Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BẢO HIỂM XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3151/HD-BHXH | Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2014 |
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THỰC HIỆN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ
Ngày 13/6/2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (sau đây gọi là Luật BHYT sửa đổi), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Để Luật BHYT sửa đổi được quán triệt, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành, nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân và thực hiện Kế hoạch số: 2800/KH-BHXH ngày 31/7/2014 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi. BHXH Việt Nam hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi như sau:
- Triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Luật BHYT sửa đổi giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008, những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi; tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội về việc triển khai và thực thi Luật BHYT sửa đổi đối với các ngành, các cấp.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành và thực hiện những quy định của Luật BHYT sửa đổi. Đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động người lao động, chủ sử dụng lao động và nhân dân thực hiện tốt những quy định của Luật BHYT sửa đổi.
- Công tác tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi cần được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng khắp tới tất cả các nhóm đối tượng với nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo các đối tượng được tiếp cận đầy đủ những thông tin về chính sách BHYT nhất là những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi từ đó làm cho mọi người hiểu và tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH, vì vậy mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH là một tuyên truyền viên về BHYT. Góp phần hoàn thành mục tiêu và chỉ tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số cả nước tham gia BHYT.
1. Tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Nhấn mạnh BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tuyên truyền làm rõ trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp thực hiện chính sách BHYT để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo địa phương, đơn vị.
2. Tuyên truyền về sự cần thiết và ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi.
3. Chú trọng tuyên truyền, cung cấp những thông tin về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ, phương thức và thủ tục đối với người tham gia BHYT, nhấn mạnh sự chia sẻ giữa các thành viên tham gia với phương châm lấy số đông bù số ít.
4. Tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật BHYT sửa đổi, trong đó nhấn mạnh những điểm mới của Luật như sau:
4.1. Về hình thức tham gia BHYT
BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
4.2. Về nhóm đối tượng tham gia BHYT
- Sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, bao gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tự đóng BHYT.
- Bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT. Bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo; người đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
4.3. Về mức đóng BHYT và phương thức đóng BHYT
Bổ sung quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc một năm, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ BHYT.
4.4. Về mức hưởng BHYT
- Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
- Bổ sung quy định miễn cùng chi trả cho thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cùng chi trả 5%. Miễn chi trả cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
- Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT trong điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.
- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến trung ương được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú, có mức hưởng theo quy định và không bị coi là vượt tuyến, trái tuyến.
- Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, có mức hưởng theo quy định và không bị coi là vượt tuyến, trái tuyến.
4.5. Về thẻ BHYT
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.
- Người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
4.6. Về trách nhiệm của các đơn vị
- Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện BHYT.
- Giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.
1. Đối với BHXH Việt Nam
1.1. Ban Tuyên truyền
- Chủ động phối hợp với Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương, tham mưu để đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam tham dự và trực tiếp báo cáo, cung cấp thông tin về Luật BHYT sửa đổi tại hội nghị giao ban công tác tuyên giáo và hội nghị giao ban các tổng biên tập các cơ quan báo chí toàn quốc.
- Phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi theo nội dung chương trình phối hợp. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi theo các nhóm đối tượng tại cơ sở.
- Căn cứ nội dung chương trình phối hợp, giữ mối liên hệ với các cơ quan truyền thông quốc gia là Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí thường xuyên có tin, bài, phóng sự tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi.
- Duy trì việc cung cấp thông tin báo chí định kỳ và đột xuất.
- Triển khai kế hoạch tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi tại lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền do BHXH Việt Nam tổ chức nhằm thống nhất định hướng tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền của BHXH các địa phương trong cả nước.
- Tổ chức biên tập, in ấn và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền về Luật BHYT sửa đổi.
- Trang điện tử của BHXH Việt Nam tăng cường lượng tin, bài tuyên truyền về Luật BHYT sửa đổi.
1.2. Các Ban nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
- Các Ban nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Văn phòng, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Ban Thu, Ban Sổ - Thẻ, Ban Dược và Vật tư y tế, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam),...phối hợp với Ban Tuyên truyền chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để kịp thời có tin, bài phản ánh, tuyên truyền về Luật BHYT sửa đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Ban Thực hiện chính sách BHYT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên truyền và Văn phòng tổ chức phổ biến các nội dung của Luật BHYT sửa đổi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan BHXH Việt Nam.
1.3. Báo BHXH, Tạp chí BHXH
Mở chuyên trang, chuyên mục và tăng cường lượng tin, bài tuyên truyền về Luật BHYT sửa đổi, đồng thời bổ sung tăng số lượng cấp, biếu Báo BHXH và Tạp chí BHXH đối với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện trên phạm vi toàn quốc từ nay cho tới cuối năm 2014. Từ năm 2015 trở đi sẽ tiếp tục xem xét mở rộng việc cấp, biếu Báo BHXH, Tạp chí BHXH đối với một số đối tượng khác ở cơ sở.
2. Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) chủ động báo cáo với cấp ủy, chính quyền, đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh về những nội dung và kết quả thực hiện chính sách BHYT.
- Phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy chỉ đạo, định hướng các hoạt động tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi tại địa phương.
- Cung cấp thông tin, số liệu có liên quan đến Luật BHYT sửa đổi để đăng trên tờ tin Nội bộ của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy phát hành đến các chi bộ.
- Phối hợp với các cơ quan báo, đài tại địa phương tăng cường tin, bài tuyên truyền về Luật BHYT sửa đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
- Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan, tổ chức tuyên truyền tư vấn, đối thoại về Luật BHYT sửa đổi theo các nhóm đối tượng tại cơ sở, trong đó lưu ý đến đối tượng là chủ sử dụng lao động; lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xã viên các hợp tác xã, làng nghề; đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ....
3. Thời gian thực hiện
Công tác tuyên truyền thực hiện Luật BHYT sửa đổi được triển khai liên tục và rộng khắp bắt đầu từ tháng 8 năm 2014 và tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo.
Kinh phí để thực hiện các hoạt động tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi tại BHXH Việt Nam và tại BHXH các tỉnh được lấy từ nguồn kinh phí tuyên truyền năm 2014 và các năm tiếp theo do BHXH Việt Nam cấp.
Trên đây là hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Luật BHYT sửa đổi. BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Công văn 4996/BHXH-CSYT năm 2014 hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 2Công văn 3995/BHXH-NVGĐ1 năm 2014 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Công điện 01/CĐ-TTg năm 2015 triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4Thông báo 5356/TB-BHXH năm 2014 kết luận của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo tại Hội nghị triển khai, tập huấn thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 5Công văn 9541/BYT-BH năm 2014 về chỉ đạo triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành
- 1Luật bảo hiểm y tế 2008
- 2Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014
- 3Kế hoạch 2800/KH-BHXH năm 2014 thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 4Công văn 4996/BHXH-CSYT năm 2014 hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 5Công văn 3995/BHXH-NVGĐ1 năm 2014 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 6Công điện 01/CĐ-TTg năm 2015 triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Thủ tướng Chính phủ điện
- 7Thông báo 5356/TB-BHXH năm 2014 kết luận của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo tại Hội nghị triển khai, tập huấn thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 8Công văn 9541/BYT-BH năm 2014 về chỉ đạo triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành
Hướng dẫn 3151/HD-BHXH năm 2014 triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 3151/HD-BHXH
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 27/08/2014
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Đỗ Thị Xuân Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/08/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra