Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 31 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

MỞ CỬA LẠI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG MỚI

Hai năm liền (2020 và 2021), ngành Du lịch phải đối mặt với đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại rất nặng nề. Các hoạt động du lịch, sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ, các khu di tích, điểm tham quan, du lịch đóng cửa dừng đón khách. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch phải tạm nghỉ, cắt giảm nhân viên, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. Toàn ngành Du lịch lâm vào tình trạng đóng băng. Trước tình hình trên, UBND Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời, linh hoạt và đã đạt được những kết quả tích cực, căn bản kiểm soát được đại dịch Covid - 19.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm phục hồi lại hoạt động du lịch thích ứng với tình hình mới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh trong điều kiện bình thường mới, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khôi phục lại hoạt động du lịch trong bối cảnh tỉnh Đồng Tháp và cả nước kiểm soát được đại dịch Covid-19. Từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa theo hướng linh hoạt, an toàn, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid -19, vừa sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội;

- Đẩy mạnh thu hút khách du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Đồng Tháp là điểm đến an toàn, hấp dẫn.

2. Yêu cầu

Theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời triển khai các giải pháp phục hồi phát triển du lịch linh hoạt, mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao nhất. Sớm đưa du lịch về trạng thái bình thường trước khi xảy ra dịch bệnh Covid - 19, tiếp tục phát triển ngày càng đạt kết quả cao hơn.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Triển khai nhanh chóng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 nhằm thúc đẩy ngành du lịch mau chóng phục hồi, phát triển với phương châm “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.

- Chủ động thích nghi, ứng phó linh hoạt, an toàn với các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid- 19; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, truyền thông quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch với các sản phẩm đặc thù, sản phẩm mới, hấp dẫn.

2. Mục tiêu

Phấn đấu năm 2022, thu hút 3.000.000 lượt khách du lịch (bằng 75%); tổng thu từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng (bằng 100% so với năm 2019 - Năm cuối trước khi xảy ra dịch Covid - 19).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM MỞ CỬA LẠI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG MỚI

1. Yêu cầu đảm bảo an toàn mở cửa hoạt động du lịch trong Điều kiện bình thường mới

1.1. Đối với hoạt động du lịch quốc tế

1.1.1. Yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

a) Đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

b) Đối với khách nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển: Phải có xét nghiệm như đối với yêu cầu tại điểm a nêu trên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định tại điểm a, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh (bằng phương pháp RT- PCR/RT- LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

c) Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

d) Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng Ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID), thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

đ) Tại cửa khẩu, nếu khách du lịch có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

e) Khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.

f) Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách du lịch tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.

g) Khách du lịch đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan khác khi du lịch tại Việt Nam.

1.1.2.Yêu cầu đối với khách du lịch ra nước ngoài: Tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.

1.2. Đối với hoạt động du lịch nội địa

- Thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’ và các văn bản hiện hành hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

2. Triển khai đồng bộ các hoạt động kích cầu, xúc tiến quảng bá du lịch, tạo đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới

- Tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại, lễ hội, chương trình kích cầu du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội Sen Đồng Tháp; Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL; Lễ hội Hoa Sa Đéc; Lễ hội vía Bà Chúa Xứ tại Khu di tích Gò Tháp; Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường; Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp;... và tham gia các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ngoài tỉnh như: Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội và TPHCM; Ngày hội Du lịch TPHCM; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại TP Cần Thơ; các hoạt động sự kiện Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022,...

- Vận hành hiệu quả Cổng thông tin du lịch Tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Viettel, Bưu Điện Tỉnh tổ chức tập huấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn, tiêu biểu, đủ điều kiện phục vụ khách, đưa quảng bá và bán sản phẩm dịch vụ du lịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn... Nâng cao hiệu quả các hoạt động marketing, ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Khuyến khích các Doanh nghiệp, Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng. Hỗ trợ kết nối lại thị trường du lịch trong và ngoài nước, giới thiệu, bán sản phẩm dịch vụ du lịch thuận lợi trên môi trường mạng.

- Xây dựng ứng dụng trực tuyến bản đồ du lịch số để quảng bá du lịch Đồng Tháp. Tiếp tục triển khai công tác truyền thông quảng bá du lịch, hình ảnh Đồng Tháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo chương trình hợp tác truyền thông với các cơ quan thông tấn báo chí. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp và các đơn vị có liên quan xây dựng tour du lịch trực tuyến để quảng bá du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid - 19. Tổ chức đón tiếp các doanh nghiệp lữ hành, báo chí đến khảo sát du lịch để đưa tin về các tuyến điểm, sản phẩm du lịch Đồng Tháp trong bối cảnh bình thường mới.

- Định hướng truyền thông, giới thiệu, mở cửa điểm đến du lịch, quy trình du lịch an toàn, cập nhật thông tin các chương trình du lịch an toàn, sản phẩm dịch vụ du lịch mới, các chính sách ưu đãi, kích cầu du lịch, đa dạng hình thức tuyên truyền, quảng bá: Cổng thông tin du lịch Tỉnh; Trang tin điện tử của Sở VHTTDL; Cổng thông tin điện tử của Tỉnh; Website du lịch Đồng Tháp; Sàn thương mại điện tử (Voso.vn và Postmart.vn); mạng xã hội; trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp và các kênh truyền hình Trung ương, TPHCM, Khu vực; các sự kiện, lễ hội, Hội chợ triển lãm, Hội nghị, Hội thảo,...

3. Đảm bảo an toàn tại điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch và khách du lịch

- Coi trọng biện pháp tiêm đủ liều vắc xin tăng cường, vắc xin bổ sung cho người lao động tại các Doanh nghiệp Du lịch, Lữ hành, Vận chuyển, Khu di tích, Điểm du lịch, Cơ sở lưu trú du lịch, Cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch và có liên quan đến hoạt động du lịch. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các Điểm đến du lịch, Cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống dịch Covid - 19, ứng phó linh hoạt, xử lý tốt các tình huống xảy ra trong quá trình đón tiếp, phục vụ khách du lịch.

- Ưu tiên đón và phục vụ các đối tượng khách sử dụng các tour du lịch trọn gói, khép kín.

- Khách du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và quy định của Ủy ban nhân dân Tỉnh trong tình hình mới.

4. Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng khách theo xu hướng du lịch mới hậu Covid-19

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình thiết yếu, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm theo định vị của đề án phát triển du lịch Tỉnh; triển khai dự án Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc (sau khi được phê duyệt) gắn với sản phẩm OCOP; làm mới và nâng chất lượng sản phẩm du lịch hiện có tại các điểm tham quan, dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, lưu trú, mua sắm, phương tiện vận chuyển, khu vệ sinh công cộng, bãi đậu xe, bến tàu khách... Phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đa dạng và chất lượng gắn với từng phân khúc thị trường. Tăng cường sự liên kết giữa các điểm du lịch, giữa các dịch vụ trong chuỗi, liên kết hợp tác công tư. Khuyến khích các Doanh nghiệp, Cơ sở dịch vụ du lịch nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau, gia tăng tính hấp dẫn thu hút khách và giá trị sản phẩm.

- Triển khai các chương trình liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoàn thiện tuyến du lịch “sắc màu vùng biên” để giới thiệu, quảng bá, đưa vào khai thác phục vụ khách trong thời gian tới. Xây dựng các Tour du lịch về làng, các tuyến du lịch đường thủy; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với loại hình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các làng nghề truyền thống và ẩm thực Sen.

- Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm đến. Hỗ trợ các địa phương xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Tăng cường vai trò của các Doanh nghiệp Lữ hành trong việc xây dựng tour tuyến và kết nối các điểm du lịch cộng đồng. Phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương, phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, gắn với sản phẩm OCOP. Mở rộng không gian du lịch về nông thôn ở tất cả các huyện, thành phố, khai thác các giá trị văn hoá bản địa trong sản phẩm dịch vụ du lịch, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm từ các Doanh nghiệp khởi nghiệp.

5. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mở cửa lại hoạt động du lịch

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch và tổ chức tốt các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch thích ứng linh hoạt với bối cảnh hậu Covid-19 trong trạng thái bình thường mới cho lực lượng lao động đang làm việc tại các Khu di tích, Điểm du lịch, Cơ sở lưu trú du lịch, Cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu mở cửa lại hoạt động du lịch. Đào tạo bổ sung nguồn nhân lực bị thiếu hụt và chất lượng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua.

- Triển khai đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và có liên quan đến hoạt động du lịch về các kỹ năng đón tiếp, quy trình phục vụ khách an toàn; các kỹ năng nghiệp vụ: Lễ tân; Nhà hàng; nghiệp vụ phòng; hướng dẫn viện du lịch; kỹ năng khai thác thị trường khách; khai thác giá trị tài nguyên và văn hóa bản địa trong phát triển du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch xanh; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

6. Đẩy mạnh nhu cầu du lịch nội địa nhân dịp các kỳ nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch của Tỉnh

- Tái cơ cấu thị trường du lịch theo hướng bền vững, trách nhiệm, nhấn mạnh trải nghiệm khách hàng theo chiều sâu, chất lượng và mức chi tiêu cao.

- Thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa nhân dịp các kỳ nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch thường niên được tổ chức tại Đồng Tháp như Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp, Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường và các hoạt động của Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL, Lễ hội hoa Sa Đéc, Lễ hội Sen Tháp Mười, Lễ hội Xoài Cao Lãnh…

- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và chất lượng phục vụ, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid -19 theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Y tế.

7. Chính sách hỗ trợ mở cửa lại hoạt động du lịch

- Tiếp tục thực hiện chính sách theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 14/6/2021 của Bộ Tài chính về Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, khu điểm du lịch, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp du lịch và các chính sách ưu đãi về thuế; giảm giá điện, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch...

- Đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ dân, cộng đồng tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, chuyển đổi số, mô hình mới, xây dựng và phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để duy trì hoạt động, ổn định và lấy đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới.

8. Phương án xử lý sự cố y tế phát sinh trong quá trình tổ chức đón phục vụ khách du lịch

- Khi có sự cố y tế phát sinh trong quá trình du lịch tại Đồng Tháp, thực hiện theo các bước sau:

Khi nhận được thông tin từ cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, khu di tích, điểm du lịch, khách du lịch về các biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, cơ quan y tế các huyện, thành phố tiến hành xét nghiệm cũng như di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện hoặc khu cách ly.

Khi có kết quả xét nghiệm khẳng định F0, cơ quan y tế báo cáo cho BCĐ phòng chống dịch Covid-19 và tiến hành triển khai các biện pháp ứng phó phòng chống dịch theo quy trình, quy định tại thời điểm hiện hành.

III. KINH PHÍ

Thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp Đề án phát triển du lịch đã được phân bổ hàng năm và thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí khác từ các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch kịp thời, hiệu quả; tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển; triển khai Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh; tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch thường niên để thu hút khách du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, hỗ trợ các Doanh nghiệp Du lịch, Lữ hành, Điểm đến du lịch, Cơ sở lưu trú du lịch, Cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch phục hồi nhanh nhất, tăng trưởng trở lại.

- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tổ chức thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch - giải trí; tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch, các tỉnh, thành để quảng bá xúc tiến và kết nối du lịch, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển du lịch trong tình hình mới.

- Triển khai chiến dịch Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” và “Du lịch Đồng Tháp - An toàn - hấp dẫn”.

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh triển khai Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với Đồng Tháp và Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Đồng Tháp với An Giang.

- Phối hợp với Công ty tư vấn và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất.

2. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch - giải trí.

- Tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, khu di tích, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và liên kết phát triển du lịch, nghiên cứu mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm du lịch gắn với thị trường khách.

- Tổ chức khảo sát nhu cầu và xây dựng các chương trình tham quan du lịch nội tỉnh mới phù hợp với từng thị trường khách du lịch. Xây dựng các Chương trình du lịch nông thôn, du lịch về làng, du lịch chính quyền để giới thiệu với các doanh nghiệp lữ hành và du khách trong và ngoài nước.

- Nâng cao hiệu quả thông tin website du lịch Tỉnh, xây dựng các tài liệu, video clip quảng bá xúc tiến du lịch và mời gọi đầu tư. Tham mưu, đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức xúc tiến, quảng bá chuyên nghiệp, hiệu quả, phát huy tối đa ứng dụng công nghệ hiện đại thay cho các công cụ truyền thống; phát huy các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng Sen. Giới thiệu, phối hợp với các đơn vị có liên quan phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch.

4. Sở Công Thương

- Hỗ trợ tạo sự liên kết giữa các Siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp du lịch trong các chương trình kích cầu du lịch.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và mở rộng hình thức kinh doanh sản phẩm thông qua thương mại điện tử. Hình thức lồng ghép vào các nội dung hoạt động: tập huấn, hội nghị - hội thảo kết nối,... của Sở Công Thương.

5. Sở Thông tin và Truyền Thông

- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện công tác truyền thông khôi phục lại các hoạt động du lịch, mở cửa đón khách du lịch phù hợp với từng giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, gắn với Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.

- Hỗ trợ các Doanh nghiệp du lịch thực hiện quảng bá và triển khai bán sản phẩm, dịch vụ trên 2 sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn.

- Tham mưu UBND Tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

6. Sở Y tế

- Chủ trì, hướng dẫn, triển khai, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh. Tổ chức tiêm chủng đủ liều Vaccine Covid-19 cho lực lượng cán bộ nhân viên và người lao động đang tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch và các cơ quan liên quan trong công tác xử lý tình huống khi có khách du lịch nhiễm bệnh covid-19 trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương.

- Hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

7. Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

- Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú du lịch sử dụng phần mềm khai báo tạm trú đối với khách quốc tế và nội địa, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến Đồng Tháp.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn tài sản và tính mạng cho khách du lịch, cộng đồng và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, khu di tích, điểm du lịch thực hiện các quy định về an ninh quốc phòng, phòng chống cháy nổ, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động du lịch.

8. Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cổng thông tin điện tử Tỉnh

- Tăng cường tuyên truyền về các điểm đến, hoạt động khôi phục lại du lịch. Kịp thời thông tin, phản ánh các hoạt động, sự kiện về văn hóa du lịch tại địa phương và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương trong nước và quốc tế.

- Xây dựng các phóng sự truyền hình thực tế để tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình ảnh tỉnh Đồng Tháp.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Quản lý, giám sát các hoạt động du lịch tại địa phương, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Tổ chức khảo sát và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hộ dân khôi phục lại hoạt động đón khách du lịch trong và ngoài nước trong điều kiện bình thường mới.

- Quy hoạch hệ thống các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn; tuyên truyền để người dân có ý thức phối hợp cùng các doanh nghiệp du lịch trong đón tiếp và phục vụ khách tham quan, trải nghiệm hoạt động du lịch tại địa phương, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện; giải quyết tốt các vấn đề an ninh trật tự, chèo kéo tranh giành khách, gian lận thương mại, tại khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân...

10. Các khu di tích, điểm du lịch và doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường tại cơ sở và khu vực kinh doanh của đơn vị, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm về an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động của đơn vị. Tham gia tích cực vào các chương trình, sự kiện văn hoá - du lịch của địa phương, của Tỉnh và các tỉnh thành trong nước.

- Có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi phục vụ khách; Xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ. Tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của đơn vị để kích cầu du lịch và tạo thương hiệu, hình ảnh đối với khách du lịch.

11. Thông tin báo cáo

Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cơ quan thường trực BCĐ) trước ngày 15 tháng 5 và ngày 15 tháng 11 để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh, BCĐ Phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương Tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản hồi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cơ quan thường trực của BCĐ) tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (b/c);
- Tổng cục Du lịch Việt Nam;
- TT/TU, TT/HĐND, UBMTTQVN Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành Tỉnh;
- Thành viên BCĐ PTDL và tạo dựng hình ảnh Tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- DNDL,LH,CSLT, khu, điểm du lịch;
- Báo ĐT, Đài PTTH ĐT, Cổng TTĐT Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, THVX. VD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 111/KH-UBND năm 2022 mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 111/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản