Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 752/TY-DT

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG CHO GIA SÚC

Ngày 16/5/2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 38/2006/QĐ/BNN Quy định về phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc.

Để thống nhất việc thực hiện công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) trong cả nước, Cục thú y hướng dẫn cụ thể một số Điều như sau:

I. KHÁI NIỆM MỘT SỐ THUẬT NGỮ:

Ổ dịch Lở mồm long móng là nơi xuất hiện một hoặc nhiều gia súc mắc bệnh trong một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là xã), trong một cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc. Cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ có gia súc mắc bệnh LMLM đóng trên địa bàn xã nào thì xã đó là một ổ dịch. Nếu trong năm các ổ dịch tái phát thì vẫn coi là một ổ dịch.

Sản phẩm động vật là: thịt; các sản phẩm được chế biến từ thịt, sữa, da, xương, phủ tạng, sừng, móng, bột thịt xương... kể cả phôi, tinh dịch của động vật.

II. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

Trong bản hướng dẫn này chỉ đề cập tới những Điều, mục cần thiết phải nói rõ, còn những điều mục khác không có trong bản hướng dẫn này thì áp dụng theo Quy định phòng chống bệnh LMLM hiện hành.

Chương II.

PHÒNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG

Điều 7. Quy định về tiêm vắc xin phòng.

1. Mục đích và yêu cầu của vắc xin:

Mục đích tiêm phòng vắc xin là gây miễn dịch cho đàn gia súc. Để công tác tiêm phòng có hiệu quả, yêu cầu vắc xin phải được sản xuất theo đúng hướng dẫn của tổ chức thú y thế giới (OIE), có hiệu lực, an toàn, thời gian miễn dịch dài, có tính tương đồng kháng nguyên cao, chống được các chủng vi rút đang gây bệnh tại Việt Nam. Yêu cầu phải tiêm vắc xin đúng type, subtype của vi rút gây bệnh, tiêm đúng kỹ thuật để có miễn dịch tối ưu, kết quả tiêm phòng phải đạt tỷ lệ ít nhất là 80% so với tổng đàn gia súc trong diện tiêm.

2. Vùng tiêm phòng được quy định như sau:

a) Vùng khống chế gồm: các xã tiếp giáp với xã có dịch và các thôn chưa có dịch trong xã đó, các xã biên giới tiếp giáp với nước láng giềng thường có dịch.

b) Vùng đệm gồm: các xã tiếp giáp bên ngoài với vùng khống chế. Nếu diện tích xã quá lớn thì tiêm phòng trong phạm vi bán kính 5 km tính từ chu vi ổ dịch.

c) Vùng có dịch LMLM xảy ra trong thời gian 2 năm gần đây;

d) Vùng nguy cơ cao: các thôn xung quanh chợ buôn bán gia súc và nơi giết mổ gia súc; các xã có điểm trung chuyển, tập kết gia súc; các thị trấn, thị tứ có đường quốc lộ đi qua.

Chi cục Thú y có trách nhiệm xác định vùng tiêm phòng, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh quyết định.

3. Đối tượng tiêm phòng:

a) Tất cả trâu, bò, dê, cừu thuộc các vùng tiêm phòng nêu trên. Đối với lợn chỉ tiêm ở vùng dịch, vùng khống chế, vùng có nguy cơ cao; còn vùng đệm, vùng có dịch trong 2 năm gần đây chỉ tiêm lợn nái và đực giống.

b) Tất cả động vật cảm nhiễm, trừ lợn sữa vận chuyển đến các cơ sở giết mổ lợn xuất khẩu, khi đưa ra khỏi tỉnh phải được tiêm phòng (đủ 14 ngày sau khi tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng trước đó và còn miễn dịch).

4. Lịch tiêm phòng:

- Tiêm phòng định kỳ vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hàng năm, lần sau cách lần trước 6 tháng.

- Tiêm bổ sung cho những con mới phát sinh, chưa được tiêm phòng trong 2 đợt chính;

5. Chế độ tiêm phòng:

a) Đối với vùng biên giới tiêm liên tục 3 - 5 năm tuỳ theo tình hình dịch bệnh. Thời gian tiêm có thể kéo dài, vùng tiêm có thể thu hẹp tuỳ theo tình hình dịch bệnh tại nơi đó và tại nước láng giềng.

b) Đối với vùng ổ dịch cũ (bao gồm vùng có dịch và vùng khống chế) không thuộc vùng biên giới: tiêm liên tục trong 2 năm, sau đó không tiêm nữa nếu trong thời gian 2 năm đó không xảy ra dịch.

c) Tiêm đúng quy trình để cho miễn dịch tối ưu, kết quả tiêm phòng phải đạt tỷ lệ trên 80% so với tổng đàn gia súc trong diện tiêm.

6. Sử dụng vắc xin tiêm phòng:

 Việc sử dụng vắc xin phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

- Vắc xin phải có trong Danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

- Trong trường chống dịch khẩn cấp, được sử dụng các loại vắc xin ngoài Danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông gnhiệp và PTNT.

- Đảm bảo điều kiện bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm, liều lượng, đường tiêm, quy trình tiêm phòng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Chú ý: sau khi tiêm phòng Chi cục Thú y phải cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ vật nuôi, có sổ sách theo dõi gia súc đã được tiêm phòng, số lượng vắc xin đã sử dụng, nơi tiêm phòng, lô vắc xin và phải lưu giữ vỏ vắc xin tiêm phòng, không được tiêm vắc xin không rõ nguồn gốc.

7. Quy trình tiêm phòng:

a) Đối với trâu bò:

Tiêm phòng lần đầu cho bê, nghé từ 2 tuần tuổi trở lên và tiêm nhắc lại sau 4 tuần. Sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại một lần.

b) Đối với lợn:

Tiêm phòng lần đầu cho lợn từ 2 tuần tuổi trở lên và tiêm nhắc lại sau 4 tuần. Sau đó cứ sau 6 tháng sau tiêm nhắc lại một lần cho lợn nái và đực giống.

Đối với lợn nái cần tiêm nhắc lại trước khi đẻ 2- 3 tuần để tăng miễn dịch thụ động cho lợn con.

Chú ý: vắc xin tiêm phòng nhắc lại mũi tiêm thứ hai phải cùng loại với mũi vắc xin thứ nhất.

c) Đối với dê, cừu:

Tiêm phòng lần đầu cho dê, cừu từ 2 tuần tuổi trở lên và tiêm nhắc lại sau 4 tuần. Sau đó cứ 1 năm tiêm nhắc lại một lần.

8. Kinh phí tiêm phòng:

Thực hiện theo Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc và Thông tư số 44/2006/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2006 Hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc.

9. Đánh giá kết quả: Sau mỗi đợt tiêm phòng định kỳ hoặc tiêm phòng khi có dịch xảy ra, Chi cục Thú y phải tập hợp số liệu, nhận định, đánh giá kết quả tiêm phòng (đã tiêm phòng được bao nhiêu con, đạt tỷ lệ bao nhiêu % so với diện tiêm, tổng đàn) thường xuyên báo cáo về Cục Thú y.

Điều 8. Kiểm dịch vận chuyển

1. Kiểm dịch vận chuyển trong nước:

a) Thành lập các trạm, chốt, tổ kiểm dịch động vật:

- Khi các tỉnh liền kề có dịch bệnh LMLM: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập ngay:

+ Các trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các trục đường giao thông chính ra vào tỉnh giáp với tỉnh đang có dịch LMLM.

+ Các tổ kiểm dịch động vật lưu động.

- Khi nhận được văn bản đề nghị của Sở NN & PTNT: Chủ tịch UBND tỉnh ban hành ngay quyết định thành lập các trạm, chốt kiểm dịch tạm thời và các tổ kiểm dịch lưu động, thành phần gồm có: Thú y, Công an, Quản lý thị trường, Phó chủ tịch xã, Trưởng thôn sở tại.

b) Nhiệm vụ cụ thể cho từng người của trạm, chốt, tổ kiểm dịch:

- Hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ tất cả gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM và các sản phẩm của chúng ra vào tỉnh.

- Tổ chức phun khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh.

- Tổ chức thu giữ và tiêu huỷ toàn bộ:

+ Gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc và động vật cẩm nhiễm khác vận chuyển trên cùng phương tiện;

+ Gia súc, sản phẩm gia súc vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ như sai số lượng, khối lượng, có sự đánh tráo, tẩy xoá giấy chứng nhận kiểm dịch, không đánh dấu gia súc,....

Chủ hàng có hàng hoá bị tiêu huỷ: Không được bồi thường thiệt hại; phải chịu chi phí cho việc tiêu huỷ và bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

c) Cơ quan Thú y thực hiện việc kiểm dịch tại gốc và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch:

- Kiểm dịch tại gốc:

Chi cục Thú y, Trạm Thú y phải cử cán bộ xuống tận nơi nuôi, nhốt gia súc trước khi vận chuyển để thực hiện việc kiểm dịch cụ thể như sau:

+ Kiểm tra về số lượng, chủng loại gia súc, tiêm phòng,…. theo nội dung đăng ký kiểm dịch của chủ hàng;

+ Kiểm tra lâm sàng gia súc;

+ Đối với gia súc vận chuyển ra khỏi tỉnh chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc không còn miễn dịch thì phải tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc (trừ lợn sữa để giết mổ xuất khẩu).

+ Đối với gia súc đã tiêm phòng vắc xin LMLM thì chủ gia súc phải có giấy chứng nhận tiêm phòng.

- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch:

Chi cục Thú y, Trạm Thú y huyện chỉ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển gia súc khi đủ các điều kiện sau:

+ Gia súc khỏe mạnh và xuất phát từ vùng được phép vận chuyển.

+ Đã được tiêm phòng vắc xin LMLM ít nhất 14 ngày.

+ Được đánh dấu theo quy định.

+ Gia súc và phương tiện vận chuyển đã được phun thuốc khử trùng tiêu độc trước khi vận chuyển, thuốc phun khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trạm Thú y huyện thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển gia súc ra khỏi huyện trong phạm vi tỉnh.

Chi cục Thú y tổ chức thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển gia súc ra khỏi tỉnh.

- Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Trạm trưởng Trạm Thú y và các cán bộ kiểm dịch ký giấy chứng nhận kiểm dịch khống sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Vận chuyển qua biên giới:

a) Khi các tỉnh liền kề của nước láng giềng có dịch LMLM, Chủ tịch UBND tỉnh biên giới:

- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, các xã biên giới và các ngành Hải Quan, Bộ đội biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Thú y thực hiện:

+ Kiểm soát và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc mẫn cảm bệnh LMLM và các sản phẩm của chúng vào trong nước.

+ Tổ chức thu giữ và cấp kinh phí tiêu huỷ toàn bộ gia súc, sản phẩm gia súc nhập lậu qua biên giới.

b) Thành lập các trạm, chốt, tổ kiểm dịch động vật:

- Căn cứ vào văn bản đề nghị của Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh biên giới, UBND tỉnh ban hành ngay quyết định thành lập các trạm, chốt kiểm dịch tạm thời và các tổ kiểm dịch lưu động, thành phần gồm có: Thú y, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế, Phó chủ tịch xã, Công an xã, Trưởng thôn, bản sở tại.

c) Nhiệm vụ cụ thể cho từng người của trạm, chốt, tổ kiểm dịch:

- Hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát và ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

- Tổ chức phun khử trùng tiêu độc tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hoá và người qua cửa khẩu, thuốc sử dụng để phun khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chương III.

CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG

Điều 10. Xử lý ổ dịch

1. Cách ly gia súc mắc bệnh: Chủ gia súc khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh LMLM phải nuôi cách ly và báo cáo ngay cho trưởng thôn hoặc nhân viên thú y xã. Trưởng thôn và nhân viên thú y phải báo cáo ngay Trạm thú y huyện, đồng thời hướng dẫn chủ gia súc cách ly, theo dõi gia súc nghi mắc bệnh, không cho con vật nghi mắc bệnh tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia súc khoẻ; vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ, môi trường xung quanh.

2. Xác minh chẩn đoán bệnh: Khi nhận được thông báo trong phạm vi 1 ngày, Trạm thú y huyện phải cử ngay cán bộ xuống nơi có gia súc nghi mắc bệnh, để xác minh và lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm của Trung tâm Thú y vùng hoặc Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương, việc lấy mẫu thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.

3. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 3 điều 10 bản quy định phòng chống bệnh LMLM gia súc ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ/BNN ngày 16/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

c) Việc tiêu huỷ gia súc mắc bệnh trong vùng dịch

Mục đích tiêu huỷ nhằm tiêu diệt nhanh mầm bệnh, khi lần đầu mới xuất hiện hoặc sau ít nhất hai năm xuất hiện trở lại. Sau đó áp dụng các biện pháp như vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin, quản lý ổ dịch. Đây là cách làm đỡ tốn kém, hạn chế thiệt hại nhất. Tuy nhiên ổ dịch phải được phát hiện sớm, bao vây kịp thời, việc xử lý tiêu huỷ phải được thực hiện nhanh chóng đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về vệ sinh thú y, không để phát tán mầm bệnh. Việc tiêu huỷ gia súc mắc bệnh chỉ thực hiện có kết quả khi số lượng mắc bệnh còn ít tập trung ở một hai hộ liền kề nhau. Số lượng gia súc tiêu huỷ tuỳ thuộc khả năng cách ly kịp thời, điều kiện đất đai để chôn đốt, khả năng chủ động về tài chính của địa phương.

- Đối với lợn: tiêu huỷ toàn bộ số lợn trong cùng một ô chuồng, nếu trong ô chuồng đó có con mắc bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình (theo kết luận của bác sỹ thú y thuộc Chi cục thú y) mà không phải chờ kết quả xét nghiệm. Truờng hợp còn nghi ngờ, phải nuôi cách ly chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì tiêu huỷ.

Trong thời gian 1 tuần kể từ khi con mắc bệnh đầu tiên, nếu số lợn mắc bệnh ít tại thôn, thì tiêu huỷ những con mắc bệnh, nếu số lợn mắc bệnh nhiều, xảy ra ở nhiều thôn, xã thì tiêu huỷ những con yếu, còi cọc không có giá trị cao, những con còn lại thì nuôi cách ly, quản lý chặt chẽ, nuôi vỗ béo để giết mổ với sự giám sát của cơ quan thú y.

- Đối với dê, cừu, hươu mắc bệnh trong thời gian 1 tuần kể từ khi phát hiện có gia súc mắc bệnh đầu tiên, nếu với số lượng ít, thì tiêu huỷ những con mắc bệnh, nếu số lượng nhiều thì nuôi cách ly theo dõi ít nhất 4 tháng với dê và 9 tháng đối với cừu.

- Đối với trâu, bò:

+ Trâu bò mắc bệnh lần đầu tiên tại thôn và số lượng ít thì tiêu huỷ.

+ Trâu, bò mắc bệnh với týp vi rút LMLM mới hoặc týp vi rút đã lâu (từ 2 năm trở lên) không xuất hiện trên địa bàn tỉnh, mục đích là để tiêu diệt ngay mầm bệnh, ngăn chăn sự lây lan và phát tán của vi rút mới gây khó khăn tốn kém trong công tác phòng chống dịch bệnh.

- Quản lý gia súc mắc bệnh: Trong trường hợp đã có nhiều ổ dịch, số lượng lớn gia súc mắc bệnh không tiêu huỷ được, thì chỉ tiêu huỷ những con gầy ốm, què, liệt.

+ Đối với trâu, bò: không thuộc diện tiêu huỷ thì phải nuôi cách ly, đánh dấu và quản lý chặt chẽ như sau:

1). Đánh dấu:

a) Trâu, bò phải được đánh dấu bằng đóng dấu chín (dấu bằng sắt nung đỏ). Dấu chín được đóng trên mặt da vùng mông bên phải của trâu, bò (theo phụ lục 1).

b) Dấu khắc chữ “ L” (viết tắt của cụm từ Lở mồm long móng), chiều cao của chữ là 6 cm, bề rộng của nét chữ là 1 cm, nét chữ có bề dầy là 1,5 cm.

2). Quản lý:

a) Uỷ ban nhân dân xã, phường chỉ đạo Trưởng thôn, bản, ấp lập sổ theo dõi.

b) Sổ theo dõi phải ghi rõ: Họ và tên chủ gia súc, địa chỉ chủ gia súc, thời gian gia súc có triệu chứng lâm sàng, thời gian gia súc khỏi bệnh về triệu chứng lâm sàng, thời gian đóng dấu chín, nơi cách ly gia súc (theo phụ lục 2).

c) Chủ gia súc phải có bản cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường về việc không vận chuyển gia súc ra khỏi xã để tiêu thụ trong thời gian 2 năm (theo phụ lục 3).

3). Giết mổ và tiêu thụ sản phẩm:

a) Nơi giết mổ trâu, bò phải được cơ quan thú y kiểm tra; vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi giết mổ.

b) Thịt trâu, bò ở dạng tươi sống, sơ chế chỉ được tiêu thụ tại địa bàn xã.

c) Thịt trâu, bò đã chế biến chín được tiêu thụ trong địa bàn tỉnh.

d) Phủ tạng và các sản phẩm khác trâu, bò phải tiêu huỷ.

+ Đối với dê, cừu: không thuộc diện tiêu huỷ thì phải nuôi cách ly, lập sổ theo dõi như đối với trâu bò. Có bản cam kết của chủ vật nuôi với UBND xã sở tại không được phép vận chuyển ra khỏi xã để tiêu thụ trong thời gian ít nhất 4 tháng đối với dê và 9 tháng đối với cừu. Việc giết mổ dê, cừu, hươu sau khi khỏi bệnh về lâm sàng cũng áp dụng như đối với trâu, bò.

+ Đối với lợn: tuyệt đối không để làm giống, vận chuyển đi tỉnh khác nuôi thương phẩm, giết mổ; chỉ được nuôi thịt, sau giết mổ tại lò mổ của xã, tiêu thụ trong xã có sự giám sát của cơ quan thú y không để dịch lây lan.

- Cách tiêu huỷ: Tuỳ theo điều kiện của mỗi địa phương mà có thể áp dụng phương pháp đốt hoặc chôn hoặc kết hợp giữa đốt và chôn. Trước khi cho gia súc bị tiêu huỷ xuống hố chôn, đốt phải giết gia súc bằng xung điện hoặc dùng búa đập;

+ Đốt: xếp củi cho gia súc lên trên lớp củi, dùng dầu hoả, dầu đi-ê-gen hoặc ma dút rưới lên lớp củi, châm lửa đốt, sau phun thuốc sát trùng, tiêu độc xung quanh vị trí đốt.

+ Chôn: đào hố sâu ít nhất 2 – 3 m, chiều dài và chiều rộng tuỳ theo số lượng gia súc cần tiêu huỷ, cho gia súc mắc bệnh xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc vôi bột lên bề mặt gia súc và lấp đất khoảng cách từ mặt gia súc chôn đến mặt hố chôn tối thiểu 1 m, nện đất trên bề mặt thật chặt, sau phun thuốc sát trùng, tiêu độc xung quanh vị trí chôn.

+ Kết hợp chôn và đốt là biện pháp thường áp dụng ở nhiều địa phương bằng cách: đào hố sâu ít nhất 2 – 3 m, chiều dài, chiều rộng tuỳ theo số lượng gia súc, xếp củi trên miệng hố, cho gia súc bị tiêu huỷ lên trên lớp củi, đổ dầu hoả, dầu đi-ê-gen hoặc ma dút, đốt, lấp đất nện chặt như chôn, sau phun thuốc sát trùng, tiêu độc xung quanh vị trí chôn.

e) Tiêm phòng vắc xin bao vây (chống dịch)

- Khi xảy ra dịch LMLM , Chi cục Thú y phải khoanh vùng dịch, xác định vùng khống chế để tiêm phòng bao vây ổ dịch,

- Đối với vùng khống chế:

Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho tất cả trâu, bò, lợn, dê, cừu tiêm từ ngoài vào trong.

- Đối với vùng dịch :

Sau khi gia súc được tiêm phòng tại vùng khống chế đã có miễn dịch (đủ 14 ngày sau khi tiêm), tiến hành tiêm cho trâu, bò, lợn, dê, cừu trong vùng dịch (trừ gia súc mắc bệnh đã khỏi về triệu chứng lâm sàng)

- Cán bộ thú y cấp xã kết hợp với chính quyền địa phương thống kê số gia súc cảm nhiễm trong vùng tiêm phòng, chuẩn bị lực lượng tiêm phòng.

Trước khi tiêm phòng, Chi cục Thú y hướng dẫn cho lực lượng tiêm phòng về kỹ thuật tiêm (đối tượng tiêm, vị trí tiêm, liều lượng, quy trình tiêm với nguyên tắt là tiêm từ vùng an toàn vào vùng dịch).

Sau khi tiêm phòng Chi cục Thú y phải cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ vật nuôi, có sổ sách theo dõi gia súc đã được tiêm phòng, số lượng vắc xin đã sử dụng, nơi tiêm phòng, lô vắc xin và phải lưu giữ vỏ vắc xin tiêm phòng, đánh giá kết quả như tiêm phòng định kỳ.

12. Hướng dẫn công bố hết dịch

1. Điều kiện công bố hết dịch:

a) 100% số gia súc thuộc diện tiêm phòng trong vùng có dịch, vùng khống chế đã được tiêm phòng vắc xin đủ 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối cùng.

b) Đã đủ 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng đã khỏi bệnh về triệu chứng lâm sàng hoặc đã được tiêu huỷ hoặc đã được đánh dấu chín (đối với trường hợp trâu, bò không tiêu huỷ) và chủ gia súc có bản cam kết với UBND xã sở tại không vận chuyển ra khỏi xã để tiêu thụ trong 2 năm.

c) Tại vùng có dịch và vùng khống chế đã thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực nuôi, nhốt gia súc bệnh, đường đi lại trong thôn xóm, bãi chăn thả gia súc.

2. Thể thức công bố hết dịch

Sau khi kiểm tra, Chi cục Thú y tỉnh, Trung tâm Thú y vùng lập biên bản kiểm tra có xác nhận của chính quyền địa phương, nếu đủ điều kiện nêu tại điểm 1, Chi cục Thú y tỉnh báo cáo Cục Thú y và Sở Nông nghiệp và PTNT. Sau khi được Cục Thú y đồng ý bằng văn bản thì Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định công bố hết dịch trong phạm vi địa phương.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- Các Trung tâm trực thuộc Cục;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố;
- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Lưu:VT, HCTC.

CỤC TRƯỞNG




Bùi Quang Anh

 

PHỤ LỤC 1

MẪU DẤU CHÍN

 

 

 

PHỤ LỤC 2

SỔ THEO DÕI TRÂU, BÒ MẮC BỆNH VÀ ĐÃ KHỎI BỆNH VỀ LÂM SÀNG ĐỐI VỚI BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG

Tên xã/phường/thị trấn: ...........................................................................

Tên huyện/quận/thị xã/thành phố:............................................................

Tên tỉnh/thành phố thuộc trung ương:......................................................

Họ và tên người theo dõi gia súc của xã:.................................................

STT

Họ và tên chủ gia súc

Địa chỉ của chủ gia súc

Ngày, tháng, năm trâu bò

Nơi cách ly trâu bò

triệu chứng lâm sàng

Khỏi bệnh về triệu chứng lâm sàng

Được đóng dấu chín

Thí dụ: 1

Nguyễn Văn A

Thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội

14/5/2006

30/5/2006

31/5/2006

Nuôi nhốt tại gia đình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

BẢN CAM KẾT

Họ và tên chủ gia súc:

Địa chỉ của chủ gia súc:

STT

Loại gia súc

Số lượng (con)

Ngày, tháng, năm trâu bò

Nơi cách ly trâu bò

triệu chứng lâm sàng

Khỏi bệnh về lâm sàng

Được đóng dấu chín

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi xin cam kết với Uỷ ban nhân dân xã/phường ……………………….. huyện/quận/thị xã ……………….. tỉnh/thành phố ………………… như sau:

Nuôi cách ly và không bán trâu, bò ra khỏi xã, phường trong thời gian 2 năm, nếu giết mổ trâu, bò sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

Ngày tháng năm
Chủ tịch UBND xã, phường
(Ký và ghi rõ ho tên, đóng dấu)

Ngày tháng năm
Chủ gia súc
(Ký và ghi rõ ho tên)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 752/TY-DT quy định về phòng chống bệnh lở mồm long móng cho gia súc do Cục Thú y ban hành

  • Số hiệu: 752/TY-DT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 16/06/2006
  • Nơi ban hành: Cục Thú y
  • Người ký: Bùi Quang Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản