Hệ thống pháp luật

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2022
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-BCĐ

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Căn cứ Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BGDĐT ngày 04/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 1523/BGDĐT-QLCL ngày 19/4/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2022 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo);

Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KỲ THI

1. Mục đích

- Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông;

- Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục;

- Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh.

2. Yêu cầu

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đảm bảo các yêu cầu: nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện tất cả các hoạt động chuẩn bị, tổ chức thực hiện kỳ thi theo đúng quy định của Quy chế thi;

b) Chỉ đạo, kiểm tra các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi trong tổ chức kỳ thi; xem xét, giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi;

c) Báo cáo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện Quy chế thi ở địa phương và đề xuất xử lý các tình huống xảy ra trong tổ chức kỳ thi;

d) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng hoặc trình các cấp có thẩm quyền khen thưởng công chức, viên chức và người lao động có thành tích trong công tác tổ chức thi hoặc kỷ luật các đối tượng đã nêu nếu vi phạm Quy chế thi;

đ) Thực hiện những quyết định, chỉ đạo có liên quan của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.

2. Giải pháp thực hiện

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12;

- Tăng cường công tác truyền thông nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và của người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi. Quán triệt đầy đủ quy chế thi và tuyển sinh hiện hành, nhất là các quy định mới trong tổ chức kỳ thi. Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử văn minh, nghiêm túc trong kỳ thi;

- Các đơn vị tham gia tổ chức kỳ thi gồm các sở, ngành: căn cứ nhiệm vụ và quyền hạn được giao xây dựng kế hoạch cụ thể; có phương án xử lý, kịp thời khắc phục các tình huống xảy ra; lập dự trù kinh phí thực hiện; ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các công việc, chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho kỳ thi. Có phương án đề phòng thiên tai, dịch bệnh; cháy nổ, động đất...; chống ùn tắc giao thông; các biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi; đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi và thí sinh. Đảm bảo có đủ điện lưới và có phương án dự phòng về điện cho các hoạt động của Hội đồng thi, đặc biệt là phục vụ Ban In sao đề thi, Coi thi, Chấm thi;

- Bố trí các Điểm thi hợp lý nhất để vừa đảm bảo thuận tiện cho thí sinh vừa đảm bảo thuận lợi, an toàn cho công tác tổ chức thi, đi lại của cán bộ coi thi;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các khâu chuẩn bị cho kỳ thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét duyệt kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Giáo dục và Đào tạo - Thường trực Ban Chỉ đạo

- Chỉ đạo và kiểm tra các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh; chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác thi nắm chắc nghiệp vụ thi và Quy chế thi. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo cho kỳ thi. Tổ chức chấm bài thi tự luận, chấm bài thi trắc nghiệm; chấm phúc khảo bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm cho thí sinh theo đúng Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xét công nhận tốt nghiệp và cấp Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Thực hiện, đề nghị việc khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, thí sinh, những người tham gia làm công tác thi theo quy định;

- Cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch tổ chức thi, các Điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Coi thi, các Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo bài thi để các đơn vị tham gia tổ chức thi xây dựng phương án phối hợp tổ chức kỳ thi;

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân dân các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các địa điểm tổ chức thi trên địa bàn Thành phố;

- Phối hợp với Thanh tra Thành phố thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra; thành lập các đoàn thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi ở các khâu chuẩn bị cho kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, bảo vệ đề thi bài thi, phúc khảo bài thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Trung ương và các Bộ, ngành liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thí sinh, cán bộ và những người tham gia tổ chức kỳ thi; có phương án dự phòng trong công tác tổ chức thi, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19;

- Thực hiện chi trả kinh phí tổ chức thi cho những người tham gia công tác thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản tài chính hiện hành;

- Báo cáo, tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức thi.

2. Các sở ban ngành liên quan

a) Công an Thành phố

- Hướng dẫn, thực hiện công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi do Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Bộ Công an ban hành;

- Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho kỳ thi, đặc biệt công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề, bài thi; tổ chức bảo đảm an ninh, an toàn cho các Điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Làm phách, Ban Chấm thi tự luận, Ban Chấm thi trắc nghiệm, Ban Phúc khảo bài thi tự luận, Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm; giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn các địa điểm tổ chức thi; phòng chống gian lận trong kỳ thi như sử dụng kỹ thuật công nghệ cao, thi hộ;

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông có kế hoạch trực chốt và phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Sở Giao thông vận tải đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ ở các địa điểm tổ chức thi, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác thi và thí sinh đến địa điểm thi đúng thời gian quy định;

- Chỉ đạo lực lượng phòng cháy và chữa cháy có kế hoạch kiểm tra an toàn cháy nổ tại các Điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm; bố trí trực 24/24 trên các địa bàn có Điểm thi để kịp thời giải quyết khi có sự cố xảy ra;

- Nắm bắt và phối hợp xử lý (nếu có) thông tin liên quan đến kỳ thi trên không gian mạng.

b) Thanh tra Thành phố

Cử người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra ở các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.

c) Sở Tài chính

- Đảm bảo cấp kinh phí kịp thời cho các cơ quan liên quan theo đúng chế độ quy định để tổ chức kỳ thi và kinh phí đảm bảo các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thu, chi lệ phí tuyển sinh theo đúng chế độ và đảm bảo các yêu cầu về tài chính.

d) Sở Y tế

- Chỉ đạo các cơ sở y tế, các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo có đủ nhân viên y tế, thuốc và các phương tiện y tế sẵn sàng phối hợp với các Điểm thi tạo điều kiện ưu tiên cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho thí sinh khi có những bất trắc xảy ra trong quá trình thi; chứng nhận bệnh, thương tích chính xác và nhanh chóng cho những thí sinh bị ốm, bị tai nạn xảy ra trong những ngày thi để thí sinh được áp dụng chính sách theo Quy chế thi;

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc các biện pháp đảm bảo về phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố;

- Có phương án hỗ trợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đề phòng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh, kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.

đ) Sở Thông tin và Truyền thông

- Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa Ban Chỉ đạo thi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ sở giáo dục, các Điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Chấm thi tự luận, Ban Chấm thi trắc nghiệm; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng viễn thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký dự thi trực tuyến, công bố kết quả thi và cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng;

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của kỳ thi, phản ánh kịp thời hoạt động của kỳ thi; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và của người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi;

- Nắm bắt và phối hợp xử lý (nếu có) thông tin liên quan đến kỳ thi trên không gian mạng.

e) Các Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Đảm bảo về công tác phòng chống ngập úng cục bộ, bão, lụt, an toàn giao thông trong kỳ thi;

- Phối hợp với Công an Thành phố đảm bảo an toàn giao thông, giải tỏa ùn tắc trước và sau mỗi buổi thi. Có kế hoạch và phương án phòng chống ngập úng cục bộ, bão, lụt, cây đổ tại các Điểm thi trong những ngày thi.

f) Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội

Đảm bảo cung cấp điện lưới ổn định phục vụ Ban In sao đề thi, các Điểm thi, Ban Chấm thi tự luận, Ban Chấm thi trắc nghiệm, Ban Phúc khảo bài thi tự luận, Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm và khu vực văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo trong những ngày làm thi; có phương án dự phòng khi mất điện lưới.

3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội

Triển khai các chương trình “Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ các Điểm thi bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi; hỗ trợ thí sinh và người thân có khó khăn trong đi lại, ăn, ở tại các địa điểm tổ chức thi.

4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội

- Thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp quận huyện, thị xã để tham gia, phối hợp, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn. Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc các Điểm thi trên địa bàn chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất đảm bảo cho kỳ thi; lựa chọn cán bộ, giáo viên có đủ điều kiện theo Quy chế thi, có năng lực tốt, có trách nhiệm cao tham gia các công tác tổ chức kỳ thi. Phê duyệt phương án bảo vệ của lực lượng công an; chỉ đạo lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an toàn cho các Điểm thi trên địa bàn. Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố;

- Chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức đúng về kỳ thi; tham gia hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi theo đúng Quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bố trí lực lượng ổn định trật tự, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trước công trường, xung quanh khu vực Điểm thi trên địa bàn;

- Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho các cán bộ làm công tác thi, các thí sinh và người thân ở tất cả các địa điểm tổ chức thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa tham dự kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại;

- Chỉ đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện tốt công tác ôn tập, công tác đăng ký dự thi cho học sinh, thực hiện các công việc về tổ chức thi đúng tiến độ theo quy định tại các văn bản hướng dẫn về thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của thí sinh và tiến độ triển khai công tác thi của toàn Thành phố.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị được phân công nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch này. Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo - đơn vị thường trực, đầu mối hướng dẫn triển khai, đôn đốc, kiểm tra thực hiện của các đơn vị, tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022;
- Các đơn vị có tên trong Kế hoạch;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các Phó Chánh Văn phòng; Các phòng: KGVX, NC, TH;
- Lưu: VT, KGVX.
29347 - 6

TRƯỞNG BAN




PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
Chử Xuân Dũng

 

PHỤ LỤC I

LỊCH LÀM VIỆC KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2022)

Thời gian

Đơn vị thực hiện

Nội dung công việc

20/5

Các thành viên Ban Chỉ đạo

Họp Ban Chỉ đạo thi lần thứ nhất

Trước 20/5

Sở GDĐT

- Tổ chức Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi;

- Chỉ đạo, kiểm tra các trường chọn làm Điểm thi đảm bảo các điều kiện cho kỳ thi.

10/6

Sở GDĐT

Cập nhật báo cáo trước kỳ thi vào Hệ thống Quản lý thi và gửi về Bộ GDĐT.

Chậm nhất 10/6

Sở GDĐT

- Thông báo các địa điểm tổ chức kỳ thi để các sở, ngành, UBND các cấp xây dựng kế hoạch triển khai phối hợp tổ chức thi;

- Giao chỉ tiêu cho các trường, các phòng GDĐT điều động cán bộ, giáo viên tham gia làm thi.

Trước 15/6

Các đơn vị phối hợp tổ chức thi

Gửi kế hoạch triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT về Sở GDĐT tập hợp báo cáo Ban Chỉ đạo thi.

15/6

Sở GDĐT

Hoàn thành việc đánh số báo danh, lập danh sách thí sinh, phân xếp phòng thi theo từng bài thi/môn thi;

Dự kiến 24/6

Ban Chỉ đạo

Họp Ban Chỉ đạo lần 2

04/7

(8giờ00)

Sở GDĐT

Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi tốt nghiệp THPT (T2)

- Địa điểm: trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.

- Nội dung:

Hướng dẫn nghiệp vụ coi thi;

Phát các tài liệu phục vụ công tác coi thi: Quyết định điều động coi thi, chấm thi cho hiệu trưởng trường THPT; trưởng phòng GDĐT; Hồ sơ ban coi thi; thông báo địa điểm nhận bài thi cho Trưởng điểm thi.

Thông báo địa điểm các Ban chấm thi.

06/7

Ban coi thi

- Ban Coi thi làm việc;

- Các Điểm thi nhận bàn giao đề thi.

Từ 07/7 đến 08/7

Ban coi thi

- Coi thi theo lịch thi;

- Báo cáo nhanh tình hình coi thi từng buổi thi.

09/7

(8h30)

Hội đồng thi

- Họp Lãnh đạo Hội đồng thi, đánh giá công tác coi thi;

- Triển khai công tác làm phách, chấm thi trắc nghiệm.

Từ 09/7 đến 22/7

Hội đồng thi

Chấm thi theo quy định của Bộ GDĐT.

24/7

Hội đồng thi, Điểm ĐKDT

Công bố kết quả thi cho thí sinh.

26/7

Sở GDĐT

Hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT.

28/7

Sở GDĐT

- Cập nhật vào Hệ thống Quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GDĐT;

- Công bố kết quả tốt nghiệp THPT.

Từ 24/7 đến 03/8

Điểm ĐKDT

Thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.

Từ 04/8 đến 14/8

Ban phúc khảo

Tổ chức phúc khảo bài thi.

18/8

Sở GDĐT

Hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

20/8

Sở GDĐT

Báo cáo kết quả tốt nghiệp THPT chính thức và dữ liệu về Bộ GDĐT.

25/8

Sở GDĐT

- Gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT (chính thức) về Văn phòng Bộ GDĐT.

 

PHỤ LỤC II

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Các thành viên Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2022

(Kèm theo Kế hoạch số: 02/KH-BCĐ ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2022)

Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo như sau:

1. Trưởng ban: Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ phụ trách chung; chỉ đạo, kiểm tra các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi; xem xét giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi; báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện quy chế thi trên địa bàn thành phố Hà Nội và đề xuất xử lý các tình huống xảy ra trong tổ chức thi; đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp có thẩm quyền khen thưởng những người có thành tích; kỷ luật những người vi phạm quy chế thi; thực hiện những quyết định có liên quan của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT.

2. Phó Trưởng ban thường trực: Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giúp việc Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành về chuyên môn tổ chức kỳ thi quy định tại khoản 1 Mục III của Kế hoạch này.

3. Các Phó Trưởng ban

a) Phó Trưởng ban là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Bà Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Giúp việc Phó Trưởng ban thường trực ông Trần Thế Cương thực hiện công việc chuyên môn của kỳ thi theo sự phân công của Phó Trưởng ban thường trực.

b) Phó Trưởng ban bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, giúp việc ông Chử Xuân Dũng thực hiện nhiệm vụ của Trưởng Ban chỉ đạo.

c) Phó Trưởng ban là lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố

- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội: tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi quy định tại điểm a khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội: tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi quy định tại điểm b khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Nguyễn Tiến Thiết, Phó Giám đốc Sở Tài chính: tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo về tài chính phục vụ kỳ thi quy định tại điểm c khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế: tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo về y tế, phòng chống dịch COVID-19 phục vụ kỳ thi quy định tại điểm d khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, công tác tuyên truyền phục vụ kỳ thi quy định tại điểm đ khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông phục vụ kỳ thi quy định tại điểm e khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lụt phục vụ kỳ thi quy định tại điểm e khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lụt phục vụ kỳ thi quy định tại điểm e khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội: tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ kỳ thi quy định tại điểm f khoản 2 Mục III của Kế hoạch này;

- Ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội: thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức kỳ thi quy định tại khoản 3 Mục III của Kế hoạch này.

4. Các ủy viên

a) Ủy viên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ;

- Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất;

- Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Bắc Từ Liêm;

- Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ;

- Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây;

- Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì;

- Bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình;

- Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì;

- Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy;

- Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng;

- Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh;

- Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa;

- Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm;

- Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông;

- Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng;

- Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức;

- Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm;

- Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai;

- Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên;

- Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh;

- Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức;

- Ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm;

- Ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên;

- Ông Kiều Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ;

- Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai;

- Ông Hồ Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn;

- Ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai;

- Ông Đặng Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân;

- Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín;

- Ông Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa.

Thực hiện các nhiệm vụ: Thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp quận huyện, thị xã để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phục vụ kỳ thi quy định tại khoản 4 Mục III của Kế hoạch này.

b) Ông Phùng Văn Nho, Phó Trưởng phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố.

c) Ủy viên là lãnh đạo các Phòng ban thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

- Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục;

- Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Đại học Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh Tra Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng - Khoa học công nghệ Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Bà Quách Thu Hằng, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện nhiệm vụ giúp Phó Trưởng ban thường trực thực hiện công việc chuyên môn của kỳ thi theo sự phân công của Phó Trưởng ban thường trực ông Trần Thế Cương.

c) Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng phòng PA03, Công an thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ giúp ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ được giao.

5. Các thư ký

a) Bà Nguyễn Quý Linh, Chuyên viên phòng Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện công việc theo sự phân công của ông Phùng Văn Nho, Phó Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ tổng hợp báo cáo, chuẩn bị các văn bản của Ban Chỉ đạo;

b) Các thư ký thuộc các phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: ông Trần Đăng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học; ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học; bà Đào Hải Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính; ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chánh văn phòng; ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng - Khoa học công nghệ; bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chuyên viên phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục; bà Nguyễn Thị Thúy Bạch, Chuyên viên phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện nhiệm vụ tổng hợp báo cáo, chuẩn bị các văn bản của Ban Chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 02/KH-BCĐ về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2022

  • Số hiệu: 02/KH-BCĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/06/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chử Xuân Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản