Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 791/HD-BGDĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Thực hiện Quyết định số 4763/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng mô hình trường phổ thông đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục giai đoạn 2012-2015", tiếp sau công văn số 3535/BGDĐT-GDTrH ngày 27/5/2013 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, Bộ GDĐT hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm học 2013-2014, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Khắc phục hạn chế của chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, hoạt động giáo dục của các trường phổ thông tham gia thí điểm.

b) Củng cố cơ chế phối hợp và tăng cường vai trò của các trường sư phạm, trường phổ thông thực hành sư phạm và các trường phổ thông khác trong các hoạt động thực hành, thực nghiệm sư phạm và phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông.

c) Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông cho đội ngũ giảng viên các trường/khoa sư phạm, giáo viên các trường phổ thông tham gia thí điểm.

d) Góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015.

2. Yêu cầu

Phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh và theo các nguyên tắc sau:

a) Nâng cao được kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục của CT GDPT hiện hành do Bộ GDĐT ban hành.

b) Đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học và các hoạt động giáo dục.

c) Đảm bảo tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục trong mỗi năm học không ít hơn thời lượng quy định trong CT hiện hành.

d) Đảm bảo tính khả thi với quyết tâm cao, tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm.

e) Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường/khoa sư phạm với các trường trường phổ thông tham gia thí điểm.

II. CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA THÍ ĐIỂM

1. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội.

2. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và trường THPT thực hành thuộc trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh.

3. Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và trường THPT Thái Nguyên thuộc trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên; trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc; Sở GDĐT Thái Nguyên.

4. Đại học Vinh và trường THPT Chuyên thuộc trường Đại học Vinh; trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) và Sở GDĐT Nghệ An.

5. Khoa Sư phạm trường Đại học Cần Thơ và trường THPT thực hành thuộc trường Đại học Cần Thơ, Sở GDĐT Cần Thơ.

6. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) và các Trường phổ thông cơ sở thực nghiệm, trường THPT thực nghiệm thuộc Viện KHGDVN.

Khuyến khích các trường/khoa sư phạm và các trường phổ thông khác trên phạm vi cả nước tự nguyện tham gia từng phần hoặc toàn bộ các hoạt động thí điểm phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG THÍ ĐIỂM

1. Điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong chương trình hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn học, hoạt động giáo dục và của nhà trường

1.1. Sản phẩm

Văn bản Kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo hướng tăng cường năng lực thực hành, vận dụng kiến thức, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật… do nhà trường phổ thông ban hành.

1.2. Hoạt động

a) Rà soát nội dung CT, SGK hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp. Phát hiện và xử lý sao cho trong phạm vi cấp học không còn những nội dung dạy học trùng nhau trong từng môn học và giữa các môn học; những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK không phù hợp mục tiêu giáo dục của CT hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; những nội dung trong SGK sắp xếp chưa hợp lý; những nội dung không phù hợp với địa phương của nhà trường.

b) Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong CT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh thành những bài học mới, có thể chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động giáo dục và bổ sung các hoạt động giáo dục khác vào CT hiện hành; xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối CT mới của các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế nhà trường.

c) Xây dựng các chủ đề liên môn:

Chủ đề liên môn bao gồm các nội dung dạy học chưa được xây dựng trong CT các môn học hiện hành.

- Chủ đề liên môn bao gồm các nội dung dạy học gần giống nhau, có liên quan chặt chẽ với nhau (có thể đang trùng nhau) trong các môn học của CT hiện hành, có thể là chủ đề liên môn thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên hoặc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. Xét nội dung của chủ đề liên môn, điều kiện về giáo viên... mỗi chủ đề liên môn được đưa bổ sung vào kế hoạch dạy học của 1 môn học nào đó do nhà trường quyết định.

- Chủ đề liên môn với nội dung giáo dục liên quan đến các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước, ví dụ: Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn nước, Biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, Bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sống, Giới và bình đẳng giới, An toàn giao thông, Sử dụng nămg lượng hiệu quả... Các chủ đề liên môn này được bổ sung vào kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường.

1.3. Cách thức tiến hành

a) Trường phổ thông tổ chức cho các tổ/nhóm chuyên môn triển khai thực hiện các nội dung trên; dự thảo văn bản đề xuất về nội dung dạy học và kế hoạch dạy học/phân phối chương trình các môn học và kế hoạch hoạt động giáo dục chung của nhà trường.

b) Trường/khoa sư phạm, Viện KHGDVN chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT tổ chức cho giảng viên (trước hết là giảng viên tổ bộ môn phương pháp dạy học của trường/khoa sư phạm), chuyên viên Sở GDĐT góp ý dự thảo văn bản đề xuất của các tổ/nhóm chuyên môn về nội dung dạy học và phân phối chương trình các môn học, kế hoạch hoạt động giáo dục chung của nhà trường phổ thông; giảng viên trường/khoa sư phạm và chuyên viên Sở GDĐT cùng với giáo viên trường phổ thông hoàn thiện dự thảo văn bản.

c) Trường phổ thông tổng hợp, hoàn thiện và ban hành chính thức văn bản Kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh làm cơ sở để tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường, đồng thời xác định các biện pháp cần thiết để thực hiện kế hoạch.

Qui trình trên có thể chỉ cần 1 lần hoặc nhiều lần ở 1 khâu nào đó hoặc toàn bộ các khâu. Các trường phổ thông có thể linh hoạt trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục mới ở một lớp nào đó (không nhất thiết phải bắt đầu từ lớp đầu cấp), một chương/chủ đề nào đó vào thời điểm thích hợp trong năm học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

2. Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh

2.1. Vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục tích cực

a) Triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ lên lớp, ở trong hay ngoài phòng học. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.

b) Triển khai áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” theo hướng dẫn của Bộ GDĐT tại công văn số 3535/BGDĐT-GDTrH ngày 27/5/2013; sử dụng di sản văn hóa trong dạy học theo Hướng dẫn số 73/HD - BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/01/2013 của liên Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các văn bản của Bộ GDĐT về hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và thi khoa học, kỹ thuật …

2.2. Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh

a) Vận dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng coi trọng phát triển năng lực. Kiểm tra, đánh giá không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kì, cuối năm học (Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn riêng).

b) Các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học và phân phối chương trình các môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

3. Đổi mới quản lý hoạt động dạy học, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả phát triển CT giáo dục nhà trường

Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục theo các quy định hiện hành và theo Kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh của nhà trường; chú trọng các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí… khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện kế hoạch, đề xuất điều chỉnh, báo cáo kết quả và kinh nghiệm các hoạt động thí điểm. Các hoạt động chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của cấp trên đều phải tôn trọng Kế hoạch này của nhà trường. Các cấp quản lí chưa xếp loại giờ dạy, chưa thanh tra hoạt động sư phạm nếu giáo viên không có nguyện vọng được xếp loại, được thanh tra.

Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học (có hướng dẫn, tập huấn riêng). Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, phân phối chương trình các môn học, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nên ghi hình các tiết dạy và các cuộc họp, thảo luận/rút kinh nghiệm để làm tư liệu chia sẻ cho đông đảo giáo viên trong và ngoài nhà trường tham khảo.

Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông thông qua các hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm và các cơ sở giáo dục khác.

IV. NGUỒN KINH PHÍ

Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông bao gồm:

- Kinh phí ngân sách chi thường xuyên của trường phổ thông tham gia thí điểm.

- Kinh phí của trường sư phạm có trường phổ thông tham gia thí điểm.

- Các nguồn thu hợp pháp khác của trường phổ thông tham gia thí điểm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các đơn vị tham gia thí điểm

a) Trường phổ thông tham gia thí điểm

- Xây dựng Kế hoạch thí điểm các hoạt động phát triển CT giáo dục nhà trường nêu tại mục III; gửi bản kế hoạch cho Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học), trường/ khoa sư phạm và Sở GDĐT.

- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm các hoạt động phát triển CT giáo dục nhà trường; kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hỗ trợ các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

- Hiệu trưởng nhà trường ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh của nhà trường; gửi bản kế hoạch cho Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học), trường/khoa sư phạm và Sở GDĐT.

- Hàng năm thống nhất với trường/khoa sư phạm, Viện KHGDVN tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thí điểm CT giáo dục nhà trường phổ thông; gửi văn bản báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) và Sở GDĐT.

b) Trường/khoa sư phạm, Viện KHGDVN và Sở GDĐT có trường phổ thông tham gia thí điểm

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, thực hiện các hoạt động:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ trường phổ thông tham gia thí điểm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thí điểm các hoạt động nêu tại mục III.

- Tham gia các hoạt động thí điểm nêu tại mục III; kiểm tra, đôn đốc các trường phổ thông tham gia thí điểm.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các trường/khoa sư phạm, Viện KHGDVN, các Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các trường phổ thông tham gia thí điểm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thí điểm các hoạt động nêu tại mục III.

b) Ban hành các văn bản điều chỉnh các quy định hiện hành về đánh giá, xếp loại học sinh phổ thông; xét/thi và công nhận tốt nghiệp các cấp học đáp ứng yêu cầu thí điểm phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng năng lực.

c) Tổ chức các hội thảo, tập huấn về thí điểm phát triển CT giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho cán bộ quản lý, giảng viên các trường/khoa sư phạm, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông tham gia thí điểm.

Trên đây là hướng dẫn thực hiện thí điểm phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần thông tin kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn giải quyết ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như mục II (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Thanh tra Bộ (để thực hiện);
- Lưu VT, GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 791/HD-BGDĐT năm 2013 về triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông tại các trường và các địa phương tham gia thí điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 791/HD-BGDĐT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 25/06/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản