Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 04 tháng 01 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2025-2030

Thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030; Quyết định số 2899/QĐ-BYT ngày 30/9/2024 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng mắc các bệnh về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục của công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn và tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sức khỏe tình dục có chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ, đảm bảo sức khỏe cho CNLĐ để phát huy hết tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang.

2. Mục tiêu và các chỉ tiêu đến năm 2030

- Mục tiêu 1: Tăng cường sự cam kết của các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn và các đơn vị liên quan, tạo môi trường thuận lợi để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe và CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN.

Chỉ tiêu: Hàng năm, tổ chức đoàn giám sát liên ngành việc thực hiện các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn.

- Mục tiêu 2: Tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tại các KCN trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ.

+ Chỉ tiêu 1: Trên 50% số doanh nghiệp trong các KCN có quy định chế độ, chính sách về CSSKSS có lợi hơn cho người lao động trong Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội trong CSSKSS cho CNLĐ.

+ Chỉ tiêu 2: 90% doanh nghiệp trong các KCN tổ chức tuyên truyền các chế độ, chính sách của Nhà nước về CSSKSS cho CNLĐ.

+ Chỉ tiêu 3: 90% số doanh nghiệp trong các KCN phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức truyền thông, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ, đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.

+ Chỉ tiêu 4: 90% cơ sở y tế tại các doanh nghiệp thuộc các KCN được tập huấn nội dung kiến thức về CSSKSS và các chính sách trong CSSKSS cho CNLĐ.

- Mục tiêu 3: Nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trong việc cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ tại các KCN.

+ Chỉ tiêu 1: 80% các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập có đủ năng lực tổ chức thực hiện tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ cơ bản trong chăm sóc SKSS cho CNLĐ tại các KCN.

+ Chỉ tiêu 2: 100% người cung cấp dịch vụ chuyên khoa phụ sản biết và thực hiện đúng các bước khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ tại các KCN theo quy định của Bộ Y tế.

- Mục tiêu 4: Nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng tiếp cận của CNLĐ tại các KCN tới các dịch vụ CSSKSS, sức khỏe tình dục phù hợp.

+ Chỉ tiêu 1: 95% CNLĐ tại các KCN nắm được các chính sách cơ bản liên quan đến CSSKSS, sức khỏe tình dục.

+ Chỉ tiêu 2: 95% CNLĐ tại các KCN được truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn về CSSKSS, sức khỏe tình dục.

+ Chỉ tiêu 3: 90% CNLĐ tại các KCN sử dụng dịch vụ CSSKSS, sức khỏe tình dục, bao gồm các dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư đường sinh sản.

+ Chỉ tiêu 4: 90% CNLĐ tại các KCN chuẩn bị kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

+ Chỉ tiêu 5: 95% CNLĐ nữ mang thai tại các KCN biết các biện pháp dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ mẹ sang con (HIV, viêm gan B và giang mai).

II. THỜI GIAN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2025 đến hết năm 2030.

2. Phạm vi, đối tượng thực hiện:

- Đối tượng thụ hưởng: CNLĐ tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Đối tượng tác động: Cấp ủy, chính quyền các cấp và người sử dụng lao động tại các KCN; cán bộ y tế, cán bộ công đoàn cấp tỉnh, huyện có KCN; cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên, cán bộ y tế tại các doanh nghiệp thuộc KCN.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP

1. Tăng cường hoạt động truyền thông, vận động chính sách

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và CSSKSS nói riêng đối với CNLĐ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự đồng thuận và tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người sử dụng lao động trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các hoạt động kết nối giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và đại diện doanh nghiệp, đại diện người lao động, nhằm huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện các chính sách CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN.

- Phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng vận động chính sách thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý cho chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN.

- Truyền thông vận động người sử dụng lao động hỗ trợ và tạo điều kiện để CNLĐ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ CSSKSS.

- Triển khai truyền thông, tư vấn kết hợp với cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ. Nội dung truyền thông tập trung về kiến thức, thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản/lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV; dự phòng, phát hiện sớm ung thư đường sinh sản (ung thư vú và ung thư cổ tử cung); kết hợp sử dụng các tài liệu truyền thông để hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động truyền thông, tư vấn cho CNLĐ.

2. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ

- Cử cán bộ đi đào tạo, cập nhật tại trung ương về quy trình chuyên môn kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các KCN; công tác tổ chức triển khai tư vấn, kết hợp với cung cấp dịch vụ CSSKSS, khám sức khỏe định kỳ; xây dựng danh mục trang thiết bị, vật tư phục vụ tổ chức các buổi tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS, khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ tại các KCN.

- Triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, nhân lực làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên các cấp tại các KCN về tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ.

3. Tổ chức truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc của CNLĐ tại các KCN

- Tổ chức khám lưu động, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc của CNLĐ tại địa bàn có KCN.

- Tổ chức các buổi tư vấn, kết hợp với cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn trong các ngày hội sức khỏe, tháng công nhân; cung cấp dịch vụ CSSKSS đặc thù cho CNLĐ tại các cơ sở y tế trên địa bàn có KCN. Tập trung vào các nội dung: Kiến thức và thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản/lây truyền qua đường tình dục, HIV; khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường; kế hoạch hóa gia đình; sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư đường sinh sản khác; dự phòng vô sinh, hiếm muộn; làm mẹ an toàn...

- Triển khai kết nối giữa mạng lưới truyền thông công đoàn cơ sở/tổ công nhân tự quản, cơ sở y tế của doanh nghiệp với các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế trên địa bàn có KCN, hình thành mạng lưới tư vấn, chuyển tuyến, cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với CNLĐ.

4. Tăng cường các hoạt động giám sát: Giám sát việc thực hiện các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ, các nội dung khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ tại các doanh nghiệp thuộc KCN.

5. Giải pháp đảm bảo tài chính

- Vận động tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước bao gồm kinh phí Trung ương và địa phương cho công tác CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN.

- Vận động các tổ chức, các nhà tài trợ, các đối tác để hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật về CSSKSS, sức khỏe tình dục cho CNLĐ.

- Huy động sự tham gia, đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp trong công tác CSSKSS, sức khỏe tình dục cho CNLĐ tại các KCN.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2025- 2030): 1.899.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Một tỷ tám trăm chín mươi chín triệu đồng).

(Chi tiết theo Phụ lục 2 đính kèm).

2. Kinh phí từ nguồn phúc lợi của các doanh nghiệp; hỗ trợ giảm giá của các nhà cung cấp dịch vụ y tế; ngân sách của Liên đoàn Lao động các cấp; các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; hằng năm xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí trình Sở Tài chính để thẩm định, phê duyệt.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành lồng ghép triển khai nội dung của Kế hoạch với các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS cho CNLĐ tại các KCN.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ (về chuyên môn kỹ thuật, công tác tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ ); tập huấn cho cán bộ y tế/người phụ trách y tế, cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên các cấp tại các doanh nghiệp trong các KCN về kiến thức CSSKSS, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn.

- Nâng cao năng lực cho Trung tâm Y tế các khu công nghiệp để đáp ứng được các hoạt động tư vấn, cung cấp gói dịch vụ cơ bản về CSSKSS.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn kết hợp với cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ phù hợp với điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc của CNLĐ tại các KCN.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động các cấp, Ban quản lý các KCN tổ chức các hoạt động phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, đại diện doanh nghiệp, đại diện CNLĐ để vận động nguồn lực, nhằm xây dựng và thực hiện chính sách về CSSKSS cho CNLĐ.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ, các nội dung khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ tại các doanh nghiệp; đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch; định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Y tế.

2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Phối với với Sở Y tế tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các doanh nghiệp trong các KCN.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ; bố trí bộ phận y tế, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang

Tăng cường xây dựng các chương trình truyền thông, tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết trong các chuyên trang, chuyên mục về chính sách, tầm quan trọng của công tác CSSKSS nhằm tạo sự đồng thuận và tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người sử dụng lao động trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Truyền thông, vận động người sử dụng lao động hỗ trợ và tạo điều kiện để CNLĐ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ CSSKSS.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp và khả năng cân đối ngân sách hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, đảm bảo đúng mục đích và đúng pháp luật.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố có Khu Công nghiệp

- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế, chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực phối hợp triển khai hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe/CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CT-XH tỉnh

6.1. Tỉnh đoàn: Đưa nội dung bảo vệ, CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN vào kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm, triển khai đến tổ chức Đoàn thanh niên KCN; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kiến thức CSSKSS, sức khỏe tình dục cho CNLĐ trẻ tại các KCN.

6.2. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kiến thức CSSKSS, sức khỏe tình dục cho nữ công nhân lao động trong các KCN, khu nhà trọ.

6.3. Liên đoàn Lao động tỉnh:

+ Phối hợp với Ban quản lý các KCN tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp xây dựng các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ trong Thỏa ước lao động tập thể.

+ Chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp trong các KCN tăng cường truyền thông, tư vấn về CSSKSS cho CNLĐ, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ; phổ biến, giám sát việc triển khai các quy định của Bộ luật Lao động đối với lao động nữ (khi mang thai, nuôi con dưới 12 tháng; phòng vắt, trữ sữa mẹ…).

+ Phối hợp với các cơ quan quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng và thực hiện chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN.

6.3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức thành viên khác: Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đề xuất các chính sách nhằm bảo đảm việc thực thi Kế hoạch trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

7. Các sở, ban, ngành khác: Tích cực tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch bằng các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế)./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- vp UBND tỉnh: LĐVP, TH, KTTH;
- Lưu: VT, TPKGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Sơn

 

PHỤ LỤC 1:

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH CHĂM SÓC SKSS CHO CNLĐ TẠI CÁC KCN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2025-2030
(Kèm theo Kế hoạch số: 1/KH-UBND ngày 04/01/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

STT

Chỉ số

Đơn vị tỉnh

Chỉ tiêu thực hiện

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

I

Mục tiêu 1: Tăng cường sự cam kết của các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn và các đơn vị liên quan, tạo môi trường thuận lợi để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe và SKSS cho CNLĐ tại các KCN

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổ chức đoàn giám sát liên ngành về việc thực hiện các chính sách về CSSKSS cho CNLĐ, tại các KCN và có báo cáo phản hồi

Đợt

1

1

1

1

1

1

II

Mục tiêu 2: Tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong các KCN về việc xây dựng và thực thi các chính sách về chăm sóc SKSS cho CNLĐ

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ doanh nghiệp trong KCN có quy định chế độ, chính sách về CSSKSS có lợi hơn cho người lao động trong Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời tổ chức các hoạt dộng thiết thực nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội trong CSSKSS cho CNLĐ.

%

30

35

40

45

50

>50

2

Tỷ lệ doanh nghiệp trong KCN tổ chức tuyên truyền các chế độ, chính sách của Nhà nước về CSSKSS cho CNLĐ

%

35

47

60

70

80

90

3

Tỷ lệ doanh nghiệp trong KCN phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức truyền thông, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ.

%

35

47

60

70

80

90

4

Tỷ lệ cơ sở y tế tại các doanh nghiệp thuộc KCN được tập huấn về nội dung, các chính sách trong CSSKSS cho CNLĐ

%

40

50

60

70

80

90

III

Mục tiêu 3: Nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trong việc cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ tại các KCN

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập (tại các địa phương có KCN) có đủ năng lực tổ chức thực hiện tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ cơ bản trong CSSKSS cho CNLĐ

%

15

25

40

55

70

80

2

Tỷ lệ người cung cấp dịch vụ chuyên khoa phụ sản biết và thực hiện đúng các nội dung khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ theo quy định của Bộ Y tế.

%

30

45

60

75

90

100

IV

Mục tiêu 4: Nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSKSS, sức khỏe tình dục của CNLĐ tại các KCN

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ CNLĐ tại các KCN nắm được các chính sách cơ bản liên quan đến CSSKSS, sức khỏe tình dục.

%

25

40

55

70

85

95

2

Tỷ lệ CNLĐ tại các KCN được truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục.

%

25

40

55

70

85

95

3

Tỷ lệ CNLĐ tại các KCN sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, bao gồm các dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư đường sinh sản.

%

20

35

50

65

80

90

4

Tỷ lệ CNLĐ tại các KCN chuẩn bị kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

%

20

35

50

65

80

90

5

Tỷ lệ CNLĐ nữ mang thai tại các KCN biết các biện pháp dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ mẹ sang con (HIV, viêm gan B và giang mai)

%

25

40

55

70

85

95

 

PHỤ LỤC 2:

KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CSSKSS CHO CNLĐ TẠI CÁC KCN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2025-2030
(Kèm theo Kế hoạch số: 1/KH-UBND ngày 04/01/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

(Đơn vị tính: Nghìn đồng)

STT

Nội dung hoạt động

Kinh phí theo năm

Tổng kinh phí giai đoạn 2025-2030

Đơn vị thực hiện

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

I

HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH- SƠ KẾT- TỔNG KẾT (03 Hội nghị, thành phần là Lãnh đạo, Chuyên viên SYT; LĐLĐ tỉnh; LĐ, CB Trung tâm KSBTT; LĐ, TTYT các KCN, TTYT TX Việt Yên, TTYT TP Bắc Giang và đại biểu các doanh nghiệp thuộc KCN)

8,200

 

8,200

 

 

8,200

24,600

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang

II

CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

67,600

67,600

67,600

67,600

67,600

67,600

405,600

1

Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng

42,600

42,600

42,600

42,600

42,600

42,600

255,600

1.1

Truyền thông trên cổng thông tin điện tử của ngành và của đơn vị

12,000

12,000

12,000

12,000

12,000

12,000

72,000

1.2

Tuyên truyền trên Đài PTTH tỉnh

16,200

16,200

16,200

16,200

16,200

16,200

97,200

1.3

Tuyên truyền trên Báo Bắc Giang

14,400

14,400

14,400

14,400

14,400

14,400

86,400

2

In tài liệu tuyên truyền về chăm sóc SKSS, SKTD

25,000

25,000

25,000

25,000

25,000

25,000

150,000

 

III

TẬP HUẤN

66,300

66,300

66,300

66,300

66,300

66,300

397,800

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang

2.1

Tập huấn triển khai các chế độ, chính sách về chăm sóc SKSS cho CNLĐ, đối tượng là người sử dụng lao động/Phụ trách nhân sự; cán bộ công đoàn; y tế cơ quan của 300 DN trong KCN (tổng 18 lớp cho 900 học viên, mỗi lớp 1/2 ngày)

20,250

20,250

20,250

20,250

20,250

20,250

121,500

2.2

Tập huấn kiến thức chăm sóc SKSS, SKTD cho nhân viên y tế, cán bộ CĐ, đoàn thanh niên tại 300 doanh nghiệp trong KCN. Tổng số 18 lớp, cho 900 học viên (mỗi lớp 01 ngày.)

32,400

32,400

32,400

32,400

32,400

32,400

194,400

2.3

Tập huấn hướng dẫn của BYT về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho CBYT, CB đoàn thanh niên tại > 300 DN trong KCN; CBYT của TTKSBT, TTYT các KCN, TTYT TX Việt Yên, TTYT TP Bắc Giang. Tổng 12 lớp, 600 đại biểu của 300 DN và 20 CBYT ngành YT, mỗi lớp 1/2 ngày

13,650

13,650

13,650

13,650

13,650

13,650

81,900

IV

TƯ VẤN, CUNG CẤP DỊCH VỤ CSSKSS CHO CNLĐ TẠI CÁC KCN

172,500

172,500

172,500

172,500

172,500

172,500

1,035,000

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang

1

Tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp về chăm sóc SKSS cho CNLĐ (Đối tượng là nam, nữ CNLĐ trước khi cung cấp dịch vụ, mỗi buổi 100 người, thời gian 1,5h, dự kiến 30 buổi)

7,500

7,500

7,500

7,500

7,500

7,500

45,000

2

Tổ chức cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN

165,000

165,000

165,000

165,000

165,000

165,000

990,000

2.1

Khám phụ khoa, sàng lọc ung thư CTC bằng phương pháp tế bào học (nhuộm phiến đồ tế bào theo papanicolaou), dự kiến 500 người/năm

115,000

115,000

115,000

115,000

115,000

115,000

690,000

2.2

Mua thuốc thuốc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản

10,000

10,000

10,000

10,000

10,000

10,000

60,000

2.3

Cung cấp sản phẩm tránh thai ngắn hạn: bao cao su, viên tránh thai

40,000

40,000

40,000

40,000

40,000

40,000

240,000

V

CHI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT LIÊN NGÀNH VỀ CÔNG TÁC CSSKSS CHO CNLĐ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP (lồng ghép giám sát thực hiện văn bản pháp luật về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ)

6,000

6,000

6,000

6,000

6,000

6,000

36,000

TỔNG KINH PHÍ

320,600

312,400

320,600

312,400

312,400

320,600

1,899,000

 

Bằng chữ: Một tỷ tám trăm chín mươi chín triệu đồng.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1/KH-UBND năm 2025 chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030

  • Số hiệu: 1/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 04/01/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản