ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 11 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/KH-UBND | Quận 11, ngày 17 tháng 5 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
CHUYỂN ĐỔI CÁC ĐƯỜNG DÂY THU GOM RÁC DÂN LẬP SANG HOẠT ĐỘNG CÓ TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 11
Căn cứ Quyết định số 5297/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11 tháng 6 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố.
Căn cứ Công văn số 129/UBNDP-ĐT ngày 10/01/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức, sắp xếp hoạt động thu gom rác dân lập trên địa bàn quận, huyện trong năm 2018.
Ủy ban nhân dân quận 11 ban hành Kế hoạch Chuyển đổi các đường dây thu gom rác dân lập sang hoạt động có tổ chức như sau:
I. HIỆN TRẠNG
Hiện nay, trên địa bàn quận 11 có khoảng 150 đường dây rác dân lập, 01 Hợp tác xã (Hợp tác xã Thông Hiệp Phát), 01 công ty (công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 11) đang thực hiện công tác thu gom rác.
1. Hệ thống thu gom công lập: Công ty TNHH MTV dịch vụ Công ích Quận 11 chiếm tỷ lệ khoảng 5% thu gom tại nguồn thải là các hộ mặt tiền đường, đơn vị kinh doanh sản xuất. Ngoài ra, Liên danh Hợp tác xã vận tải Công nông - Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 11 đảm nhiệm việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến Khu xử lý rác tập trung của thành phố.
2. Hệ thống thu gom rác dân lập: Tỷ lệ thu gom của lực lượng rác dân lập trên địa bàn quận 11 đối với hộ gia đình chiếm khoảng trên 90% trong các tuyến đường, tuyến hẻm nhỏ, chung cư.... Sau đó vận chuyển đến Bô rác Tân Hóa hoặc Chi nhánh môi trường đô thị Chợ Lớn (tên cũ Xí nghiệp vận chuyển số 2).
- Hệ thống thu gom rác dân lập có 02 hình thức là có pháp nhân và không có pháp nhân, theo thống kê thì lực lượng thu gom rác quận 11 trên 90% không có pháp nhân, về hình thức lao động có 02 hình thức:
Hình thức tự làm chủ đường dây rác và trực tiếp cung ứng dịch vụ: đa số người thu gom rác dân lập hoạt động theo hình thức này. Một đường dây rác có trung bình khoảng từ 100 đến 200 hộ dân, các thành viên làm việc trên đường dây rác bình quân từ 2 đến 3 người, thường là người trong gia đình hoặc có thể thuê thêm 01 đến 02 lao động bên ngoài phụ giúp.
Hình thức tự làm chủ đường dây và thuê mướn lao động để cung ứng dịch vụ: do sở hữu nhiều đường dây rác, người chủ đường dây phải thuê mướn thêm người lao động bên ngoài để thu gom hoặc không trực tiếp thu gom mà khoán đường dây rác của mình cho người lao động.
- Về phương tiện và thời gian thu gom, vận chuyển rác: đa số phương tiện thu gom của hệ thống thu gom rác dân lập khá thô sơ, không đảm bảo vệ sinh, còn có tình trạng cơi nới xe, treo bao đựng phế liệu bên thành xe, để nước rỉ rác chảy khi lưu thông gây mất mỹ quan đô thị.
- Thời gian thu gom rác chủ yếu vào buổi sáng hàng ngày, tuy nhiên không cố định giờ thu gom, địa bàn thu gom còn chồng chéo giữa các đường dây rác. Do thời gian thu gom không cố định nên khi cần liên hệ gặp nhiều khó khăn, một số chủ đường dây rác tự sang nhượng mà không thông báo lên Ủy ban nhân dân phường quản lý.
- Địa bàn thu gom: đa số các đường dây rác dân lập thường hoạt động liên phường và liên quận.
3. Về việc quản lý các đường dây rác dân lập
- Hàng quý, Ủy ban nhân dân 16 phường tổ chức họp giao ban các tổ rác dân lập trên địa bàn phường. Từ đó, tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, đề nghị thu gom rác hàng ngày không để rác ứ đọng gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị.
- Về xử lý vi phạm: hiện chưa xử phạt vệ sinh môi trường đối với lực lượng thu gom rác dân lập.
- Ủy ban nhân dân Quận đã chỉ đạo lắp đặt và sửa chữa 63 thùng rác công cộng cũ trong năm 2017, lắp mới 40 thùng rác công cộng trong năm 2017 và xây dựng mạng lưới thùng rác công cộng trên toàn địa bàn quận 11;
- Tăng cường xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
4. Những hạn chế trong quản lý các đường dây rác dân lập
- Thiếu nguồn nhân lực trong quản lý đường dây rác, cán bộ môi trường phải kiêm nhiệm nhiều công tác như quản lý hạ tầng đô thị (cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng công cộng...).
- Ủy ban nhân dân phường, các tổ chức đoàn thể, khu phố, tổ dân phố thực hiện cơ chế phối hợp giám sát nhiều nơi chưa tốt, chưa có các thông tin phản ánh kịp thời, các biện pháp xử lý lực lượng thu gom rác còn nhẹ, chủ yếu nhắc nhở chưa có chế tài, chưa có biện pháp hiệu quả xử lý hộ gia đình không đóng phí thu gom rác và đổ rác không đúng quy định.
- Tình trạng hoạt động “da beo” giữa các đường dây thu gom rác còn phổ biến gây khó khăn cho việc kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm.
II. MỤC ĐÍCH- YÊU CẦU
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập, tuyên truyền, vận động các đường dây thu gom rác tham gia hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
- Chấn chỉnh hoạt động của Hợp tác xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom rác. Trong trường hợp còn mang tính chất hình thức, chưa tuân thủ theo Luật hợp tác xã năm 2012 thì hỗ trợ tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoặc hướng dẫn giải thể do hoạt động yếu kém và hình thức.
- Đến quý IV/2018 thực hiện quản lý đối với lực lượng rác thu gom dân lập không tham gia hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân theo Điều 18 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trách nhiệm của các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền các quy định có liên quan đến lực lượng thu gom vận chuyển rác. Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường triển khai các nội dung:
- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động thương binh và xã hội triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người lao động làm công việc thu gom rác dân lập về các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, giao thông đường bộ, an toàn lao động.
- Phối hợp với Phòng Kinh tế, Liên minh hợp tác xã Thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền các quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
2. Rà soát, sắp xếp hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập
2.1. Giao Ủy ban nhân dân 16 phường triển khai các nội dung:
- Rà soát, thu thập thông tin hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập (số lượng đường dây, nhân sự thu gom, chủ đường dây, điện thoại liên lạc...).
- Công khai các thông tin sau:
Tên, địa chỉ, số điện thoại của đơn vị thu gom tại các bản tin của Tổ dân phố, khu phố.
Thông báo đến người dân, từng hộ gia đình về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom rác sinh hoạt của các đơn vị thu gom. Xác định phương thức giao rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình đến người thu gom rác (giờ thu gom, giao trực tiếp cho người thu gom rác, ...)
Số điện thoại liên lạc, phản ánh của chính quyền địa phương khi người dân có nhu cầu phản ánh về các trường hợp người thu gom rác không đảm bảo tần suất thu gom hoặc vận chuyển rác không đúng nơi quy định.
- Kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp lực lượng thu gom rác dân lập không bảo đảm: nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác đến những địa điểm đã quy định; thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom rác sinh hoạt tại các điểm dân cư; rơi vãi rác sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc rò rỉ nước gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Đối với các tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt thường xuyên vi phạm, tổ chức lấy ý kiến người dân (thông qua tổ dân phố, khu phố) về sử dụng dịch vụ thu gom của lực lượng này để làm cơ sở thay đổi lực lượng thu gom phù hợp.
- Ủy ban nhân dân 16 phường chịu trách nhiệm tổ chức sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập; tuyên truyền, vận động các đường dây thu gom rác tham gia Hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân:
Các đường dây thu gom rác dân lập đủ điều kiện về nhân lực, phương tiện thì vận động chuyển đổi phát triển lên thành công ty/doanh nghiệp vệ sinh môi trường.
Các đường dây thu gom rác dân lập chưa đủ điều kiện thì vận động tham gia Hợp tác xã hoặc gia nhập vào tổ chức hoạt động của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 11 để người thu gom rác được hưởng đầy đủ các chính sách về “An sinh xã hội” theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Đối với lực lượng rác dân lập không tham gia hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đáp ứng các điều kiện theo Điều 18 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trách nhiệm của các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chậm nhất đến hết tháng 9 năm 2018 hoàn thành và gửi về Phòng Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Quận.
2.2. Giao Phòng Tài nguyên và môi trường:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân Quận triển khai quản lý lực lượng thu gom rác dân lập theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trách nhiệm của các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt gồm:
Đảm bảo nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định thì mới được phép thu gom.
Có thông báo đến chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư.
Có trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Tổ chức khám chữa bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
- Phối hợp Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố hỗ trợ hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn chuyển đổi phương tiện thu gom rác.
- Phối hợp Liên minh hợp tác xã thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu triển khai chính sách khuyến khích nguồn nhân sự về công tác tại các Hợp tác xã thành lập mới giai đoạn 2017-2020 khi được Thành phố thông qua.
- Trên cơ sở sắp xếp các đường dây thu gom rác của Ủy ban nhân dân 16 phường, phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính Kế hoạch, Chi cục thuế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom rác. Trong trường hợp còn mang tính chất hình thức, chưa tuân thủ theo Luật hợp tác xã năm 2012 thì hỗ trợ tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoặc hướng dẫn giải thể do hoạt động yếu kém và hình thức.
2.3. Giao Công an quận 11:
- Chỉ đạo công an 16 phường chủ động nắm tình hình và có phương án phối hợp giữ gìn an ninh trật tự nếu có phát sinh trong quá trình vận động, chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập tham gia Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
- Phối hợp thực hiện trong quá trình tổ chức, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập; có phương án phòng ngừa, giải quyết các trường hợp chống đối hoặc tổ chức tụ tập khiếu nại đông người gây mất an ninh trật tự của lực lượng thu gom rác dân lập khi tổ chức sắp xếp lại các đường dây thu gom rác dân lập.
2.4. Giao Phòng Kinh tế:
- Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố giới thiệu, tổ chức tham quan học tập mô hình Hợp tác xã vệ sinh môi trường hoạt động có hiệu quả để phục vụ cho công tác vận động, tuyên truyền chuyển đổi mô hình hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập.
- Phối hợp liên minh Hợp tác xã Thành phố, Ủy ban nhân dân 16 phường tổ chức tuyên truyền về Luật Hợp tác xã; tư vấn, biên soạn thủ tục thành lập Hợp tác xã, triển khai quy trình hỗ trợ vốn cho thể nhân, pháp nhân theo từng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh từ Quỹ trợ vốn xã viên Hợp tác xã cho tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân 16 phường tổ chức tuyên truyền Luật Doanh nghiệp, tư vấn các thủ tục thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ biên soạn, nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân 16 phường chấn chỉnh hoạt động của hợp tác xã hiện đang hoạt động trên địa bàn, tuân thủ theo Luật hợp tác xã năm 2012. Đồng thời, chịu trách nhiệm vận động các đường dây rác dân lập lên doanh nghiệp hoặc tham gia Hợp tác xã thu gom chất thải rắn.
- Phân công nhân sự tham gia Tổ công tác của Quận để thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc Ủy ban nhân dân 16 phường trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức sắp xếp hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập.
2.5. Chi cục thuế quận 11:
- Tổ chức tuyên truyền pháp luật về thuế khi lực lượng thu gom rác dân lập thành lập doanh nghiệp, Hợp tác xã.
- Hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện các hồ sơ có liên quan về đăng ký thuế, nghiệp vụ kế toán và các thủ tục có liên quan sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
2.6. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân quận kinh phí triển khai Kế hoạch.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các Phòng, Ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của từng địa phương để triển khai các giải pháp cụ thể được quy định tại Phần II, đảm bảo đạt yêu cầu đặt ra; định kỳ ngày 15 của tháng cuối quý gửi báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Phòng Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Quận.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các các Phòng, Ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường chủ động phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân Quận 11 xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 42/2022/QĐ-UBND quy định giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 2Nghị quyết 14/2022/NQ-HĐND về thông qua giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 3Quyết định 3311/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025
- 1Luật hợp tác xã 2012
- 2Luật Doanh nghiệp 2014
- 3Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
- 4Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- 5Quyết định 42/2022/QĐ-UBND quy định giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 6Nghị quyết 14/2022/NQ-HĐND về thông qua giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 7Quyết định 3311/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2018 về chuyển đổi các đường dây thu gom rác dân lập sang hoạt động có tổ chức trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 100/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 17/05/2018
- Nơi ban hành: Quận 11
- Người ký: Võ Đức Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/05/2018
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định