ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/KH-UBND | Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 7 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
SẢN XUẤT THÍ ĐIỂM GIỐNG SẮN KHÁNG BỆNH VIRUS KHẢM LÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NIÊN VỤ 2022 - 2023
Thực hiện Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 06/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn; Thông báo số 6924/TB-BNN-BVTV ngày 05/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Giải pháp Phòng chống bệnh khảm lá sắn (khoai mì); trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2313/TTr-SNNPTNT ngày 11/7/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất thí điểm các giống sắn kháng bệnh virus khảm lá trên địa bàn tỉnh niên vụ 2022 - 2023, như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
a) Mục đích
- Để có cơ sở thực tiễn về đánh giá tính thích ứng của giống sắn kháng bệnh virus khảm lá trên địa bàn tỉnh.
- Trên cơ sở thực tiễn tính thích ứng của giống sắn kháng bệnh virus khảm lá trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo đề xuất UBND tỉnh định hướng nhân rộng giống sắn kháng bệnh vào sản xuất.
- Có sẵn nguồn hom giống sắn kháng bệnh để cấp phát cho nông dân sản xuất trên địa bàn tỉnh những niên vụ tiếp theo.
b) Yêu cầu
- Giống sắn mới có khả năng kháng bệnh virus khảm lá, việc cung ứng giống phải do các đơn vị có chức năng sản xuất, cung ứng giống, đảm bảo quyền tác giả về giống theo quy định.
- Hom giống sắn phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
- Tổ chức trồng sắn tại các địa phương phải đảm bảo tính liên vùng, không bị ngập nước trong mùa mưa, thực hiện tốt công tác chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... để đánh giá tính thích ứng của giống tại địa phương nhằm đảm bảo cơ sở thực tiễn nhân rộng vào sản xuất.
II. Nội dung và kinh phí thực hiện
1. Nội dung: Mua giống sắn đã được Cục Bảo vệ thực vật đánh giá kháng bệnh virus khảm lá, tổ chức trồng thí điểm tại các địa phương để có cơ sở đánh giá tính thích ứng trên địa bàn tỉnh và nhân giống cho các vụ sau.
2. Quy mô: Niên vụ sắn 2022 - 2023, trồng thí điểm 20 ha giống sắn HN3 kháng bệnh virus khảm lá tại các địa phương.
3. Địa điểm và thời gian thực hiện
a) Địa điểm thực hiện: Tại các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức (mỗi huyện 02 ha); huyện Sơn Hà (04 ha), thị xã Đức Phổ (04 ha).
b) Thời gian thực hiện:
- Tiếp nhận và cấp phát giống trồng vào tháng 12/2022 - 01/2023 (niên vụ sắn 2022 - 2023).
- Tổ chức trồng thí điểm và theo dõi đánh giá từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023.
4. Kinh phí thực hiện và phương thức mua giống:
a) Tổng kinh phí: 744.132.400 đồng (Bảy trăm bốn mươi bốn triệu, một trăm ba mươi hai nghìn, bốn trăm đồng).
b) Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí thưởng vượt thu của Trung ương cho tỉnh trong năm 2021 theo Thông báo số 98/TB-UBND ngày 11/3/2022 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công tác năm 2022.
c) Phương thức mua: Thực hiện theo quy định hiện hành.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ chức mua và cấp phát giống sắn cho UBND huyện, thị xã có tên trong Kế hoạch để tổ chức trồng theo hình thức sản xuất thí điểm.
b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện công tác trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các vùng trồng sắn tự để giống.
c) Phối hợp với các địa phương theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh hại, năng suất và tỷ lệ bột trên các các vùng sắn sản xuất thí điểm.
d) Trên cơ sở kết quả đạt được, cuối vụ sản xuất 2022 - 2023, phối hợp với các địa phương lập kế hoạch phân phối nhân giống niên vụ 2023 - 2024.
đ) Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời để việc nhân giống và cung cấp nguồn giống sắn sạch bệnh trong tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thẩm tra dự toán, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh để tổ chức thực hiện kế hoạch này.
3. UBND các huyện, thị xã
a) Tổ chức chọn địa điểm tập trung để trồng các giống sắn thí điểm.
b) Tổ chức tiếp nhận giống, phân bổ cho từng đơn vị cấp xã để cấp phát cho các hộ nông dân theo kế hoạch và có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ thủ tục liên quan; đồng thời, báo cáo kết quả tiếp nhận và phân phối cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
c) Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn các địa phương công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển trên các vùng trồng sắn thí điểm.
d) Chịu trách nhiệm bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí của UBND huyện, thị xã cho các đơn vị chuyên môn của huyện, thị xã để thực hiện tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, cấp phát hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân thực hiện công tác chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại trên vùng sắn sản xuất thí điểm, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo các mô hình sản xuất thí điểm theo quy định.
đ) Cuối vụ sản xuất sắn 2022 - 2023, trên cơ sở đánh giá của cơ quan chuyên môn, những giống có triển vọng, phù hợp với từng địa phương, UBND huyện, thị xã lập Kế hoạch thu gom và phân bổ lượng giống sắn cho các địa phương trong huyện cấp phát hỗ trợ cho nông dân sản xuất niên vụ 2023 - 2024. Tuyệt đối không được phép mua bán lượng hom giống sắn sản xuất theo kế hoạch này.
4. Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã trong quá trình triển khai kế hoạch sản xuất thí điểm giống sắn kháng bệnh virus khảm lá; hỗ trợ nguồn giống, phân bón, kỹ thuật,... để đạt hiệu quả nhằm giúp nông dân ổn định sản xuất và ổn định nguồn nguyên liệu cho Công ty; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi, chỉ đạo.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 2Quyết định 1247/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch ứng phó thảm họa dịch bệnh vật nuôi, cây trồng và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 1Chỉ thị 5957/CT-BNN-BVTV năm 2018 về tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3Quyết định 1247/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch ứng phó thảm họa dịch bệnh vật nuôi, cây trồng và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2022 về sản xuất thí điểm giống sắn kháng bệnh virus khảm lá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi niên vụ 2022-2023
- Số hiệu: 108/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 13/07/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Trần Phước Hiền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/07/2022
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định