Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 13 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “CHĂM SÓC DINH DƯỠNG 1.000 NGÀY ĐẦU ĐỜI NHẰM PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG BÀ MẸ, TRẺ EM NÂNG CAO TẦM VÓC NGƯỜI VIỆT NAM” TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”, Uỷ ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

a) Đến năm 2025

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%;

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%;

- Tỷ lệ trẻ em có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 4%;

- Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%.

b) Đến năm 2030

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%;

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%;

- Tỷ lệ trẻ em có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 3,8%;

- Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 20%.

2.2. Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ

a) Đến năm 2025

- 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu;

- 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn;

- 70% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tuổi ăn bổ sung đúng cách.

b) Đến năm 2030

- 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 30% bà mẹ cho trẻ mẹ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu;

- 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn;

- 80% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tuổi ăn bổ sung đúng cách.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về chính sách

- Tiếp tục thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó, chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh trong triển khai và thực hiện các giải pháp chăm sóc dinh dưỡng 1.000 đầu đời, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Có chính sách, giải pháp huy động, khuyến kích sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân và các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Chương trình.

- Hướng dẫn thực hiện các chính sách, quy định về dinh dưỡng và thực phẩm; quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; hỗ trợ, khuyến kích nuôi con bằng sữa mẹ.

2. Về thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng.

- Tập trung cung cấp thông tin và truyền thông vận động đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ và gia đình, đặc biệt là các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

- Đa dạng hóa các phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng. Chú trọng thông tin, truyền thông qua hệ thống cơ sở, cán bộ y tế cơ sở, hội phụ nữ, y tế khóm, ấp.

- Phổ biến kiến thức và kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế, cán bộ hội phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.

- Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh bằng hình thức phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích, các mô hình thực hiện có hiệu quả (như bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ).

3. Về chuyên môn kỹ thuật

- Tiếp tục triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời bao gồm: Thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ.

- Hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng và địa bàn.

- Xác định nhóm đối tượng ưu tiên và khu vực cần được can thiệp dựa theo các tiêu chí về suy dinh dưỡng thấp còi, tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh, trước hết là tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

- Tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, đội ngũ y tế khóm, ấp về chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; hướng dẫn ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em dưới 2 tuổi.

- Xây dựng các mô hình, triển khai thí điểm tại một số xã đặc biệt khó khăn.

4. Về kinh phí

- Chi từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế, dân số, lồng ghép trong các Chương trình, Dự án có liên quan theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Ngoài ra, kinh phí còn được chi từ nguồn dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội.

- Huy động sự tham gia, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt trong việc sản xuất và cung ứng các vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em.

5. Về theo dõi, giám sát và đánh giá

- Xây dựng các chỉ số giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

- Thiết lập hệ thống theo dõi, thu thập thông tin phục vụ cho việc đánh giá, giám sát về kết quả thực hiện Chương trình.

- Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên phạm vi toàn Tỉnh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các dự án, chương trình, đề án liên quan.

- Xây dựng các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức truyền thông; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, cán bộ hội phụ nữ.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp Phòng Y tế tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nội dung hoạt động triển khai Kế hoạch.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế bố trí ngân sách để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời trong các trường học.

- Xây dựng thực đơn, tổ chức các bữa ăn hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi bán trú tại các trường mầm non.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan quản lý, kiểm soát việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động Chương trình hàng năm và 05 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; chủ động, tích cực huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình với các kế hoạch thực hiện Chiến lược khác có liên quan trên địa bàn (Kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng…); đẩy mạnh phối hợp liên ngành; lồng ghép các nội dung dinh dưỡng trong công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch hành động Chương trình tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo hằng năm theo quy định hiện hành.

6. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh vận động hội viên và gia đình hội viên thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi, chú trọng các nội dung như chăm sóc bà mẹ trước sinh, tư vấn, hướng dẫn cho con bú sữa mẹ, bổ sung vi chất, thực hiện dinh dưỡng hợp lý.

Định kỳ hằng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Y tế trước ngày 15 tháng 11 tổng hợp chung, để báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Bộ Y tế./.

 

 

Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông;
- Hội LHPN Tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, PTH-VX (Trung).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 107/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nâng cao tầm vóc người Việt Nam tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 107/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Đoàn Tấn Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản