Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 46-HD/VPTW

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

TỔNG HỢP Ý KIẾN GÓP Ý VÀO CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng như sau:

I- Mục đích, yêu cầu, nội dung tổng hợp

1- Mục đích

Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Việc tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước; thông qua đó phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; giúp các cấp ủy nắm được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2- Yêu cầu

Bám sát nội dung gợi ý thảo luận của Trung ương đối với từng văn kiện và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy; tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Ý kiến thảo luận phải được phân định, sắp xếp và tổng hợp theo nhóm nội dung các vấn đề đã được hướng dẫn thảo luận và trình tự tiêu đề trong mỗi dự thảo văn kiện.

Bản tổng hợp vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể, thể hiện đúng tinh thần của các ý kiến và làm rõ xu hướng của các loại ý kiến đối với vấn đề thảo luận; nêu rõ lập luận của những ý kiến cá biệt có nội dung sâu sắc nhưng không bình luận, nhận xét theo ý kiến chủ quan của người tổng hợp.

- Mỗi cấp ủy lập một báo cáo tổng hợp ý kiến của đại hội đảng bộ cấp mình và ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng; trong đó mỗi văn kiện được tổng hợp thành một mục riêng. Báo cáo tổng hợp ý kiến sau khi được đại hội đảng bộ thông qua gửi lên cấp ủy cấp trên trực tiếp chậm nhất sau 10 ngày kể từ khi kết thúc đại hội.

3- Nội dung tổng hợp

Tổng hợp theo nội dung hướng dẫn của Trung ương cho từng dự thảo văn kiện. Cần tập trung nêu những vấn đề lớn, quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với những ý kiến góp ý ngoài nội dung hướng dẫn, nhưng có đề cập trong văn kiện thì tổng hợp theo trình tự bố cục của từng văn kiện.

Những ý kiến góp ý vào văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp được tổng hợp riêng theo hướng dẫn của cấp ủy các cấp.

II- Phương pháp tổng hợp

1- Bố cục bản tổng hợp

Bản tổng hợp gồm 3 phần:

1.1 – Phần nhận xét chung (có thể không cần tiêu đề): Nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận (có hay không sôi nổi, trao đổi, tranh luận…); xu hướng chung (nhất trí, không nhất trí…); nhận xét về quá trình chuẩn bị văn kiện, chất lượng văn kiện (tính công phu, nghiêm túc, nội dung, bố cục…).

1.2- Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung

Tổng hợp từng vấn đề theo trình tự bố cục của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Trung ương có hướng dẫn tập trung thảo luận một số vấn đề chung, trọng tâm thì tổng hợp theo nhóm vấn đề như trong hướng dẫn, sau đó vẫn phải tổng hợp theo từng văn kiện. Trong phần này nếu có ý kiến góp ý, nhận xét chung cho dự thảo văn kiện thì có phần những vấn đề chung, trước khi tổng hợp ý kiến của từng vấn đề theo trình tự bố cục của các dự thảo văn kiện. Tương tự, trong mỗi vấn đề nếu có ý kiến góp ý chung thì tổng hợp những ý kiến chung trước khi nêu những góp ý cụ thể cho vấn đề đó.

1.3- Phần đề xuất, kiến nghị

Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những vấn đề có liên quan đến nội dung văn kiện, quá trình chuẩn bị Đại hội và cách lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện…

2- Xác định số lượng và mức độ ý kiến

2.1- Số lượng ý kiến

Để việc tổng hợp được chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp, cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với số đại biểu tham dự.

Đối với đại hội hoặc hội nghị chi bộ: Nêu cụ thể số đảng viên tham dự, số lượng ý kiến phát biểu.

Đối với đại hội đảng bộ cấp trên, ngoài tổng hợp số lượng ý kiến phát biểu còn phải tổng hợp số lượng ý kiến được tập hợp từ báo cáo của cấp ủy cấp dưới trực tiếp.

Đối với ý kiến của các tầng lớp nhân dân phải lượng hóa được số người tham gia ý kiến qua các hội nghị lấy ý kiến của các đoàn thể và số đơn, thư của nhân dân tham gia ý kiến gửi đến cấp ủy.

2.2- Mức độ ý kiến

Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hóa, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau.

Đối với chi bộ và đảng bộ cơ sở, cần tổng hợp rõ số lượng các loại ý kiến (đồng ý, không đồng ý…).

Đối với đảng bộ cấp trên cơ sở, tùy điều kiện cụ thể về số lượng đại biểu, số lượng tổ chức đảng, cơ sở đảng để tổng hợp theo số lượng ý kiến (nếu xác định rõ số lượng) hoặc đánh giá theo các mức độ sau:

“Hầu hết ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng 3/4 trở lên số ý kiến có cùng chính kiến.

“Đa số ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng trên 1/2 đến dưới 3/4 số ý kiến có cùng chính kiến.

- “Nhiều ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng trên 1/4 đến dưới 1/2 số ý kiến có cùng chính kiến.

- “Một số ý kiến”: Sử dụng khi có dưới 1/4 số ý kiến có cùng chính kiến.

- “Có ý kiến”: Sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó.

Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp. Đối với những vấn đề cần lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết.

3- Những vấn đề phải phản ánh nguyên văn

Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ràng ở dòng, đoạn, trang nào trong văn kiện. Đối với những ý kiến góp ý có lập luận sâu sắc khác với dự thảo văn kiện, cần được ghi lại đầy đủ, chính xác.

4- Trình tự tổng hợp và trách nhiệm tổng hợp

4.1 – Tổng hợp ý kiến thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp:

Trình tự tổng hợp được thực hiện thứ tự từ đại hội, hội nghị chi bộ, đảng bộ cơ sở lên đảng bộ quận, huyện và tương đương, đảng bộ tỉnh, thành phố.

Đảng bộ cơ sở: Tổng hợp ý kiến của các chi bộ, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và ý kiến thảo luận tại đại hội gửi ban chấp hành đảng bộ quận, huyện và tương đương.

- Đảng bộ quận, huyện và tương đương: Tổng hợp ý kiến của đảng bộ cơ sở, ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ý kiến thảo luận tại đại hội gửi ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố.

Tỉnh ủy, thành ủy: Tổng hợp ý kiến của đảng bộ quận, huyện và tương đương, ý kiến của hội nghị cán bộ, ý kiến của các đoàn thể, cán bộ lão thành cách mạng, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thành phố và ý kiến thảo luận tại đại hội.

Các đảng ủy trực thuộc Trung ương: Tổng hợp ý kiến thảo luận tại đại hội, ý kiến của các tổ chức đảng trực thuộc.

- Các đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp Trung ương: Tổng hợp ý kiến thảo luận tại đại hội, ý kiến của các đảng bộ trực thuộc khối.

Bản tổng hợp ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Trung ương gửi Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng).

4.2- Tổng hợp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và tầng lớp nhân dân: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức lấy ý kiến theo hệ thống dọc và mỗi đoàn thể có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, gửi về Ban Dân vận Trung ương.

Ban Dân vận Trung ương tổng hợp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp (gồm cả các hội nghị do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức).

Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân qua báo chí, thư gửi trực tiếp đến Trung ương.

Bản tổng hợp ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương gửi Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng) trước ngày 01-12-2015.

4.3- Tổng hợp ý kiến thảo luận các đại biểu Quốc hội

Đảng đoàn Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu Quốc hội gửi Bộ Chính trị (qua Văn phòng Trung ương Đảng) trước ngày 01-12-2015.

4.4- Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ ý kiến đã được các tỉnh ủy, tỉnh ủy và các ban đảng, Đảng đoàn Quốc hội, đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổng hợp để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

III – Tổ chức thực hiện

1- Cấp ủy các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể để phân công, bố trí cán bộ làm công tác tổng hợp theo đúng Thông báo kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng.

2- Trong quá trình tổng hợp ý kiến, nếu có vấn đề gì chưa rõ, cần phản ánh kịp thời để Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh.

 

 

CHÁNH VĂN PHÒNG




Trần Quốc Vượng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 46-HD/VPTW năm 2015 tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 46-HD/VPTW
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 09/02/2015
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trần Quốc Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản