nhân và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

- Thời gian thực hiện: 2013 - 2014

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ.

1.5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công chứng

Hàng năm có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn, chấn chỉnh các hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng theo đúng quy định của pháp luật.

- Thời gian thực hiện: 2013-2015

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.

1.6. Tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, kiến nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng cho phù hợp với điều kiện thực tế và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2015

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố.

2. Giai đoạn 2016-2020

2.1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn; tham mưu sửa đổi Quyết định của UBND tỉnh về việc giao các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND các xã, phường, thị trấn cho các tổ chức hành nghề công chứng cơ bản đáp ứng được nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân, tiến tới chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã về các tổ chức hành nghề công chứng.

- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố.

2.2. Tham mưu trình UBND tỉnh Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức một số Phòng công chứng thành các Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình Công ty cổ phần theo chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

- Thời gian thực hiện: 2017 - 2020

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính.

2.3. Tiếp tục phát triển tổ chức hành nghề công chứng

- Phát triển thêm 07 tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có các tổ chức hành nghề công chứng (theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).

- Thời gian 2016 - 2017 phát triển thêm 04 tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, Di Linh.

- Thời gian 2018 - 2019 phát triển thêm 03 tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đam Rông.

2.4. Đề nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh, bổ sung thêm các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập tại huyện và thành phố có nhu cầu công chứng cao.

- Thời gian thực hiện 2016 - 2020

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp tham mưu đề xuất với UBND tỉnh.

2.5. Tổng kết việc thực hiện Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn theo quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2020

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp tham mưu đề xuất với UBND tỉnh.

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc, phát sinh kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Các Sở Tư pháp, Nội vụ, Tài chính;
- UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc;
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1159/KH-UBND thực hiện Quyết định 2104/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 1159/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/03/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản