Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

THỐNG KÊ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI LÀ BỊ HẠI TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

Căn cứ Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 30/10/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Biểu mẫu thống kê người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự, VKSND tối cao (Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin) hướng dẫn thực hiện Biểu thống kê người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự như sau:

I. TRÁCH NHIỆM THỐNG KÊ, KỲ BÁO CÁO, THỜI HẠN, PHƯƠNG THỨC GỬI VÀ HIỆU CHỈNH BÁO CÁO THỐNG KÊ

1. Trách nhiệm thống kê

Đơn vị có trách nhiệm thực hiện Biểu thống kê người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự là đơn vị ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc nhận được Quyết định khởi tố vụ án hình sự để kiểm sát việc khởi tố.

Trường hợp sau khi có Quyết định khởi tố vụ án hình sự, vụ án đã được chuyển đi nơi khác để điều tra theo thẩm quyền thì đơn vị có trách nhiệm thống kê đề nghị đơn vị đang giải quyết vụ án bổ sung những tiêu chí còn thiếu.

2. Kỳ báo cáo thống kê

Báo cáo thống kê người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự được lập theo Kỳ báo cáo thống kê Tháng (từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của Tháng). Vụ án được Viện kiểm sát ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc nhận được Quyết định khởi tố vụ án hình sự của tháng nào thì thống kê vào tháng đó.

Trong trường hợp có tiêu chí bắt buộc phải thống kê nhưng trong kỳ báo cáo thống kê (trong tháng) chưa xác định thì phải bổ sung vào kỳ thống kê tháng kế tiếp và thông báo rõ cho VKSND tối cao (Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin).

3. Thời hạn, phương thức gửi và hiệu chỉnh báo cáo thống kê

Thời hạn, phương thức gửi và hiệu chỉnh báo cáo thống kê người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự được thực hiện theo Chế độ báo cáo thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 560/QĐ-VKSTC ngày 13/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

II. CÁCH GHI BIỂU THỐNG KÊ

Đối với 11 tội danh trong Bộ luật Hình sự có tình tiết định tội là người dưới 18 tuổi (các điều 124, 142, 144, 145, 146, 147, 151, 152, 153, 296 và Điều 329 thì phải thống kê đầy đủ các tiêu chí của Biểu mẫu. Các tội danh (điều luật) còn lại phải thống kê đầy đủ các tiêu chí từ Cột 1 đến Cột 5; các cột còn lại (từ Cột 6 đến Cột 22) chỉ thống kê nếu có thông tin. Cách thống kê từng cột như sau:

- Cột 1 (Tội danh): Ghi tội danh của bị can bị khởi tố mà có người dưới 18 tuổi là bị hại, không ghi theo tội danh của vụ án (tội danh của bị can đầu vụ).

+ Trường hợp trong vụ án hình sự mà bị can bị khởi tố theo nhiều tội danh, trong đó có tội danh thuộc 11 tội danh đã nêu trên, có tội danh không thuộc 11 tội danh này thì thống kê theo tội danh thuộc 11 tội danh đã nêu.

Ví dụ: Trong vụ án hình sự, bị can bị khởi tố về Tội giết người (Điều 123) và Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) thì thống kê theo Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (người dưới 18 tuổi là tình tiết định tội).

+ Trường hợp trong vụ án hình sự mà bị can bị khởi tố theo nhiều tội danh thuộc 11 tội danh đã nêu trên thì thống kê theo tội danh nặng nhất. Nếu các tội danh có mức hình phạt bằng nhau thì thống kê theo tội danh có số thứ tự nhỏ nhất trong Bộ luật Hình sự.

Ví dụ 1: Trong vụ án hình sự, bị can bị khởi tố về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) và Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) thì thống kê theo Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142).

Ví dụ 2: Trong vụ án hình sự, bị can bị khởi tố về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) thì thống kê theo Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146).

+ Trường hợp trong vụ án hình sự mà bị can bị khởi tố theo nhiều tội danh ngoài 11 tội danh đã nêu trên nhưng trong đó có tội danh bị khởi tố theo tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 18 tuổi thì thống kê theo tội danh có tình tiết định khung tăng nặng đó.

Ví dụ: Trong vụ án hình sự, bị can vừa thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với người dưới 16 tuổi (bị khởi tố theo điểm c khoản 2 Điều 170), vừa thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bị khởi tố theo Điều 174) thì thống kê theo Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170).

+ Trường hợp trong vụ án hình sự mà bị can bị khởi tố theo nhiều tội danh ngoài 11 tội danh đã nêu trên nhưng đều khởi tố theo khung hình phạt có tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 18 tuổi thì thống kê theo tội danh có khung hình phạt nặng nhất. Nếu các khung hình phạt có mức hình phạt bằng nhau thì thống kê theo tội danh có số thứ tự nhỏ nhất theo trong Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Trong vụ án hình sự, bị can vừa bị khởi tố về Tội Giết người theo điểm b khoản 1 Điều 123, vừa bị khởi tố về Tội hiếp dâm theo khoản 4 Điều 141 thì thống kê theo Tội giết người (Điều 123).

+ Trường hợp trong vụ án hình sự mà bị can bị khởi tố theo nhiều tội danh ngoài 11 tội danh đã nêu trên không thuộc tình tiết định khung tăng nặng (phạm tội đối với người dưới 18 tuổi) thì thống kê theo tội danh nặng nhất. Nếu các tội danh có mức hình phạt bằng nhau thì thống kê theo tội danh có số thứ tự nhỏ nhất trong Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Trong vụ án hình sự, bị can vừa bị khởi tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), vừa bị khởi tố về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tài sản (Điều 178) thì thống kê theo Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174).

- Cột 2 (Điều luật): Ghi tương ứng với tội danh (đã ghi tại Cột 1) được quy định trong Bộ luật Hình sự.

- Cột 3 (Số người bị hại dưới 18 tuổi): Thống kê số người thực tế.

- Cột 4 và Cột 5 (Phân tổ theo giới tính): Thống kê giới tính (Nam, Nữ) của người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự trong kỳ thống kê. Giới tính khác không thống kê.

(Cột 4 + Cột 5 ≤ Cột 3)

- Cột 6, 7, 8, 9 và Cột 10 (Phân tổ theo độ tuổi): Thống kê theo từng nhóm tuổi của người dưới 18 tuổi bị xâm hại (người bị hại) trong kỳ thống kê. Việc thống kê theo nhóm tuổi của người dưới 18 tuổi bị xâm hại (người bị hại) được căn cứ vào Hồ sơ vụ án hình sự (Kết luận điều tra, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh hoặc theo kết quả giám định...)

(Cột 6 + Cột 7 + Cột 8 + Cột 9 + Cột 10 = Cột 3)

- Cột 11 và Cột 12 (Phân tổ theo dân tộc):

+ Cột 11: Thống kê số người dưới 18 tuổi là bị hại thuộc dân tộc Kinh;

+ Cột 12: Thống kê số người dưới 18 tuổi là bị hại thuộc các dân tộc còn lại.

 Lưu ý: Nếu bị hại (người dưới 18 tuổi) là người nước ngoài thì không thống kê vào 2 cột này.

(Cột 11 + Cột 12 ≤ Cột 3)

- Cột 13 (Bị hại là người khuyết tật): Thống kê số bị hại (người dưới 18 tuổi) trong các vụ án hình sự là người khuyết tật theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Luật Người khuyết tật, cụ thể:

+ Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn;

+ Dạng tật và mức độ khuyết tật như: Khuyết tật vận động, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh, tâm thần, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật khác…

- Cột 14 (Bị hại là người sống lang thang): Thống kê số người dưới 18 tuổi sống lang thang (thường là người không có gia đình hoặc bỏ gia đình, không có nơi cư trú và chỗ ở ổn định…).

Cột 13 + Cột 14 ≤ Cột 3)

- Cột 15, 16, 17, 18 và Cột 19 (Phân tổ theo quan hệ giữa bị hại với bị can):

+ Cột 15 (Người thân thích): Thống kê số người dưới 18 tuổi bị xâm hại là người có quan hệ thân thích với bị can. Người thân thích được hiểu là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời (Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình).

+ Cột 16 (Người lệ thuộc): Thống kê số người dưới 18 tuổi bị xâm hại là người lệ thuộc với bị can về quan hệ xã hội, tôn giáo, tài chính… (trừ các trường hợp có quan hệ thân thích đã thống kê tại Cột 15), như: Thầy giáo, cô giáo, người chăm sóc, người khám chữa bệnh…

+ Cột 17 (Người quen biết): Thống kê số người dưới 18 tuổi bị xâm hại là người quen biết với bị can, trừ trường hợp ở Cột 15 và Cột 16.

+ Cột 18 (Người quen biết qua mạng): Thống kê số người dưới 18 tuổi bị xâm hại quen biết với bị can qua mạng (mạng Internet, mạng xã hội…).

Lưu ý: Số “người quen biết qua mạng” tại Cột 18 không nằm trong số “người quen biết” tại Cột 17.

+ Cột 19 (Người không quen biết): Thống kê số người dưới 18 tuổi là bị hại không quen biết với bị can.

(Cột 15 + Cột 16 + Cột 17 + Cột 18 + Cột 19 = Cột 3)

- Cột 20, 21 và Cột 22 (Phân tổ theo hậu quả của tội phạm):

+ Cột 20: Thống kê hậu quả người dưới 18 tuổi bị xâm hại dẫn đến chết;

+ Cột 21: Thống kê hậu quả người dưới 18 tuổi bị xâm hại dẫn đến tự sát;

+ Cột 22: Thống kê hậu quả người dưới 18 tuổi bị xâm hại dẫn đến có thai.

Cột 20 + Cột 21 + Cột 22 ≤ Cột 3)

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị liên hệ trực tiếp Phòng Thống kê Hình sự, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, VKSND tối cao (Cục 2) để được giải đáp hoặc hướng dẫn bổ sung./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- Các Đồng chí PVT VKSTC (để báo cáo);
- Văn phòng VKSND tối cao (để theo dõi);
- Các đơn vị (Vụ 1, 2, 3, 4, 5, 6)
VKSND tối cao (để thực hiện);
- VKSQS Trung ương (để thực hiện);
- VKSND cấp cao (để thực hiện);
- VKSND cấp tỉnh (để thực hiện);
- VKSND cấp huyện (để thực hiện);
- Lưu: VT, Cục 2.

TL. VIỆN TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC THỐNG KÊ TỘI PHẠM
VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN




Trần Văn Trung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 32/HD-VKSTC năm 2020 về thống kê người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 32/HD-VKSTC
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 05/11/2020
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Trần Văn Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản