Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 796/HD-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CÁC VUA HÙNG TRONG NGÀY TỔ CHỨC GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (NGÀY 10-3 ÂM LỊCH)

Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, là điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Cả nước tôn thờ một vị Quốc tổ, đó là một mỹ tục độc đáo, là nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh. Ngày 11/4/2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Luật sửa đổi bổ sung điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ 01 ngày làm việc Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch hàng năm).

Theo số liệu thống kê (năm 2005) của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cả nước có 1.417 các Di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Trong những năm qua, nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng một số địa phương có điểm thờ Vua Hùng như: Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hoà, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Để thống nhất việc tổ chức lễ hội và nghi lễ dâng hương tưởng niệm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc tổ chức nghi lễ dâng hương cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Thông qua nghi lễ nhằm khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước. Ngày Quốc lễ là dịp nhân dân ta tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương phải được tổ chức trọng thể, an toàn, tiết kiệm, nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng long trọng, tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn. Các hoạt động văn hóa trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, quy tụ được những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của các vùng văn hóa tiêu biểu, kết hợp được những nội dung truyền thống với văn hóa văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục và yêu cầu thẩm mỹ của thời đại mới.

Việc tổ chức lễ hội phải thực hiện theo Nghị định 11/2006/NĐ- CP ngày 18 tháng 1 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng và Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

II. NỘI DUNG TỔ CHỨC NGHI LỄ

1. Tên gọi: Giỗ Tổ Hùng Vương

2. Thời gian tổ chức: Giỗ chính ngày 10 tháng 3 âm lịch

Việc xác định năm chẵn, năm tròn, năm lẻ để tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tính theo năm dương lịch.

- "Năm chẵn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "0";

- "Năm tròn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "5";

- "Năm lẻ" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng còn lại.

3. Địa điểm: Khu vực tổ chức lễ là khuôn viên nơi thờ tự hoặc nơi dâng hương tưởng niệm.

4. Trang trí:

a. Trên các tuyến đường chính dẫn đến khu vực tổ chức lễ treo các áp phích, cắm cờ hội và cờ trang trí.

b. Tại vị trí trang trọng ở phía trước hoặc trung tâm khu vực tổ chức buổi lễ, treo Quốc kỳ và cờ hội .

c. Biểu ngữ tại cổng chính dẫn vào khu vực lễ hội thống nhất chung tiêu đề "Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 - 3 (âm lịch)".

5. Nơi tổ chức dâng hương:

5.1. Đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có di tích lịch sử Đền Hùng).

Nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương thực hiện theo Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài;

5.2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

a. Đền thờ Vua Hùng

Nghi thức tổ chức theo hướng dẫn chung, lễ dâng hương do đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm chủ lễ.

b. Di tích có liên quan đến các vua Hùng (di tích thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân- Âu Cơ, thờ vợ con, tướng lĩnh, Hùng hậu, Hùng tướng của các Vua Hùng, các vị có công với dân, với nước thời Hùng Vương).

Nghi thức tổ chức theo nghi thức truyền thống của địa phương, nghi thức phải được tiến hành trang trọng, tránh sự cải biên mang tính áp đặt chủ quan biến dạng nghi lễ truyền thống đồng thời tránh rườm rà kéo dài.

c. Những địa phương không có đền thờ Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 - 3 âm lịch) cần tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với nội dung chủ đề hướng về ngày Giỗ Tổ.

6. Nội dung và nghi thức: Ngày 10 - 3 âm lịch tại những tỉnh, thành phố có đền thờ Vua Hùng có nguyện vọng tổ chức tổ chức Giỗ Tổ tại địa phương (làm Giỗ vọng).

a. Lễ phẩm:

- Bánh chưng 18 chiếc (gói bọc lá dong tươi, lạt giang nhuộm hồng).

- Bánh dày 18 chiếc (có dán chữ Phúc màu đỏ).

- Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.

b. Trang phục:

- Trên cơ sở mẫu trang phục lễ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) duyệt thống nhất sử dụng năm 2004.

- Chủ lễ mặc áo màu hồng tía để phân biệt với các đại biểu khác mặc trang phục lễ.

- Người phục vụ tại nơi làm lễ dâng hương mặc áo the khăn xếp có đeo phù hiệu Ban tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Các đại biểu dự lễ: Đại biểu nữ mặc áo dài truyền thống, đại biểu nam (không trong thành phần mặc trang phục lễ) mặc comple màu sẫm; các đại biểu là lực lượng vũ trang mặc trang phục đại lễ. Đại biểu là người dân tộc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

c. Nhạc lễ:

Sử dụng đĩa nhạc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) duyệt thống nhất sử dụng.

d. Thứ tự thành phần:

- Tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội.

- Tiêu binh rước vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”.

- Hai tiêu binh bồng súng đi sau vòng hoa.

- Tám thiếu nữ mặc trang phục áo dài truyền thống mang hương, hoa bó, lẵng hoa.

- Đội nhạc lễ

- Đội rước lễ vật

- Chủ lễ

- Đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của địa phương

- Đoàn đại biểu đại diện cho các dân tộc anh em trong tỉnh

- Đồng bào tới dự lễ dâng hương

đ. Nghi lễ dâng hương:

Đúng giờ ấn định tổ chức ngày lễ 10-3 âm lịch - Đội nhạc lễ, đoàn rước rồng dẫn đầu, tiếp theo đến kiệu văn, kiệu bát cống mang án thư và lễ phẩm (bánh chưng, bánh dày) đi trước. Chủ lễ dẫn đầu đoàn dâng hương đi đến trước hương án dâng bánh dày, bánh chưng, dâng hương, hoa (có dải băng lụa đỏ ghi dòng chữ: Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng).

- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hiệu lệnh cử hành nhạc lễ, sau đó đọc lời tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự lễ. Tiếp đó giới thiệu và mời chủ lễ lên dâng hương, hoa và lễ vật. Trong thời gian chủ lễ làm thủ tục lễ, tấu nhạc lễ làm nền. Khi chủ lễ làm xong các nghi thức, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch mời chủ lễ đọc diễn văn tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng, báo công, giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của địa phương để phấn đấu thực hiện.

- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch mời các đại biểu lần lượt lên dâng hương tưởng niệm vua Hùng.

III. NỘI DUNG TỔ CHỨC PHẦN HỘI.

Tuỳ thuộc vào không gian khu vực tổ chức lễ hội và điều kiện kinh phí và nhu cầu của nhân dân địa phương tổ chức một số chương trình hoạt động như: Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao truyền thống và hiện đại, tổ chức các hội thi, hội diễn, hội trại...

Trong phần hội nên chú trọng tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống đặc trưng, chú trọng khai thác các hoạt động dân gian, trò diễn và các hoạt động văn hoá truyền thống đặc trưng mang đậm bản sắc văn hoá của từng địa phương, vùng miền, khu vực.

Các hoạt động văn hoá tham gia lễ hội phải được chuẩn bị chu đáo, nội dung chương trình hấp dẫn, văn minh lịch sự, lành mạnh có khả năng thu hút công chúng.

Kiên quyết loại bỏ việc bán hàng trong di tích, khuôn viên nơi tổ chức, lợi dụng lễ hội để kinh doanh không lành mạnh và các hoạt động mê tín dị đoạn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Thành lập Ban Tổ chức với các thành phần đoàn thể tham gia, Ban Tổ chức do đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố làm Trưởng ban, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm phó trưởng ban Thường trực. Ban Tổ chức có thể thành lập các tiểu ban, số lượng thành viên Ban Tổ chức thích hợp điều kiện địa phương và có khả năng thực thi công việc, tránh hình thức.

- Ban Tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, diều hành hoạt động trong chương trình tưởng niệm đảm bảo trật tự, an toàn, chu đáo, bảo vệ tốt môi trường, cảnh quan nơi tưởng niệm và tiết kiệm chi phí.

- Sau khi tổ chức lễ tưởng niệm có báo cáo đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức năm sau đạt hiệu quả tốt hơn năm trước (Thời gian hoàn thành báo cáo trong thời gian 20 ngày kể từ khi kết thúc lễ tưởng niệm).

Trên đây là hướng dẫn cơ bản để thống nhất nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (10 - 3 âm lịch). Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện theo hướng dẫn. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo Uỷ ban Nhân dân cùng cấp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ VHTTDL;
- Các đơn vị liên quan;
- Sở VHTTDL các tỉnh, Tp trực thuộc TW;
- Lưu: VT, VHCS, QH 100.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Vĩnh Ái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 796/HD-BVHTTDL năm 2009 về nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày tổ chức giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 796/HD-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 18/03/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Huỳnh Vĩnh Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản