Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶC XÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 325/HĐTVĐX

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2016

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2230/2016/QĐ-CTN NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 2016 CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2016

Thực hiện Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016, Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá năm 2016 như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG XÉT ĐẶC XÁ

Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ

1. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn (gọi là phạm nhân) được đề nghị đặc xá phải có đủ các Điều kiện sau đây:

a) Chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể như sau:

- Phạm nhân bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn phải có ít nhất cả bốn quý của các năm 2012, 2013, 2014, 2015 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Phạm nhân bị phạt tù trên mười lăm năm đến ba mươi năm phải có ít nhất cả bốn quý của các năm 2013, 2014, 2015 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Phạm nhân bị phạt tù trên mười năm đến mười lăm năm phải có ít nhất cả bốn quý của các năm 2014, 2015 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Phạm nhân bị phạt tù trên bảy năm đến mười năm phải có ít nhất quý 3, quý 4 của năm 2014, cả bốn quý của năm 2015 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Phạm nhân bị phạt tù trên năm năm đến bảy năm phải có ít nhất cả bốn quý của năm 2015 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Phạm nhân bị phạt tù trên ba năm đến năm năm phải có ít nhất quý 3, quý 4 của năm 2015 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Phạm nhân bị phạt tù từ ba năm trở xuống phải có ít nhất quý 1, quý 2, quý 3 năm 2016 liên tục được xếp loại khá trở lên, thời gian tiếp theo được đánh giá cải tạo tốt.

- Thời gian tiếp theo được tính từ ngày 26 tháng 8 năm 2016 đến ngày họp của Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

(Theo Thông tư số 40/2011/TT-BCA ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù, định kỳ 3 tháng, 6 tháng và một năm, gồm 4 loại: Tốt, khá, trung bình, kém; thời gian xếp loại quý I vào ngày 25 tháng 02, quý II và 6 tháng đầu năm vào ngày 25 tháng 5, quý III vào ngày 25 tháng 8, quý IV, 6 tháng cuối năm và cả năm vào ngày 25 tháng 11 hàng năm. Đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý thì theo Quyết định số 251/2003/QĐ-BQP ngày 07 tháng 10 năm 2003 (nay đã hết hiệu lực) và Thông tư số 181/2013/TT-BQP ngày 08 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành tiêu chuẩn thi đua và xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý).

- Những phạm nhân thuộc khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này, so với quy định ở trên còn thiếu 01 quý xếp loại cải tạo khá hoặc tốt đầu tiên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ ba năm trở xuống), thiếu 02 quý xếp loại cải tạo khá hoặc tốt đầu tiên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ trên ba năm đến bảy năm), thiếu 03 quý xếp loại cải tạo khá hoặc tốt đầu tiên (đối với phạm nhân bị phạt tù trên bảy năm đến mười lăm năm), thiếu 04 quý xếp loại cải tạo khá hoặc tốt đầu tiên (đối với phạm nhân bị phạt tù trên mười lăm năm) mà trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc ở trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ thì vẫn được xem xét, đề nghị đặc xá nếu có đủ các điều kiện khác.

- Tất cả phạm nhân được đề nghị đặc xá ngoài có đủ số kỳ xếp loại cải tạo quý từ khá trở lên trong thời gian quy định đối với từng mức án như trên còn phải bảo đảm các kỳ xếp loại 6 tháng trong thời gian này cũng được xếp loại cải tạo từ khá trở lên.

b) Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là một phần hai thời gian đối với án phạt tù có thời hạn; ít nhất là mười lăm năm đối với án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian người đó bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (nếu có) được tính để trừ vào phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án 15 năm tù, bị bắt ngày 30 tháng 11 năm 2007, tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2016, Nguyễn Văn A đã thực sự chấp hành được 09 năm, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 03 lần, tổng cộng là 02 năm, thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 04 năm.

c) Phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.

Phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội mà trong bản án, quyết định của Tòa án giao trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác cho bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thì phải có đầy đủ tài liệu chứng minh bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đã thực hiện xong bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự mới được xem xét, đề nghị đặc xá.

Những trường hợp sau đây được coi là đã thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí, nghĩa vụ dân sự khác hoặc chưa thực hiện xong nhưng vẫn được xem xét, đề nghị đặc xá, nếu có đủ các điều kiện khác:

- Phạm nhân được Tòa án quyết định miễn thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, tiền truy thu, án phí.

- Phạm nhân được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ, không yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự nữa và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.

- Phạm nhân phải chấp hành nghĩa vụ dân sự về cấp dưỡng cho bên bị hại theo định kỳ hàng tháng mà đến khi Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện họp, thân nhân của phạm nhân đã chấp hành đầy đủ, đúng hạn các khoản nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường theo định kỳ mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên, được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.

- Phạm nhân được Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 hoặc Luật thi hành án dân sự.

2. Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là một phần ba thời gian và người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là mười ba năm, nếu có đủ các điều kiện khác quy định tại điểm a, c khoản 1 Mục II này, thì được xét, đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù: Là người đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận. Trường hợp lập công lớn trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam mà chưa được Tòa án ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử hoặc lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù;

b) Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; được tặng thưởng một trong các loại Huân chương hoặc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến;

c) Có một trong những thân nhân sau đây là liệt sỹ: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp;

d) Là con đẻ, con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”;

đ) Khi phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi);

e) Là người từ 70 tuổi trở lên;

g) Là người đang bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng;

h) Người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau là người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục trong một thời gian dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng), không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên;

i) Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà phạm nhân đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú xác nhận là đúng;

k) Nữ phạm nhân đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

3. Các trường hợp không đề nghị đặc xá

Người có đủ điều kiện quy định tại Mục II này không được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;

c) Trước đó đã được đặc xá;

d) Có từ hai tiền án trở lên;

đ) Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia;

e) Phạm nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Mục II này có thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên sáu năm hoặc thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Mục II này có thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên tám năm;

g) Bị kết án phạt tù về một trong các tội: Khủng bố; phá hoại hòa bình; chống loài người; tội phạm chiến tranh; chống người thi hành công vụ có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc phạm tội nhiều lần (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điểm d khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999);

h) Bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý;

i) Bị kết án phạt tù từ 07 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy.

k) Phạm một trong các tội sau đây:

- Giết người có tổ chức (quy định tại điểm o khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Giết người có tính chất côn đồ (quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Cố ý gây thương tích có tổ chức (quy định tại điểm e khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc có tính chất côn đồ (quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Hiếp dâm có tính chất loạn luân (quy định tại điểm e khoản 2 Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Cướp tài sản có sử dụng vũ khí (các loại vũ khí được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); cướp tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999); cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm g khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Cướp giật tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999); cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm h khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Trộm cắp tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999); trộm cắp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm g khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999);

- Cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ hai lần trở lên): Căn cứ để xác định phạm tội nhiều lần là số lần phạm tội được thể hiện trong Bản án hoặc phần Quyết định của Bản án có áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Những trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tổng hợp của nhiều bản án về cùng một tội mà trong mỗi bản án chỉ thể hiện phạm tội một lần thì vẫn là phạm tội nhiều lần;

l) Phạm các tội về ma túy bị phạt tù dưới bảy năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên một năm; đối với trường hợp phạm các tội về ma túy nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm i nêu trên, nếu bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên hai năm hoặc bị phạt tù trên mười lăm năm, tù chung thân mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên ba năm;

m) Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc người dùng thủ đoạn xảo quyệt, người ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức;

n) Có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy là các tài liệu có trong hồ sơ phạm nhân như: Bản án; cáo trạng; các tài liệu của cơ quan điều tra; kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế cấp huyện trở lên; bản tự khai của phạm nhân có ghi rõ thời gian, số lần đã sử dụng chất ma túy... hoặc phiếu khám sức khỏe của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của phạm nhân thừa nhận là đã sử dụng trái phép các chất ma túy;

o) Đang chấp hành án phạt tù do phạm từ ba tội trở lên hoặc phạm hai tội do cố ý, kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt;

p) Đã có một tiền án mà lại bị kết án phạt tù về tội do cố ý;

q) Đã từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các tội sau đây: về ma túy; giết người; hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; chống người thi hành công vụ; mua bán phụ nữ hoặc mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; gây rối trật tự công cộng; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

III. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT ĐẶC XÁ

1. Hồ sơ đề nghị đặc xá

a) Hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm các tài liệu sau:

- Đơn xin đặc xá của phạm nhân;

- Bản cam kết không vi phạm pháp luật, chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, tiếp tục chấp hành các hình phạt bổ sung khác (nếu có) như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; trục xuất. Bản cam kết làm theo mẫu và phải có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

- Tài liệu chứng minh đã thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, nộp án phí hoặc Quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí của Tòa án; Giấy đồng ý xóa nợ của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lí vụ việc đó xác nhận; văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận về việc phạm nhân hoặc thân nhân của phạm nhân đã chấp hành nghĩa vụ dân sự về cấp dưỡng cho bên bị hại theo định kỳ hàng tháng; Quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền;

- Tài liệu chứng minh đã được xóa án tích là giấy chứng nhận hoặc quyết định xóa án tích của Tòa án có thẩm quyền cấp cho người có tiền án được xóa án tích hoặc trong bản án ghi là có tiền án đã được xóa án tích;

- Văn bản đề nghị đặc xá của Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (theo mẫu);

- Các loại giấy chứng nhận của người được xét đặc xá là những phạm nhân từ 70 tuổi trở lên hoặc phạm nhân từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc phạm nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo mà gia đình và bản thân người đó không còn khả năng thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác và các đối tượng quy định tại khoản 2 Mục II Hướng dẫn này, bao gồm:

+ Kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc Bản sao Bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với phạm nhân từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục trong một thời gian dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng), không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội;

+ Kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao Bệnh án, kết luận của Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên đối với phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo (Các tài liệu chứng minh phạm nhân bị bệnh hiểm nghèo hoặc thường xuyên ốm đau chỉ có giá trị trong thời gian sáu tháng, tính đến ngày Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện họp xem xét, lập hồ sơ đề nghị đặc xá);

+ Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó về hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn không còn tiền, tài sản để thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác;

- Bản sao quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Huân chương, Huy chương kháng chiến, danh hiệu “Dũng sỹ” trong kháng chiến chống Mỹ, bằng “Gia đình có công với nước”, Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh, con “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc văn phòng công chứng. Trường hợp không có bản sao các giấy tờ nêu trên thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi phạm nhân công tác, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân cư trú trước khi phạm tội.

Đối với phạm nhân có thân nhân là liệt sỹ phải có giấy xác nhận hoặc bản sao giấy tờ chứng minh có thân nhân là liệt sỹ được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân cư trú hoặc đơn vị nơi phạm nhân đã công tác, học tập trước khi phạm tội xác nhận. Trường hợp phạm nhân là bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp của liệt sỹ hoặc con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có xác nhận hoặc Giấy chứng nhận nuôi con nuôi của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi liệt sỹ cư trú trước khi hy sinh, nơi cư trú của Bà mẹ Việt Nam anh hùng (văn bản xác nhận hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trước thời điểm mà phạm nhân phạm tội);

- Đơn của gia đình phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bản thân phạm nhân là lao động duy nhất (trình bày rõ hoàn cảnh cụ thể từng thành viên của gia đình gồm: Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con, anh, chị, em ruột đang ở đâu? làm gì?). Đơn phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình phạm nhân cư trú xác nhận cụ thể về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình phạm nhân, bản thân phạm nhân là lao động duy nhất hoặc xác nhận nội dung trình bày của gia đình phạm nhân là đúng (không chấp nhận những đơn không có nội dung xác nhận này của Ủy ban nhân dân cấp xã);

- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản trích sao phần bản án xác nhận phạm nhân lúc phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi);

- Đối với các trường hợp phạm nhân lập công lớn trong quá trình chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 2 Mục II Hướng dẫn này phải có đầy đủ các giấy tờ sau: Bản tường trình về lập công của phạm nhân; đề nghị khen thưởng cho phạm nhân của cán bộ trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra sử dụng phạm nhân để phục vụ công tác điều tra; xác nhận hoặc quyết định khen thưởng về việc phạm nhân lập công lớn trong quá trình chấp hành án phạt tù của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra sử dụng phạm nhân để phục vụ công tác điều tra;

- Kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc phạm nhân là phụ nữ có thai; bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

- Phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm nhân là người nước ngoài và phạm nhân được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt phải sao nguyên văn bản án mà người đó đang phải chấp hành. Phạm nhân là người nước ngoài phải có bản sao Hộ chiếu và thị thực nhập cảnh (nếu có);

Giám thị trại giam, trại tạm giam và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện được sao y bản chính những văn bản như: Bản án, bệnh án, kết luận giám định y khoa, các loại tài liệu xác nhận việc thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác và các tài liệu khác liên quan đến quá trình chấp hành án phạt tù của phạm nhân. Khi trình danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá để Tổ thẩm định liên ngành nghiên cứu, thẩm định, phải có bản chính của những tài liệu này.

b) Danh sách, hồ sơ, thống kê phạm nhân được đề nghị đặc xá của các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện được làm thành bốn bộ đóng dấu đỏ để Tổ thẩm định liên ngành thẩm định.

Sau khi thẩm định xong, một bộ có dấu đỏ cùng đầy đủ các tài liệu chứng minh gốc hoặc bản sao có công chứng của cơ quan có thẩm quyền được lưu tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Hồ sơ tài liệu chuyển về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá bao gồm:

- Ba bộ có dấu đỏ gồm có các tài liệu sau: Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành; biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; thống kê số liệu người được đề nghị đặc xá; phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân; đơn xin đặc xá, bản cam kết; văn bản đề nghị đặc xá cho phạm nhân của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận phạm nhân trích xuất nhưng không quản lý hồ sơ gốc của phạm nhân (áp dụng đối với trường hợp phạm nhân trích xuất); các tài liệu do Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện sao y bản chính như: Hóa đơn, chứng từ, văn bằng, giấy xác nhận, tài liệu chứng minh khác...; danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh Quân khu và tương đương lập (theo mẫu);

- Chín bộ khác gồm có các tài liệu: Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành; biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân; các loại danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá như đã nêu trên;

- Đối với những trường hợp mà Tổ thẩm định liên ngành thẩm định và có ý kiến là không đủ điều kiện đề nghị đặc xá phải làm thành 12 bộ hồ sơ riêng, có danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá do tổ thẩm định lập kèm theo phiếu đề nghị đặc xá và các tài liệu khác giống như hồ sơ của người đủ điều kiện đề nghị đặc xá đã nêu.

2. Trình tự, thủ tục lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá

a) Đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam đủ điều kiện đề nghị đặc xá thì trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người được đặc xá thực hiện theo Điều 7 Nghị định số 76/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đặc xá.

Đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện theo Quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, nếu đủ điều kiện thì trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá được vận dụng thực hiện như phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh.

Trường hợp phạm nhân chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh nhưng được đưa đến phục vụ tại nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện theo Quyết định của Giám đốc hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, nếu có đủ điều kiện thì Giám thị trại tạm giam chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị đặc xá.

Trường hợp phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử nhưng không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác thì trại giam, trại tạm giam hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản lý hồ sơ gốc của phạm nhân đó lập hồ sơ đề nghị đặc xá, nếu họ có đủ điều kiện đề nghị đặc xá. Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận phạm nhân được trích xuất nhưng không quản lý hồ sơ gốc có trách nhiệm phối hợp với đơn vị đang quản lý hồ sơ gốc của phạm nhân lập hồ sơ đề nghị đặc xá cho những phạm nhân này.

Giám thị trại giam, trại tạm giam và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo, niêm yết công khai danh sách người được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đề nghị đặc xá.

b) Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt:

- Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù;

- Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp phối hợp với Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và tập hợp hồ sơ, danh sách để các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt;

- Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan xét duyệt hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao lập để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

3. Thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá

a) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các Tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá; quyết định thành lập các Tổ thẩm định liên ngành gồm đại diện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do một đồng chí lãnh đạo cấp Cục của Bộ Công an làm Tổ trưởng, trực tiếp đến các địa phương, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá.

b) Tổ thẩm định liên ngành có trách nhiệm giúp Hội đồng tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm định danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh Quân khu và tương đương trình. Tổ thẩm định liên ngành chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính khách quan trong quá trình kiểm tra, thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá. Tổ thẩm định liên ngành tổng hợp kết quả thẩm định, lập biên bản thẩm định kèm theo danh sách người đủ điều kiện đặc xá, danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá của từng Công an cấp tỉnh, từng trại giam, trại tạm giam và hoàn thành hồ sơ chuyển đến Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá. Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm tập hợp danh sách, hồ sơ người có đủ điều kiện đặc xá, người không đủ điều kiện đặc xá và chuyển các loại danh sách này cùng với phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân đến các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá.

c) Các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm định, phát hiện những sai sót về nội dung và hình thức trong danh sách, phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân và thông báo kịp thời cho Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá biết. Đối với những hồ sơ đề nghị đặc xá mà thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá yêu cầu phải có tài liệu chứng minh để làm rõ những tình tiết cụ thể thì Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá cung cấp kịp thời. Sau khi nhận được ý kiến tham gia của thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Trường hợp không thống nhất về danh sách người đủ điều kiện, người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá phải có báo cáo giải trình kèm theo danh sách và hồ sơ để Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét, quyết định.

d) Hội đồng tư vấn đặc xá tổ chức thẩm định danh sách, hồ sơ do Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá trình và quyết định danh sách người đủ điều kiện, danh sách người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

4. Quản lý tài liệu, hồ sơ, danh sách và số liệu người được đề nghị xét đặc xá

a) Tài liệu, hồ sơ, danh sách và số liệu phạm nhân được đề nghị xét đặc xá sau khi Tổ thẩm định liên ngành kiểm tra, thẩm định thuộc loại tài liệu được quản lý, sử dụng theo chế độ "MẬT" đến khi Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức công bố Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước.

Cán bộ, chiến sỹ, chuyên viên, nhân viên của các Bộ, Ban, ngành tham gia công tác đặc xá phải chấp hành nghiêm chỉnh việc quản lý, sử dụng hồ sơ và danh sách người được đề nghị đặc xá theo chế độ “MẬT”. Những người vi phạm phải xử lý theo pháp luật.

b) Hồ sơ xét đề nghị đặc xá của phạm nhân phải đầy đủ tài liệu, nội dung ghi trong hồ sơ phải thống nhất, rõ ràng và đúng thủ tục quy định về đặc xá. Nếu để sai lệch các dữ liệu ghi trong hồ sơ đề nghị đặc xá so với hồ sơ gốc hoặc do lỗi kỹ thuật, sau khi thẩm định để lại không đề nghị đặc xá cho phạm nhân có đủ điều kiện hoặc do làm sai lệch hồ sơ và đề nghị đặc xá cho người không có đủ điều kiện, thì Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ phải chịu trách nhiệm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các Bộ, Ban, ngành

a) Bộ Công an là Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm:

- Thành lập Ban Chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an; giúp Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Công an các địa phương, Giám thị các trại giam, trại tạm giam và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá; chỉ đạo thành lập Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

- Quyết định thành lập các Tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và các Tổ thẩm định liên ngành; quy định lề lối làm việc và chỉ đạo các tổ công tác này nghiên cứu, kiểm tra, thẩm định, tổng hợp hồ sơ, danh sách người có đủ điều kiện, người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá để trình Hội đồng tư vấn đặc xá;

- Bố trí chương trình, thời gian và chuẩn bị nội dung, tài liệu, hồ sơ các cuộc họp của Hội đồng tư vấn đặc xá;

- Đề xuất với Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện;

- Khi được Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá ủy quyền, ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá được triệu tập cuộc họp để lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng về những vấn đề khẩn cấp và chỉ đạo, giải quyết những vấn đề cụ thể khác nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định về đặc xá năm 2016;

- Quy định các biểu mẫu: Đơn xin đặc xá, phiếu xét đặc xá, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá, danh sách người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, bản cam kết của người được đặc xá, Thống kê phân tích số người được đề nghị đặc xá, giấy chứng nhận đặc xá...;

- Chỉ đạo việc lập hồ sơ xét đề nghị đặc xá ở các Công an cấp tỉnh, Hội đồng xét đề nghị đặc xá trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an; chỉ đạo việc kiểm tra, thẩm định của các Tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và các Tổ thẩm định liên ngành;

- Chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện tốt việc vận động, hướng dẫn và tạo điều kiện cho phạm nhân liên lạc với thân nhân của họ, đôn đốc việc thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp tiền truy thu, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác tại cơ quan thi hành án dân sự; thu các khoản tiền mà phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (nếu có) để thi hành án theo quyết định thi hành án dân sự và quyết định của bản án hình sự, cấp giấy xác nhận cho phạm nhân làm căn cứ đưa vào hồ sơ xét đề nghị đặc xá và chuyển số tiền đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền;

- Hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách người được Hội đồng tư vấn đặc xá xét duyệt, đề nghị đặc xá để báo cáo Chủ tịch Hội đồng trình Chủ tịch nước quyết định, gồm dự thảo Tờ trình và 06 bộ danh sách người được đề nghị đặc xá (có đóng dấu của Bộ Công an);

- Đối với những người đã được Hội đồng tư vấn đặc xá xét duyệt, đề nghị đặc xá hoặc đã có Quyết định đặc xá mà chết trước khi công bố, thì Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá đưa ra khỏi danh sách đặc xá, sau đó báo cáo Văn phòng Chủ tịch nước biết.

Đối với những người đã được Hội đồng tư vấn đặc xá đề nghị đặc xá mà có đơn khiếu nại, tố cáo, có dấu hiệu nghi vấn không đủ điều kiện hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ thì Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá kịp thời báo cáo Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra khỏi danh sách đề nghị đặc xá. Trường hợp tương tự như đã nêu mà đã có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhưng chưa công bố, thì Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá quyết định dừng ngay việc thi hành và chỉ đạo giải quyết, kiểm tra làm rõ, đồng thời báo cáo Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá và Chủ tịch nước (qua Văn phòng Chủ tịch nước);

- Tổng hợp và chuyển danh sách người được đề nghị đặc xá sẽ về cư trú theo từng quận, huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Tổ thẩm định liên ngành nhất trí đề nghị đặc xá để Giám đốc Công an tỉnh chủ động rà soát và chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng;

Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, thông báo cho Giám đốc Công an cấp tỉnh và chuyển danh sách người được đặc xá tha tù theo từng quận, huyện thuộc địa phương, đồng thời chỉ đạo Công an cấp tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng;

- Chỉ đạo, tổ chức Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện theo nghi lễ nghiêm trang;

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tha số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài được đặc xá;

- Tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan đến đặc xá; trả lời bằng văn bản cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có đơn khiếu nại về trường hợp không được đặc xá theo đúng lý do của thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá để lại;

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị chức năng lập kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu nội dung Quyết định về đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá;

- Tổng kết công tác đặc xá năm 2016;

- Hướng dẫn Giám đốc Công an cấp tỉnh, Hội đồng xét đề nghị đặc xá các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xét, đề nghị khen thưởng và chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề xuất Nhà nước, Chính phủ khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đặc xá;

- Bố trí kinh phí phục vụ công tác đặc xá năm 2016;

- Làm các nhiệm vụ khác có liên quan đến công tác đặc xá do Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá giao.

b) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ Quốc phòng; chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý lập hồ sơ phạm nhân được đề nghị xét đặc xá trình Ban chỉ đạo về đặc xá Bộ Quốc phòng xét duyệt.

- Chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý, hướng dẫn phạm nhân thông báo cho thân nhân của họ chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp tiền truy thu, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác tại Cơ quan Thi hành án dân sự;

- Sau khi Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá kiểm tra, thẩm định xong hồ sơ đề nghị đặc xá của Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ Quốc phòng chuyển hồ sơ, danh sách về Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá (Bộ Công an) để tổng hợp, trình Hội đồng tư vấn đặc xá xét duyệt;

- Bố trí kinh phí cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện công tác đặc xá năm 2016;

- Chỉ đạo, tổ chức lễ công bố đặc xá tha tù theo Quyết định của Chủ tịch nước ở các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý.

c) Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá rà soát, kiểm tra danh sách người được Hội đồng tư vấn đề nghị đặc xá, trình Chủ tịch nước quyết định;

- Ngay sau khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, làm thủ tục chuyển cho Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá 02 bản Quyết định cùng 02 bộ danh sách người được đặc xá để kịp thời tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước theo đúng quy định;

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

d) Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá xây dựng văn bản hướng dẫn; dự thảo điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giúp Hội đồng tư vấn đặc xá tổ chức triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước; thẩm tra, hoàn chỉnh danh sách, hồ sơ và văn bản các cuộc họp trình Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá báo cáo Chủ tịch nước quyết định.

đ) Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Tòa án cấp dưới thực hiện đặc xá theo quy định của Luật đặc xá và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp phối hợp với Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; tập hợp hồ sơ, danh sách người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt để trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Phối hợp với Viện kiểm sát nhân tối cao và chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp lập danh sách, thông báo kịp thời cho cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá và các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện biết những phạm nhân đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

e) Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại các trại giam, trại tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quy định của Luật đặc xá;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Quân khu và tương đương kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại tạm giam thuộc Quân khu và tương đương theo quy định của Luật đặc xá;

- Phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp phát hiện những phạm nhân có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để thông báo kịp thời cho các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá biết.

g) Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự tạo điều kiện cho thân nhân phạm nhân thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp tiền truy thu, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác và phối hợp với các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đóng trên địa bàn thuộc tỉnh, thành phố đó để thu các khoản tiền của gia đình phạm nhân và cấp các loại giấy tờ cho họ.

h) Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ động nắm tình hình và phối hợp với Bộ Công an kiến nghị danh sách phạm nhân có quốc tịch nước ngoài và các trường hợp khác có thể được đặc xá để phục vụ yêu cầu đối ngoại; phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan để tuyên truyền đối ngoại về công tác đặc xá.

i) Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các Sở Y tế, các Bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức giám định, cung cấp các loại giấy tờ về bệnh tật của phạm nhân có liên quan đến việc đề nghị đặc xá.

k) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và tuyên truyền về công tác đặc xá trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền về đặc xá, giáo dục nâng cao nhận thức, kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong việc xóa bỏ thái độ kỳ thị, mặc cảm đối với người được đặc xá và quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tránh tái phạm.

l) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá; đồng thời quan tâm tiếp nhận, giúp đỡ những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

m) Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến chủ trương về đặc xá năm 2016; phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp tiếp tục giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác đặc xá năm 2016 theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

n) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và các văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nhân thân; cấp giấy chứng nhận, xác nhận về hoàn cảnh gia đình hoặc các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác của người được đề nghị đặc xá;

- Tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá;

- Bố trí kinh phí thực hiện công tác đặc xá năm 2016 tại địa phương mình.

2. Thời gian thực hiện

a) Từ ngày 03 tháng 11 năm 2016 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016, các Tổ thẩm định liên ngành đến trực tiếp các đơn vị, địa phương để kiểm tra, thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét đặc xá.

b) Từ ngày 07 tháng 11 năm 2016 đến ngày 15 tháng 11 năm 2016, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp hồ sơ, danh sách chuyển đến các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm định.

c) Từ ngày 09 tháng 11 năm 2016 đến ngày 19 tháng 11 năm 2016, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và chuẩn bị hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá, danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá để trình Hội đồng tư vấn họp xét duyệt.

d) Từ ngày 21 tháng 11 năm 2016 đến ngày 23 tháng 11 năm 2016, Hội đồng tư vấn đặc xá họp xét duyệt danh sách đặc xá.

đ) Từ ngày 24 tháng 11 năm 2016 đến ngày 25 tháng 11 năm 2016, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.

e) Tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 11 năm 2016.

3. Khen thưởng, kỷ luật

a) Công tác đặc xá phải được sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích theo quy định hiện hành về khen thưởng.

b) Cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai sót, lệch lạc trong công tác đặc xá để chấn chỉnh ngay; xử lý nghiêm minh những tập thể và cá nhân có hành vi vi phạm Điều 7 Luật đặc xá. Cơ quan, đơn vị để xảy ra sai sót, tiêu cực, gây phiền hà trong công tác đặc xá thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Hội đồng tư vấn đặc xá.

c) Những trường hợp đủ điều kiện phải được lập hồ sơ đề nghị đặc xá theo quy định. Cá nhân, đơn vị nào để sót lọt không lập hồ sơ đề nghị đặc xá những người thuộc diện xét đặc xá hoặc lập hồ sơ đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện thì cá nhân và Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng tư vấn đặc xá.

Căn cứ vào Hướng dẫn này, các bộ, ban, ngành có liên quan đến công tác đặc xá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các thành viên của Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải kịp thời báo cáo bằng văn bản về Hội đồng tư vấn đặc xá (qua Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá - Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an) để hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chủ tịch nước;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên HĐTVĐX;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, PL;
- Lưu: VT, NC (3).XH

CHỦ TỊCH




PHÓ THỦ TƯỚNG
Trương Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 325/HĐTVĐX thực hiện Quyết định 2230/2016/QĐ-CTN về đặc xá năm 2016 do Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành

  • Số hiệu: 325/HĐTVĐX
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 25/10/2016
  • Nơi ban hành: Hội đồng Tư vấn Đặc xá
  • Người ký: Trương Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản