Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
LIÊN SỞ TÀI CHÍNH –
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1236/HDLS/TC-GDĐT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 02 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN LIÊN SỞ

VỀ CÔNG TÁC HẠCH TOÁN THU, CHI CÁC KHOẢN THU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

Căn cứ các văn bản pháp lý:

- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;

- Hướng dẫn số 2949/HDLS/GDĐT-TC ngày 05/9/2013 của Liên Sở Giáo dục và Đào tạo – Sở Tài chính về thu, sử dụng học phí và thu khác của cơ sở giáo dục và đào tạo công lập từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015.

Liên Sở Tài chính – Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác hạch toán thu, chi các khoản thu của ngành giáo dục như sau:

1/ Hướng dẫn về việc thực hiện trích 40% để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định:

1.1/ Khoản thu hộ - chi hộ (kể cả tiền ăn, tiền nước uống):

Theo quy định hiện hành, khoản thu hộ - chi hộ là khoản thu khác (ngoài học phí) được các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như: quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ấn chỉ hồ sơ học sinh, học phẩm - học cụ, trang bị thiết bị học ngoại ngữ theo Đề án phổ cập và nâng cao năng lực Tiếng Anh và Đề án phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, ấn chỉ đề kiểm tra…

Ngoài ra, tiền ăn và tiền nước uống cũng được hạch toán vào khoản thu hộ - chi hộ theo mức thu do nhà trường tính toán được thỏa thuận với phụ huynh học sinh nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh. Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập tính toán các khoản thu đảm bảo thu đủ bù chi nên không thực hiện trích 40% để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ nguồn thu này.

Đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập sử dụng đúng mục đích thu, thực hiện công khai kế hoạch thu - chi của từng khoản thu hộ - chi hộ đến phụ huynh học sinh trước khi thực hiện thu.

1.2/ Khoản thu theo thỏa thuận:

Căn cứ điểm 1.2, khoản 1, Mục VIII và điểm 1.2, khoản 1, Mục IX Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì khoản thu theo thỏa thuận giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập và phụ huynh học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay phụ huynh học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh là khoản thu sự nghiệp.

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư số 104/2013/TT-BTC ngày 02/8/2013 của Bộ Tài chính có hướng dẫn xác định nguồn để đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 73/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ như sau:

“a) Đối với học phí học sinh chính quy học các trường công lập: 40% số thu để thực hiện chế độ cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu học phí của học sinh.

c) Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan.”

Như vậy, các khoản thu sự nghiệp sau khi trừ các chi phí liên quan phải thực hiện trích 40% để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

2/ Công tác hạch toán kế toán của các khoản thu:

Căn cứ Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; theo đó công tác hạch toán các khoản thu của cơ sở giáo dục và đào tạo công lập được thực hiện như sau:

- Thu hộ - chi hộ (kể cả tiền ăn, tiền nước uống):

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Có TK 3318 – Phải trả khác (chi tiết từng nội dung)

- Thu sự nghiệp (thu học phí, các khoản thu theo thỏa thuận hướng dẫn tại Công văn số 2949/HDLS/GDĐT-TC trừ tiền ăn, tiền nước uống):

+ Thu học phí:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Có TK 5111 – Thu phí, lệ phí

+ Thu khác (thu sự nghiệp hay còn gọi là thu theo thỏa thuận)

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Có TK 5118 – Thu khác (chi tiết từng nội dung)

3/ Hướng dẫn xác định tổng chi hoạt động thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 71/2006/TT-BTC:

Căn cứ điểm 2.1, khoản 2, Mục VIII và điểm 2.1, khoản 2, Mục IX Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì tổng chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm các khoản chi theo quy định nêu trên từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Đối với các nội dung chi trích lập các Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động là thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, không phải là nội dung chi thường xuyên để làm cơ sở phân loại đơn vị sự nghiệp.

4/ Một số hướng dẫn khác:

Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập có tổ chức cho học sinh học bán trú và dạy học 02 buổi/ngày, các trường phải thực hiện trích một phần các khoản thu tiền tổ chức học 02 buổi/ngày, tiền tổ chức phục vụ bán trú… để chi cho các hoạt động phục vụ công tác này như văn phòng phẩm, điện, nước, điện thoại…, không dùng toàn bộ các khoản thu này để chi cho con người (chi tiền trực tiếp giảng dạy, chi thu nhập tăng thêm, chi cho người phục vụ bán trú…).

Trên đây là hướng dẫn của Liên Sở Tài chính – Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác hạch toán thu, chi các khoản thu của ngành giáo dục. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn cụ thể./.

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Lê Hoài Nam

SỞ TÀI CHÍNH
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Tạ Quang Vinh

 

Nơi nhận :
- Phòng TCKH 24 QH;
- Phòng GDĐT 24 QH;
- Lưu Sở TC, Sở GDĐT.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn Liên sở 1236/HDLS/TC-GDĐT năm 2014 về công tác hạch toán thu, chi các khoản thu của ngành giáo dục do Sở Tài chính – Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1236/HDLS/TC-GDĐT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 14/02/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Tạ Quang Vinh, Lê Hoài Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản