Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Cà Mau, ngày 07 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; kết quả đánh giá công tác phòng, chống thời gian qua theo Bộ chỉ số do Thanh tra Chính phủ ban hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hiệu quả công tác PCTN của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm phát hiện, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Công tác PCTN của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải được triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, bối cảnh và tình hình dịch bệnh COVID-19.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN

1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên trong công tác PCTN; đánh giá, rà soát những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, qua đó tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về PCTN cho phù hợp; thực hiện về kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTN.

1.2. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, trọng tâm Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN 2018: Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cụ thể:

2.1. Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị: Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10, bằng các hình thức theo quy định tại Điều 11 Luật PCTN năm 2018.

2.2. Thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng, ban hành các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 18 Luật PCTN năm 2018; công khai các quy định; thực hiện và công khai kết quả thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; thường xuyên rà soát các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với từng chức danh trong cơ quan, đơn vị để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm theo quy định tại Điều 19 Luật PCTN năm 2018.

2.3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử theo Điều 20 Luật PCTN năm 2018 đã quy định, bao gồm những việc phải làm, việc được làm và việc không được làm; không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, không nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến công việc do mình hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình giải quyết hoặc quản lý theo quy định tại Điều 22 Luật PCTN năm 2018; chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 23 Luật PCTN năm 2018; thường xuyên rà soát các dấu hiệu có xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.

2.4. Chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành, công khai kế hoạch, danh mục vị trí công tác, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại Điều 26 Luật PCTN năm 2018; việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc trù dập.

2.5. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt:

- Công tác cải cách hành chính: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục trực tiếp tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi giải quyết công việc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và thực hiện nhiệm vụ khác về cải cách hành chính.

- Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý: Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tiếp tục xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia phục vụ cho việc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

- Thanh toán không dùng tiền mặt: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định; các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên.

2.6. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, Nghị định số 134/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc triển khai kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định; triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập; tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai đảm bảo phương thức, thời

điểm, nội dung; công khai bản kê khai theo quy định; xây dựng, triển khai kế hoạch xác minh; báo cáo, kết luận, công khai kết quả xác minh tài sản, thu nhập; xử lý nghiêm hành vi kê khai không trung thực; thực hiện tốt việc giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai tài sản và thu nhập đối với các đối tượng phải kê khai; tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai.

3. Công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng

3.1. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng; thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có hành vi tham nhũng.

3.2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, qua phản ánh và qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý tham nhũng. Thường xuyên rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo xử lý vi phạm qua công tác giải quyết tố cáo.

Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố Cà Mau phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tham nhũng vặt. Nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN

Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về PCTN, tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; nâng cao vai trò phản biện, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Các cơ quan báo chí, nhà báo tham gia đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng; phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng.

5. Thực hiện công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước căn cứ vào quy định của Luật PCTN 2018 và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Thực hiện tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình; có trách nhiệm phản ánh, báo cáo khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung

Căn cứ vào Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, đồng thời thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác PCTN theo quy định (qua Thanh tra tỉnh để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ).

2. Ngoài nhiệm vụ chung, một số cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ theo chức năng cụ thể

2.1. Thanh tra tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch PCTN năm 2022 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN năm 2018.

2.2. Sở Tư pháp (Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời đề xuất xây dựng, ban hành, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo quy định để phòng ngừa tham nhũng.

2.3. Sở Nội vụ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng kiểm tra đột xuất trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; theo dõi, tổng hợp, kiểm tra việc thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực tại địa phương theo danh mục vị trí phải chuyển đổi được quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

2.4. Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

2.5. Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình HĐND tỉnh ban hành văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công theo quy định hiện hành cho phù hợp; tham mưu UBND tỉnh thực hiện công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản nhà nước, việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

2.6. Đề nghị các tổ chức đoàn thể, đặc biệt vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện Luật PCTN năm 2018, nhất là giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Bi

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 01/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 do tỉnh Cà Mau ban hành

  • Số hiệu: 01/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lâm Văn Bi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản