Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/KH-LĐLĐ

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CNVCLĐ ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trong CNVCLĐ đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong thực hiện bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Việc tổ chức các hoạt động phải thiết thực, hiệu quả, lồng ghép với các sự kiện khác tạo hiệu ứng truyền thông trong CNVCLĐ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới cho CNVCLĐ.

- Thường xuyên, định kỳ cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giao lưu học tập kinh nghiệm... về bình đẳng giới trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp phù hợp với từng đối tượng CNVCLĐ, chú trọng hoạt động tuyên truyền trực tiếp trong đó ưu tiên địa bàn có các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và chế xuất, có đông công nhân lao động, còn tồn tại định kiến giới, vùng bị dịch bệnh, thiên tai. Huy động sự tham gia của người có uy tín, nam giới, thanh thiếu niên tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình trong chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền phổ biến về bình đẳng giới, hỗ trợ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trong các đợt cao điểm, các ngày: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.

2. Đổi mới về hình thức và phương thức truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng các loại hình trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Chú trọng đưa thông điệp bình đẳng giới vào các sản phẩm truyền thông phù hợp, sáng tạo, hiệu quả và có tính lan tỏa tốt.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện kỹ thuật và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

4. Mở rộng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tại nhà trường và cộng đồng. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu”; nhân rộng các mô hình: “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, gia đình không bạo lực, các câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực...; trong xây dựng các thiết chế văn hóa, trong các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

5. Nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình tham gia xây dựng và giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ và bình đẳng giới. Tăng cường hiệu quả hoạt động công đoàn trong thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động về các chính sách liên quan đến công tác bình đẳng giới, chăm lo tốt hơn cho nữ CNVCLĐ. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ.

6. Tổng hợp, đánh giá, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Kế hoạch và nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.

7. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo công đoàn các cấp và cán bộ công đoàn phụ trách công tác nữ công về bình đẳng giới. Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn, cán bộ phụ trách công tác nữ công về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn tài chính công đoàn trong dự toán hàng năm của công đoàn các cấp.

- Kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trong CNVCLĐ đến năm 2030; triển khai hướng dẫn tới các cấp Công đoàn Thành phố;

- Giao Ban Nữ công là đầu mối tham mưu giúp Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, tổng hợp báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành phố Hà Nội kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội

- Căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai tới CĐCS, đoàn viên, người lao động; phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện; bố trí kinh phí hoạt động hàng năm ở cấp mình đảm bảo các yêu cầu và phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Định kỳ báo cáo tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch này gắn với báo cáo kết quả công tác nữ công hàng năm gửi về LĐLĐ thành phố Hà Nội (qua Ban Nữ công) trước ngày 30/10 hàng năm, đồng thời gửi qua email theo địa chỉ: nucong@congdoanhanoi.org.vn./.

 


Nơi nhận:
- Tổng LĐLĐ VN;
- UBND TP, Sở LĐTB& XH TP;
- Thường trực LĐLĐ TP;
- LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐN CĐ CTTTCS, CĐCS trực thuộc;
- Lưu: VT, NC.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Đặng Thị Phương Hoa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 03/KH-LĐLĐ năm 2022 thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trong công nhân viên chức lao động đến năm 2030 do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 03/KH-LĐLĐ
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 14/01/2022
  • Nơi ban hành: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đặng Thị Phương Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản