Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 324/QĐ-TTG , NGÀY 18/02/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Thực hiện Quyết định số 324/QĐ-TTg , ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020; trên cơ sở ý kiến đề xuất của Tỉnh đoàn Thanh Hóa tại Tờ trình 39-TTr/ĐTN, ngày 16/9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 324/QĐ-TTg , ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, bao gồm các nội dung như sau:

I. Mục đích - yêu cầu:

- Triển khai có hiệu quả các nội dung, giải pháp của Quyết định số 324/QĐ-TTg, ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020.

- Nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới; phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại cơ sở, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Thông qua hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn nông thôn; tăng tỷ lệ tập hợp đoàn kết thanh niên, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên thanh niên ở nông thôn.

- UBND các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện để Đoàn thanh niên triển khai có hiệu quả Đề án, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch một cách cụ thể, chọn việc thiết thực, phù hợp, tránh chung chung hình thức. Đồng thời, tập hợp và phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

II. Chỉ tiêu phấn đấu:

- Các cấp bộ Đoàn hàng năm thực hiện tốt công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.

- Trên 80% thanh niên nông thôn được tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm.

- Hàng năm giảm được 2 - 3% hộ thanh niên nghèo, không để tình trạng các hộ thanh niên đã thoát nghèo bị tái nghèo; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ thanh niên nghèo trong toàn tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả tỉnh.

- Hỗ trợ trên 80% thanh niên có nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế.

- 100% số đoàn xã thành lập được đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, đội thanh niên xung kích đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội.

- Hàng năm 100% đoàn xã đảm nhận thực hiện công trình phần việc thanh niên như: Vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương nội đồng, đảm nhận đoạn đường thanh niên tự quản.

- Đến năm 2015 không còn chi đoàn thôn, bản yếu kém; trên 85% cơ sở đoàn đạt loại khá trở lên.

- Định kỳ 2 năm một lần tổ chức ngày hội thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, gặp mặt trí thức trẻ tình nguyện, tuyên dương thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.

III. Nội dung, giải pháp thực hiện:

1. Công tác thông tin, tuyên truyền, cổ vũ thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới:

a) Nội dung: Quán triệt chủ trương, ý nghĩa của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh tới đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền về trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên; nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

b) Giải pháp thực hiện:

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên hệ thống thông tin của Đoàn như: Trên các báo của tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Chuyên mục “Tuổi trẻ Lam Sơn”, Website “Tuoitrethanhhoa.vn”; các bản tin, xây dựng cụm pano tuyên truyền về nông thôn mới…

- Tổ chức các hội thảo, hội thi sân khấu hóa, hội trại, diễn đàn về xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về nông thôn mới trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, câu lạc bộ…

- Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên về thông tin, kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.

2. Tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn.

a) Nội dung: Vận động, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên xung kích tham gia đảm nhận xây dựng, giữ gìn, bảo vệ các công trình hạ tầng công cộng, cảnh quan ở các địa phương; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng làng, xã xanh - sạch - đẹp.

b) Giải pháp thực hiện:

- Vận động, khuyến khích đoàn viên, thanh niên đảm nhận cải tạo, tu bổ, làm mới kênh mương nội đồng, các công trình phục vụ dân sinh, như: Nhà văn hóa thôn, xã, các khu vui chơi, giải trí và các công trình phúc lợi khác; vận động các hộ gia đình trẻ đi đầu trong việc cải tạo cảnh quan khu vực nhà ở, vườn, ao, chuồng trại, làm đẹp hệ thống hàng rào, cổng nhà…

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, nhất là việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải; vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia trồng cây xanh, trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Thanh niên bảo vệ dòng sông quê hương”; tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ nguồn nước, vận động nhân dân thay đổi thói quen, sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, xóa bỏ cầu tiêu trên sông, ao, hồ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh… Đầu tư các mô hình: Sân chơi cho thanh thiếu nhi, đoạn đường thanh niên tự quản, bến đò ngang an toàn, nhà tiêu hợp vệ sinh, làng, bản xanh - sạch - đẹp; các đội thanh niên tình nguyện, câu lạc bộ bảo vệ môi trường…

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên khu vực miền núi tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cải tạo vườn tạp; tu sửa, bảo vệ hệ thống kênh mương nội đồng; xung kích thay đổi tập quán sinh hoạt trong từng hộ gia đình và cộng đồng.

3. Tham gia xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế ở nông thôn:

a) Nội dung: Hỗ trợ và khuyến khích thanh niên nông thôn phát triển kinh tế gia đình, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhất là xây dựng các mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - ao - chuồng - rừng (VACR); định hướng thanh niên nông thôn tích cực giữ gìn, phát huy các ngành nghề truyền thống, lựa chọn những nghề mới, phù hợp để phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng ngay tại các địa phương.

b) Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức các hoạt động đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm; chú trọng tới đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

- Tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến các nông sản, thực phẩm, công nghệ sinh học cho đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, như: tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ dịch vụ thanh niên, trang trại trẻ, làng nghề thanh niên…; xây dựng và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp thanh niên có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế.

- Hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

- Định kỳ hàng năm tổ chức hoạt động tuyên dương, vinh danh các điển hình thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, gặp gỡ điển hình thanh niên nông thôn tiên tiến làm theo lời Bác…

4. Tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn:

a) Nội dung: Tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tham gia các hoạt động lễ hội lành mạnh; vận động thanh niên đi đầu trong bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, gương mẫu thực hiện các quy ước hương ước của cộng đồng, nhất là thực hiện thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao trên địa bàn.

b) Giải pháp thực hiện:

 - Vận động đoàn viên thanh niên xung kích tham gia bảo tồn, giữ gìn các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh như: Khu du lịch biển Sầm Sơn, Di tích Thành Nhà Hồ, khu du lịch sinh thái Suối cá thần Cẩm Lương, Khu di tích Lam Kinh…; bảo tồn các làng nghề truyền thống, khôi phục các trò chơi dân gian vào các dịp lễ, Tết và dịp hè.

- Nhân rộng mô hình tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới trong đoàn viên thanh niên; đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe trong đoàn viên thanh niên.

- Tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài; đổi mới phương thức triển khai phong trào học tập vì ngày mai lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên.

5. Xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn:

a) Nội dung: Phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên trong tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn; vận động đoàn viên thanh thiếu niên đi đầu trong công tác đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện vi phạm trật tự an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

b) Giải pháp thực hiện:

- Xây dựng các đội thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn.

- Vận động đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; thường xuyên viết tin, bài phản ánh, nêu gương đoàn viên, thanh niên có thành tích tiêu biểu trong việc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, phát trên đài truyền thanh thôn, xã.

 - Giáo dục, hỗ trợ đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương về nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động hoà nhập với cộng đồng.

6. Tổ chức các đội trí thức trẻ trong xây dựng nông thôn mới:

a) Nội dung: Tuyên truyền, vận động đội ngũ học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ưu tiên chuyên ngành nông - lâm - ngư nghiệp) tình nguyện về tham gia công tác tại địa phương hoặc tham gia công tác tình nguyện có thời hạn tại các xã nông thôn miền núi.

b) Giải pháp:

- Phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ đoàn viên, thanh niên có trình độ đại học được tăng cường về làm Phó Chủ tịch, công chức xã thuộc các dự án như: 600 trí thức trẻ, 2.000 trí thức trẻ về làm công chức tại các xã…

- Tiếp tục vận động, tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tình nguyện về công tác tại các xã.

- Thường xuyên tổ chức các đội hình sinh viên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện hỗ trợ cho cơ sở vào các dịp như: Tháng thanh niên, chiến dịch hè, chương trình tình nguyện mùa đông.

7. Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn:

- Ban Chấp hành Đoàn các cấp có kế hoạch xây dựng tổ chức Đoàn, Hội đạt vững mạnh trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khoá IX) về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, Nghị quyết số 01 của BCH Tỉnh đoàn về củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư, triển khai đề án phát triển đảng trong thanh niên nông thôn.

- Tập trung củng cố Ban chấp hành Đoàn xã và các chi đoàn; lựa chọn cán bộ có khả năng, nhiệt tình, gắn bó với địa phương làm công tác Đoàn ở cơ sở; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ Bí thư chi đoàn và cán bộ Đoàn cơ sở. Quan tâm phát triển đoàn viên mới và quản lý đoàn viên trên địa bàn.

- Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Cùng với và các đoàn thể nhân dân khác tham gia giám sát hoạt động của chính quyền trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh…

- Phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc xây dựng tổ chức Đoàn ở địa bàn dân cư, mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Tỉnh đoàn:

- Giao cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai thực hiện Kế hoạch này; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020”.

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Sở Tài chính xây dựng nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện hàng năm để trình duyệt theo quy định.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch ở cấp cơ sở; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp kết quả báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

- Hằng năm, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai các nội dung của Đề án để chỉ ra những tồn tại hạn chế, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới:

Phối hợp với Tỉnh đoàn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ và lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh.

4. Các Sở, ban, ngành:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch đảm bảo đạt hiệu quả.

5. UBND các huyện, thị, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Hàng năm chủ động bố trí nguồn kinh phí giao cho các huyện, thị, Thành đoàn và tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, Thành đoàn tổ chức thực hiện các nội dung tham gia xây dựng nông thôn mới.

6. Các tổ chức chính trị - xã hội khác:

Đề nghị UBMT Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.

V. Kinh phí triển khai kế hoạch:

- Từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các địa phương; lồng ghép nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, ngân sách địa phương có liên quan và nguồn do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì tổ chức vận động xã hội hóa.

- Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tham mưu, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 111/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 324/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 111/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản