UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3233/SYT-NVY | TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 06 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN
KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ HÀNG QUÝ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ DỄ BỊ LỢI DỤNG ĐỂ HOẠT ĐỘNG MẠI DÂM
Kính gửi: | - Bệnh viện đa khoa công lập |
Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2006/TTLT-BYT-BTC ngày 30/11/2006 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc “Hướng dẫn khám sức khoẻ định kỳ hàng quý cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm”; Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG KHÁM SỨC KHOẺ:
Tất cả những người lao động đang hoặc sẽ là tiếp viên, nhân viên phục vụ, vũ nữ ... (sau đây gọi chung là người lao động) làm việc ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ có những nội dung hoạt động trong danh mục chỗ làm việc, công việc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 09/12/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn, quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh dịch vụ).
II. ĐƠN VỊ KHÁM SỨC KHOẺ VÀ KẾT LUẬN SỨC KHOẺ:
1. Các bệnh viện đa khoa công lập có chức năng khám sức khoẻ (sau đây gọi tắt các đơn vị này là bệnh viện), bao gồm:
- Các bệnh viện đa khoa thành phố: BV Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Nhân dân Gia Định, Đa khoa Thủ Đức, Đa khoa Sài Gòn, Nhân dân 115, Cấp cứu Trung Vương.
- Các bệnh viện đa khoa công lập quận huyện.
2. Điều kiện để tổ chức khám sức khoẻ:
Các cơ sở khám sức khoẻ phải xây dựng quy trình khám sức khoẻ với đầy đủ nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để khám sức khoẻ theo các chuyên khoa quy định (lâm sàng và cận lâm sàng), bao gồm đầy đủ các nội dung được quy định ở phần nội dung khám sức khoẻ.
Những cơ sở có chức năng khám sức khoẻ nhưng chưa đủ các điều kiện có thể liên kết, hợp tác với các đơn vị công lập khác để tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động nhưng phải đảm bảo đúng quy trình và đầy đủ các nội dung đã quy định.
III. NỘI DUNG, THỦ TỤC, CHẾ ĐỘ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN:
1. Nội dung khám sức khoẻ:
Các cơ sở khám sức khoẻ tổ chức quy trình khám sức khoẻ sao cho bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:
- Cân đo, ghi nhận các dấu hiệu sinh tồn
- Nội tổng quát
- Ngoại - da liễu
- Phụ khoa
- Truyền nhiễm
- Chuyên khoa khác: Răng hàm mặt, Mắt, Tai mũi họng
- Chụp X – Quang phổi
- Xét nghiệm máu:
+ Viêm gan B (HBsAg), viêm gan C (AntiHCV)
+ Tầm soát bệnh giang mai (VDRL)
+ Xét nghiệm tầm soát nhiễm HIV (Elisa): chỉ thực hiện sau khi người lao động được tư vấn và tự nguyện đồng ý xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV trong máu.
- Xét nghiệm nước tiểu tìm: Amphetamin, Morphin, Heroin.
- Xét nghiệm khác (nếu có): Soi tươi tìm vi trùng lậu, ...
* Kết quả xét nghiệm HIV chỉ giao trực tiếp cho người lao động sau khi đã thực hiện tư vấn sau xét nghiệm; không được ghi kết quả và kết luận trong sổ khám sức khoẻ.
Các cơ sở khám sức khoẻ thực hiện đầy đủ các nội dung trên để xác định tình trạng sức khoẻ của người lao động, đồng thời xác định xem người lao động có mắc phải một trong các bệnh sau đây (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính, số 11/2006/TTLT-BYT-BTC ngày 30 tháng 10 năm 2006):
1) Nhiễm HIV/AIDS (trường hợp có thực hiện xét nghiệm tìm HIV);
2) Nhiễm viêm gan virus B, C;
3) Nghiện ma tuý;
4) Bệnh lao phổi (đang tiến triển hoặc chưa chữa khỏi)
5) Các bệnh lây qua đường tình dục và bệnh ngoài da:
- Bệnh lậu
- Sùi mào gà
- Hepes đường sinh dục
- Bệnh giang mai
- Bệnh hạ cam
2. Khám tuyển dụng và khám định kỳ:
- Các bệnh viện thực hiện việc khám sức khoẻ tuyển dụng và định kỳ cho người lao động, khi có yêu cầu của người lao động hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ.
- Khám tuyển dụng: do cơ sở kinh doanh dịch vụ ký kết hợp đồng với bệnh viện hoặc người lao động tự đến khám để được chứng nhận về sức khỏe.
- Khám định kỳ: 3 tháng một lần do cơ sở kinh doanh dịch vụ ký kết hợp đồng với bệnh viện để tổ chức thực hiện.
* Riêng đối với khám chuyên khoa Răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng và chụp X-Quang phổi chỉ thực hiện định kỳ mỗi năm một lần.
3. Sổ khám sức khoẻ:
- Mỗi người lao động sử dụng một sổ khám sức khoẻ (xem mẫu tại phụ lục số 1), có dán ảnh, dùng cho khám tuyển dụng lần đầu và những lần tái khám theo quy định. Sổ khám sức khoẻ do cơ sở khám sức khoẻ cung cấp khi khám lần đầu. Mỗi sổ được sử dụng liên tục trong 3-4 năm.
- Nội dung sổ khám sức khoẻ: thể hiện đầy đủ các thông tin cá nhân và nội dung khám sức khoẻ theo quy định.
- Hình thức của sổ khám sức khoẻ:
+ Bìa sổ giấy cứng, màu hồng nhạt, chữ đen.
+ Sổ đóng 32 trang (trừ bìa), khổ giấy A5, giấy trắng, sử dụng 2 mặt.
+ Sổ có dán ảnh, có đóng dấu giáp lai của cơ sở khám sức khoẻ lần đầu.
+ Các trang có đóng dấu giáp lai của cơ sở khám sức khoẻ.
4. Kết luận sức khoẻ:
- Trong thời hạn 7 ngày sau khi khám sức khoẻ, bệnh viện khám sức khoẻ kết luận và trả sổ khám sức khoẻ, các kết quả cận lâm sàng cho người sử dụng lao động của cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc cho người lao động (nếu người lao động tự đi khám tuyển dụng lần đầu).
- Căn cứ vào kết luận của các bác sĩ các chuyên khoa (lâm sàng và cận lâm sàng), bác sĩ Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện khám sức khoẻ chịu trách nhiệm kết luận tình trạng sức khoẻ của người lao động, ký tên, đóng dấu bệnh viện và dấu chức danh.
- Nếu Giám đốc hoặc Phó Giám đốc chuyên môn không thể ký kết luận, có thể làm giấy ủy quyền cho một cán bộ có trách nhiệm và có đủ khả năng chuyên môn để ký thay (chỉ ủy quyền cho một người duy nhất).
- Trường hợp cần làm thêm các biện pháp khác để chẩn đoán xác định bệnh, bệnh viện thông báo cho người sử dụng lao động và người lao động biết để cùng hợp tác theo yêu cầu và hướng dẫn của bệnh viện.
5. Trường hợp người lao động mắc một trong các bệnh đã nêu ở phần nội dung khám sức khoẻ - phụ lục 2:
- Giám đốc bệnh viện phải thông báo cho người sử dụng lao động của cơ sở kinh doanh dịch vụ về tình trạng bệnh của người lao động đó; đồng thời thông báo bằng văn bản đến cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng trụ sở chính để theo dõi, quản lý.
- Người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động đi điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc điều trị bệnh của người đó.
- Trong thời gian điều trị hoặc điều trị không khỏi bệnh người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác cho phù hợp, ngoài chỗ làm việc và công việc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 09/12/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế.
- Các bệnh viện khám sức khoẻ phải có trách nhiệm khám và điều trị cho người lao động mắc bệnh và được thu viện phí theo quy định hiện hành của Nhà nước; nếu vượt quá khả năng chuyên môn hoặc theo yêu cầu của người lao động hoặc người sử dụng lao động thì phải làm thủ tục chuyển viện cho người bệnh theo quy định hiện hành.
* Riêng trường hợp người lao động có kết quả xét nghiệm tầm soát HIV dương tính, bệnh viện phải giao cho người có trách nhiệm để tư vấn cho người lao động thực hiện các bước xét nghiệm tiếp theo (đủ 3 bước) để xác định chẩn đoán. Các kết quả xét nghiệm HIV (kể cả XN tầm soát) chỉ được thông báo trực tiếp cho người lao động. Bệnh viện có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan cho người lao động theo Luật phòng, chống HIV/AIDS.
6. Phí khám sức khoẻ, phí xét nghiệm cận lâm sàng và phí điều trị:
- Mức thu phí khám sức khoẻ và các chi phí xét nghiệm cận lâm sàng: theo khung giá hiện hành.
- Đối với cơ sở khám sức khoẻ, phí khám sức khoẻ và các chi phí xét nghiệm cận lâm sàng là nguồn thu, được sử dụng và quản lý theo đúng quy định của Nhà nước.
- Chi phí điều trị cho người lao động thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ bảo hiểm y tế hoặc người lao động tự thanh toán theo chế độ thu phí hiện hành.
7. Quy định về thủ tục và nơi đăng ký khám sức khoẻ:
- Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ liên hệ và ký hợp đồng với bệnh viện để tổ chức cho người lao động khám sức khoẻ định kỳ.
- Việc đăng ký khám sức khoẻ cho người lao động tại cơ sở khám sức khoẻ nào là do người sử dụng lao động quyết định. Sở Y tế không quy định về việc phân cấp khám sức khoẻ.
- Khi đi khám sức khoẻ, người lao động phải mang sổ sức khoẻ theo quy định, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xuất trình chứng minh nhân dân.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các bệnh viện có chức năng và đủ điều kiện khám sức khoẻ cho các đối tượng này tiến hành xây dựng quy trình khám sức khoẻ chi tiết bao gồm các nội dung như: quy trình tổ chức hoạt động, tổ chức nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ... đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung khám sức khoẻ, báo cáo Sở Y tế để được tổ chức thực hiện.
* Các cơ sở có chức năng nhưng chưa chuẩn bị đủ các điều kiện để đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung khám sức khỏe, không được phép tổ chức thực hiện. Tuy nhiên có thể ký kết hợp tác với các đơn vị khác để triển khai thực hiện nếu đơn vị hợp tác là những đơn vị có đủ năng lực và điều kiện thực hiện các nội dung trong phạm vi ký kết hợp tác. Giám đốc các bệnh viện khám sức khoẻ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc ký kết hợp tác với các đơn vị khác, đảm bảo thực hiện khám sức khoẻ đầy đủ nội dung và chất lượng.
* Sở Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các hoạt động khám sức khoẻ của các đơn vị và trong thời gian sắp tới sẽ đưa vào thang điểm kiểm tra hoạt động hàng năm của bệnh viện.
2. Giao Trung tâm sức khoẻ Lao động và Môi trường thiết kế các mẫu báo cáo và file lưu trữ dữ liệu khám sức khoẻ của từng người lao động, phổ biến các quy định để các cơ sở sử dụng lao động và các bệnh viện khám sức khoẻ tổ chức quản lý tốt dữ liệu khám sức khoẻ và báo cáo định kỳ số liệu khám sức khỏe về Trung tâm Sức khoẻ Lao động và Môi trường thành phố theo đúng quy định.
3. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc khám sức khoẻ định kỳ mỗi 3 tháng cho người lao động theo quy định; bảo quản, bảo mật sổ khám sức khoẻ, báo cáo các cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Trường hợp người lao động không tiếp tục làm việc tại cơ sở thì chủ cơ sở bàn giao sổ khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động.
4. Hướng dẫn này có giá trị thực hiện kể từ ngày ban hành thay thế cho hướng dẫn thực hiện khám kiểm tra sức khỏe bắt buộc cho các đối tượng này (nhóm B) tại công văn số 501/NVY-SYT ngày 13/3/1996 của Sở Y tế.
Trong quá trình thực hiện các hướng dẫn trên, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Y tế để nghiên cứu giải quyết.
Nơi nhận: | KT GIÁM ĐỐC |
- 1Thông tư liên tịch 11/2006/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn việc khám sức khoẻ định kỳ hàng quý cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư liên tịch 21/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn, quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế ban hành
- 3Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ kinh phí, thuốc khám sức khỏe định kỳ, kinh phí khám chữa bệnh thường kỳ đối với cán bộ tỉnh Lào Cai thuộc diện Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý
Hướng dẫn 3233/SYT-NVY năm 2007 về việc khám sức khỏe định kỳ hàng quý cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 3233/SYT-NVY
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 06/06/2007
- Nơi ban hành: Sở Y tế
- Người ký: Lê Trường Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/06/2007
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết