Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/KH-UBND

Bình Định, ngày 05 tháng 05 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN 2020

Trong những năm qua, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Ngoại giao văn hóa đã phát huy tốt vai trò quan trọng trong nền ngoại giao của Việt Nam góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thúc đẩy sự hợp tác kinh tế chính trị, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, Ngoại giao văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng của nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Từ những yêu cầu thực tiễn nêu trên, để triển khai có hiệu quả Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015, tầm nhìn đến năm 2020, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Xác định rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đoàn thể; các tổ chức chính trị xã hội và các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của tỉnh với mục đích làm cho bạn bè trên thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam cũng như của tỉnh Bình Định; tăng cường xây dựng lòng tin với các địa phương, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; chủ động tạo môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh.

Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của tỉnh về vị trí địa lý tài nguyên thiên nhiên, con người, các khu di tích văn hóa lịch sử, văn hóa phi vật thể các sản phẩm về văn hóa hướng đến quy hoạch phát triển trong tương lai; việc phát triển các chương trình Ngoại giao văn hóa phải được triển khai lồng ghép, gắn liền với phát triển kinh tế, chính trị của tỉnh, cụ thể như các hoạt động, các sự kiện văn hóa được thực hiện nhân dịp những ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với các quốc gia trên thế giới...

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua các giá trị văn hóa truyền thống

Ngoại giao văn hóa phải được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quy hoạch, lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, đậm đà bản sắc dân tộc để tạo dựng bản sắc riêng cho các lễ hội. Kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa như: biểu diễn giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị về các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các địa phương có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với tỉnh Bình Định, như bốn tỉnh Nam Lào, quận Yongsan của Hàn Quốc... nhân dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, góp phần đưa quan hệ giữa Bình Định với các địa phương này đi vào chiều sâu, bền vững, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; đồng thời vận động thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ của tỉnh và các đối tác quốc tế.

Trong giai đoạn từ 2014-2015, tổ chức đưa các đoàn văn hóa nghệ thuật của tỉnh đi biểu diễn, giao lưu với các địa phương trong nước, đồng thời đưa đội ngũ làm công tác văn hóa, du lịch đi giới thiệu quảng bá về Bình Định nhân dịp những sự kiện trọng đại của đất nước.

Định kỳ tổ chức chương trình “Gặp gỡ giao lưu với kiều bào” đối với bà con Việt kiều quê Bình Định trong dịp về đón Tết cổ truyền tại quê hương, giúp họ hiểu thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những nét văn hóa của tỉnh nhà, từ đó giới thiệu, truyền bá văn hóa Bình Định đến quốc gia, vùng lãnh thổ nơi họ cư trú, sinh sống, lao động và học tập.

Xây dựng các mục tiêu quảng bá văn hóa của tỉnh trên Báo Bình Định điện tử, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định và các website của các sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ...; tăng cường số lượng đi đôi với việc nâng cao chất lượng các tin, bài viết, phóng sự, sách báo, ấn phẩm về văn hóa và con người Bình Định với cộng đồng quốc tế; đầu tư xây dựng, nâng cấp các báo, trang mạng điện tử có chất lượng cao để giới thiệu về đất nước, con người Bình Định bằng nhiều ngôn ngữ. Phối hợp với các đài truyền hình có kênh quốc tế như: Đài truyền hình Việt Nam (VTV4), Đài truyền hình VTC (VTC10)...; các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu về địa phương.

Chuẩn hóa nghi thức lễ khánh tiết, chuẩn hóa trang phục và quà tặng đối ngoại nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa của tỉnh Bình Định.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đấu tranh chống lại những sản phẩm văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa Việt Nam; đồng thời phản bác kịp thời, hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực chống phá Nhà nước thông qua tuyên truyền không đúng sự thật về lịch sử, địa danh của địa phương, về các lãnh đạo, danh nhân có xuất thân trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về Ngoại giao văn hóa

Gắn công tác Ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lồng ghép hoạt động Ngoại giao văn hóa trong triển khai Chương trình hành động số 11-Ctr/TU ngày 24/10/2011 của Tỉnh Ủy Bình Định về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2011 -2015, nhằm tạo tính cộng hưởng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhất là các ngành có liên quan trực tiếp đến công tác Ngoại giao văn hóa như: Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở thông tin và Truyền thông; đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành có liên quan khác tại địa phương trong việc duy trì, phối hợp tổ chức, quản lý các chương trình, hoạt động văn hóa có yếu tố nước ngoài cả trong và ngoài nước.

3. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác Ngoại giao văn hóa

Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách phụ trách công tác Ngoại giao văn hóa đáp ứng nhu cầu của thời đại mới; tăng cường các hoạt động bồi dưỡng kiến thức về văn hóa và Ngoại giao văn hóa cho các cán bộ làm công tác đối ngoại, công tác văn hóa tại các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại nói chung và Ngoại giao văn hóa nói riêng, kiến thức về tổ chức các sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài.

Đưa các nội dung tuyên truyền về Ngoại giao văn hóa vào trong chương trình của ngành giáo dục và trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao kiến thức và sự hiểu biết trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, công chức, tri thức.

4. Bảo đảm nguồn lực kinh phí cho công tác Ngoại giao văn hóa

Bảo đảm các điều kiện về tài chính, vật chất để công tác Ngoại giao văn hóa có thể hoạt động một cách hiệu quả bằng các nguồn kinh phí được phân bổ từ ngân sách tỉnh.

Chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng một phần nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động Ngoại giao văn hóa định kỳ và đột xuất tại địa phương, lồng ghép với hoạt động tổ chức lễ hội quốc gia tại địa phương.

Đảm bảo kinh phí hoạt động của các trang thông tin điện tử (Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) bằng một số ngôn ngữ quốc tế phổ thông phục vụ cho thông tin đối ngoại và Ngoại giao văn hóa của tỉnh.

Rà soát các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ, phân loại các di tích lịch sử văn hóa này để có cơ sở đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, nhằm có thêm nguồn kinh phí trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, đóng góp cho các hoạt động Ngoại giao văn hóa phù hợp với quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Ngoại vụ: Chủ trì thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc đề xuất Kế hoạch Ngoại giao văn hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh tổ chức việc triển khai các hoạt động Ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng các ấn phẩm văn hóa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống nhằm giới thiệu các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh của Bình Định với bạn bè quốc tế.

3. Sở giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Ngoại vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực; đưa nội dung Ngoại giao văn hóa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch đảm bảo ngân sách hoạt động Ngoại giao văn hóa hàng năm.

5. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ giao biên chế công chức và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác Ngoại giao văn hóa theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của tỉnh Bình Định với bốn tỉnh Nam Lào, quận Yongsan của Hàn Quốc... Theo dõi, đánh giá công tác tuyên truyền; hàng quý, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch truyền thông của các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình, các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử của tỉnh cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin cơ bản về tỉnh Bình Định, đặc biệt tăng cường dữ liệu tiếng nước ngoài để bà con Việt kiều hiểu thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những nét văn hóa của tỉnh nhà, từ đó giới thiệu, truyền bá văn hóa Bình Định đến nơi mình cư trú, sinh sống, lao động và học tập. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục theo tuần hoặc tháng về Ngoại giao văn hóa; tổ chức các diễn đàn trên mạng phục vụ công tác thông tin - tuyên truyền.

7. Các sở, ban ngành khác, theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi thẩm quyền; phối hợp với Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ Ngoại giao văn hóa trên địa bàn và gửi báo cáo hoạt động hàng năm về Sở Ngoại vụ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Ngoại giao.

8. Liên hiệp các hội hữu nghị tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động Ngoại giao văn hóa trên địa bàn theo thẩm quyền; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch Ngoại giao văn hóa hàng năm phù hợp với Kế hoạch này và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Căn cứ kết quả thực hiện kế hoạch hành động triển khai chiến lược Ngoại giao văn hóa giai đoạn 2014 - 2015, sẽ bổ sung hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch hành động triển khai chiến lược Ngoại giao văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị địa phương mình tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Ngoại giao;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K8.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 11/KH-UBND năm 2015 triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2014-2015, tầm nhìn đến năm 2020

  • Số hiệu: 11/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lê Hữu Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản