Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH PHÚ YÊN
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 442/SXD-QLCL

Tuy Hoà, ngày 24 tháng 6 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

“VỀ VIỆC THAM GIA HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN”

Căn cứ Luật khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản số 46/2005/QH, ngày 14/6/2005 của Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính Phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 160/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính Phủ về Quản lý Vật liệu xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 11/2007/TT-BXD, ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng, về “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 124/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 11/3/2009 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.
Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng ( VLXD ) nói chung và VLXD thông thường nói riêng; từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết VLXD trên địa bàn Tỉnh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phê duyệt và những định hướng của quy hoạch nêu trên.
Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn Tỉnh, phải thực hiện theo hướng dẫn một số nội dung có liên quan tại văn bản này và các quy định khác của pháp luật.

I. VỀ THỰC HIỆN THEO QUY HOẠCH VLXD THÔNG THƯỜNG:

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường, phải tuân thủ “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Phú Yên đến 2015 và định hướng đến năm 2020”, ban hành kèm theo Quyết định số 413/2009/QĐ-UBND, ngày 11/3/2009 của UBND tỉnh Phú Yên và những hướng dẫn tại văn bản này;

- Quy hoạch mang tính chất định hướng nên vị trí cụ thể các mỏ, điểm mỏ các loại khoáng sản nêu trong quy hoạch phải được các cơ quan có liên quan thoả thuận theo lĩnh vực mà ngành, địa phương quản lý;

- Ưu tiên các điểm quy hoạch có trữ lượng lớn, vị trí nằm gần trung tâm hành chính thuận lợi cho việc khai thác, góp phần hạ giá thành nguyên vật liệu do kinh phí vận chuyển gây ra. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cân đối nhu cầu trên địa bàn Huyện, Thành phố tổ chức khai thác tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, hạ giá thành sản phẩm;

- Đối với những khu vực có khoáng sản làm VLXD thông thường nhỏ lẻ, đã và đang khai thác với trữ lượng nhỏ và không có trong bản đồ Quy hoạch này thì giải quyết khai thác tận thu làm VLXD thông thường phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Nhưng phải có biện pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ, tránh việc lợi dụng khai thác vượt mức quy định, gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan khu vực;

- Riêng đá xây dựng, kiên quyết đóng cửa mỏ phục hồi môi trường đối với các mỏ trong khu vực đô thị khi hết hạn khai thác; không thực hiện cấp phép mới để khai thác khoáng sản làm VLXD đối với các khu vực quy hoạch đô thị hoặc điểm dân cư nông thôn;

- Trường hợp khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của Tỉnh; quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước và không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, phải được đánh giá bổ sung vào quy hoạch trước khi lập thủ tục thăm dò, khai thác.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN LÀM VLXD THÔNG THƯỜNG

1. Khoáng sản làm VLXD thông thường

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm các khoáng sản có thành phần, tính chất cơ lý, cấu tạo, màu sắc hoặc tính chất khác không đạt yêu cầu làm nguyên liệu để chế biến, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu thông thường theo tiêu chuẩn Việt Nam.

2. Danh mục khoáng sản làm VLXD thông thường

a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có các khoáng vật casiterit, volfiamit, monazit, ziricon, ilmenit và vàng đi kèm.

b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản xuất vật liệu chịu lửa samot theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc sản xuất xi măng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

c) Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, các nguyên tố xạ, hiếm hoặc không đạt yêu cầu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

d) Các loại đá trầm tích (trừ các đá chứa keramzit, diatomit), đá magma (trừ đá bazan dạng cột, dạng bọt), đá biến chất không chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, đá quý, bán quý và các nguyên tố xạ, hiến, không đáp ứng yêu cầu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam, không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu trường thạch (felspat) sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

e) Đá phiến các loại, trừ đá phiến lợp, đá phiến cháy và đá phiến có chứa khoáng vật serixit, disten, hoặc silimanit với hàm lượng lớn hơn 30%.

g) Các loại cuội, sỏi, sạn không chứa vàng, platin, đá quý và bán quý (thạch anh mỹ nghệ, topa, beril, ruby, saphia, ziricon), đá ong không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại.

h) Các loại đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

i) Đá đolomit có hàm lượng MgO nhỏ hơn 15%, đá đolomit không đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy tinh xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

3. Thẩm quyền, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thường:

Uỷ ban nhân dân Tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, thẩm định và xét duyệt trữ lượng khoáng sản:

- Trước khi lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; tổ chức, cá nhân phải lập thủ tục xin chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền cho phép của UBND Tỉnh.

- Sau khi có chủ trương đầu tư, các tổ chức, cá nhân lập thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; thủ tục đề nghị thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường; hồ sơ đề nghị thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

5. Điều kiện hoạt động thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường:

Tổ chức chuyên ngành về địa chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập hoặc các tổ chức kinh tế khác được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư được hành nghề thăm dò khoáng sản khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Có người phụ trách kỹ thuật là kỹ sư địa chất đã công tác thực tế trong công tác thăm dò khoáng sản ít nhất là năm (05) năm; có hiểu biết và nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về thăm dò khoáng sản;

- Có cán bộ, công nhân kỹ thuật thuộc các chuyên ngành địa chất thăm dò, địa chất thuỷ văn - địa chất công trình, địa vật lý, khoan, khai đào và chuyên ngành khác có liên quan;

- Có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công các công trình thăm dò khoáng sản.

6. Điều kiện hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường:

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải có đủ các điều kiện sau:

a) Điều kiện về hồ sơ pháp lý:

- Có Giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Có dự án đầu tư; thiết kế khai thác mỏ được phê duyệt.

b) Điều kiện về năng lực và công nghệ:

+ Dự án đầu tư phải lựa chọn công nghệ tiên tiến đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường;

+ Quy mô, công nghệ, thiết bị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải phù hợp với dự án đầu tư đã được phê duyệt; phù hợp với đặc điểm của từng loại khoáng sản để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm;

+ Đối với hoạt động khai thác phải có ban điều hành dự án theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Tiêu chuẩn của Giám đốc điều hành mỏ theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 160/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Có đủ các điều kiện để thực hiện công tác bảo vệ môi trường, môi sinh, có phương án hoàn nguyên cho mỗi phân kỳ khai thác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Có giải pháp bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

7. Yêu cầu về chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng

a) Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, pháp luật lao động và các pháp luật liên quan khác.

Trường hợp sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia để sản xuất vật liệu xây dựng thì công nghệ sản xuất, kho bãi lưu giữ chất thải, phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các quy định về môi trường.

b) Bộ máy nhân lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm phải thực hiện theo hướng dẫn tại mục I của Thông tư 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng.

b.1 Đối với doanh nghiệp

- Có bộ máy nhân lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo dự án đầu tư được phê duyệt.

- Người phụ trách quản lý kỹ thuật sản xuất :

+ Có trình độ cao đẳng trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo : công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá ;

+ Có biên chế hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia, có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong sản xuất vật liệu xây dựng;

+ Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc.

- Quản đốc, phó quản đốc phân xưởng sản xuất, tổ trưởng sản xuất, trưởng ca sản xuất hoặc tương đương :

+ Có trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo : công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá. Nếu trái nghề phải có chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật sản xuất được phân công phụ trách. Nếu là công nhân thì phải là công nhân bậc 5/7 trở lên của chuyên ngành sản xuất ;

+ Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia, có ít nhất một (01) năm kinh nghiệm trong sản xuất vật liệu xây dựng ;

+ Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

+ Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người lao động trực tiếp vận hành thiết bị sản xuất :

+ Có chứng chỉ đào tạo theo chuyên ngành sản xuất, vận hành thiết bị ;

+ Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia ;

+ Có đủ sức khoẻ tham gia sản xuất trực tiếp ;

+ Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người phụ trách phòng phân tích, kiểm nghiệm :

+ Có trình độ cao đẳng trở lên theo ngành đào tạo đối với lĩnh vực phân tích, kiểm nghiệm hoặc một trong các chuyên môn của phòng phân tích, kiểm nghiệm ;

+ Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia ;

+ Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

+ Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

- Nhân viên thí nghiệm :

+ Có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành phân tích, kiểm nghiệm ;

+ Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia ;

+ Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

+ Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi được đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

b.2 Đối với hộ kinh doanh, tổ hợp tác (có sản xuất vật liệu xây dựng)

- Người phụ trách kỹ thuật sản xuất:

+ Có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo : công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá. Nếu là công nhân thì phải là thợ bậc 3/7 trở lên được đào tạo theo chuyên ngành sản xuất ;

+ Có hợp đồng lao động (nếu không phải là chủ hộ kinh doanh hoặc không phải là thành viên tổ hợp tác) ;

+ Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

+ Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người lao động trực tiếp vận hành thiết bị sản xuất :

+ Được đào tạo tay nghề trong lĩnh vực sản xuất ;

+ Có hợp đồng lao động ;

+ Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc;

+ Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

III. VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

1.Vật liệu xây dựng là loại hàng hoá kinh doanh có điều kiện theo khoản 1, mục II Thông tư 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng, gồm các nhóm sau :

a) Vật liệu xây dựng cồng kềnh, khối lượng lớn, dễ gây bụi gồm : gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi tôi, tấm lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá, đà giáo, cốp pha, cừ tràm, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh;

b) Các loại vật liệu xây dựng dễ cháy gồm : gỗ xây dựng, tre, nứa, lá, vật liệu nhựa, các loại sơn dầu, giấy dầu, cót, cót ép;

c) Vật liệu xây dựng có mùi, hoá chất độc hại, gây bụi : sơn dầu, giấy dầu, cót ép, hắc ín, vôi tôi, vôi cục, vôi tôi trong bể.

2. Hoạt động kinh doanh các loại vật liệu xây dựng có điều kiện nêu trên phải tuân thủ theo các quy định tại khoản 2, 3 ,4 và 5, mục II Thông tư 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng.

IV. BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN VÀ KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG:

- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm báo kết quả hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương nơi hoạt động. Báo cáo về hoạt động khoáng sản thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ.

- Riêng lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và kinh doanh vật liệu xây dựng, định kỳ 06 tháng, 01 năm, các đơn vị phải báo cáo kết quả hoạt động về Sở Xây dựng để theo dõi, thống kê và tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh theo quy định.

Trên đây là hướng dẫn về việc triển khai thực hiện quy hoạch VLXD thông thường theo Quyết định số : 413/QĐ-UBND ngày 11/3/2009 của UBND Tỉnh và một số nội dung có liên quan đến hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường; hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn.

 

 

Nơi nhận:
- UBND Tỉnh ( để B/c );
- Đ/c Trần Thị Hà-PCT.UBND Tỉnh (để B/c);
- UBND các Huyện, TP.Tuy Hòa;
- Các Sở TN&MT, Sở Công thương; Sở GTVT,
Sở NN&PTNT, Sở Văn hoá thông tin và Du lịch,
Sở Tài chính, Sở KH&ĐT (P/h);
- Các Phòng Công thương, Phòng QL đô thị;
- Các tổ, chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản;
- GĐ;các PGĐ Sở;
- Website SXD;
- Lưu: VT, P3, P5 (NBQ-80b)

GIÁM ĐỐC




Lê Văn Trúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 442/SXD-QLCL về tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 442/SXD-QLCL
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 24/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Văn Trúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản