Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 21/11/2008 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”;

Thực hiện Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đưa các hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển lên một bước mới, trong đó Hội VHNT Ninh Bình làm nòng cốt, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh và sự nghiệp VHNT chung cả nước. Phấn đấu đưa phong trào VHNT Ninh Bình phát triển vững mạnh toàn diện, góp phần vào sự phát triển văn hoá - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hằng năm xuất bản từ 22 đến 27 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhiều tác phẩm đạt giải cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế

- Duy trì và phát triển 8 chuyên ngành gồm: Văn, thơ, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, nghiên cứu sưu tầm, lý luận phê bình. Có từ 205 - 240 hội viên, trong đó phấn đấu có khoảng 100 hội viên các chuyên ngành Trung ương.

- Phấn đấu đến 2025 có 08 Chi hội Văn học nghệ thuật tại 08 huyện, thành phố ổn định về bộ máy và hoạt động hiệu quả.

- Chủ trì đăng cai tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học nghệ thuật, liên hoan, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu tại tỉnh hoặc khu vực ngoài tỉnh.

- Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, mở rộng diện phát hành của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình và nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử văn học nghệ thuật Ninh Bình. Nâng cấp xây dựng Trang thông tin điện tử Văn nghệ Ninh Bình thành Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình điện tử.

- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện làm việc và cơ sở vật chất cho Hội; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí.

II. NHIỆM VỤ

1. Về sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật

- Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác trong lực lượng hội viên và cộng tác viện bằng các hoạt động như: thường xuyên phát động các đợt sáng tác chuyên đề, tổ chức các trại sáng tác, các lớp tập huấn, các cuộc thi sáng tác về văn học nghệ thuật của tỉnh. Phát động hội viên tham gia các cuộc thi của khu vực trong nước và quốc tế. Xây dựng kế hoạch đầu tư và tham mưu cho cơ quan Nhà nước đặt hàng với các tác giả sáng tác những tác phẩm dài, tác phẩm về đề tài lịch sử cách mạng và đề tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

- Hằng năm tổ chức các chương trình giới thiệu tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tổ chức Ngày thơ Việt Nam ở tỉnh phong phú, hấp dẫn, giàu sắc thái văn hóa của vùng đất Cố đô và các vùng, miền khác trong tỉnh.

- Nâng cao giá trị, chất lượng giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu. Qua đó, động viên văn nghệ sỹ sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị ở tất cả các chuyên ngành.

- Quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn và phong trào cho các chi hội VHNT của tỉnh, các chi hội chuyên ngành Trung ương, phối hợp với các ngành, các cấp phát triển phong trào sáng tác quần chúng trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học tạo nên những giá trị tinh thần ngày càng phong phú.

2. Về lý luận phê bình

- Đẩy mạnh các hoạt động về lý luận phê bình VHNT của Hội. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong VHNT, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm về các chuyên ngành để bàn những vấn đề mang tính định hướng của một thời kỳ, một giai đoạn phát triển văn học nghệ thuật nhằm định hướng sáng tác cho hội viên, định hướng thẩm mỹ cho công chúng và kích thích sáng tác. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cây bút viết lý luận phê bình bổ sung cho đội ngũ.

- Tăng cường hợp tác, tranh thủ ý kiến của các tác giả có uy tín của Trung ương, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương về nghiệp vụ chuyên môn, phối hợp mở chuyên mục Lý luận phê bình trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình để thường xuyên đăng tải, giới thiệu các bài viết, phân tích tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh, nhằm phát triển hoạt động lý luận phê bình trở thành động lực thúc đẩy phong trào sáng tác.

3. Về phổ biến tác phẩm

Đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan tuyên truyền, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, nhằm đưa văn học, nghệ thuật đến mọi vùng, miền, mọi đối tượng trong nhân dân. Phấn đấu thực hiện những mục tiêu cơ bản sau:

- Xuất bản sách: Xuất bản sách văn học nghệ thuật, chú trọng các tác phẩm có chiều sâu, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và xuất bản.

- Phổ biến tác phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng và sân khấu để giới thiệu tác giả, tác phẩm, phục vụ các nhu cầu của nhân dân.

- Về triển lãm: Hằng năm tổ chức các cuộc triển lãm chuyên ngành mỹ thuật, chuyên ngành nhiếp ảnh trong tỉnh và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá đất và người Ninh Bình, những hình ảnh đẹp của mọi vùng miền Tổ quốc. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hỗ trợ cho các ngành, địa phương triển lãm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị.

4. Nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử tổng hợp Văn học Nghệ thuật Ninh Bình

Tiếp tục nâng cao chất lượng tin bài, tranh ảnh trên Trang thông tin điện tử, không ngừng cải tiến nội dung, mở rộng phạm vi tuyên truyền, có giao diện phù hợp, đảm bảo cho người truy cập được tiếp cận với các tác phẩm văn học nghệ thuật thuận tiện nhất. Đồng thời mở rộng liên kết với các trang báo điện tử, website khác để bổ sung nguồn dữ liệu thêm phong phú.

Nâng cấp xây dựng Trang thông tin điện tử Văn học nghệ thuật Ninh Bình thành Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình điện tử giới thiệu đầy đủ về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh, tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị, cập nhật thông tin, giới thiệu những sáng tác mới của hội viên... Đồng thời là kho dữ liệu đầy đủ nhất về văn học nghệ thuật của tỉnh giúp cho công tác tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực này được thuận tiện.

5. Nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình

a) Nâng cao nội dung và hình thức

- Chú trọng các bài viết về vùng đất, con người Ninh Bình xưa và nay, tạo bản sắc riêng của văn học, nghệ thuật vùng Cố đô.

- Giới thiệu tinh hoa văn học, nghệ thuật trong nước và thế giới, thu hút rộng rãi người đọc.

- Quan tâm phát triển trang Văn nghệ nhà trường; duy trì, phát triển chuyên mục Lý luận, phê bình thường xuyên trên Tạp chí.

- Tổ chức các cuộc thi theo chủ đề, xem xét trao giải thưởng hằng năm trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Khuyến khích các tác giả gửi bài có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao cho Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình.

- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên đều khắp các huyện, thành phố, cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh để phản ánh toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trên Tạp chí.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với yêu cầu, đặc trưng của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình.

- Hằng năm tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để nâng cao chất lượng tin, bài, chất lượng sáng tác VHNT trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình.

b) Nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, phóng viên

Hằng năm căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế tổ chức các lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên nhằm đáp ứng tốt hoạt động của Tạp chí.

c) Về chế độ nhuận bút

Căn cứ Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ để vận dụng chi trả nhuận bút.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức các trại sáng tác tổng hợp, các trại sáng tác chuyên ngành, trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc triển lãm, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Đăng cai triển lãm liên hoan khu vực. Tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Phát hiện, bồi dưỡng, mở lớp năng khiếu sáng tác VHNT.

2. Thường xuyên kiện toàn công tác tổ chức, bộ máy văn học nghệ thuật trong tỉnh tinh gọn, đủ năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời trở thành nòng cốt cho các hoạt động phong trào, có đủ khả năng tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo các hoạt động văn học, nghệ thuật có hiệu quả và đúng định hướng.

3. Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển VHNT. Tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn về vật chất, về mối quan hệ với các cơ quan liên quan. Bên cạnh việc đầu tư, phát triển VHNT chuyên nghiệp đỉnh cao, đẩy mạnh hoạt động phong trào VHNT không chuyên.

4. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật, tăng cường phối kết hợp liên kết với các ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là các ngành trong khối thông tin đại chúng. Phổ biến tác phẩm, xây dựng tổ chức phát triển lực lượng, đào tạo bồi dưỡng những nhân tố mới về VHNT...

5. Tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác văn học nghệ thuật với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước nhằm giới thiệu quảng bá đất và người Ninh Bình, các giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử và các Di sản văn hóa tiêu biểu, đặc biệt giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Thúc đẩy, khuyến khích sáng tác văn học nghệ thuật về du lịch, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Ninh Bình tinh tế mang đậm sắc thái nghệ thuật.

6. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động VHNT phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và cả nước. Ngăn chặn, đẩy lùi, chống các khuynh hướng, biểu hiện lệch lạc, sai trái trong sáng tạo, biểu diễn và hưởng thụ VHNT. Thường xuyên học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;

2. Lồng ghép kinh phí thực hiện với các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan;

3. Các nguồn kinh phí hợp pháp (nếu có).

Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các cơ quan đơn vị xây dựng dự toán kinh phí thực hiện vào dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật về ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện Kế hoạch; xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm để thực hiện, đồng thời theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá công tác triển khai, thực hiện kế hoạch.

2. Sở Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình

Phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức các cuộc thi, dàn dựng các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn, thu thanh, thu hình, phát sóng, phát hình các chương trình văn nghệ địa phương; tổ chức tuyên truyền triển lãm tranh, ảnh và các hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm VHNT, thực hiện các chương trình, các số báo chuyên đề tác giả tác phẩm về văn học nghệ thuật.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hằng năm căn cứ khả năng ngân sách tham mưu UBND tỉnh cân đối kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công và các nguồn huy động khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các chương trình, dự án nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện làm việc và cơ sở vật chất phục vụ phát triển VHNT trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Du lịch

Thường xuyên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tổ chức các đợt sáng tác và thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá đất và người Ninh Bình đến với du khách trong và ngoài nước.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh triển khai các hoạt động phát triển Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình và Trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ cho Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình và Trang thông tin điện tử của Hội.

7. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh

Phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh triển khai các nội dung liên quan trong Kế hoạch; căn cứ điều kiện của đơn vị mình, phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật tại đơn vị, khuyến khích thành lập câu lạc bộ văn học, nghệ thuật tại những đơn vị đủ điều kiện.

8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền trong các hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm của Hội VHNT.

9. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ nội dung Kế hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển văn học nghệ thuật tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các Chi hội Văn học nghệ thuật tại địa phương và hỗ trợ các chi hội hoạt động có hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch phát triển văn học, nghệ thuật Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố, triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổng hợp) theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP6,5.
TN_VP6_17.KH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2021 về phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 113/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản