Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/KH-UBND | Sơn La, ngày 12 tháng 01 năm 2022 |
ỨNG PHÓ VỚI BIẾN CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT SARS-COV-2 (CHỦNG OMICRON) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đang quan ngại của vi rút SARS-CoV-2 gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Hiện nay, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và hiện tại đã có ít nhất gần 80 quốc gia trên thế giới báo cáo ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Philippine, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập.
Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định đây là biến thể đáng lo ngại vì một số báo cáo ở Nam Phi cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể mới này. Tuy nhiên cần xem xét và đánh giá tiếp tục xem biến thể Omicron có vượt qua Delta để trở thành biến thể chiếm ưu thế trong thời gian tới, có nhiều khả năng biến thể Omicron sẽ lây lan ở mức độ toàn cầu. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về khả năng lây truyền, sự đáp ứng của vắc xin và tình trạng bệnh nếu nhiễm Omicron.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 và Công điện số 1988/CĐ-BYT ngày 06/12/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2. Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 do biến chủng Omicron, cụ thể như sau:
1. Triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập; đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron trên địa bàn tỉnh.
2. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm tại tỉnh.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
- Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu, đặc biệt tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới của tỉnh (tại các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở), siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép từ nước ngoài qua tuyến biên giới Việt - Lào vào tỉnh.
- Tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh vào Việt nam trở về tỉnh. Tăng cường rà soát, kiểm soát các trường hợp: Người nước ngoài vào tỉnh làm việc, du lịch; Công dân của tỉnh nhập cảnh vào Việt Nam về tỉnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam Châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswwatini, Lesotho, Mozambique...); Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Philippine, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc...
- Tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc COVID-19 trước đó) và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã, phường, thị trấn cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh, người lao động về lưu trú tại địa phương, đặc biệt là người trở về từ các quốc gia đã ghi nhận có ca mắc COVID-19 là biến chủng Omicron.
- Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác, khó thở để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố dịch tễ là người nhập cảnh hoặc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.
- Tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, đặc biệt các trường hợp có liên quan tới người nhập cảnh.
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.
3. Tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron
- Các cơ sở y tế có triển khai phòng xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 yêu cầu chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét các trường hợp có kết quả nghi ngờ với SARS-CoV-2 (Gen E dương tính và Gen RDRP âm tính), gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm giải trình tự gen tất cả ca nhiễm là người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, người tái nhiễm Covid-19.
- Lựa chọn ngẫu nhiên hoặc có chủ đích dựa vào kết quả điều tra dịch tễ các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để làm xét nghiệm giải trình tự gen đối với bệnh nhân trong các nhóm sau:
Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày về tỉnh, đặc biệt là người đi đến/về từ các nước đã ghi nhận biến chủng Omicron.
Người tái nhiễm COVID-19 (có xét nghiệm RT-PCR dương tính sau 2 tháng khỏi bệnh).
Bệnh nhân trong các ổ dịch phức tạp có số mắc cao.
- Ngoài ra, có thể tổ chức giám sát ngẫu nhiên một số trường hợp nghi ngờ khác tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới.
- Thường xuyên truy cập thông tin từ các trang tin điện tử chính thống như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Châu Âu (ECDC), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S.CDC), Bộ Y tế... để cập nhật tình hình và thông báo đến người dân, cộng đồng của tỉnh.
- Cập nhật và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
- Tổ chức truyền thông nguy cơ đúng mức, phù hợp và hiệu quả về biến thể Omicron đến người dân và cộng đồng.
- Tăng cường truyền thông thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
- Đẩy nhanh tiến độ vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại của tỉnh theo Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 16/12/2021 của UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên các đối tượng nguy cơ.
- Tiếp tục rà soát trên địa bàn dân cư để vận động và tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho những người chưa tiêm đầy đủ, nhất là những người lớn tuổi, có bệnh lý nền.
- Chuẩn bị đảm bảo các điều kiện, xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 05-11 tuổi ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tiếp tục kiện toàn về nhân sự, quy trình hoạt động và triển khai hiệu quả các đội đáp ứng phòng, chống dịch các tuyến đảm bảo ứng phó kịp thời đối với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
- Các huyện, thành phố sẽ hoàn thiện và tổ chức đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn; ứng phó linh hoạt tùy theo nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron. Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm không để lây lan ra cộng đồng.
- Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1).
- Theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong,...
- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực điều trị từ tuyến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, tỷ lệ tử vong do COVID-19.
- Tiếp tục củng cố năng lực điều trị bệnh nhân tầng 3 tại các Bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị tuyến tỉnh, tuyến huyện, thành phố và điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.
- Các huyện, thành phố tiếp tục củng cố, nâng cấp năng lực thu dung, quản lý, điều trị bệnh nhân tầng 1 tại các cơ sở thu dung dung điều trị tuyến huyện, thành phố và quản lý, điều trị bệnh nhân thuộc tầng 1 tại nhà/nơi lưu trú. Củng cố năng lực điều trị các Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và đảm bảo năng lực cung cấp oxy y tế cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng với các cấp độ dịch.
- Triển khai các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ cho F0 đang cách ly điều trị tại nhà trong tình hình dịch bệnh hiện nay và tiếp tục đáp ứng hiệu quả nếu biến thể Omicron xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
- Các địa phương chủ động trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình hay để triển khai hiệu quả tại địa phương, địa bàn dân cư của mình.
- Huy động tối đa nguồn lực từ các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tình nguyện viên để phát huy hiệu quả cao nhất đối với mô hình này; xem đây là một hệ thống hỗ trợ công tác phòng, chống dịch lâu dài trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài và có thể xuất hiện thêm nhiều biến thể mới.
- Tổ chức truyền thông hướng dẫn và truyền thông nguy cơ đúng mức, phù hợp và hiệu quả về biến thể Omicron đến người dân và cộng đồng.
- Tiếp tục duy trì việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đối với toàn xã hội, cộng đồng.
- Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo vệ hệ thống y tế.
- Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, bảo vệ động lực phục hồi, phát triển kinh tế.
- Sử dụng kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cấp tỉnh từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh theo quy định.
- UBND huyện, thành phố cân đối, bố trí kinh phí cho công tác tổ chức, triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho công tác này theo phương châm “4 tại chỗ"...
1. Sở Y tế
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức giám sát, kiểm dịch chặt chẽ tại các cửa khẩu theo đúng quy định; tăng cường giám sát phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời các trường hợp người nhập cảnh trái phép có các triệu chứng sốt, ho, đặc biệt là các công dân của tỉnh nhập cảnh về Việt Nam trở về tỉnh từ các quốc gia ghi nhận ca bệnh mắc biến chủng Omicron.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam trở về tỉnh và các trường hợp nghi ngờ theo đúng quy định; tổ chức tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ cao theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Triển khai các biện pháp giám sát, xét nghiệm để phát hiện sớm nhất sự xuất hiện (nếu có) biến thể Omicron tại địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi mẫu đế thực hiện việc giải trình tự gen đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
- Chỉ đạo: Các đơn vị chuyên môn trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, huyện, thành phố để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc phân luồng, kiểm soát người ra vào khám, chữa bệnh, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y bác sỹ nhăm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh, chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống; Các cơ sở y tế được giao xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 theo Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp nhận, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 theo cụm. Trường hợp khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 vượt quá khả năng xử lý của cơ sở, kịp thời báo cáo Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để có phương án liên hệ với cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ chức năng theo quy định.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình lây nhiễm biến thể Omicron trên thế giới, cũng như tại Việt Nam; các bằng chứng khoa học về khả năng lây nhiễm, khả năng đáp ứng với vắc xin và khả năng gây bệnh của biến chủng Omicron để thông tin rộng rãi đến nhân dân, cộng đồng, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả.
- Chuẩn bị các phương án sẵn sàng triển khai giường bệnh để thu dung điều trị người bệnh tầng 2, tầng 3 trong tình huống dịch bệnh tiếp tục gia tăng nhanh. Dự trù, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men,... cho công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các UBND các huyện có tuyến biên giới tăng cường và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tuyến biên giới chặt chẽ; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ các xe vận tải hàng hóa vận chuyển nông sản của tỉnh sang Lào và từ Lào vào tỉnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép từ các quốc gia có lưu hành biến chủng Omicron sang Lào vào Việt Nam (vào tỉnh).
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo cơ sở lưu trú (bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, Homestay); khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch: Tổ chức tập huấn và thực hiện công tác phòng, chống dịch; Thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương để Sở Y tế chỉ đạo phối hợp giám sát và tổ chức các công tác phòng, chống dịch; Chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và cách ly y tế đối với các trường hợp phát hiện khách du lịch là F0 đúng quy định, thường xuyên liên hệ và báo cáo với y tế địa phương để giám sát sức khỏe.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh, thông thoáng lớp học; chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch khi học sinh trở lại đi học trực tiếp.
- Phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả chiến dịch tiếm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho lứa tuổi học sinh nhanh nhất, an toàn nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thực hiện tốt công tác y tế trường học (quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh), công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học trong năm học và trong quá trình dạy và học tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên bảng tin của các trường học.
- Cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp học sinh mắc COVID-19 trong trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo công tác an sinh xã hội cho những người trong khu vực có dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp tử vong do bệnh dịch theo quy định. Cung cấp cho ngành Y tế thông tin về các trường hợp đi lao động tại các vùng có dịch trở về Việt Nam và lưu trú trên địa bàn huyện, thành phố.
- Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế trong việc giải quyết thủ tục cho người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại tỉnh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp.
6. Sở Ngoại vụ
- Phối hợp với ngành Y tế quản lý các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có yếu tố nước ngoài.
- Phổ biến, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người nước ngoài đến Việt Nam.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh cũng như phổ biến cách làm hay, gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức truyền thông rộng rãi để người dân và cộng đồng hiểu đúng và cùng hợp tác với cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biến thể Omicron.
- Phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu, lệch lạc liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong đó có phòng, chống biến thể Omicron, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả phòng, chống dịch.
8. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc huy động phương tiện vận tải phục vụ công tác phòng, chống dịch theo Kế hoạch số 280/KH-UBND ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh về việc huy động phương tiện vận tải phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
- Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, khai thác bến xe thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
- Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án phân luồng, đảm bảo giao thông trong trường hợp dịch bùng phát tại các địa phương để hạn chế lây lan dịch bệnh.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong công tác tăng cường khử khuẩn nước thải; Thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh do dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định. Kịp thời cập nhật các hướng dẫn, quy định mới về công tác quản lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, phương án ứng phó hiệu quả các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.
- Sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Sở Y tế, Công an, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai lực lượng kiểm soát quân sự, dân quân tham gia làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh, tại các khu vực, chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh khi có yêu cầu; đảm bảo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các nhiệm vụ hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, huyện, thành phố, xã phường, thị trấn.
- Phối hợp với Sở Y tế tham gia thiết lập và phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị.
11. Sở Công Thương
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong trường hợp phải cách ly, phong tỏa do dịch bệnh.
12. Cục Quản lý thị trường
Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa trên thị trường hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ (khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn…) để bảo vệ sức khỏe, dùng để phòng chữa bệnh.
13. Công an tỉnh
- Tăng cường các biện pháp giám sát tại địa bàn dân cư, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động nhập cảnh, cư trú trái phép trên địa bàn tỉnh; nhất là tại các địa bàn, khu vực trung tâm, tập trung đông người nước ngoài làm việc, sinh sống. Khi có trường hợp nhập cảnh trái phép phối hợp với địa phương và y tế để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.
- Phối hợp với Công an các tỉnh giáp ranh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ doanh nghiệp, khu lưu trú chuyên gia), phương tiện vận chuyển hành khách từ các tỉnh vào Tỉnh đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
- Tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly (cơ sở y tế, khu lưu trú; nhà nghỉ, khách sạn được cách ly y tế tập trung), bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp có nguy cơ hoặc nhiễm biến thể Omicron trốn khỏi khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng và các trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
14. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xem xét, tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh, chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết.
15. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn thực hiện trong thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 theo quy định.
16. Sở Khoa học và Công nghệ
- Khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh.
- Phổ biến và áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống dịch.
17. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
18. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh
- Phối hợp với ngành Y tế và các sở, ngành, đơn vị, UBND huyện, thành phố trong chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng. Tổ chức vận động, hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho các tổ chức, người dân.
19. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 do biến chủng Omicron trên địa bàn huyện, thành phố; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
- Triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội dung truyền thông về phòng, chống biến thể Omicron; phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện sớm người nhập cảnh trái phép, các trường hợp tái nhiễm COVID-19 hoặc các trường hợp nhập cảnh về địa bàn trong vòng 28 ngày nghi ngờ mắc COVID-19 để phối hợp cơ quan y tế triển khai xét nghiệm phát hiện sớm các trường nhiễm biến thể Omicron.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả đúng đối tượng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Y tế.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung theo dõi, quản lý, điều trị ở cấp huyện, thành phố; đồng thời chuẩn bị kế hoạch và sẵn sàng các điều kiện của các Khu cách ly tập trung ở cấp huyện, xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng; thành lập thêm các Trạm Y tế lưu động tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn; phối hợp với lực lượng quân đội trên địa bàn triển khai Tiểu đội Dân quân Y tế tham gia Trạm Y tế lưu động.
- Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã phường bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch của tuyến xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo các ban, ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công. Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện, quản lý, giám sát đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm đến cơ sở y tế được giao xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 theo Kế hoạch số 147/KH- UBND ngày 15/6/2021 của UBND trên địa bàn để xử lý theo quy định.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Y tế)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2022 triển khai phương án, kịch bản ứng phó với biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 2Kịch bản 340/KB-UBND năm 2022 triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2021 về ứng phó với biến chủng mới của vi rút SARS-Cov-2 (chủng Omicron) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 1Kế hoạch 147/KH-UBND năm 2021 về thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 2Công điện 1988/CĐ-BYT năm 2021 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2 do Bộ Y tế điện
- 3Công điện 1745/CĐ-TTg năm 2021 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2022 triển khai phương án, kịch bản ứng phó với biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5Kịch bản 340/KB-UBND năm 2022 triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 6Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2021 về ứng phó với biến chủng mới của vi rút SARS-Cov-2 (chủng Omicron) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 7Kế hoạch 287/KH-UBND năm 2021 về tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2022
Kế hoạch 08/KH-UBND năm 2022 về ứng phó với biến chủng mới của Vi rút SARS-CoV-2 (Chủng Omicron) trên địa bàn tỉnh Sơn La
- Số hiệu: 08/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 12/01/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
- Người ký: Nguyễn Thành Công
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/01/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra