Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH TIỀN GIANG
SỞ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 535/HD-SCT

Mỹ Tho, ngày 21 tháng 08 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ÁP DỤNG SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 16/7/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-BCN ngày 10/7/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp,

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang hướng dẫn một số nội dung về áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, như sau:

I. Quy định chung

1. Phạm vi áp dụng:

Hướng dẫn này hướng dẫn một số nội dung về áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Khái niệm về sản xuất sạch hơn:

Sản xuất sạch hơn (Cleaner Production - CP) là công cụ giúp doanh nghiệp tìm ra phương thức sử dụng các nguyên nhiên vật liệu, năng lượng và nước một cách tối ưu, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí hoạt động, phế thải và ô nhiễm môi trường.

- Đối với quá trình sản xuất: sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại; giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

- Đối với sản phẩm: sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

- Đối với dịch vụ: sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Bằng cách khảo sát các quy trình sản xuất một cách có hệ thống, từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra, sản xuất sạch hơn có thể giúp doanh nghiệp đề ra những giải pháp tiết kiệm rất thực tế (từ dễ đến khó), để từ đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường.

Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là:

+ Giảm thiểu chất thải;

+ Phòng ngừa ô nhiễm;

+ Năng suất xanh.

Về cơ bản, các khái niệm này đều giống với sản xuất sạch hơn; đều cùng có ý tưởng cơ sở là làm cho các doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả hơn và ít ô nhiễm hơn.

II. Nội dung về áp dụng sản xuất sạch hơn

1. Các bước áp dụng sản xuất sạch hơn:

Bước 1: Bắt đầu

- Thành lập đội sản xuất sạch hơn của doanh nghiệp

- Mô tả quá trình sản xuất tổng quát

- Xác định các quá trình gây lãng phí

Bước 2: Phân tích các bước công nghệ

- Lập sơ đồ quy trình công nghệ chi tiết

- Tính toán cân bằng vật chất và năng lượng

- Tính toán chi phí theo dòng thải

- Xác định các nguyên nhân gây thải và lãng phí

Bước 3: Đề xuất các cơ hội sản xuất sạch hơn

- Hình thành các cơ hội sản xuất sạch hơn

- Sàng lọc các cơ hội sản xuất sạch hơn

Bước 4: Lựa chọn các giải pháp sản xuất sạch hơn

- Đánh giá khả thi về mặt kỹ thuật

- Đánh giá khả thi về mặt kinh tế

- Đánh giá khả thi về mặt môi trường

- Lựa chọn giải pháp để thực hiện

Bước 5: Thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn

- Chuẩn bị thực hiện

- Thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn

- Giám sát và đánh giá kết quả

Bước 6: Duy trì sản xuất sạch hơn

- Duy trì các giải pháp sản xuất sạch hơn

- Lựa chọn trọng tâm đánh giá sản xuất sạch hơn tiếp theo

Các bước trên ban đầu có thể được hỗ trợ thực hiện bởi các đơn vị tư vấn có chức năng được quy định.

2. Các giải pháp sản xuất sạch hơn:

- Tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất, hay còn gọi là kiểm soát nội vi;

- Đảm bảo các điều kiện sản xuất tối ưu từ quan điểm chất lượng sản phẩm, sản lượng, tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra;

- Tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay thế khác;

- Cải tiến thiết bị để cải thiện quá trình sản xuất;

- Lắp đặt thiết bị sản xuất có hiệu quả;

- Thiết kế lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ.

3. Các lợi ích của sản xuất sạch hơn:

- Cải thiện hiệu suất sản xuất;

- Sử dụng nguyên nhiên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn;

- Tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị;

- Giảm ô nhiễm;

- Giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải;

- Tạo nên hình ảnh về mình tốt hơn;

- Cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn.

III. Một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn

- Hỗ trợ tham gia các đào tạo, tập huấn, hội thảo về sản xuất sạch hơn do Sở Công Thương tổ chức; cung cấp các tài liệu, kết quả nghiên cứu sản xuất sạch hơn.

- Hỗ trợ từ nguồn Quỹ Khuyến công tỉnh cho việc đầu tư sản xuất với công nghệ sản xuất sạch hơn, dự án trình diễn về áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm toán năng lượng theo quy định.

- Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cho việc áp dụng sản xuất sạch hơn (nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp môi trường, Quỹ tín dụng xanh…).

IV. Tổ chức thực hiện

1. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp:

- Xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn; chủ động đầu tư, từng bước nghiên cứu, áp dụng các giải pháp quản lý sản xuất, cải tiến công nghệ, thiết bị để đạt hiệu quả cao hơn; định kỳ tổng kết, tự đánh giá hiệu quả việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất.

- Từng bước tổ chức xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO.14000; đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, áp dụng ghi nhãn tiết kiệm năng lượng đối với hàng hóa, sản phẩm theo quy định.

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp mình;

2. Các phòng, trung tâm thuộc Sở:

- Tăng cường công tác tuyên truyền để giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và đúng đắn về sản xuất sạch hơn, đặc biệt là các lợi ích của chúng.

- Nghiên cứu, hướng dẫn về việc lựa chọn các giải pháp sản xuất sạch hơn và kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc áp dụng ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo về sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn; đầu tư sản xuất với công nghệ sản xuất sạch hơn, các máy và trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao; dự án trình diễn về áp dụng sản xuất sạch hơn; kiểm toán năng lượng; tư vấn về tiếp cận các nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện sản xuất sạch hơn.

3. Phòng Công Thương huyện; Phòng Kinh tế thành phố, thị xã

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung việc áp dụng sản xuất sạch hơn đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

- Tham gia kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn về sản xuất sạch hơn, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; các phòng, trung tâm thuộc Sở; Phòng Công Thương các huyện; Phòng Kinh tế thành phố, thị xã tổ chức triển khai, thực hiện ./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Đặng Thanh Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 535/HD-SCT năm 2008 về áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 535/HD-SCT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 21/08/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Đặng Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản