Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP - VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 74/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là văn bản) và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan, đơn vị, bao gồm các văn bản sau:

1. Luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

4. Nghị định của Chính phủ.

5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

7. Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

10. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

12. Các văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (không bao gồm văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân).

Điều 2. Nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Ngoài nguồn kinh phí này, ngân sách nhà nước bố trí một khoản kinh phí để hỗ trợ cho việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh, bao gồm cả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thông báo và cấp cho cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh.

2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư này.

3. Việc bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo chương trình, kế hoạch chính thức và chương trình, kế hoạch bổ sung trong năm, bảo đảm phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ và trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao. Trường hợp văn bản phải ban hành gấp, chưa có trong chương trình xây dựng văn bản hàng năm của Quốc hội, Chính phủ và trường hợp văn bản có trong chương trình nhưng chuyển sang năm sau hoặc tạm dừng thực hiện thì cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo phải kịp thời thông báo đến Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung và điều chỉnh kinh phí cho phù hợp.

4. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đúng mục đích, nội dung, chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật về các chế độ chi tiêu tài chính và quy định tại Thông tư này.

5. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tính chất phức tạp của văn bản được dự kiến xây dựng và hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật được dự kiến thực hiện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì quyết định phân bổ định mức kinh phí cụ thể cho phù hợp.

Điều 3. Hoạt động và nội dung chi cho các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật

1. Các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện bao gồm:

a) Nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản;

b) Lập đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; chương trình xây dựng văn bản của các bộ, ngành và tổ chức phân công thực hiện;

c) Điều tra, khảo sát và nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản và thi hành pháp luật;

d) Soạn thảo văn bản;

đ) Đánh giá tác động của văn bản;

e) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án, dự thảo văn bản; ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, dự thảo văn bản;

g) Góp ý, thẩm định dự án, dự thảo văn bản;

h) Thẩm tra của Văn phòng Chính phủ về dự án, dự thảo văn bản;

i) Rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

k) Công bố văn bản;

l) Dịch văn bản sang tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số;

m) Đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản;

n) Theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.

2. Căn cứ tính chất, mức độ phức tạp của mỗi hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì nhiệm vụ thực hiện chi theo những nội dung sau:

a) Tập hợp, rà soát, đánh giá văn bản;

b) Dịch, hiệu đính tài liệu, văn bản tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt và ngược lại;

c) Tổ chức nghiên cứu lý luận và đánh giá, tổng kết thực tiễn về các vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

d) Điều tra, khảo sát về vấn đề liên quan phục vụ quá trình nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản; lập đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; đánh giá tác động của văn bản; soạn thảo văn bản;

đ) Tổ chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

e) Chi soạn thảo các loại đề cương, bản thuyết minh, tờ trình; các loại báo cáo nghiên cứu lý luận và đánh giá, tổng kết thực tiễn; các loại báo cáo đánh giá tác động văn bản; dự thảo đề nghị xây dựng văn bản; dự thảo đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản và dự thảo văn bản;

g) Chi trả thù lao cho những người tham gia nghiên cứu, thực hiện tư vấn trong quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

h) Chi góp ý, tư vấn về đề nghị xây dựng văn bản; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; góp ý, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản;

i) Tổ chức giới thiệu nội dung dự thảo văn bản, lấy ý kiến của nhân dân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;

k) Chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, bản thuyết minh, tờ trình; các loại báo cáo; dự thảo đề nghị xây dựng văn bản; dự thảo đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản và dự thảo văn bản;

l) Chi cho các hoạt động công bố luật, pháp lệnh và các văn bản đã được cấp có thẩm quyền ký ban hành;

m) Tổ chức đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản;

n) Tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

o) In ấn, sao chụp, mua tài liệu và các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều 4. Định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Định mức chi có tính chất đặc thù, được bảo đảm từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được quy định cụ thể như sau:

1. Chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản

a) Đối với luật, pháp lệnh:

Dự án luật, pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 4.500.000 đồng/đề cương;

Dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 3.800.000 đồng/đề cương.

b) Đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/đề cương;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.300.000 đồng/đề cương.

c) Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 2.300.000 đồng/đề cương;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/đề cương.

d) Đối với thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/đề cương;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/đề cương.

đ) Đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/đề cương;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 800.000 đồng/đề cương.

2. Chi soạn thảo văn bản

a) Đối với luật, pháp lệnh:

Dự án luật, pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 12.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

Dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 7.500.000 đồng/dự thảo văn bản.

b) Đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 7.500.000 đồng/dự thảo văn bản;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 4.500.000 đồng/dự thảo văn bản.

c) Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 6.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

d) Đối với thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 4.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

đ) Đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước:

Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

3. Chi soạn thảo các báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật

a) Báo cáo tổng hợp ý kiến; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/báo cáo.

b) Báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, ủy viên hội đồng thẩm định, báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo:

Đối với dự án luật, pháp lệnh mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/báo cáo;

Đối với dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo;

Đối với các văn bản còn lại: mức chi tối đa 800.000 đồng/báo cáo.

c) Báo cáo đánh giá tác động của văn bản:

Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ: mức chi tối đa 4.000.000 đồng/báo cáo;

Báo cáo đánh giá tác động đơn giản: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo;

Báo cáo đánh giá tác động đầy đủ: mức chi tối đa 6.000.000 đồng/báo cáo.

d) Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật:

Báo cáo tổng hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trình Chính phủ do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng: mức chi tối đa 12.000.000 đồng/báo cáo;

Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hàng năm của các Bộ, ngành: mức chi tối đa 8.000.000 đồng/báo cáo;

Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo;

Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/báo cáo.

4. Soạn thảo văn bản góp ý, báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản

a) Văn bản góp ý:

Đối với dự án luật, pháp lệnh mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/văn bản;

Đối với dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 700.000 đồng/văn bản;

Đối với các văn bản còn lại: mức chi tối đa 500.000 đồng/văn bản.

b) Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra:

Đối với dự án luật, pháp lệnh: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/báo cáo;

Đối với dự thảo nghị định, nghị quyết, nghị quyết liên tịch, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo;

Đối với dự thảo thông tư, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước: mức chi tối đa 500.000 đồng/báo cáo.

5. Chỉnh lý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, các loại báo cáo, bản thuyết minh, tờ trình văn bản: mức chi tối đa 500.000 đồng/lần chỉnh lý.

6. Chỉnh lý dự thảo văn bản: mức chi tối đa 600.000 đồng/lần chỉnh lý.

7. Chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị và họp báo

a) Tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ công tác xây dựng dự kiến chương trình, soạn thảo, đánh giá tác động, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản; điều tra, khảo sát; theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật:

Chủ trì: mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp;

Các thành viên tham dự: mức chi 100.000 đồng/người/cuộc họp;

Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: mức chi tối đa 500.000 đồng/văn bản.

b) Tham dự cuộc họp báo công bố luật, pháp lệnh và các văn bản đã được cấp có thẩm quyền ký ban hành:

Người chủ trì cuộc họp: mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp;

Các thành viên tham dự: mức chi 70.000 đồng/người/cuộc họp.

8. Chi thuê dịch và hiệu đính tài liệu

Dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: mức chi tối đa 120.000 đồng/trang (350 từ);

Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: mức chi tối đa 150.000 đồng/trang (350 từ);

Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số: mức chi tối đa 100.000 đồng/trang (350 từ);

Hiệu đính tài liệu dịch: mức chi tối đa 40.000 đồng/trang (350 từ).

Đối với một số ngôn ngữ không phổ thông mức chi biên dịch được phép tăng tối đa 30% so với mức chi biên dịch nêu trên.

9. Chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập

Trong trường hợp đề nghị xây dựng văn bản; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; thuyết minh, tờ trình, dự thảo văn bản và các báo cáo chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập thì mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

10. Ngoài việc thực hiện theo mức chi cho những nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này, mức chi cho những nội dung khác được thực hiện và áp dụng theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, gồm:

a) Đối với các khoản chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước, chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Đối với các khoản chi cho việc tổ chức các đoàn đi khảo sát ở nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đài thọ;

c) Đối với việc tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn ngân sách nhà nước;

d) Đối với các khoản chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa phục vụ cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu;

đ) Đối với công tác nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề phục vụ công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng các loại thuyết minh, tờ trình; lập đề nghị xây dựng văn bản; lập đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; báo cáo đánh giá, tổng kết thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động của văn bản; báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện và áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

e) Chi rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 5. Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật

1. Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải thực hiện trên cơ sở các hoạt động, nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này và được thực hiện như sau:

a) Dự thảo nghị định của Chính phủ, mức phân bổ kinh phí tối đa 38 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp, chỉ lấy ý kiến tham gia của một số Bộ, ngành Trung ương và tối đa 60 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, phải lấy ý kiến tham gia của nhiều Bộ, ngành Trung ương, đoàn thể và địa phương. Trường hợp dự thảo nghị định phải tổ chức họp lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lần với phạm vi rộng, thì mức phân bổ kinh phí do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, xây dựng quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao;

b) Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nghị quyết liên tịch: mức phân bổ kinh phí tối đa 30 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp hoặc ít phải tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến và tối đa 50 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp hoặc phải tổ chức họp lấy ý kiến nhiều lần;

c) Dự thảo thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước: mức phân bổ kinh phí tối đa 15 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp, phạm vi điều chỉnh hẹp và 30 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, phạm vi đối tượng thực hiện rộng trong toàn quốc, phải tổ chức họp lấy ý kiến nhiều lần;

d) Đối với dự án luật, pháp lệnh thì mức phân bổ kinh phí được thực hiện căn cứ theo mức độ phức tạp của từng dự án luật, pháp lệnh.

2. Ngoài định mức phân bổ kinh phí quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên đã được giao để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều 6. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật

1. Việc lập dự toán, quản lý kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện như sau:

a) Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình; các hoạt động, nội dung chi quy định tại Điều 3 và mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này, các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi tiết kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm gửi Bộ Tài chính thẩm định và tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Việc phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

c) Đối với kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra Luật, Pháp lệnh trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh được Quốc hội thông qua hàng năm được thực hiện như sau:

Trên cơ sở dự kiến phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra Luật, Pháp lệnh trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh được Quốc hội thông qua của Văn phòng Quốc hội; Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính thực hiện thông báo kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh để các Bộ, cơ quan thực hiện.

2. Việc sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện như sau:

a) Việc thanh toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo phương thức khoán trên sản phẩm hoàn thành kèm theo bảng kê chi tiết các nội dung chi, mức chi theo quy định tại Thông tư này, không cần kèm theo hóa đơn, chứng từ;

b) Trường hợp cuối năm nhiệm vụ xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa hoàn thành được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển tiếp sang năm sau thực hiện thì được chuyển kinh phí tương ứng sang sử dụng và quyết toán vào năm sau;

c) Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được chi cho nội dung nào thì hạch toán vào mục chi tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2. Đối với kinh phí xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật năm 2014, các cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách năm 2014 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ;
- Sở Tư pháp, Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính;
- Lưu: VT BTC, BTP, VPCP.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Joint circular No. 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP dated 14 July 2014, guiding the preparation of cost estimates, management and balance of the state funds for the preparation of legal documents and legal system refining

  • Số hiệu: 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/07/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trương Chí Trung, Đinh Trung Tụng, Kiều Đình Thụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản