Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UBND TỈNH NGHỆ AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/HD-SNV | Nghệ An, ngày 01 tháng 04 năm 2016 |
HƯỚNG DẪN
SỬ DỤNG CÁC LOẠI BIÊN BẢN, BIỂU MẪU PHỤC VỤ CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021
Để việc sử dụng, lập biên bản, biểu mẫu thống kê tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thuận lợi và thống nhất trong toàn tỉnh; Sở Nội vụ hướng dẫn một số nội dung cần lưu ý trong quá trình lập các loại biên bản, biểu mẫu phục vụ công tác bầu cử như sau:
1. Danh sách cử tri: (Mẫu số 30/BCĐBQH & BCĐBHĐND - Do sở Nội vụ in và cấp phát)
Việc lập danh sách cử tri thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30, 31 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Danh sách cử tri do UBND xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu hoặc Ban chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang lập theo khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri của mỗi khu vực bỏ phiếu cần lập thành 03 bộ; 01 bộ dùng để niêm yết, 01 bộ dự phòng và 01 bộ dùng đối chiếu với cử tri đi bầu trong ngày bầu cử. Danh sách cử tri được niêm yết công khai tại khu vực bỏ phiếu hoặc những điểm công cộng để thuận lợi cho mọi công dân kiểm tra, đối chiếu với các thông tin cá nhân được ghi trong danh sách cử tri. Trong quá trình niêm yết nếu danh sách cử tri bị hư hỏng, rách nát ... cần phải được thay thế kịp thời.
Danh sách cử tri được lập theo từng khu vực bỏ phiếu, phải ghi đầy đủ họ tên, chữ đệm; họ tên cử tri xếp theo hộ gia đình (hoặc theo đơn vị vũ trang nhân dân). Tên chủ hộ xếp lên đầu; các hộ xếp theo thứ tự từ đầu xóm đến cuối xóm (ở nông thôn), từ đầu phố đến cuối phố (ở thành thị) hoặc thứ tự thích hợp theo địa hình của từng địa phương.
Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử được thực hiện theo Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Mỗi công dân Việt Nam có ngày sinh từ 22/5/1998 trở về trước đều có quyền bầu cử (ngoại trừ các trường hợp không được tham gia bầu cử theo Luật quy định).
Danh sách cử tri lập trước khi cấp thẻ cử tri; Số thứ tự trong danh sách cử tri trùng với số thẻ của cử tri, đảm bảo thuận tiện cho việc theo dõi cử tri đi bầu trong ngày bầu cử.
Cuối danh sách cử tri, Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu.
2. Thẻ cử tri: (Mẫu số 11/BCĐBQH & BCĐBHĐND - Do sở Nội vụ in và cấp phát)
Căn cứ vào danh sách cử tri; các xã, phường, thị trấn hoặc Ban chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang tiến hành lập thẻ cử tri theo khu vực bỏ phiếu và cấp cho cử tri trước ngày bỏ phiếu. Số ghi trên thẻ cử tri là số thứ tự của cử tri trong danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng.
Trong ngày bầu cử, sau khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào mặt trước của Thẻ cử tri.
3. Danh sách nhũng người ứng cử
Danh sách những người ứng cử được lập theo từng đơn vị bầu cử.
Tên của các ứng cử viên phải được xếp theo thứ tự a, b, c...
Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh do sở Nội vụ in ấn cấp phát; Danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do UBBC cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm in ấn cấp phát.
3.1. Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở đơn vị bầu cử số…….. (Mẫu số 19/BCĐBQH)
Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử tỉnh lập và công bố theo từng đơn vị bầu cử.
3.2. Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND …….. khóa …. nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Mẫu số 24/BCĐBHĐND)
Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp nào do Ủy ban bầu cử cấp đó lập và công bố theo từng đơn vị bầu cử; Danh sách những người ứng cử phải được Chủ tịch UBBC ký tên, đóng dấu theo từng cấp tương ứng.
4. Biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: (Mẫu số 31/BCĐBQH & BCĐBHĐND - Do sở Nội vụ in và cấp phát)
Mẫu này dùng cho Tổ bầu cử kiểm kê số phiếu không sử dụng đang còn dư ở cả bốn cấp (Quốc hội, tỉnh, huyện, xã); Biên bản phải được lập trước khi mở hòm phiếu và lập chung cả bốn cấp trong 1 biên bản;
Ở cuối biên bản ghi rõ nơi lập biên bản, Tổ trưởng Tổ bầu cử ký tên đóng dấu 02 đại diện cử tri (biết chữ) chứng kiến và Thư ký Tổ bầu cử ký tên và ghi rõ họ tên; Biên bản lập thành 06 bản, 01 bản gửi Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 01 bản gửi Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 01 bản gửi Ban bầu cử đại biểu HĐND huyện, 01 bản gửi Ban bầu cử đại biểu HĐND xã, 01 gửi UBND xã và 01 bản gửi Ban Thường trực UBMTTQ cấp xã (kèm theo số phiếu còn dư, phiếu hỏng đã niêm phong).
5. Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của Tổ bầu cử (Do sở Nội vụ in và cấp phát)
Sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu xong, phiếu bầu được bỏ vào thùng phiếu, niêm phong và giao cho UBND cấp xã quản lý, bảo quản. Tuyệt đối không được tự hủy phiếu bầu trước khi kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và HĐND khóa mới kết thúc.
Các biên bản khi gửi có đính kèm theo đơn và biên bản giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có).
5.1. Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIV của Tổ bầu cử: (Mẫu số 20/BCĐBQH)
Mẫu này dùng cho Tổ bầu cử lập để ghi lại kết quả bầu cử ĐBQH; Biên bản phải ghi đầy đủ các nội dung đã in trong biên bản; không được sửa chữa, tẩy xóa trong biên bản.
Biên bản được lập thành 03 bản: 01 bản gửi đến Ban bầu cử ĐBQH, 01 bản gửi đến UBND cấp xã, 01 bản gửi đến Ban thường trực UBMTTQ cấp xã.
5.1. Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND ……. khóa …… nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tổ bầu cử (Mẫu số 25/BCĐBHĐND)
Mẫu này dùng cho Tổ bầu cử lập để ghi lại kết quả bầu cử ĐBHĐND các cấp; Biên bản phải ghi đầy đủ các nội dung đã in trong biên bản; không được sửa chữa, tẩy xóa trong biên bản.
Biên bản được lập thành 03 bản (mỗi cấp 03 bản: tỉnh, huyện, xã) để gửi: Ban bầu cử đại biểu HĐND (tỉnh, huyện, xã), 01 bản gửi đến UBND cấp xã, 01 bản gửi đến Ban thường trực UBMTTQ cấp xã.
6. Biên bản xác định kết quả bầu cử ... ở đơn vị bầu cử
Khi lập biên bản xác định kết quả bầu cử, Ban bầu cử phải ghi đầy đủ các nội dung đã in trong biên bản; không được sửa chữa, tẩy xóa trong biên bản.
Trước khi lập biên bản xác định kết quả bầu cử, Ban bầu cử cần kiểm tra việc kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu của Tổ bầu cử ở từng khu vực bỏ phiếu.
Các biên bản khi lập xong và có đính kèm theo đơn và biên bản giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có).
6.1. Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở đơn vị bầu cử số.... (Mẫu số 21/BCĐBQH)
Biên bản này do Ban bầu cử tại các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội lập theo mẫu quy định; Biên bản lập thành 03 bản: 01 bản gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia, 01 bản gửi UBBC tỉnh, 01 bản gửi UBMTTQVN tỉnh.
Thời gian gửi: chậm nhất là năm ngày sau ngày bầu cử.
6.2. Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu HĐND.... ở đơn vị bầu cử số... (Mẫu số 26/BCĐBHĐND)
Biên bản này do Ban bầu cử tại các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND (tỉnh, huyện, xã) lập thành 04 bản: 01 bản gửi UBBC, 01 bản gửi Thường trực HĐND, 01 bản gửi UBND, 01 bản gửi Ban Thường trực UBMTTQ cùng cấp.
Thời gian gửi: chậm nhất là năm ngày sau ngày bầu cử.
7. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND …. khóa .... nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Mẫu số 27/BCĐBHĐND)
Mẫu này dùng cho UBBC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lập.
Danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị bầu cử ghi trong biên bản tổng kết cuộc bầu cử, được xếp theo thứ tự từ người có số phiếu cao đến người có số phiếu thấp.
Biên bản phải ghi đầy đủ các nội dung đã in theo mẫu; không được sửa chữa, tẩy xóa trong biên bản; Biên bản được lập thành 06 bản:
Đối với Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã thì gửi đến: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN cùng cấp và cấp trên trực tiếp.
Đối với Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì gửi đến: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN cùng cấp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
8. Danh sách những người trúng cử
Danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (Mẫu số 23/BCĐBQH) do Ban bầu cử của đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội lập và gửi kèm theo Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở đơn vị bầu cử số .... (Mẫu số 21/BCĐBQH).
Danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp (Mẫu số 28/BCĐBHĐND) do UBBC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lập và gửi kèm theo Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu HĐND.... ở đơn vị bầu cử số ... (Mẫu số 26/BCĐBHĐND).
9. Tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu HĐND …… khóa …… nhiệm kỳ 2016 - 2021: (Mẫu số 29/BCĐBHĐND)
Mẫu này dùng cho UBBC các cấp lập để tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử gửi kèm theo Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND …… khóa .... nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Mẫu số 27/BCĐBHĐND) và gửi 01 bản về Sở Nội vụ.
10. Thống kê cơ cấu chất lượng đại biểu HĐND
Dùng cho UBND các cấp lập để thống kê cơ cấu, chất lượng đại biểu HĐND các cấp để báo cáo lên UBND cấp trên trực tiếp và Sở Nội vụ.
11. Một số lưu ý trong quá trình tổ chức, triển khai, thực hiện:
- Khi niêm yết tiểu sử tóm tắt ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cần sắp xếp theo thứ tự vần a, b, c... theo thứ tự của danh sách những người ứng cử (sắp xếp từ trên xuống dưới hoặc từ trái sang phải nhìn từ ngoài vào).
- Trong quá trình chuẩn bị trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử, Ban bầu cử, UBBC nên điền trước họ tên thành viên vào các mẫu biên bản, đảm bảo tiến độ thời gian lập biên bản sau khi kết thúc cuộc bầu cử.
- Các loại biểu mẫu, biên bản không in sẵn, các đơn vị chủ động đánh máy theo mẫu trước để quá trình tổng hợp nhanh và thuận lợi (Sở Nội vụ sẽ gửi các biểu mẫu vào địa chỉ mail phòng Nội vụ các huyện, thành, thị).
- Việc sử dụng con dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử đóng vào các biên bản, biểu mẫu theo nguyên tắc: các biên bản, biểu mẫu ghi tên tổ chức nào người có trách nhiệm của tổ chức đó ký ghi rõ họ và tên, đóng dấu.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, đề nghị các địa phương liên hệ Sở Nội vụ để xem xét giải quyết./.
| GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 237/QĐ-UBND-HC năm 2016 về quy định mức chi phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 2Quyết định 550/QĐ-UBND năm 2016 thành lập các Ban bầu cử để phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 3Quyết định 783/QĐ-UBND về tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2016 để chi phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 1Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015
- 2Quyết định 237/QĐ-UBND-HC năm 2016 về quy định mức chi phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 3Quyết định 550/QĐ-UBND năm 2016 thành lập các Ban bầu cử để phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 4Quyết định 783/QĐ-UBND về tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2016 để chi phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
Hướng dẫn 52/HD-SNV năm 2016 về sử dụng biên bản, biểu mẫu phục vụ công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An ban hành
- Số hiệu: 52/HD-SNV
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 01/04/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Đậu Văn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra