- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật Đầu tư công 2019
- 3Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công điện 04/CĐ-TTg năm 2024 chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do Thủ tướng Chính phủ điện
- 5Chỉ thị 661/CT-BNN-TL năm 2024 tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/KH-UBND | Sóc Trăng, ngày 26 tháng 6 năm 2024 |
Thực hiện Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh, với những nội dung sau:
1. Mục đích
- Đánh giá các loại hình thiên tai của tỉnh, tác động và thiệt hại trong thời gian gần đây và mức độ rủi ro thiên tai đối với dân sinh, phát triển kinh tế của tỉnh.
- Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống thiên tai, chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn.
2. Yêu cầu
- Xác định loại hình, cấp độ rủi ro của các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh, đánh giá tác động của thiên tai đến các ngành và lĩnh vực cụ thể.
- Đánh giá năng lực thực tế, những yếu kém, tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai và xây dựng hệ thống giải pháp phòng, chống thiên tai.
II. XÁC ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI
- Phạm vi đánh giá được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt quan tâm đến các địa phương ven sông, ven biển.
- Việc thu thập thông tin để đánh giá mức độ rủi ro thiên tai được thực hiện từ cấp xã (các báo cáo về tình hình thiên tai hàng năm, ước tính thiệt hại, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ cứu nạn và tái thiết); sau đó chuyển thông tin lên cấp huyện để tổng hợp và báo cáo cấp tỉnh để lập báo cáo về tình hình thiên tai hàng năm và xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống thiên tai cho năm tiếp theo.
- Khu vực dễ bị ảnh hưởng cao bởi triều cường, bão, ATNĐ, sạt lở bờ sông, bờ biển, đê sông, đê biển là các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu; khu vực các cồn Lý Quyên (huyện Long Phú), cồn Phong Nẫm, cồn Cò, cồn Bàng (huyện Kế Sách).
2. Phương pháp và nội dung đánh giá
2.1. Phương pháp đánh giá
Căn cứ vào quy mô, cường độ, tần suất xuất hiện và ảnh hưởng của các loại hình thiên tai để phân cấp về rủi ro thiên tai theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
2.2. Nội dung đánh giá
2.2.1. Độ lớn của các loại hình thiên tai
a) Bão, ATNĐ
- Tình hình bão, ATNĐ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh diễn ra không thường xuyên, xác định bão, ATNĐ sẽ có khả năng cao nhất ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
- Những địa phương và đối tượng thường chịu tác động lớn của bão và ATNĐ: Huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu; các đối tượng chịu tác động của bão và ATNĐ chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, hộ nghèo.
b) Xâm nhập mặn
- Tình trạng khô cạn trên các sông vùng ven biển của tỉnh càng trầm trọng khiến mặn xâm nhập từ biển theo thủy triều vào sâu trong sông, có nơi lên đến 49km với độ mặn có lúc lên cao hơn 30‰ và diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh nên cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2.
- Khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước: Vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, vùng Dự án Ba Rinh - Tà Liêm, vùng Dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp, vùng Dự án Kế Sách.
c) Sạt lở bờ sông, bờ biển
Do tác động của dòng chảy cộng với tập quán xây cất nhà ven sông của người dân, ảnh hưởng triều cường, nước dâng nên tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.
d) Lốc xoáy, sét
- Trên địa bàn tỉnh, sét thường xuyên được cảnh báo xuất hiện cùng mưa, dông, lốc. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận các trường hợp sét đánh thường chỉ ở phạm vi hẹp, dưới 1/2 số huyện, xã nên cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật, các hiện tượng dông, lốc, sét xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng và nguy hiểm hơn, đặc biệt là các huyện Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm,... thường xuyên xảy ra dông, lốc xoáy mạnh và bất ngờ với tần suất và số lượng ngày càng tăng, xuất hiện ngay từ đầu năm và xuyên suốt trong năm.
đ) Ngập lụt
Trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt ngập lụt kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão gây mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao làm thiệt hại cho nông nghiệp và thủy sản, đường giao thông (năm 2022 - 2023 có 154 đoạn đê, bờ bao, bờ biển 5.207m bị sạt lở, đường giao thông bị ngập 105 m, lúa, hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại 17.230 ha).
e) Mưa lớn
Xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn trên địa bàn tỉnh, thường bắt đầu khoảng tháng 4 và kết thúc vào tháng 11, đặc biệt trong mùa mưa 2020 - 2021, cá biệt có những thời điểm lượng mưa 24 giờ đạt trên 200mm (lượng mưa rất ít khi đạt được trước đây) ở nhiều khu vực. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
g) Gió mạnh trên biển
Thường xuất hiện vào các tháng gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Trong những năm qua, trên vùng biển tỉnh thường xuyên có gió mạnh, sóng lớn, sức gió từ cấp 5 ÷ 7, giật cấp 8 ÷ 9 chủ yếu tập trung trong các tháng mùa mưa làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.
2.2.2. Đánh giá rủi ro theo khu vực hành chính
- Khu vực dễ bị ảnh hưởng cao bởi triều cường, bão, ATNĐ, sạt lở bờ sông, bờ biển, đê sông, đê biển là các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu; khu vực các cồn Lý Quyên (huyện Long Phú), cồn Phong Nẫm, cồn Cò, cồn Bàng (huyện Kế Sách).
- Khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước các vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, vùng Dự án Ba Rinh - Tà Liêm, vùng Dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp, vùng Dự án Kế Sách; vùng ảnh hưởng bởi dông, lốc, sét xuất hiện gần như khắp các địa phương trong toàn tỉnh.
III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
1. Biện pháp phòng ngừa giảm thiểu
1.1. Biện pháp phi công trình
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống thiên tai của Trung ương và địa phương. Trong đó, tập trung thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 31/12/2020 về phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 30/11/2022 về việc phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai đối với một số loại hình thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Phương án số 175/PA-PCTT ngày 22/11/2022).
1.2. Biện pháp công trình
- Đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi (nạo vét hệ thống kênh, rạch định kỳ, hệ thống trạm bơm tưới - tiêu, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao, trạm bơm, cống kiểm soát nguồn nước), đê điều, cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đê, kè phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
- Trang bị, nâng cấp, sửa chữa thiết bị liên lạc, hệ thống viễn thông vô tuyến điện về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho việc thông tin liên lạc được thông suốt, phục vụ kịp thời công tác chỉ huy, điều hành, nhất là trong mùa mưa bão hoặc khi có thiên tai xảy ra.
2.1. Đối với hạn hán, xâm nhập mặn
- Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các Sở, ban ngành có liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương triển khai xây dựng phương án và tổ chức thực hiện việc ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp khắc phục kịp thời.
2.2. Đối với sạt lở bờ sông, bờ biển
- Tăng cường vận động Nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở do địa chất nền để tránh thiệt hại về người và tài sản.
- Phối hợp kiểm tra, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là vào những tháng triều cường cuối năm, khi đỉnh lũ cao từ thượng nguồn đổ về theo cấp báo động; đồng thời, có kế hoạch chủ động tiến hành di dời các hộ dân sống trong khu vực sạt lở ra khỏi phạm vi ảnh hưởng, tránh thiệt hại về người và tài sản.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư, dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, sắp xếp di dời dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng và phòng, chống sạt lở.
- Các địa phương chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 19/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2.3. Đối với mưa lớn, lốc xoáy, sét
- Kịp thời tuyên truyền, phổ biến các bản tin về cảnh báo, dự báo thời tiết đến các cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện, thị xã, thành phố để thông tin kịp thời đến người dân biết và chủ động ứng phó.
- Kêu gọi chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây to có nguy cơ gãy đổ.
- Thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ.
- Tổ chức khắc phục hậu quả trong trường hợp ngã đổ cây xanh, đường điện (nếu có).
2.4. Các biện pháp ứng phó đối với bão, ATNĐ
Xây dựng kịch bản đối với các cấp độ bão, ATNĐ khác nhau cho các cơ quan, đơn vị được phân công tham gia phòng, chống thiên tai.
2.5. Đối với nước dâng, triều cường
- Thường xuyên theo dõi bản tin dự báo, thông tin kịp thời để địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
- Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê, bờ bao có nguy cơ tràn, gây vỡ đê, bờ bao để có giải pháp khắc phục kịp thời.
- Vận động người dân sống trong các vùng bị ảnh hưởng tôn cao bờ bao chống tràn để bảo vệ sản xuất.
- Tổ chức khắc phục hậu quả do triều cường gây ra, huy động lực lượng gia cố, sửa chữa các tuyến đê, bờ bao bị sạt lở.
- Thống kê mức độ thiệt hại (nếu có) để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
2.6. Đối với gió mạnh trên biển
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kịp thời thông báo các bản tin về cảnh báo, dự báo tình hình thời tiết nguy hiểm, gió mạnh trên biển bằng nhiều hình thức đến các phương tiện đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển biết, nhằm chủ động phòng tránh, kịp thời hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm tìm nơi cư trú, tránh mưa, bão an toàn.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi, tái thiết
3.1. Tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ sau thiên tai
Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân:
- Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu người bị nạn, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết tại nơi bị chia cắt và địa điểm sơ tán.
- Cấp cứu người gặp nguy hiểm, tìm kiếm người, phương tiện mất tích.
- Tiếp tục sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.
- Lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn.
- Huy động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn.
- Dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở.
- Tiếp tục duy trì hệ thống tiếp nhận và phân phối công khai, công bằng các nguồn hàng cứu trợ. Cấp phát lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhu yếu phẩm, các loại cây con giống, vật liệu xây dựng,...
- Xây dựng các phương án huy động nhân sự, vật tư, phương tiện cho công tác khắc phục hậu quả của từng loại hình thiên tai.
3.2. Thống kê, đánh giá thiệt hại sau thiên tai
Nhiệm vụ của công tác đánh giá thiệt hại sau thiên tai là nhằm xác định mức độ, phạm vi ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai đối với con người, tài sản và môi trường tại địa bàn xảy ra thiên tai hoàn thiện số liệu thiệt hại, phân tích, đánh giá và lập báo cáo cuối cùng để gửi lên cấp có thẩm quyền từ đó đề xuất các phương án để hỗ trợ và khắc phục hậu quả cũng như các biện pháp phòng ngừa cho các đợt thiên tai tiếp theo.
Đề xuất các hoạt động tái thiết sau thiên tai.
Tổng kinh phí triển khai thực hiện là 883.000.000 đồng (tám trăm tám mươi ba triệu đồng), được đảm bảo từ nguồn kinh phí đã giao dự toán chi ngân sách tỉnh cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương tỉnh Sóc Trăng năm 2024 theo Quyết định số 3138/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện.
Tham mưu trong công tác chỉ đạo, điều động các lực lượng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp với Sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát và theo dõi công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai theo theo quy định khi có sự cố, thiên tai xảy ra.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều thuộc chức năng quản lý của ngành; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch gia cố, tu sửa trước mùa mưa bão.
- Kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bám sát phương án, kế hoạch hoạt động phòng, chống thiên tai, phối hợp trong việc xử lý sự cố, khắc phục hậu quả đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương,...
- Đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu, phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
- Phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp nhận và truyền phát các tin cảnh báo về diễn biến tình hình thiên tai trên địa bàn.
- Thực hiện nghiêm Quyết định số 14/QĐ-BCĐUBND ngày 26/4/2024 của Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Kế hoạch số 01/KH-BCĐUBND ngày 24/01/2024 của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; giao Chi cục Thủy lợi tổ chức và phân công cán bộ trực phòng, chống thiên tai 24/24 giờ để xử lý kịp thời các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Thường xuyên thu thập thông tin, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai phù hợp với khu vực biên giới biển của tỉnh. Xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý, đặc biệt là khu vực trên biển và các sông lớn. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Thường trực tìm kiếm, cứu nạn của ngành.
- Điều động lực lượng, phương tiện của đơn vị phối hợp với các địa phương ven biển huy động tàu thuyền và ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, cửa sông khi có thiên tai, tai nạn xảy ra.
- Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Chỉ đạo. điều động lực lượng công an các cấp tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ các mục tiêu quan trọng theo từng tình huống, bảo vệ an ninh, trật tự ở các địa phương bị thiên tai theo kế hoạch được duyệt, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị khác trong công tác ứng phó xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm tra việc bảo đảm công tác vệ sinh môi trường. Chủ trì, xử lý kịp thời sự cố môi trường (nếu có) do thiên tai gây ra; đặc biệt về môi trường sinh thái và ô nhiễm nguồn nước trước, trong và sau thiên tai; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trong vùng bị thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức, thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng.
- Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai trong quy hoạch liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, nước để đảm bảo an toàn, hạn chế làm gia tăng rủi ro thiên tai.
- Sẵn sàng lực lượng tham gia vào lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
6. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh
Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về dự báo thời tiết; đặc biệt là dự báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp, khẩn cấp về thiên tai, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, đảm bảo chính xác, kịp thời, nhằm chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai đảm bảo về an toàn tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức,... trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các Sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên theo khả năng cân đối và theo phân cấp ngân sách để thực hiện chính sách phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Có kế hoạch đảm bảo dự trữ và chuẩn bị vật tư, nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống, hỗ trợ cho Nhân dân khi xảy ra thiên tai.
Phối hợp với Sở, ngành liên quan và địa phương triển khai lồng ghép các hoạt động về phòng, chống thiên tai tại các buổi học, sinh hoạt lớp đến các đối tượng là trẻ em, học sinh các cấp nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Chỉ đạo, tăng cường các y, bác sỹ của các Bệnh viện, Trung tâm Y tế để thực hiện cứu chữa người thương vong tại các khu vực xảy ra thiên tai; trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị y tế; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các phương án cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau thiên tai.
- Thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ” bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông luôn thông suốt.
- Khi có thiên tai xảy ra, trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến, bảo đảm chế độ thông tin liên lạc kịp thời để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tổ chức điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu người, bảo vệ tài sản; xử lý ngay các hư hỏng để giảm nhẹ thiệt hại; có biện pháp phân luồng, báo hiệu, phong tỏa, cảnh giới khu vực bị hư hỏng, ngập lụt gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm an toàn giao thông và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại, phương án và kết quả khắc phục hậu quả về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
- Phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan để cùng tham gia phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Thực hiện phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường tỉnh; xử lý ách tắc giao thông, phân luồng giao thông, hướng dẫn các phương tiện giao thông khi xảy ra thiên tai.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và địa phương kiểm tra các nhà, xưởng, công trình, các công trường đang thi công; kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng.
- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng, chống, bảo vệ nhà cửa trong mùa mưa bão.
- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phối hợp với Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí vốn thực hiện các dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công, trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở đề xuất của các Sở, ban ngành và địa phương.
14. Sở Thông tin và Truyền thông
- Tổ chức thực hiện phương án đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên tục, kịp thời, chính xác trong mọi tình huống từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt chú trọng thông tin tại các vùng thường xuyên xảy ra mưa lớn, sạt lở đất,... Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh đảm bảo liên lạc, kịp thời chuyển thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành việc phòng tránh, ứng phó.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc; kiểm tra các trạm tiếp sóng viễn thông, bảo đảm cho mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống.
- Chỉ đạo các đơn vị báo, đài phối hợp với các cơ quan liên quan đưa tin chính xác, kịp thời về diễn biến thời tiết, thiên tai, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về dự báo, cảnh báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
15. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp số hộ gia đình, nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói do thiên tai gây ra để có đề xuất hỗ trợ khắc phục sau thiên tai, ổn định việc làm, đảm bảo các chính sách về an sinh - xã hội của người dân được triển khai thực hiện kịp thời; đồng thời, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố giải quyết các chính sách, chế độ theo quy định.
16. Đài Phát thanh và Truyền hình
Tăng cường công tác truyền tin, phổ biến các thông tin dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết, thiên tai, các chủ trương, văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
- Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.
- Tổ chức vận động các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ người dân và các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai.
- Tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ kịp thời cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế của ngành theo phương châm “bốn tại chỗ”.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 vào các chương trình, kế hoạch của ngành, đơn vị.
18. Đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh
- Chỉ đạo công tác vận động, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ khẩn cấp cho các địa phương, vùng bị thiên tai; vận động đoàn viên, thanh niên tham gia công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Đội ứng phó thiên tai thảm họa tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
19. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Phối hợp với Sở, ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ các cấp chủ động tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng phù hợp với đặc điểm điều kiện địa phương.
20. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, ứng phó, khắc phục kịp thời.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh địa phương thường xuyên thông tin về diễn biến, tình hình thiên tai, xâm nhập mặn; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của người dân trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này và xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 trên địa bàn quản lý và xây dựng phương án ứng phó thiên tai, thảm họa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Bố trí ngân sách hàng năm và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương.
- Thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn. Chủ động sử dụng ngân sách của địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định để triển khai nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân, phục hồi sản xuất sau thiên tai.
- Kịp thời thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai (nếu có), đề xuất phương án khắc phục hậu quả và kiến nghị về hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định gửi về cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Đề nghị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật Đầu tư công 2019
- 3Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công điện 04/CĐ-TTg năm 2024 chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do Thủ tướng Chính phủ điện
- 5Chỉ thị 661/CT-BNN-TL năm 2024 tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Kế hoạch 104/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- Số hiệu: 104/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 26/06/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Người ký: Vương Quốc Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định