Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4422/HD-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

NGHI THỨC TỔ CHỨC TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG VÀ DANH HIỆU THI ĐUA

Căn cứ Luật Thi đua Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài;

Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nghi thức tổ chức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tuyên dương công lao của tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Giáo dục và động viên tập thể, cá nhân khác học tập, noi theo.

- Tôn vinh sự kiện, tôn vinh phần thưởng của Đảng, Nhà nước.

2. Yêu cầu:

- Nghi thức tổ chức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua phải đảm bảo an toàn, trang trọng.

- Thực hành tiết kiệm, không phô trương hình thức, gây lãng phí, tốn kém.

II. NGUYÊN TẮC TIẾN HÀNH LỄ TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG VÀ DANH HIỆU THI ĐUA

1. Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua mà kết hợp tổ chức tại Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác năm, Đại hội Thi đua yêu nước, Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của ngành, đơn vị (trừ trường hợp trao tặng hình thức khen thưởng đối với thành tích xuất sắc đột xuất và khen thưởng thành tích kháng chiến).

2. Chỉ công bố, trao tặng và đón nhận một lần đối với mỗi Quyết định khen thưởng. Không tổ chức diễu hành hoặc đón rước từ cấp này, địa điểm này đến cấp khác, địa điểm khác.

3. Đại diện lãnh đạo tập thể được khen thưởng trực tiếp đón nhận quyết định khen thưởng, hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua của tập thể. Cá nhân được khen thưởng trực tiếp đón nhận quyết định khen thưởng, hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua. Trường hợp truy tặng, đại diện gia đình của người được truy tặng nhận thay.

4. Trao tặng hình thức khen thưởng trước, danh hiệu thi đua sau; trao tặng từ hình thức khen thưởng cao đến hình thức khen thưởng thấp. Trường hợp cùng một hình thức khen thưởng thì trao tặng cho tập thể trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau.

Trong trường hợp số lượng tập thể, cá nhân được trao tặng nhiều thì tổ chức từng đợt. Quy định số thứ tự và vị trí cho từng người trên lễ đài hoặc sân khấu để trao đúng người, tránh nhầm lẫn, lộn xộn khi trao tặng.

5. Trong khi công bố, trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, người tặng hoa, quay phim, chụp hình trên lễ đài phải tuân theo hướng dẫn của Ban tổ chức.

III. TRÌNH TỰ CÁC KHÂU CHUẨN BỊ VÀ TỔ CHỨC LỄ TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG VÀ DANH HIỆU THI ĐUA:

1. Xin ý kiến tổ chức:

Sau khi có Quyết định khen thưởng đối với Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, Danh hiệu vinh dự Nhà nước, Thủ trưởng đơn vị có Tờ trình về tổ chức đón nhận (kết hợp với tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác năm, Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến) trình Bộ trưởng (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Sau khi có ý kiến nhất trí của Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn các đơn vị tổ chức lễ trao tặng, đón nhận.

2. Công tác tổ chức:

a) Các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua do Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng:

Tùy theo cấp độ, hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; đối tượng, số lượng được trao tặng, Thủ trưởng đơn vị quyết định công tác tổ chức phù hợp, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.

* Tổ chức trong Hội trường:

- Treo Quốc kỳ hoặc Quốc kỳ và Đảng kỳ về phía bên trái của lễ đài; Quốc kỳ ở bên phải, Đảng kỳ ở bên trái (nhìn từ phía dưới lên).

- Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới Quốc kỳ hoặc phía dưới giữa Quốc kỳ và Đảng kỳ. Trường hợp Cờ được treo trên cột thì tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía dưới lên).

- Tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương trên nền phông về phía bên phải lễ đài. Nếu kết hợp trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng hoặc danh hiệu thi đua phải ghi đầy đủ tên hình thức khen thưởng hoặc danh hiệu thi đua cao nhất được đón nhận.

- Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lẵng hoa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ tặng (nếu có) được đặt ở vị trí trang trọng; không đặt nhiều lẵng hoa, cây cảnh trên lễ đài.

- Khẩu hiệu của buổi lễ được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do Ban Tổ chức quyết định;

- Bên ngoài hội trường treo Quốc kỳ ở vị trí trang trọng, cờ trang trí, băng khẩu hiệu, tạo cảnh quan phù hợp với buổi lễ.

- Khách mời được bố trí ngồi theo thứ tự từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.

* Tổ chức ngoài trời:

- Buổi lễ ngoài trời được tổ chức tại quảng trường, sân vận động hoặc một địa điểm trang trọng khác do Ban Tổ chức quyết định.

- Lễ đài được thiết kế vững chắc, trang trí tương tự như tổ chức trong hội trường.

* Cờ truyền thống

- Cờ truyền thống được may bằng vải; hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài.

- Bảo đảm thuần phong mỹ tục văn hóa Việt Nam, không trái với quy định của pháp luật.

* Khách mời:

- Tùy tính chất, quy mô buổi lễ, Ban Tổ chức mời khách trong phạm vi phù hợp với mục đích, yêu cầu buổi lễ; tránh phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém; hạn chế mời nhiều khách từ các địa phương về Trung ương và ngược lại.

- Trường hợp khách mời là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo Bộ để Bộ gửi giấy mời.

* Trang phục:

- Trang phục của thành viên Ban Tổ chức, đại biểu, khách mời, cán bộ công nhân viên chức và người lao động dự lễ lịch sự, phù hợp với lễ phục truyền thống.

- Khuyến khích khách mời, đại biểu, cán bộ công nhân viên chức và người lao động dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng ngành.

- Không dùng phù hiệu, "nơ", hoa cài ngực. Khuyến khích khách mời, đại biểu, cán bộ công nhân viên chức và người lao động dự lễ đeo huân chương, huy chương. Chỉ sử dụng phù hiệu đối với thành viên Ban Tổ chức.

* Biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi:

- Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật thì chương trình phải phù hợp với nội dung buổi lễ; thời gian biểu diễn không quá 30 phút và phải được ghi rõ trong giấy mời.

- Không dùng tiền ngân sách nhà nước để làm quà tặng. Trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền mới tổ chức chiêu đãi, tặng quà lưu niệm. Quà lưu niệm phải đảm bảo tính thiết thực, có ý nghĩa, tiết kiệm và được trao sau khi kết thúc buổi lễ.

b) Các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký quyết định:

Sau khi nhận được Quyết định khen thưởng, Thủ trưởng các đơn vị chủ động lập kế hoạch, tổ chức công bố, trao tặng cho các tập thể và cá nhân đơn vị được khen thưởng, bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc tổ chức trao tặng.

3. Nghi thức công bố, trao tặng và đón nhận khen thưởng:

a) Công bố Quyết định khen thưởng:

- Đại diện lãnh đạo của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng hoặc của đơn vị tổ chức buổi lễ công bố toàn văn quyết định khen thưởng.

- Quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước:

+ Khen thưởng đối với tập thể: Trước khi công bố, người công bố mời Đội cờ truyền thống (nếu có), đại diện cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc đại diện các thế hệ lãnh đạo của tập thể được khen thưởng lên lễ đài để nghe công bố Quyết định và đón nhận khen thưởng;

+ Khen thưởng đối với cá nhân: Trước khi công bố, người công bố mời cá nhân được khen thưởng lên lễ đài để nghe công bố Quyết định và đón nhận khen thưởng.

- Quyết định khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Công bố xong, người công bố mời đại diện lãnh đạo của tập thể (hoặc cá nhân) có tên trong Quyết định khen thưởng lên lễ đài để đón nhận hình thức khen thưởng hoặc danh hiệu thi đua.

b) Trao tặng:

- Người trao là đại diện của lãnh đạo tham dự buổi lễ; người trao tặng đúng ở vị trí trung tâm của lễ đài.

- Trao theo thứ tự gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) trước; sau đó trao Bằng, trao Cờ Anh hùng (đối với tập thể được đón nhận danh hiệu Anh hùng).

- Đối với tập thể có Cờ truyền thống; Người trao tặng gắn Huân chương (hoặc Huy hiệu kèm theo danh hiệu) lên góc cao Cờ Truyền thống. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy hiệu kèm theo danh hiệu) trên Cờ truyền thống được thực hiện theo thứ tự hạng từ cao xuống thấp.

- Đối với tập thể không có Cờ truyền thống: Người trao trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy hiệu kèm theo danh hiệu) lên góc cao bên trái của Bằng.

- Trao tặng cho cá nhân: Người trao tặng gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) lên phía trái ngực áo người đón nhận, sau đó trao Bằng. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) trên ngực áo được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp.

- Truy tặng: Người trao trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) cho đại diện gia đình cá nhân được truy tặng.

c) Đón nhận:

- Đón nhận các hình thức khen thưởng do Chủ tịch nước ký quyết định: Người đón nhận khen thưởng đứng nghiêm theo hàng ngang tại vị trí trung tâm trên lễ đài nghe công bố Quyết định và đón nhận khen thưởng.

- Đón nhận các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Quyết định: Người đón nhận khen thưởng được mời lên vị trí trung tâm của lễ đài để đón nhận.

- Khi đón nhận Bằng (hoặc Cờ), người đón nhận khen thưởng nâng Bằng hoặc Cờ cao ngang ngực, giữ nguyên tư thế cho đến khi rời khỏi lễ đài.

- Trong trường hợp cần thiết, đại diện tập thể (cá nhân) được khen thưởng phát biểu ý kiến sau khi đón nhận khen thưởng.

d) Người phục vụ nghi thức trao:

- Trang phục:

* Nữ: Áo dài truyền thống;

* Nam: Com lê, thắt cà vạt hoặc áo sơ mi dài tay, thắt cà vạt.

- Không quay lưng về phía người dự; đứng phía sau, bên phải người trao tặng khi đưa Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu, Bằng, Cờ) cho người trao.

- Đặt Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu, Kỷ niệm chương, Bằng) trong khay phủ vải đỏ; đưa Cờ bằng hai tay cho người trao; Bằng phải được lồng trong khung.

đ) Lưu ý:

Không tổ chức trao tặng cho tập thể, cá nhân Bằng khen, Huân, Huy chương không có khung; chỉ tổ chức trao trực tiếp cho tập thể và cá nhân, không nhận thay (trừ trường hợp truy tặng).

IV. THẨM QUYỀN TRAO TẶNG:

1. Đối với hình thức khen thưởng và danh hiệu Thi đua của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng, Thứ trưởng, hoặc trong trường hợp đặc biệt Bộ trưởng ủy quyền trao tặng.

2. Đối với các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Bộ ủy quyền cho Thủ trưởng các đơn vị tổ chức công bố, trao tặng cho tập thể, cá nhân thuộc đơn vị được khen thưởng. Trước khi tổ chức, đơn vị thông báo cho Vụ Tổ chức cán bộ (Phòng Thi đua, Khen thưởng) biết để theo dõi, phối hợp.

3. Bộ tổ chức trao tặng hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua kết hợp tại Hội nghị Tổng kết năm của Bộ:

- Huân chương cho Lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ.

- Cờ Thi đua của Bộ cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước, sự nghiệp thuộc Bộ.

4. Đối với các hình thức khen thưởng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài: Bộ trưởng, Thứ trưởng trao hoặc Bộ trưởng ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với từng trường hợp cụ thể.

5. Bộ trưởng ủy quyền cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" cho các tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở.

6. Đối với hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua do Bộ, Ban ngành khác tặng cho tập thể, cá nhân các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ: Thủ trưởng đơn vị chủ động xin ý kiến cơ quan ra quyết định trao tặng để tổ chức trao tặng cho tập thể, cá nhân thuộc đơn vị được khen thưởng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng giám đốc Tổng công ty Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch các Hội, Hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ quán triệt và tổ chức thực hiện theo nội dung hướng dẫn này.

2. Vụ Tổ chức cán bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng việc thực hiện của các cơ quan đơn vị đối với việc tổ chức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề cần thông tin, trao đổi hoặc đề xuất, bổ sung sửa đổi, đề nghị phản ánh về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các thành viên HĐTĐKT Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị, DN thuộc Bộ;
- Các Hội, Hiệp hội liên quan;
- Các Sở NN&PTNT;
- Ban TĐKT TW;
- Lưu: VT, Lưu.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuân Thu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 4422/HD-BNN-TCCB năm 2013 nghi thức tổ chức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4422/HD-BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 12/12/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuân Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản