Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 13 tháng 11 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC CƠ BẢN HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg ngày 01 tháng 03 năm 1999 của thủ tướng Chính phủ về việc thành lập ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 06 năm 2012 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ công văn số 01/BCĐ – VP33 ngày 01/04/2013 của Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam về việc xây dựng kế hoạch hành động khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và đinh hướng đến năm 2020 ( sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hoá học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với con người trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100 % người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng chính sách ưu đãi người có công.

- 100% hộ gia đình có từ 02 người tàn tật nặng trở lên và các hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp về đời sống và bảo hiểm y tế

- Quản lý thai nghén cho 100% thai phụ của nạn nhân CĐHH.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra sức khoẻ bệnh tật của các nạn nhân chất độc hoá học

2. Hoàn thiện chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân chất độc hoá học là những người tham gia kháng chiến và con cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng chính sách.

3. Trợ cấp và có chế độ bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân CĐHH có hoàn cảnh khó khăn và có người bị bệnh, tật nặng.

4. Tuân thủ đúng Quy trình xác định nạn nhân CĐHH và Tiêu chí xác định bệnh tật do nhiễm chất CĐHH được Nhà nước ban hành.

5. Tổng điều tra số lượng nạn nhân CĐHH trên địa bàn tỉnh.

6. Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐHH.

7. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, tư vấn di truyền, chuẩn đoán dị tật bẩm sinh trước khi sinh, đào tạo và nâng cao năng lực tư vấn sinh sản, di truyền cho cán bộ y tế cơ sở.

8. Tăng cường vận động các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả CĐHH.

9. xây dựng mô hình chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng, gắn với trung tâm Bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ nạn nhân ở địa phương. vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ cho nạn nhân CĐHH về vật chất và tinh thần để cải thiện đời sống và chữa bệnh.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện:

- Năm 2013: Xây dựng kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Lạng Sơn.

- Năm 2014: Xây dựng các tiêu chí Phiếu điều tra, Kế hoạch điều tra và tổng điều tra số lượng nạn nhân bị nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh.

+ Đề xuất cơ chế chính sách của nạn nhân CĐHH đối với Trung ương và tỉnh.

+ Tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách đối với nạn nhân CĐHH, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

- Năm 2015: Tổ chức sơ kết Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Lạng Sơn.

2. Chế độ báo cáo

- Các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm định kỳ từ ngày 20 tháng 12 hàng năm xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động gửi về Sở lao động – Thương binh và xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công nhiệm vụ

1.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đối với nạn nhân CĐHH và nghiên cứu, đề xuất các chính sách đối với nạn nhân CĐHH; Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐHH.

- Phối hợp với Sở Y tế, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện Quy trình xác định nạn nhân CĐHH được ban hành.

- Tổ chức điều tra số lượng nạn nhân CĐHH trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phối hợp với Hội nạn nhân, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, triển khai kế hoạch hành động trên phạm vi toàn tỉnh.

- Là cơ quan thường trực trực tiếp phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai kế hoạch.

1.2. Sở Tài nguyên và Môi Trường:

- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, xã thực hiện Kế hoạch hành động.

- Thu thập lưu giữ thông tin tư liệu về CĐHH của tỉnh.

1.3. Sở Y tế:

- Hướng dẫn danh mục bệnh, tật và tiêu chí chẩn đoán bệnh, tật có liên quan đến CĐHH theo quy định của Bộ Y tế;

- Xây dựng, triển khai kế hoạch chữa trị và chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh, tật cho nạn nhân CĐHH; xây dựng chương trình phát hiện sớm, tư vấn sinh sản, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐHH.

- Phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất chế độ bảo hiểm y tế phù hợp cho nạn nhân CĐHH.

1.4. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh:

- Giải mã và công bố (hoặc cung cấp) phiên hiệu các đơn vị quân đội hoạt động tại các vùng bị nhiễm CĐHH theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

- chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công trong đó có đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH.

1.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố xây dựng và hướng dẫn lồng ghép Kế hoạch hành động vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động của các ngành, địa phương.

- Phối hợp với Sở Tài chính, bố trí ngân sách của tỉnh và các nguồn tài trợ cho các chương trình và dự án liên quan đến kế hoạch hành động.

1.6. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan căn cứ nguồn ngân sách tỉnh hàng năm, bố trí ngân sách để thực hiện kế hoạch.

- Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí cho các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH.

1.7. Sở Khoa học và Công nghệ:

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về CĐHH và nâng cao năng lực nghiên cứu về CĐHH.

1.8. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương, Đài phát thanh – truyền hình các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội với việc khắc phục hậu quả CĐHH.

1.9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động hàng năm về khắc phục hậu quả CĐHH phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này với các chương trình, đề án và kế hoạch khác có liên quan trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại địa phương;

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn theo quy định.

1.10. Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh:

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của tỉnh, cụ thể:

- Tham gia điều tra, khảo sát những gia đình bị nhiễm chất độc da cam toàn tỉnh.

- Đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách chăm sóc đối tượng thăm hỏi gia đình chính sách.

1.11. Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng:

Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH.

1.12. Các cơ quan báo chí:

Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về hậu quả CĐHH đối với môi trường và con người ở Việt Nam.

2. Cơ chế tài chính:

Ngân sách Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng; tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện nhân đạo, các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia thực hiện Kế hoạch hành động.

Trên đây là Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tô Hùng Khoa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 105/KH-UBND năm 2013 hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 105/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 13/11/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Tô Hùng Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản